Bài học pháp lý cho Việt Nam từ vụ Philippines kiện Trung Quốc
Sunday, July 21, 2013
"Vì vậy, bài học lớn nhất trong vụ kiện này đối với Việt Nam là chúng ta phải nhận thức rõ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, các cơ chế chứng minh chủ quyền, xử lý tranh chấp thông qua kênh pháp lý được quy định trong UNCLOS". TS Trần Công Trục nhấn mạnh.
TS Trần Công Trục
Việc Philippines kiện Trung Quốc (TQ) áp
dụng và giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)
là một hành động đúng luật, văn minh và đang nhận được sự ủng hộ rộng
rãi. Là một quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt là đối với 2
quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đang là đối tượng tranh chấp của các
nước, Việt Nam có thể tiếp thu được những bài học pháp lý hết sức quý
giá từ vụ kiện này của Philippines, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên
Trưởng ban Biên giới Chính phủ chia sẻ.
- PV: Như đã trao đổi với báo điện tử Giáo dục Việt Nam, việc Philippines kiện TQ áp dụng và giải thích sai các điều khoản của UNCLOS đối với yêu sách chủ quyền (vô lý và phi pháp) của họ ở Biển Đông là một hành động đúng luật, văn minh, ông đánh giá như thế nào về tác động, ảnh hưởng, vai trò và ý nghĩa của vụ kiện đối với khu vực, quốc tế?
- Tiến sỹ Trần Công Trục: Có thể nói rằng Philippines đã đóng vai trò đi tiên phong trong việc vận dụng đúng đắn các quy định, điều khoản của UNCLOS để chứng minh việc áp dụng và giải thích UNCLOS để bảo vệ cho yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là hoàn toàn sai trái. Hành xử này của Philippines thực sự là một việc làm đúng luật, văn minh rất đáng hoan nghênh, phù hợp với luật pháp và trình tự thủ tục pháp lý quốc tế.
Tôi cũng xin khẳng định và một lần nữa nhấn mạnh rằng, thông qua các cơ quan tài phán quốc tế, cụ thể là Tòa án Quốc tế về Luật Biển, để chứng minh cách giải thích và áp dụng điều khoản của UNCLOS đối với yêu sách chủ quyền của bất cứ bên nào là đúng hay sai là một trong những biện pháp hòa bình, đúng luật, thân thiện, có lợi cho cục diện chung trong giải quyết các vùng biển tranh chấp.
Những việc Philippines đã làm khi tiến hành các thủ tục tố tụng pháp lý đã được quy định rất rõ trong Phần 15 Giải quyết các tranh chấp và Phụ lục 5, Phụ lục 6, Phụ lục 7, Phụ lục 8 của UNCLOS.
Philippines là nước tiên phong áp dụng nó sau một loạt những nỗ lực bất thành tìm cách đàm phán, đối thoại với TQ về những khác biệt trong quan điểm về những vùng biển, thềm lục địa, các đảo, đá, quần đảo, bãi ngầm…trong Biển Đông có liên quan giữa 2 nước trong suốt 17 năm. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với khu vực và quốc tế.
Đối với khu vực, Biển Đông trong những năm qua liên tục nóng lên bởi những căng thẳng trong tranh chấp trên biển giữa 4 quốc gia ASEAN với Trung Quốc, Đài Loan mà nguyên nhân chủ yếu chính là việc TQ đưa ra yêu sách về phạm vi biển phi lý, vô căn cứ được bao bọc bởi đường biên biển “lưỡi bò” 9 đoạn; kiên quyết theo đuổi quan điểm chỉ đàm phán song phương với từng bên tranh chấp, phi quốc tế hóa; tìm mọi cách chứng minh, bảo vệ cho những quan điểm đó trên các phương diện ngoại giao, pháp lý, tuyên truyền...;
Đặc biệt là TQ đã ráo riết tăng cường mọi hoạt động, áp dụng mọi thủ đoạn, kể cả sử dụng sức mạnh, để tìm cách giành sự công nhận trên thực tế yêu sách biển, đảo phi lý của mình trong Biển Đông. Tình trạng này đã dẫn đến những bế tắc trong đàm phán, thậm chí tiềm ẩn những nguy cơ xung đột.
Trong bối cảnh đó, việc Philippines sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trong Biển Đông thông qua cơ quan tài phán quốc tế như đã nói ở phần trên là một cách làm khôn ngoan, biết khai thác và phát huy thế mạnh pháp lý trong tương quan lực lượng hiện hữu giữa các quốc gia khu vực và quốc tế.
Việc làm này của Philippines sẽ được ghi nhận như là một đóng góp có ý nghĩa nhằm góp phần duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, giữ gìn các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Đối với cộng đồng quốc tế, vụ kiện của Philippines có vai trò quan trọng trong việc đưa những điều khoản, quy định trong UNCLOS - sản phẩm kết tinh công sức và trí tuệ của nhân loại về biển và đai dương vào thực tiễn của đời sống quốc tế trong bối cảnh hiện nay.
Việc Tòa án Quốc tế về Luật Biển thụ lý vụ kiện và triển khai tiến trình tố tụng cho thấy sức sống và vai trò vô cùng quan trọng của UNCLOS, đặc biệt là đối với những điểm nóng như Biển Đông.
