RFI - Phát triển quan hệ Mỹ-Việt : Thời cơ đang thuận lợi
Wednesday, July 17, 2013
Bang giao Mỹ-Việt đang có những chuyển động đáng chú ý với sự kiện nổi bật vừa được xác nhận : Nhà Trắng sẽ đón chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang vào ngày 25/07/2013. Chuyến đi này được cho là thời cơ thuận lợi để Việt Nam tăng cường quan hệ với Mỹ, nhất là trong lãnh vực an ninh quốc phòng vào lúc Washington tỏ rõ trở lại thái độ quan ngại trước các hành động o ép láng giềng – trong đó có Việt Nam - mà Bắc Kinh vẫn tiến hành ở Biển Đông.
Hôm 11/07/2013, do một trùng hợp ngẫu nhiên hay tính toán ngoại giao kỹ lưỡng, Nhà Trắng Hoa Kỳ cùng lúc chính thức nêu bật thái độ quan tâm đến vùng châu Á với thông báo về việc Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ đón tiếp chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, bên cạnh cảnh báo Trung Quốc là không nên sử dụng các biện pháp cưỡng ép hay hù dọa trong tranh chấp biển đảo với các lân bang.
Trong bản thông cáo về chuyến công du của ông Trương Tấn Sang, Thư ký Báo chí phủ Tổng thống Mỹ đã nêu bật nội dung các vấn đề sẽ được hai bên bàn bạc nhân cuộc gặp thượng đỉnh ngày 25/07 tại Nhà Trắng : « Cách thức tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác (song phương) về các vấn đề chiến lược trong khu vực và tăng cường hợp tác với ASEAN ; nhân quyền ; những thách thức đang nổi lên như biến đổi khí hậu ; và tầm quan trọng của việc hoàn tất một thỏa thuận Đối tác xuyên Thái Bình Dương với tiêu chuẩn cao ».
Trong cùng một ngày, Nhà Trắng cũng công bố bản lược ghi về phát biểu của Tổng thống Obama trong buổi hội kiến đặc biệt với Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc đặc trách đối ngoại Dương Khiết Trì, nhân dịp hai nhân vật này đến Washington đồng chủ trì cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ-Trung thường kỳ.
Đáng chú ý trong các vấn đề được nêu lên với hai lãnh đạo Trung Quốc là lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ đối với Bắc Kinh liên quan đến việc giải quyết tranh chấp biển đảo tại châu Á : « Tổng thống (Hoa Kỳ) thúc giục Trung Quốc xử lý các tranh chấp trên biển với các láng giềng một cách hòa bình, không dùng đến các biện pháp cưỡng ép hay hù dọa ».
Động thái của Hoa Kỳ quan tâm trở lại đến Biển Đông đã được giới quan sát đặc biệt chú ý vì lẽ một vài tháng sau khi Ngoại trưởng John Kerry lên thay thế bà Hillary Clinton, ngành ngoại giao Mỹ như đã có dấu hiệu tương đối lơ là khu vực Đông Nam Á trước sức ép của các hồ sơ nặng ký khác như các hành động hung hăng của Bắc Triều Tiên, tình hình căng thẳng Trung-Nhật trên Biển Hoa Đông, và nhất là các vấn đề nóng bỏng tại vùng Trung Cận Đông.
Một loạt những cuộc tiếp xúc cấp cao Mỹ Việt trong hai tháng
Riêng đối với Việt Nam, sau một vài tháng im ắng, Hoa Kỳ đã có những biểu hiện tích cực hơn, với những cuộc gặp song phương giữa các lãnh đạo bên lề các hội nghị khu vực.
Cụ thể là vào ngày 31/05/2013, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã có cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng bên lề Đối thoại Shangri-la tại Singapore. Theo các nguồn tin báo chí, trong số những hồ sơ được hai bên đề cập đến, có vấn đề quan hệ quốc phòng quân sự Mỹ-Việt.
Quan hệ giữa hai quân đội sau đó cũng đã được Tổng tham mưu trưởng Quân đội Việt Nam bàn bạc với phía Mỹ vào hạ tuần tháng Sáu 2013, nhân dịp Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ được tiếp đón tại Lầu Năm Góc Mỹ. Được biết là tháp tùng theo tướng Đỗ Bá Tỵ nhân chuyến ghé thăm Lầu Năm Góc đầu tiên của một người đứng đầu Quân đội Nhân dân Việt Nam, còn có hai lãnh đạo cao cấp ngành Tình báo Quân đội và Hải quân Việt Nam.
