Gần đây, các phương tiện truyền thông Nga đã loan tải thông tin cho biết Quân đội Việt Nam sẽ mua khoảng 100 xe tăng T-90 từ Nga. Thông tin này được ông Vladimir Roshupkina - Giám đốc tập đoàn Uralvagonzavod cho biết với tờ Tin tức (Izvestia) của Nga, ông cũng cho biết thêm rằng, hiện hai bên vẫn chưa thống nhất được về giá. Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam cần mua xe tăng T-90, liệu động thái này có phải là để nhắm vào Trung Quốc?
Xe tăng T-90MS của Nga
Xe tăng vẫn là những trang thiết bị vũ khí rất quan trọng đối với quân đội, vai trò của trang bị vũ khí này trong các cuộc chiến trên bộ vẫn không hề thay đổi. Do đó, nhiều nước đã và vẫn chú trọng phát triển xe tăng và các trang bị liên quan.
Vào ngày 05 tháng 10 năm 1959, Trung đoàn 202 là đơn vị xe tăng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập. Vào thời điểm đó, Trung đoàn này chỉ được trang bị vài chục xe tăng T-34-85 và các pháo tự hành SU-76. Sau đó, Quân đội Việt Nam tiếp tục được Liên Xô và Trung Quốc viện trợ một số lượng lớn các xe tăng T-54/55,59 và xe tăng lội nước PT-76. Lực lượng Tăng-Thiết giáp của Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục được đầu tư và phát triển. Đến năm 1974, Việt Nam đã có đến 9 trung đoàn xe tăng.
Sau khi kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ thống nhất đất nước, Quân đội Việt Nam không chỉ có thêm xe tăng T-62 mà còn thu được các chiến lợi phẩm của Mỹ như xe tăng M-41 và M-48 và một số xe lội nước khác của Mỹ và Liên Xô.
Xe tăng MBT-2000 của Trung Quốc
Sau chiến tranh Quân đội Việt Nam đã có khoảng 2.000 xe tăng các loại, đây là quốc gia có số lượng xe tăng và xe bọc thép lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Sau khi Liên Xô tan rã, viện trợ từ nước ngoài không còn, Việt Nam vẫn còn xe tăng T-62 là trang bị tiên tiến nhất. Hiện tại, Quân đội Nhân dân Việt Nam có khoảng 1.300 xe tăng các loại như T-54/55 và T-59, T-62.
Bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam đã bị bỏ lại phía sau so với các nước láng giềng về trang bị của lực lượng Tăng-Thiết giáp. Như việc Malaysia mua 48 xe tăng PT-91M từ Ba Lan vào năm 2003 và trở thành quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á có trang bị xe tăng chủ lực thế hệ thứ ba.
Xe tăng Type-99 của Trung Quốc
Năm 2006, Singapore đã mua 66 xe tăng Leopard 2A4 từ Đức cộng thêm 30 xe tăng đã có trong trang bị, sau đó các xe tăng này được nâng cấp và đặt tên là Leopard 2NG, đưa quốc gia này lên vị trí thứ hai ĐNA về sức mạnh lực lượng Tăng-Thiết giáp.
Trung Quốc được coi là quốc gia có lực lượng xe tăng lớn nhất thế giới
Trong năm 2011, Thái Lan đã đặt mua từ Ukraine 49 xe tăng T-84 Oplot-T và dự kiến sẽ mua khoảng 200 xe. Ngoài ra, Indonesia và Myanmar cũng đã trang bị các xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba. Ngược lại, Quân đội Việt Nam vẫn trang bị các xe tăng đã cũ và lạc hậu từ thời Chiến tranh Lạnh.
Xe tăng T-55M3 của Việt Nam
Năm 2005, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã lên kế hoạch mua 150 xe tăng T-72 đã cũ từ Ba Lan, nhưng kế hoạch không thành. Để đáp ứng nhu cầu cấp bách cần phải trang bị các xe tăng hiện đại cho quân đội, Việt Nam đã lên kế hoạch nâng cấp các xe tăng cũ đang có trong trang bị.
