Hải quân đánh bộ Việt Nam tác chiến thế nào?
Tuesday, July 16, 2013
Lực lượng phòng thủ bờ biển – hải đảo bao gồm nhiều lực lượng như pháo-tên lửa bờ biển, không quân, hải quân...Nhưng hải quân đánh bộ giữ một vị trí hết sức quan trọng.
Chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Hải quân đánh bộ 473 diễn tập thực binh. Ảnh: Nguyễn Minh.
Là các thành phần thuộc các lực lượng vũ trang nhân
dân, lực lượng phòng thủ bờ biển bao gồm có các binh chủng sau: Lực
lượng tên lửa – pháo binh bảo vệ bờ biển. lực lượng hải quân đánh bộ,
lực lượng phòng ngự bờ biển, hải đảo.
Những tính chất chiến thuật đặc trưng của lực lượng Phòng thủ bờ biển bao gồm: Tính đa nhiệm, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, có khả năng tiến hành những hoạt động tác chiến độc lập hoặc liên kết hiệp đồng quân binh chủng tác chiến trên hướng biển; Có năng lực tác chiến cao, có hỏa lực rất mạnh; Không phụ thuộc nhiều vào Bộ tổng tham mưu do điều kiện tác chiến phòng ngự.
Điểm đặc thù của lực lượng phòng thủ bờ biển là tác chiến trong điều kiện có sự hỗ trợ chi viện của các lực lượng kỹ thuật đảm bảo – lực lượng trinh sát, cảnh báo sớm và dẫn đường, chỉ thị mục tiêu.
Pháo - tên lửa bờ biển
Là lực lượng hỏa lực thê đội 1 trong thế trận phòng ngự bờ biển, hải đảo: lực lượng pháo binh – tên lửa, trong đó chủ lực là lực lượng tên lửa bờ biển có nhiệm vụ tiêu diệt các chiến hạm, các đoàn congvoa quân sự, các cụm chiến hạm đổ bộ đường biển; tiêu diệt các trận địa hỏa lực của đối phương, các mục tiêu trên bờ biển của hạm đội đối phương, tấn công các tuyến đường vận tải biển, các cụm binh lực đối phương tập trung trên hướng biến từ những cụm tàu nổi của đối phương.
Ttrong tầm hỏa lực, tấn công các căn cứ đóng quân và các hải cảng của đối phương. Lực lượng pháo binh có nhiệm vụ tấn công các chiến hạm nổi của đối phương hoạt động ven biển, tấn công tiêu diệt các cụm binh lực địch triển khai các hoạt động đổ bộ, tiêu diệt và chế áp binh lực, sinh lực và các trận địa hỏa lực đối phương trên bờ biển.
Tên lửa chống hạm tầm gần lớp Rubez.
Biên chế tổ chức đơn vị chiến đấu cơ bản của lực lượng tên lửa phòng thủ bờ biển – hải đảo là trung đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển, có năng lực giải quyết các nhiệm vụ trong tầm xa tác chiến đến 300 km trên tiền duyên và theo chiều sâu mặt trận. Trung đoàn tên lửa bao gồm: Sở chỉ huy; phân đội tham mưu tác chiến và điều hành, phân đội thông tin liên lạc, các đơn vị (tiểu đoàn) tên lửa; phân đội đảm bảo và phân đội kỹ thuật, hậu cần. Phụ thuộc vào vũ khí trang bị, phương tiện tác chiến và mục đích yêu cầu, trung đoàn tên lửa phòng thủ bờ biển có thế là đơn vị cơ động chiến đấu, đơn vị cố định, đơn vị tên lửa tầm xa, đơn vị tên lửa tầm gần.
Pháo tự hành 130 mm phòng thủ bờ biển.
Biên chế tổ chức đơn vị chiến đấu cơ bản của lực lượng pháo binh phòng thủ bờ biển, hải đảo là các tiểu đoàn pháo binh, cơ cấu tổ chức cơ bản thường có: ban chỉ huy tiểu đoàn, phân đội điều hành tác chiến, phân đội thông tin liên lạc, 2 – 4 khẩu đội pháo binh, phân đội đảm bảo và phân đội kỹ thuật, hậu cần.
Các hoạt động tác chiến của lực lượng pháo binh – tên lửa phòng thủ bờ biển là tập hợp các hoạt động cơ động hành quân chiến đấu, chiếm lĩnh trận địa và triển khai các đơn vị hỏa lực, công kích tiêu diệt mục tiêu.