Nếu Philippines đã chủ động khởi kiện tức là đã chấp nhận phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế, họ đã vượt qua được những tính toán chủ quan và biết sử dụng luật pháp quốc tế để chứng minh, để bảo vệ quan điểm của mình, cũng như bác bỏ tuyên bố, yêu sách sai trái của TQ.
Vì vậy theo tôi thì dù thắng kiện hay không, Philippines chắc chắn sẽ đón nhận và chấp hành phán quyết của Tòa. Đó chính là thắng lợi của luật pháp quốc tế, của Công ước Luật Biển 1982, thắng lợi của cộng đồng khu vực và tất cả các bên có liên quan trực tiếp hay gián tiếp… Nó chứng minh một xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, trật tự thế giới cũng như các tranh chấp phải được xây dựng, xử lý và giải quyết trên cơ sở luật pháp quốc tế.
- PV: Là một quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông, đặc biệt là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa hiện đang là tâm điểm của tranh chấp, theo ông Việt Nam có thể rút ra được những bài học pháp lý nào từ vụ kiện của Philippines?
- Tiến sỹ Trần Công Trục: Chúng ta sống trong một xã hội văn minh, chúng ta phê chuẩn UNCLOS thì chúng ta phải chấp nhận tất cả các quy định, chế định của Công ước và phải có trách nhiệm, nghĩa vụ thi hành và bảo vệ Công ước.
Thực tế trong thời gian qua, kể từ khi trở thành viên của Công ước, Việt Nam đã làm được rất nhiều việc, đã có những đong góp rất xứng đáng trong việc triển khai thi hành và áp dung Công ước, đã tạo ra được nhưng tiền lệ tốt, có giá trị, đặc biệt là trong đàm phán phân định ranh giới biển vùng chồng lấn…
Hiện nay, Việt Nam đang nỗ lực cùng với các quốc gia trong khu vực và quốc tế, dựa vào Công ước Luật Biển 1982, để giải quyết tranh chấp biển bằng biện pháp hòa bình. Chính vì thế, Việt Nam đã và đang hoan nghênh và ủng hộ mọi cố găng theo xu hướng tiến bộ này.
Tuyên bố 6 điểm của Người phát ngôn Bộ ngoại giao CHXHCN Viêt Nam ngày 26 tháng 4 năm 2013 về vụ kiện của Philippines là bằng chứng thể hiện quan điểm đó. Tôi tin rằng, với thiện chí và tin thần cầu thị, Việt Nam sẽ rút ra được bài học cần thiết để tiến hành công cuộc đấu tranh bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình trong Biển Đông.
Tôi cho rằng đó chính là nội hàm của niềm tin chiến lược mà chúng ta đang kêu gọi cộng đồng khu vực và quốc tế xây dựng. Và đó cũng là cách chúng ta chứng minh, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa về mặt pháp lý.
Từ vụ Philippines kiện TQ trong việc áp dụng và giải thích sai UNCLOS đối với yêu sách của họ ở Biển Đông có thể thấy, với tư cách là một trong những nước có các quyền và lợi ích ở Biển Đông, nếu chúng ta không thể hiện và giải thích rõ các quan điểm pháp lý của mình sẽ dẫn đến những hoài nghi từ khu vực và quốc tế trước tình trạng đúng sai, trắng đen lẫn lộn…Điều đó dẫn đến những hệ lụy bất lợi cho công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của chung ta trên nhiều lĩnh vực.
Vì vậy, bài học lớn nhất trong vụ kiện này đối với Việt Nam là chúng ta phải nhận thức rõ về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, các cơ chế chứng minh chủ quyền, xử lý tranh chấp thông qua kênh pháp lý được quy định trong UNCLOS.
Trên cơ sở đó, Việt Nam cần phải xây dựng hồ sơ pháp lý chứng minh và bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình trong Biển Đông một cách hệ thống, khách quan, khoa học, chính xác, bám sát những nội dung luận điểm của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.
Hồ sơ pháp lý này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Về mặt đối ngoại, chúng ta có thể sử dụng nó để gửi đến các tổ chức quốc tế nhằm bảo lưu quan điểm của mình một cách công khai minh bạch và đúng thủ tục…
Trong trường hợp, sau khi chúng ta đã nỗ lực hết khả năng giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, song phương hoặc đa phương, mà không đạt được hiệu quả hay tiến triển nào, chúng ta cũng sẽ phải nhờ đến các cơ quan tài phán quốc tế. Chúng ta sẽ phải chấp nhận phán quyết đúng hay sai của các cơ quan này.
Về mặt đối nội, khi có một bộ hồ sơ pháp lý đúng luật, đầy đủ, hệ thống, khoa học, khách quan, chính xác, chúng ta sẽ rất thuận lợi trong việc tuyên truyền và giáo dục về chủ quyền biển đảo đối với các tầng lớp nhân dân, tạo ra sự thống nhất và đồng thuận trong nhận thức một cách đúng luật chứ không phải dựa trên ý chí chủ quan. Đồng thời chúng ta sẽ bác bỏ các quan điểm, luận điệu sai trái một cách có tình, có lý, đúng pháp luật.
- Xin cảm ơn TS!
Hồng Thủy - GDVN
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment