Theo Reuters, “ông Duterte nói rằng ông có thể sẽ viếng thăm Nga và Trung Quốc năm nay để thiết lập một chính sách ngoại giao độc lập và mở rộng liên minh với hai cường quốc vốn là đối thủ truyền kiếp của Hoa Kỳ. Philippines đã ở vào thời điểm không thể quay trở lại mối liên hệ với Hoa Kỳ đã từng đô hộ đất nước này cho nên cần phải tăng cường ngoại giao với những nước khác và đã lựa chọn hai cường quốc mà Washington đang đối đầu trên vũ đài chính trị thế giới.”
Chính sách ngoại giao đa phương, nôm na là giao hảo với tất cả các đại cường, là chính sách ngoại giao khôn ngoan của nước nhỏ để giữ yên đất nước. Tuy nhiên theo đuổi chính sách này không phải dễ.
- Có những quốc gia do yếu tố địa lý chính trị (geopolitics) không thể theo chính sách ngoại giao đa phương mà phải cột chặt vào qũy đạo của một đại cường nào đó, chẳng hạn như Mexico và Canada. Giả thử ngày mai đây nếu Mexico hay Canada theo chính sách ngoại giao đa phương bằng cách “giao hảo” với Nga hay Tàu, lập tức Hoa Kỳ sẽ tìm cách lật đổ chính quyền hiện hữu để thiết lập một chính quyền thân Mỹ tại đây. Nếu Nga hay Tàu có một căn cứ hải quân hay không quân tại đây, thì Mỹ sẽ tiến quân vào, chia cắt đất nước này để lập một vùng trái độn chứ không bao giờ chấp nhận để Mexico hay Canada trở thành bàn đạp để tấn công Hoa Kỳ giống như tình trạng của Ukraine bây giờ. Do yếu tố địa lý, do nhược tiểu so với Mỹ, hai quốc gia Mexico, Canada sẽ là “đàn em” trung thành với Hoa Kỳ muôn đời và không bao giờ có chính sách ngoại giao độc lập hay đa phương.
- Đối với những quốc gia nằm trong vùng tranh chấp giữa các đại cường như Việt Nam và Philippines, nếu muốn tồn tại và vươn lên và không để đất nước mình biến thành bãi chiến trường đẫm máu thì bắt buộc phải theo chính sách ngoại giao đa phương tức giao hảo và cân bằng ảnh hưởng giữa các siêu cường. Hiện nay ba quốc gia có tầm ảnh hưởng rộng lớn ở khu vực theo thứ tự và theo thực lực là: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga. Nhật Bản cũng có ảnh hưởng nhưng không phải ảnh hưởng quyết định. Do đó một chính sách ngoại giao đa phương cho các quốc gia trong vùng Biển Đông là phải giao hảo với ba “ông kẹ” Mỹ, Nga và Tàu. Rõ ràng Philippines đã theo chân Việt Nam để theo đuổi chính sách này. Thế nhưng chính sách ngoại giao “đu dây” vô cùng khó khăn và đòi hỏi nhiều điểu kiện.
Thứ nhất: Chính trị nội bộ phải ổn định. Nếu chính phủ muốn giao hảo với Mỹ hay Trung Quốc mà đối lập kích động dân chúng xuống đường biểu tình chống Mỹ hay Trung Quốc thì sách lược ngoại giao gặp khó khăn.
Thứ hai: Đất nước phải đủ mạnh để không bị lệ thuộc ngoại bang về kinh tế cũng như quốc phòng.
Thứ ba: Phải có bản lĩnh và vô cùng linh động. Âm thầm mà làm, không tuyên bố ồn ào, tránh khiêu khích hay chạm tự ái lãnh đạo các quốc gia khác dù trong bụng mình khinh thường hay căm ghét.