Trên bình diện ngoại giao cũng thế, đầu tháng Bẩy 2013, như thông lệ từ thời cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, ông John Kerry đã đến Brunei tham gia các Hội nghị Ngoại trưởng thường niên do khối ASEAN tổ chức. Và cũng như thông lệ từ thời bà Clinton, cùng với năm đồng nhiệm Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Miến Điện, tân Ngoại trưởng Mỹ đã tham gia liên tiếp hai cuộc họp của nhóm Sáng kiến vùng Hạ nguồn Mêkông (Lower Mekong Initiative) và nhóm Bạn của khối Sáng kiến vùng Hạ nguồn Mêkông (Friends of Lower Mekong Initiative), được tổ chức bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Đông Nam Á.
Riêng đối với Việt Nam, ngày 02/07/2013, bên lề hội nghị ngoại trưởng của Diễn đàn An ninh Khu vực ARF ở Brunei, ông John Kerry đã có cuộc hội đàm riêng với Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh để thảo luận về các vấn đề song phương cũng như khu vực và thế giới. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ còn cho biết là sắp tới đây, ông sẽ công du Việt Nam.
Chủ tịch Việt Nam đến Nhà Trắng vào lúc Mỹ tái khẳng định mối quan tâm đến Biển Đông
Chuyến công du Hoa Kỳ sắp tới đây của chủ tịch nước Việt Nam phải được lồng vào trong bối cảnh Washington tái khẳng định mối quan tâm đối với khu vực Đông Nam Á, với tình hình ổn định ngoài Biển Đông nói chung, và với Việt Nam nói riêng như kể trên.
Theo ghi nhận của giáo sư Ngô Vĩnh Long, thường xuyên theo dõi các vấn đề quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc, đặc biệt trong tương quan với hồ sơ tranh chấp Biển Đông, lúc này, Việt Nam đang có thời cơ thuận lợi để củng cố thêm quan hệ với Mỹ nhằm giải tỏa sức ép của Bắc Kinh, đặc biệt nặng nề trên vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Long trước hết nêu bật vi trí địa lý chiến lược quan trọng của Việt Nam trong chính sách xoay trục qua châu Á Thái Bình Dương đang được chính quyền Obama triển khai.
« Vùng Đông Nam Á rất quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Về dân số, Việt Nam lại là nước lớn thứ hai, thứ ba, và là một nước có lãnh thổ, lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông. Cho nên khi Mỹ muốn ‘xoay trục’, hay là có một chính sách tích cực hơn ở Á Đông, thì nhất định vai trò của Việt Nam rất quan trọng đối với Mỹ và các nước ở Á Châu… »
Trung Quốc đang trong thế cần đến Mỹ
Cho dù trong những tháng qua, Hoa Kỳ đã liên tiếp tung tín hiệu cho thấy chủ trương thiết lập một quan hệ hòa hoãn hơn với Trung Quốc - mà biểu hiện rõ nhất là cuộc họp thượng đỉnh Obama-Tập Cận Bình thượng tuần tháng Sáu vừa qua tại California - giáo sư Long cho rằng Việt Nam cần tranh thủ thực tế có thể gọi là « Trung Quốc cần Mỹ » vào lúc này để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ với Hoa Kỳ. Ông giải thích :
« Hiện nay Trung Quốc « quậy » rất nhiều ở Biển Đông, và trong khu vực, làm cho hầu hết các nước Á châu lo ngại, trong đó có cả các đồng minh của Mỹ như Nhật, Philippines, và cả Thái Lan, nước gần gũi với Trung Quốc. Gần đây, Indonesia cũng tỏ ra lo ngại.
Trong bối cảnh này và trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang bị khó khăn - GDP đang xuống, xuất khẩu chậm lại, đặc biệt đối với Mỹ và Châu Âu - Bắc Kinh cần có quan hệ tốt với Mỹ, vì vậy khó mà bắt nạt các nước khác muốn có quan hệ tốt với Mỹ.
Nếu Việt Nam muốn có quan hệ tốt với Mỹ, và Mỹ muốn có quan hệ tốt với Việt Nam, thì những động thái khiêu khích của Trung Quốc sẽ không có lợi cho họ.
