Hé lộ những chi tiết mới về cấu tạo của tàu ngầm thông thường lớn nhất thế giới do Trung Quốc đóng để thử các loại vũ khí mới.
Sơ đồ tàu ngầm Trường thành-201 (club.mil.news.sina.com.cn)
Một số sơ đồ chi tiết bố trí bên trong của tàu ngầm thông thường lớn nhất thế giới lớp 032 đã được đăng tải trên trang mạng quân sự Trung Quốc http://club.mil.news.sina.com.cn/. Được Trung Quốc gọi là “Trường thành-201”, còn NATO gọi là lớp Thanh, tàu ngầm này từ lâu là đối tượng đồn đoán do kích cỡ và chức năng của nó.
Được đóng xong tại xưởng đóng tàu ở Vũ Hán vào năm 2010, nó được đưa vào biên chế hải quân Trung Quốc vào tháng 10/2012. Tàu có chiều dài hơn 90 m, lượng giãn nước khi lặn là 6.628 tấn. Điều đó biến “Trường thành” trở thành tàu ngầm lớn nhất trong các tàu cùng loại trong tất cả các hạm đội tàu ngầm thế giới.
Kỷ lục trước đó thời Thế chiến II do người Nhật lập với các tàu sân bay ngầm tầm siêu xa I-400 lớp Sen Toku có lượng giãn nước khi lặn 6.560 tấn. Nhật chỉ đóng được 3 tàu ngầm loại này, chúng có thể mang được đến 4 máy bay và vẫn là những tàu ngầm điện-diesel lớn nhất cho đến khi xuất hiện các tàu ngầm nguyên tử đầu tiên.
Tàu ngầm lớp Thanh Qing thu hút chú ý không chỉ bởi kích thước. Theo các nguồn tin công khai, quân đội Trung Quốc đóng tàu ngầm này để thử nghiệm các loại vũ khí tối tân, trong đó có các loại ngư lôi, tên lửa, tàu lặn robot tiên tiến. Trên tàu ngầm có tổng cộng 4 bệ phóng thẳng đứng cho tên lửa hành trình, 2 ống phóng lôi, 2 bệ phóng tên lửa đường đạn và không gian dành cho các phương tiện đặc biệt.
Tàu ngầm điện-diesel lớp Type 032 (military.dwnews.com)
Trên các sơ đồ được công bố trên mạng, có thể thấy rằng, trên tàu ngầm có chỗ không chỉ cho thủy thủ đoàn, mà còn có thể chở theo một nhóm khoa học gia hay kỹ sư cũng trang thiết bị, hoặc một phân đội đặc nhiệm.
Một blog quân sự Nga cho rằng, lần đầu tiên trong thực tế ngành đóng tàu Trung Quốc, Type 032 được lắp khoang cứu sinh nổi tương tự như các thiết bị trên các tàu ngầm nguyên tử Nga.
Với thủy thủ đoàn 88 người, Type 032 có thể lặn dưới nước 1 tháng. Điều đó biến tàu ngầm này trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ. Nó có thể xâm nhập khá sâu vào các vùng biển Thái Bình Dương để tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ bằng các tên lửa đường đạn JL-2 tầm bắn 8.000-12.000 km.
Chuyên gia hải quân Nga Vladimir Shcherbakov nhận định là sẽ là quá sớm để không tính đến tàu ngầm điện-diesel nữa. Ông nói: “Khó khăn chính của các tàu ngầm này là hệ thống động lực. Việc chế tạo động cơ không cần không khí đã cho phép giải quyết vấn đề phải liên tục nổi lên mặt biển để nạp acquy và gia tăng mạnh thời gian hoạt động độc lập của chúng. Ở các vùng ven bờ, nước nông, các tàu ngầm đó có thể là giải pháp tốt nhất, tàu ngầm nguyên tử dẫu sao vẫn là tàu đại dương”.
Theo ông Shcherbakov, Nga tụt hậu xa trong lĩnh vực tàu ngầm thông thường, mặc dù vẫn có tiềm năng. “Người Pháp, người Đức và người Thụy Điễn đã vượt qua chúng ta nhiều và lâu. Chúng ta không có động cơ AIP. Nhưng chúng ta có các tàu ngầm mới dạng như lớp Projekt 677 Lada, còn lớp Projekt 636 (các tàu ngầm thông thường tối tân nhất của Nga, hiện đang đóng 4 chiếc) vẫn chưa hết tiềm năng”, Shcherbakov bình luận.
Theo VietNamDefence.com
Comments[ 0 ]
Post a Comment