Năm 2013, các phương tiện truyền thông Việt Nam đã loan tải các hình ảnh về mẫu xe tăng nâng cấp T-55M3. Những hình ảnh công bố trên xe tăng T-55M3 cho thấy sự thay đổi lớn về các trang bị như pháo, tháp pháo, giáp và một số trang bị tiên tiến khác. Theo một số thông tin tiết lộ từ Việt Nam, đây là mẫu nâng cấp xe tăng với sự hỗ trợ kỹ thuật của Israel, sẽ có khoảng 300 xe tăng được nâng cấp lên chuẩn T-55M3.
Xe tăng T-62 của QĐNDVN
Mặc dù được nâng cấp, nhưng xe tăng T-55 vẫn không thể là đối thủ của các loại xe tăng chủ lực thế hệ ba khác.
Xe tăng chiến đấu T-90 là thành tựu của tập đoàn Uralvagonzavod của Nga, được nâng cấp và phát triển từ xe tăng T-72 của Liên Xô, xe tăng T-90 có nhiều thay đổi lớn về trang thiết bị vũ khí, sức chiến đấu tương đương với các xe tăng thế hệ thứ ba của các quốc gia khác trên thế giới. Ưu thế cạnh tranh của T-90 là giá, nó rẻ hơn xe tăng T-80 của Ukraine, hiệu suất tốt hơn so với T-72, và xe tăng T-90 nhanh chóng trở thành “đứa con cưng” của quân đội Nga và đã được xuất khẩu sang nhiều nước như Ấn Độ, Albania và nhiều nước khác.
Việc Quân đội Nhân dân Việt Nam được trang bị xe tăng T-90 sẽ cải thiện đáng kể sức mạnh chiến đấu. Vì hầu hết lực lượng xe tăng của Việt Nam là những trang bị vũ khí đã cũ và lạc hậu từ thời Liên Xô. Trong khi đó, đến nay hầu hết các trang bị vũ khí của Quân đội Việt Nam vẫn là của Liên Xô và Nga, Nga vẫn duy trì mối quan hệ quân sự gần gũi với Việt Nam, như việc Việt Nam mua máy bay chiến đấu Su-30, tàu ngầm lớp Kilo, tàu chiến Gepard, tàu tên lửa Molniya, tên lửa Kh-35, hệ thống Bastion-P, tên lửa phòng không S-300… Như vậy, việc Quân đội Nhân dân Việt Nam lựa chọn xe tăng T-90 là một sự lựa chọn hợp lý.
“Việt Nam là đối tác lâu đời của chúng tôi, các đối thủ khác đang cạnh tranh với chúng tôi tại thị trường này. Gần đây, phía Việt Nam đã lựa chọn một nhà thầu Israel để sản xuất súng trường chứ không phải là Kalashnikov của Nga. Người Pháp cũng đang đẩy mạnh hợp tác kỹ thuật-quân sự, cạnh tranh mạnh và muốn đẩy chúng rôi ra khỏi thị trường này. Tốt hơn hết là không nên để mất đối tác truyền thống này”, ông Ruslan Pukhov - Giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ (CAST, Moskva, Nga) cho biết.
Việc Quân đội Việt Nam sắp trang bị các xe tăng T-90 đã dấy lên một số thông tin cho rằng, động thái này là nhắm vào Trung Quốc. Trên thực tế, Quân đội Trung Quốc hiện có trên 3.000 xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ thứ ba, bao gồm 600 xe tăng Type-99, và 96 xe tăng MBT-2000. Trong khi đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ với hơn 100 xe tăng chiến đấu T-90 trong trang bị. Trên các đảo ở Biển Đông việc triển khai các xe tăng này là không phù hợp.
Tóm lại, Việt Nam lên kế hoạch trang bị các xe tăng chiến đấu T-90 là với mục đích nhằm nâng cao mức độ hiện đại hóa trong trang bị của quân đội, thu hẹp khoảng cách với các nước láng giềng Đông Nam Á, không phải mục đích nhắm vào Trung Quốc.
Theo Sohu
Comments[ 0 ]
Post a Comment