Thật ra từ 2008 đến nay, Hoa Kỳ rất kiên nhẫn với Trung Quốc. Một trong những lý do là vì Hoa Kỳ phải từ từ lo về vấn đề kinh tế trong nước. Hiện nay, kinh tế Mỹ đang hồi phục, mà có thể nói là trong các nước phát triển kinh tế Mỹ đang hồi phục tốt hơn các nước khác.
Mỹ bắt đầu rảnh tay để nghĩ đến châu Á
Lý do thứ hai là Mỹ bận tay ở Trung Đông, đặc biệt là ở Afghanistan. Tôi nghĩ bây giờ là Mỹ đã quyết định rút sớm khỏi Afghanistan. Vì Mỹ có thể rút khỏi Trung Đông, hay dàn xếp được các vấn đề Trung Đông, Mỹ sẽ rảnh tay lo vấn đề Á Châu.
Do đó, Mỹ bây giờ muốn nói với các đồng minh của mình, cũng như với Trung Quốc là Mỹ muốn có ổn định trong khu vực, để khu vực phát triển và điều đó sẽ có lợi cho Mỹ. Nếu Trung Quốc quá khích, Mỹ phải nói rõ cho Trung Quốc biết.
Gần đây Trung Quốc đã quá khích, cho nên tôi nghĩ rằng Mỹ muốn răn đe Trung Quốc, nói rằng ‘anh làm như thế thì lợi ích của tất cả mọi người trong khu vực sẽ bị khó khăn’. »
Xin nhắc lại là hôm 11/07 vừa qua, chính Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có tuyên bố thẳng thắn với Phó Thủ tướng Trung Quốc Uông Dương và lãnh đạo ngành đối ngoại Trung Quốc Dương Khiết Trì, theo đó Bắc Kinh không nên có biện pháp « cưỡng ép hay hù dọa » đối với các nước đang tranh chấp chủ quyền biển đảo với Trung Quốc.
Để châu Á đừng tưởng lầm là Mỹ 'đi đêm' với Trung Quốc
Theo giáo sư Long cho rằng mục tiêu của Washington khi lưu ý Bắc Kinh về tranh chấp biển đảo là nhằm xóa bỏ cảm giác sai lầm của các nước khác tưởng rằng Mỹ « đi đêm » với Trung Quốc.
« Hoa Kỳ không muốn cứng rắn, mà cũng không muốn dọa nạt Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc lại muốn Hoa Kỳ có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, và chứng tỏ quan hệ đó với Trung Quốc.
Trung Quốc đã đe dọa Philippines, gây thêm căng thẳng như bắn vào tàu cá Việt Nam hai, ba lần từ đó đến nay, nếu Mỹ im lặng thì các nước khác trong khu vực và các đồng minh của Mỹ tưởng là Mỹ bây giờ đã 'đi đêm' với Trung Quốc, đã đồng ý là có quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, không có lợi cho các nước khác trong khu vực, nhất là các nước nhỏ như Philippines, Việt Nam v.v...
Thành ra Mỹ bắt buộc phải nói rõ cho mọi người biết - hay là muốn chứng minh - là không có việc đó, không có việc đi đêm với Trung Quốc, rằng nếu Trung Quốc muốn có quan hệ tốt với Mỹ, thì cũng phải để cho các nước khác có quan hệ tốt với Mỹ… »
Chính sách xoay trục không thay đổi
Đối với giáo sư Long mối quan tâm của Chính quyền Mỹ hiện nay đối với châu Á và Đông Nam Á vẫn cao, không có gì thay đổi so với thời bà Hillary Clinton làm Ngoại trưởng. Riêng Việt Nam còn có thêm hai yếu tố thuận lợi là cả Ngoại trưởng lẫn bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hiện thời đều là những nhân vật rất có thiện cảm với Việt Nam :
« Để có thể rảnh tay để tăng cường quan hệ với Đông Nam Á hay là với khu vực Á Châu, Mỹ phải giải quyết các vấn đề khác, những vấn đề cần giải quyết nhanh như ở Trung Đông, hay là một số vấn đề khó khăn với các đồng minh ở Âu Châu - mà Châu Âu bao giờ đối với Mỹ cũng là quan trọng hàng đầu.
