Tại hội thảo khoa học quốc tế “An ninh môi trường và hàng hải vì một Biển Đông xanh” , các học giả đã đề xuất các giải pháp bảo đảm tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc vào cách bờ biển Đà Nẵng 45 hải lý, liên tục cản trở, gây rối việc cứu hộ cứu nạn ngư dân của cơ quan chức năng Việt Nam hồi tháng 1-2016 - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ
"Biển Đông giống như miền Viễn Tây của Hoa Kỳ theo nghĩa ở đây đang tồn tại luật rừng, vì Trung Quốc đã phớt lờ các quy định và cam kết quốc tế. Tuy vậy, Biển Đông là một không gian được quản lý theo nguyên tắc pháp luật chứ không phải luật rừng", GS Eric David (Bỉ)
Đây là hội thảo tổ chức ở TP Hải Phòng hôm 11 và 12-10, các đề xuất nói trên được đưa ra cùng với những sáng kiến về các “giải pháp xanh”.
Trong phiên thảo luận về tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, các học giả đã chỉ ra Trung Quốc mới thật sự là bên đe dọa tự do hàng hải thông qua các hoạt động cụ thể trong bối cảnh hậu phán quyết của Tòa trọng tài.
Phải dùng luật pháp ngăn chặn luật rừng
TS Trần Công Trục, chuyên gia pháp lý hàng hải và nguyên trưởng Ban biên giới Chính phủ, cho biết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) đã quy định trong vùng đặc quyền kinh tế, tất cả quốc gia, dù có biển hay không có biển, trong những điều kiện do công ước trù định, được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không.
Còn trong vùng lãnh hải, công ước quy định tàu thuyền của tất cả quốc gia, có biển hay không có biển, đều được hưởng quyền đi qua lại không gây hại.
Ông Alberto A. Encomienda, cựu quan chức ngoại giao Philippines đồng thời là chuyên gia về luật và chính sách, cho rằng yêu sách chủ quyền phi lý theo đường chín đoạn và các hành động đơn phương của Trung Quốc đã làm gia tăng các rủi ro đối với an ninh hàng hải, hàng không và môi trường ở Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Alberto thông tin thêm: ba tháng sau phán quyết của Tòa trọng tài vụ Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông (12-7-2016), tự do hàng hải cho các tàu thương mại và hải quân đã không bị đe dọa.
“Trong một môi trường biển dễ bị tổn thương của Biển Đông, an ninh hàng hải và tự do hàng hải phải tuân theo quy định quản lý và quản trị đại dương, không được hủy hoại nó. Đề xuất trước mắt là phải tiếp tục và mở rộng hợp tác song phương Philippines - Việt Nam về nghiên cứu khoa học và thám hiểm ở Biển Đông” - ông Alberto nói.
Trong khi đó, GS Eric David, khoa công pháp quốc tế ĐH Tự do Bruxelles (Bỉ), khẳng định Trung Quốc đã vi phạm quyền tự do hàng hải của các tàu Philippines thông qua việc thực thi luật pháp của mình xung quanh bãi cạn Scarborough.
“Các tàu Trung Quốc đã tạo ra những rủi ro về va chạm, gây nguy hiểm cho tàu và người của Philippines. Hành xử đó không phù hợp với các quy định của Công ước quốc tế về các quy định quốc tế ngăn ngừa các va chạm trên biển (COLREGS) ràng buộc cả Philippines và Trung Quốc từ năm 2013” - GS Eric David nhấn mạnh.
GS Eric David dẫn kết quả phán quyết của Tòa trọng tài chỉ ra rằng: bằng việc nỗ lực ngăn cản việc tiếp tế và luân chuyển quân của Philippines cùng với thông qua việc tăng cường xây dựng đảo nhân tạo trên các bãi cạn lúc chìm lúc nổi trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm và mở rộng tranh chấp giữa các bên.
“Biển Đông giống như miền Viễn Tây của Hoa Kỳ theo nghĩa ở đây đang tồn tại luật rừng, vì Trung Quốc đã phớt lờ các quy định và cam kết quốc tế. Tuy vậy, Biển Đông là một không gian được quản lý theo nguyên tắc pháp luật chứ không phải luật rừng” - ông David nhấn mạnh.
TS Trần Công Trục bày tỏ quan ngại quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông đang bị đe dọa bởi những yêu sách và hành động bất chấp luật pháp của Trung Quốc, như giải thích và áp dụng sai các quy định của UNCLOS 1982 để “hợp thức hóa” yêu sách đường 9 đoạn chiếm trên 80% diện tích Biển Đông.
Cần đoàn kết
để đấu tranh
Hành động đe dọa tự do hàng hải của Trung Quốc còn được thể hiện qua việc nước này xâm chiếm lãnh thổ của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bằng vũ lực, tiến hành quân sự hóa Biển Đông, xây dựng đảo nhân tạo và các căn cứ quân sự, công trình nhân tạo và các căn cứ quân sự, các công trình nhân tạo trên các thực thể địa lý không phải là đảo theo định nghĩa tại điều 121 của UNCLOS 1982.
Những hành động đe dọa khác, theo TS Trục, là việc Trung Quốc huy động đông đảo các loại tàu thuyền, phương tiện đánh bắt hải sản, thăm dò nghiên cứu khoa học, các tàu chấp pháp, tàu chiến ở Biển Đông cũng như ban hành các quy định, quyết định pháp lý để các lực lượng chấp pháp, hành pháp, tư pháp thực hiện nhằm kiểm soát và khống chế các hoạt động hợp pháp trên biển của các quốc gia khác.
Nói trước các đại biểu tại hội nghị, ông Trục đề xuất cộng đồng quốc tế và khu vực cần đoàn kết đấu tranh kêu gọi và buộc các bên tranh chấp - đặc biệt là Trung Quốc - phải tôn trọng UNCLOS 1982, tôn trọng các cam kết trong khu vực và quốc tế như Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc ký với các nước ASEAN năm 2002.
Ngoài ra, các bên liên quan cần kiến nghị Liên Hiệp Quốc và các tổ chức liên quan có giải pháp cụ thể, thiết thực để đảm bảo thi hành phán quyết của Tòa trọng tài ngày 12-7-2016.
Cuối cùng, kiến nghị lập một tổ chức khu vực có quyền hạn kiểm soát và điều chỉnh mọi hoạt động trong vùng biển cả nằm ngoài giới hạn tài phán quốc gia, nhất là vấn đề đảm bảo quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Theo Báo Tuổi Trẻ
Comments[ 0 ]
Post a Comment