Thứ tư: Không nên có bất cứ lời tuyên bố chính thức nào của chính phủ chống đối lại một trong ba “ông kẹ” nói trên trong những vấn đề quốc tế. Chính sách ngoại giao đa phương cũng là chính sách “giả ngu giả điếc” hay nói nôm na là “ngậm miệng ăn tiền” giống như Phần Lan. Ba “Ông Kẹ” đụng độ với nhau, mình là “tép riu” sức đâu mà “bình luận” hay phê phán ngoại trừ liên quan đến quyền lợi của đất nước. Ngay như Úc còn phải “ngậm miệng” trước sự hung hãn của Trung Quốc tại Biển Đông. Trong trường hợp bảo vệ quyền lợi của đất nước, dù hành động cương quyết nhưng vẫn chừng mực, trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Cái “phao” để các nước nhỏ bám vào là Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế. Việc ông Duterte đe dọa rút ra khỏi Liên Hiệp Quốc là tuyên bố thiếu suy nghĩ.
Thứ năm: Xin nhớ cho, chính sách ngoại giao đa phương là chính sách không chống ai. Nếu ông Duterte tiếp tục có những lời tuyên bố chống Mỹ hay phớt lờ quyền lợi của Mỹ tại Biển Đông thì chính sách ngoại giao đó sẽ thất bại. Rất may mới đây ông tuyên bố chấp nhận tuần tra chung với Mỹ tại Biển Đông và đã viếng thăm Việt Nam. Các nước nhỏ cần phải liên kết với nhau để ít ra trong lúc "‘tối lửa tắt đèn” sẽ hỗ trợ và bênh vực lẫn nhau. Thực ra, Philippines chẳng thua thiệt gì nếu họ làm như Việt Nam đã làm là tuyên bố, “sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Biển Đông là cần thiết nếu nó đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực.” Lời tuyên bố này sẽ làm Hoa Kỳ “mát lòng mát dạ” dù sau đó ông Duterte có ghé thăm Bắc Kinh hay Moskva thì cũng Hoa Kỳ cũng sẽ lờ đi.
Theo tôi, chính sách ngoại giao đa phương của ông Duterte chỉ thành công và đem lại phúc lợi cho Philippines nếu “không chống Mỹ” và chấp nhận sự hiện diện quân sự của Mỹ ở một mức độ nào đó hầu làm đòn bẩy để ông “làm bạn” hay “đu dây” với Bắc Kinh mà không bị lên án là “ngả” theo Trung Quốc. Theo RFI ngày 21/9/2016, Ô. Duterte nói rằng “Manila cần có quân đội Mỹ hiện diện tại Biển Đông.” Đây là lời tuyên bố cần thiết cho sinh mệnh của Philippines. Nhân chuyến công du Việt Nam của ông Duterte, Newsweek ngày 29/9/2016 đưa nhận định, “Việc Philippines tiếp tục công kích Hoa Kỳ khiến Việt Nam lo ngại, ông Duterte có thể tham khảo với các nhà lãnh đạo Việt Nam xem cách họ điều hành mối liên hệ với Hoa Kỳ,Trung Quốc và Nhật Bản trong bối cảnh vô cùng phức tạp ngày hôm nay.” (Duterte might consult Vietnam's leaders about how they manage relations with China, the United States, and Japan in what was now "a very complicated environment.) Cùng ngày, AFP loan tin, “Bộ Trưởng Quốc Phòng Carter nói rằng, “Liên minh quân sự Mỹ-Phi vững như bàn thạch cho dù tổng thống nước này nói rằng sẽ chấm dứt những cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ.” Điều này cho thấy Mỹ quyết tâm ở lại Philippines cho dù lập trường của ông Duterte thế nào đi nữa.
Trong tương quan lực lượng của thế giới ngày hôm nay, không một quốc gia nào, kể cả Nga hay Trung Quốc có thể phớt lờ cảnh báo cũng như quyền lợi của Mỹ. Theo tin tức ngày 27/9/2016, tàu duyên phòng Trung Quốc đã xua đuổi tàu đánh cá Philippines tại Bãi cạn Scarborough cho dù Tổng thống Duterte kêu gọi Trung Quốc cho phép Phi được đánh cá tại Vùng Đặc Quyền Kinh Tế của chính mình. Liệu Philippines có thể “làm bạn” với Trung Quốc được không? Do đó, dù độc lập dân tộc là tối thượng, dù quá khứ Mỹ đô hộ Philippines (1898-1946) là tủi nhục, nhưng ông Duterte phải hết sức thận trọng để tránh một thảm họa cho chính ông và cho đất nước ông.
Đào Văn Bình
(California ngày 30/9/2016)
Comments[ 0 ]
Post a Comment