Tại Á Châu thì có Nhật. Có lúc Mỹ không lưu ý đến Nhật nhưng bây giờ do vấn đề Nhật Bản căng thẳng với Trung Quốc, Mỹ phải lưu ý đến vấn đề khó khăn của Nhật cũng như khó khăn của Á Châu.
Theo tôi, chính sách của Mỹ, nếu nói trước sau như một thì không đúng, nhưng có bài bản. Chính sách xoay trục qua Á Châu đã được phân tích kỹ trong nhiều năm, chứ không phải là mới...
Nhưng phải nhớ rằng Kerry là người có quan hệ rất tốt đối với Việt Nam trong nhiều năm và đã cùng với nhiều người khác thúc đẩy vấn đề mở cửa với Việt Nam.
Ngoài ra còn có Chuck Hagel. Ông Chuck Hagel cũng là một người ngày xưa đi lính bên Việt Nam, cũng lưu ý đến Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Khi hai người, một ngoại trưởng và một bộ trưởng Quốc phòng của Mỹ đang nhậm chức có quan hệ tốt với khu vực Đông Nam Á, tôi nghĩ rằng chính sách của Mỹ không những không thay đổi, mà sẽ phát triển thêm.
Ông Hagel đã đi dự Đối thoại Shangri-la và đã có một số tuyên bố mà theo tôi, mặc dầu cẩn thận, nhưng rõ ràng là nói cho mọi người biết là chính sách của Mỹ không thay đổi. »
Chủ tịch nước Việt Nam phải cố tranh thủ công luận Hoa Kỳ
Trong bối cảnh như kể trên, Việt Nam cần phải khéo tranh thủ thời cơ thuận lợi, thúc đẩy cho quan hệ Việt-Mỹ được tiến triển thêm nhân chuyến đi thăm sắp tới đây của chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Giáo sư Long đặc biệt lưu ý đến nhu cầu tranh thủ được công luận Hoa Kỳ :
« Trước hết ông Trương Tấn Sang là người có trách nhiệm về Quốc phòng Việt Nam, thì lẽ dĩ nhiên chính phủ Mỹ sẽ chú trọng đến việc này. Tôi nghĩ đây là một cái bước thêm vào quan hệ quốc phòng hai nước.
Nhưng theo tôi, là một nguyên thủ quốc gia, ông Sang nên tiến thêm một số bước nữa trong quan hệ kinh tế với Mỹ, và trong các lãnh vực khác. Tôi nghĩ rằng ông Trương Tấn Sang có thể bàn thêm với Mỹ về hồ sơ nhân quyền, và chứng minh với dân chúng Mỹ - vì đây là cơ hội rất tốt - rằng Việt Nam là một nước tôn trọng nhân quyền.
Bởi vì trong vấn đề ngoại giao, thì ngoài ngoại giao giữa hai nước, còn có ngoại giao nhân dân, mà Mỹ là nước dân chủ, cho nên sức ép hay sự ủng hộ của nhân dân rất quan trọng đối với chính phủ Mỹ trong vấn đề ngoại giao.
Thành ra nếu một nguyên thủ, một lãnh tụ nước ngoài khi đến nước Mỹ mà có thể chinh phục được sự ủng hộ của dân chúng Mỹ, thì sẽ là một việc rất quan trọng, không những cho Việt Nam, mà còn cho cả khu vực...
Việt Nam, như chúng ta mới vừa nói, là nước lớn thứ nhì, thứ ba trong khu vực, cho nên phải tỏ rõ vai trò lãnh đạo của mình hay ít ra là vai trò thúc đẩy quan hệ tốt hơn cho khu vực. »
Tóm lại đối với giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyến đi thăm Nhà Trắng của nguyên thủ Nhà nước Việt Nam săp tới đây có thể được coi là một thành công của ngành ngoại giao Việt Nam. Do tình hình đặc thù của Việt Nam, vấn đề là toàn thể giới lãnh đạo tại Hà Nội phải thống nhất được ý kiến trên sự cần thiết phải tăng cường quan hệ với Mỹ.
Theo giới phân tích, nếu chuyến đi thăm Mỹ của chủ tịch nước Trương Tấn Sang thành công, khả năng Tổng thống Mỹ Barack Obama đi thăm Việt Nam trong thời gian ngắn sắp tới đây là một điều có thực.
Trọng Nghĩa - RFI
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment