Trung Quốc chuẩn bị mua 4 tàu ngầm lớp Lada và 24 máy bay chiến đấu đa năng Su-35 của Nga với nhiều ý đồ sâu xa.
Tháng Ba vừa qua, ngay sau khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông Tập Cận Bình đã sang thăm Nga. Bắc Kinh và Mosow nhanh chóng đạt được hiệp định mua bán vũ khí quan trọng. Theo đó, Trung Quốc sẽ nhập khẩu từ Nga 4 chiếc tàu ngầm lớp Lada và 24 máy bay chiến đấu đa năng Su-35.
Bề ngoài, đây đơn thuần chỉ là một hợp đồng mua bán vũ khí, nhưng trên thực tế lại là hạng mục hợp tác hoàn toàn mới, chưa từng có trong lịch sử Trung – Nga, mở đường cho việc hai bên cùng nghiên cứu và sản xuất trang thiết bị quân sự. Trong hai hạng mục nhập khẩu vũ khí mới từ Nga, đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc sẽ có được những chiếc tàu ngầm lớp Lada đầu tiên ngoài Nga.
Phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm lớp Lada này được gọi là lớp Amur, giống như lớp Kilo, đều chạy bằng nhiên liệu diezel – điện. Thiết kế của loại tàu ngầm lớp Lada được hoàn thành từ 20 năm trước, nhưng mãi đến năm 2010, chiếc tàu ngầm lớp Lada đầu tiên mang tên “St.Peterburg mới được bàn giao cho hải quân Nga chạy thử. So với tàu ngầm lớp Kilo vốn đã nổi danh trên thế giới, tàu ngầm lớp Lada có thể coi là phên bản hoàn thiện những khiếm khuyết của tàu ngầm Kilo.
Tàu ngầm lớp Lada
Trung Quốc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada nhằm đa nguyên hóa đội tàu ngầm của mình và tăng thêm biện pháp tấn công. Ngoài ra, việc Trung Quốc sở hữu tàu ngầm lớp Lada còn khiến đối thủ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đối phó. Ngoài ý nghĩa về mặt quân sự nêu trên, nguyên nhân chính trị và kinh tế cũng đóng vai trò hết sức quan trọng thúc đẩy Trung Quốc nhập khẩu tàu ngầm lớp Lada.
Một là nhằm tránh đẩy ngành công nghiệp quân sự Trung Quốc rơi vào tình trạng dư thừa sản xuất, từ đó kéo sập nền kinh tế nước này. Lỗ hổng về trang thiết bị quân sự hiện đại của Trung Quốc rất nhiều, cho dù trong tay có tiền và nắm vững công nghệ cũng không sản xuất kịp để cung cấp cho quân đội sử dụng. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc bỏ tiền xây dựng một số lượng lớn nhà máy công xưởng quân sự, sau khi nhu cầu trang thiết bị của quân đội bão hòa, các nhà máy này sẽ phải đối mặt với vấn đề dư thừa năng lực sản xuất. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Liên Xô trước đây sụp đổ. Do vậy, việc biến phía Nga thành công xưởng sản xuất trang thiết bị vũ khí của Trung Quốc trong khi Trung Quốc nắm trong tay các công nghệ then chốt, được coi là một lựa chọn thông minh.
Hai là nhằm tập trung cho việc phát triển tàu ngầm hạt nhân. Tàu ngầm thông thường hiện đại trang bị hệ thống cung cấp động lực trên tàu ngầm không phụ thuộc vào không khí ngoài (AIP), giúp giảm tiếng ồn, nâng cao khả năng hoạt động liên tục, từ đó tăng cường hiệu quả tác chiến cho tàu ngầm. Nhưng tàu ngầm hạt nhân vẫn được mệnh danh là AIP tốt nhất. Xét về ưu điểm, tàu ngầm hạt nhân tỏ ra vượt trội so với tàu ngầm thông thường. Tuy nhiên, tàu ngầm hạt nhân hiện nay chưa tìm ra biện pháp để thu nhỏ, chủ yếu là do thế giới vẫn chưa nghiên cứu chế tạo được lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ.
Có thông tin cho rằng Trung Quốc đã đạt được bước đột phá trong việc nghiên cứu chế tạo lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ. Trong tương lai không xa, Trung Quốc có thể chế tạo tàu ngầm hạt nhân cỡ nhỏ. Việc hạt nhân hóa toàn bộ tàu ngầm của Trung Quốc chỉ là chuyện sớm muộn và tùa ngầm thông thường sẽ bị đào thải. Vì vậy, Trung Quốc không cần phải bỏ ra khoản tiền lớn để phát triển ngành công nghiệp đang ở thời kỳ “hoàng hôn”.
Thứ ba, các nước nhỏ và trung bình rất dễ có được tàu ngầm thông thường với các tính năng thấp. Các phần tử khủng bố cũng có cơ hội sở hữu những loại tàu này mà không mất quá nhiều công sức. Trước xu thế đó, các nước lớn sẽ tăng cường hợp tác để đề phòng khả năng "phổ biến hóa" các tàu ngầm thông thường có tính năng cao. Việc Trung Quốc đầu tiên là mua, rồi sau đó tiến tới hợp tác với Nga phát triển tàu ngầm lớp Lada, cũng nằm trong tính toán đón đầu xu hướng này để giúp Bắc Kinh kiểm soát tốt hơn khả năng nhiều nước khác cũng sẽ có được loại tàu ngầm tính năng cao này trong tương lai không xa./.
Comments[ 0 ]
Post a Comment