Tổ hợp tên lửa Redut sử dụng tên lửa P-35 .
Mục đích yêu cầu và nhiệm vụ tác chiến được giao theo mệnh lệnh chiến đấu. Trên cơ sở mệnh lệnh chiến đấu theo nhiệm vụ được giao chỉ huy trưởng ( trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng) xây dựng quyết tâm chiến đấu, chỉ huy lực lượng thuộc quyền chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, chỉ huy và điều hành các lực lượng tiến hành trận đánh và tổ chức đảm bảo mọi mặt cho các hoạt động tác chiến của đơn vị.
Sau khi nhận nhiệm vụ, người chỉ huy tiến hành triển khai lực lượng (tổ chức đội hình cơ động vào khu vực chiến đấu, triển khai đội hình chiến đâu và đưa toàn bộ lực lượng vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cần thiết. Tiến hành các hoạt động quan sát, trinh sát nhằm tìm kiếm, phát hiện mục tiêu, ra mệnh lệnh tính toán phần tử bắn (góc phương vị, tọa độ, khoảng cách) các trắc thủ tên lửa nạp phần tử bắn, tiến hành phóng đạn vào thời gian quy định.
Trận địa tên lửa Bastion bảo vệ bờ biển.
Sau đợt công kích hỏa lực, chỉ huy trưởng ra mệnh lệnh cơ động lực lượng ra khỏi trận địa hỏa lực nhằm thoát ly khỏi đòn tấn công phản kích của đối phương và tổ chức, củng cố lại khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị thuộc quyền cho đợt phóng đạn tiếp theo.
Đội hình chiến đấu của trung đoàn tên lửa là các trận địa hỏa lực, được bố trí trong một đội hình liên kết chặt chẽ trên trận địa tên lửa, được triển khai trong khu vực định trước để sắn sàng chiến đấu, phương hướng bố trí đội hình chiến đấu phụ thuộc vào vị trí tọa độ của địch và các trận địa thứ cấp của các đơn vị thuộc quyền theo các hướng phóng đạn. Trận địa chiến đấu chung của trung đoàn và các vị trí các phân đội trong đội hình chiến đấu phải đảm bảo phát huy hết khả năng và uy lực của vũ khí, phương tiện chiến đấu đồng thời đảm bảo khả năng ngụy trang, nghi bình và tự phòng ngự. Thông thường, đội hình tác chiến bao gồm: Sở chỉ huy, trạm quan sát trinh sát, các trận địa của các phân đội tên lửa và các vị trí của các phân đội bảo đảm, kỹ thuật hậu cần.
Trung đoàn tên lửa chiếm lĩnh khu vực chiến đấu, các tiểu đoàn tên lửa chiếm lĩnh các trận địa, các đơn vị kỹ thuật chiếm lĩnh vị trí kỹ thuật, các đơn vị hậu cần và đảm bảo chiếm lĩnh các vị trí hậu cần, quân y, khu tập trung cơ sở vật chất.
Tiểu đoàn pháo binh bờ biển hải đảo chiếm lĩnh trận địa pháo binh, bao gồm vị trí ban chỉ huy tiểu đoàn, trận địa pháo binh, các vị trí hậu cần, kỹ thuật, khu tập trung cơ sở vật chất, đạn.
Hải quân đánh bộ
Hải quân đánh bộ Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp.
Lực lượng hải quân đánh bộ thuộc quân chủng Hải quân, là lực lượng chủ công trong hệ thống lực lượng phòng ngự bờ biển và hải đảo. Là lực lượng tấn công trên đất liền quan trọng của quân chủng Hải quân.
Lực lượng hải quân đánh bộ có khả năng thực hiện nhiệm vụ đổ bộ độc lập hoặc tham gia các hoạt động tác chiến hiệp đồng cùng với lực lượng bộ binh trên hướng đổ bộ từ phía biển.
Hải quân đánh bộ Việt Nam trang bị súng máy Tavor 21 của Israel và súng chống tăng Matador trong một cuộc diễn tập gần đây. Ảnh: Nguyễn Minh.
Mục đích yêu cầu nhiệm vụ của lực lượng hải quân đánh bộ: Tổ chức và triển khai bàn đạp đổ bộ, hiệp đồng tác chiến cùng với lực lượng bộ binh, tiến công từ phía biển; tạo điều kiện tối đa cho lực lượng Hải quân đóng quân tại các căn cứ tạm thời và bảo vệ về hướng biển các căn cứ cố định,
Nhiệm vụ của lực lượng hải quân đánh bộ:
- Đánh chiếm bàn đạp đổ bộ, tổ chức và chốt giữ bàn đạp, xây dựng trận địa phòng ngự bảo vệ cắn cứ đổ bộ.
- Đánh chiếm các mục tiêu quan trọng và các tuyến chiến đấu trên bờ biển, chốt giữ các vị trí đã đánh chiếm được cho đến khi lực lượng chủ lực cơ động đến; đánh chiếm hải cảng, vị trí đóng quân của lực lượng hải quân đối phương; tiêu diệt các mục tiêu quan trọng – thành phần của hệ thống điều khiển vũ khí chính xác công nghệ cao của đối phương, các thành phần của hệ thống điều hành tác chiến, sở chỉ huy tiền phương của đối phương ven biển, các trận địa, các trung tâm chỉ huy điều hành tác chiến của hệ thống phòng không, hệ thống phòng chống tên lửa, các sân bay quân sự ven biển và các mục tiêu khác….
Các đơn vị chiến thuật của chốt của hải quân đánh bộ là: sư đoàn, lữ đoàn. Các phân đội chiến thuật của hải quân đánh bộ là trung đoàn, tiểu đoàn.
Sư đoàn hải quân đánh bộ bao gồm: sở chỉ huy, các phân đội tham mưu và điều hành tác chiến, đơn vị thông tin liên lạc, các đơn vị chiến đấu hải quân đánh bộ, các đơn vị và các phân đội đảm bảo, các đơn vị kỹ thuật binh chủng và hậu cần – quân y,
Các đơn vị chiến đấu là: các trung đoàn hải quân đánh bộ, được tăng cường bởi các trung đoàn xe tăng thiết giáp và và pháo binh, hoặc trung đoàn tên lửa – pháo binh phòng không chiến trường.
Các phân đội cơ sở của trung đoàn hải quân đánh bộ là các tiểu đoàn hải quân đánh bộ trên các xe thiết giáp BTR và BMP cùng với một khẩu đội pháo tự hành. Tiểu đoàn đổ bộ công kích chủ lực, tiểu đoàn xe tăng, khẩu đội pháo phản lực, khẩu đội tên lửa chống tăng có điều khiển, khẩu đội pháo – tên lửa phòng không.
Các đơn vị binh chủng hợp thành của hải quân đánh bộ có mục đích yêu cầu là tiến hành các hoạt động tác chiến trong một trận chiến đấu (cấp chiến dịch – chiến thuật) đổ bộ đường biển độc lập hoặc hiệp đồng với các đơn vị bộ binh. Trong một trận chiến đấu đổ bộ đường biển cấp chiến thuật có thể độc lập tiêu diệt sinh lực địch, phá hủy các phương tiện chiến đấu hạng nặng như xe tăng, xe thiết giáp, các tổ hợp vũ khí chống tăng và pháo binh của đối phương, các loại vũ khí hủy diệt lớn, tiêu diệt máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu của địch, đánh chiếm và chốt chặn các vị trí, căn cứ đóng quân của đối phương chờ lực lượng chủ lực tiếp quản chiến trường.
Hải quân đánh bộ Nga tập trận
Trong các ý đồ chiến thuật biển – đất liền, lực lượng hải quân đánh bộ được sử dụng vào mục đích: đột phá tuyến phòng ngự của đối phương trên bờ biển, phối hợp cùng với các lực lượng chủ lực khác – bộ binh, tiến hành các hành động chiến đấu tiến công từ hướng biển, bao vây và tiêu diệt lực lượng của địch trên địa bàn ven biển; đánh chiếm và chốt giữ hải cảng cho đến khi lực lượng chủ lực tiếp quản và phát triển tấn công, sân bay, đảo và quần đảo, những mục tiêu quan trọng của đối phương ven biển; phá hủy và tiêu diệt hệ thống điều hành tác chiến và những hoạt động ở hậu phương của đối phương.
Cơ động các xe thiết giáp từ tàu đổ bộ vào bờ.
Từ những nhiệm vụ được giao, có thể thấy, lực lượng hải quân đánh bộ trên thế giới được xác định như một lực lượng đột kích mạnh, có khả năng tiến công bí mật, bất ngờ vào những mục tiêu quan trọng nhằm tạo điều kiện cho lực lượng bộ binh chiến đấu tiến công trên các hướng ven biển hoặc từ hướng biển. Là lực lượng cơ động nhanh, có thể tham gia chiến đấu trên nhiều khu vực khác nhau. Lực lượng hải quân đánh bộ căn cứ vào đặc thù chiến trường thường tác chiến độc lập trên đội hình đơn vị cơ sở là cấp tiểu đoàn, hoặc hiệp đồng tác chiến với lực lượng hải quân và bộ binh trong vị trí là lực lượng đột kích mật tập nhằm tạo điều kiện tối ưu cho đòn tấn công chủ lực.
Với một tiểu đoàn hải quân đánh bộ, nhiệm vụ thường là có tính đặc biệt, công tác đặc biệt liên quan đến đổ bộ bí mật, do đó, yêu cầu quy trình thực hiện cũng rất chặt chẽ và chính xác. Sau khi được giao nhiệm vụ, tiểu đoàn trưởng hải quân đánh bộ cần hiểu rõ: Nhiệm vụ chung của lực lượng hải quân đánh bộ và nhiệm vụ cụ thể của tiểu đoàn, trình tự tiến hành nhiệm vụ đổ bộ; đánh giá được đặc điểm tính chất hệ thống phòng thủ chống đổ bộ của đối phương trong khu vực đổ bộ và những hoạt động trước mắt của tiểu đoàn, hệ thống phòng ngự dưới nước và trên bờ của đối phương; làm rõ vị trí, trình tự đổ bộ của tiểu đoàn, (cường tập, mật tập, phương tiện đổ bộ, khoảng cách từ phương tiện mang đến mép nước của bãi đổ bộ…); điều kiện thời tiết, khí tượng thủy văn, thời gian và điều kiện quan sát khi vượt biển và tại điểm đổ bộ.
Cận cảnh các chiến sĩ lực lượng hải quân đánh bộ. Ảnh: Nguyễn Minh.
Trong quá trình chuẩn bị đổ bộ, tiểu đoàn trưởng cần xác định rõ và rất chính xác các nhiệm vụ giao cho cấp dưới thuộc quyền: nhiệm vụ các phân đôi tiêu diệt địch ở điểm đổ bộ và trong khu vực đổ bộ trên bờ biển; phân chia các đơn vị theo các phương tiện đổ bộ tăng cường ngoài các phương tiện theo biên chế như (xuồng cao tốc, xe tự hành đổ bộ…); trình tự tiến hành đổ bộ các phân đội lên điểm đổ bộ.
Tiến trình chiến đấu đổ bộ tấn công lên hệ thống phòng ngự ven biển của đối phương là một quá trình vô cùng khó khăn và nguy hiểm với những tình huống và tổn thất không thể dự kiến, hiệp đồng chiến đấu, chi viện hỏa lực và đảm bảo hậu cần, kỹ thuật, quân y và cứu kéo là vấn đề trọng yếu quyết định sự thành bại của một trận chiến đấu đổ bộ từ phía biển. Do đó, người chỉ huy cần nắm chắc các hoạt động tác chiến của các phân đội thuộc quyền (hoạt động cơ động đổ bộ từ phương tiện (tàu đổ bộ. tàu ngầm đổ bộ, máy bay đổ bộ, v.v..). Vượt qua tuyến phòng ngự chống đổ bộ của đối phương, hoạt động chiến đấu khi bám mép nước và đổ bộ triển khai lực lượng, những hành động tác chiến nhằm đánh chiếm tuyến phòng ngự tại điểm đổ bộ. Đồng thời cần xác định chính xác không gian, thời gian, tọa độ, khả năng chi viện hỏa lực của pháo binh, tên lửa hạm đội, các đòn tấn công của không quân, hoạt động đổ bộ đường không (nếu có) của lực lượng bộ đội nhảy dù hoặc đặc công, đặc nhiệm bộ binh (thông thường từ hậu phương của địch). Trong toàn bộ tiểu đoàn được bổ xung tăng cường cơ sở vật chất và vũ khí đạn, quân y cấp tăng cường các bộ cấp cứu khẩn cấp cho các quân nhân.
Trước khi tiến hành đổ bộ, lực lượng của tiểu đoàn trên các phương tiện đổ bộ chiếm lĩnh khu vực bàn đạp (khu vực chờ) và tiến hành các hoạt động chuẩn bị cho đổ bộ, nếu đổ bộ bằng phương tiện đổ bộ (tàu đổ bộ, xuồng cao tốc, xe tự hành…) cần đảm bảo chắc chắn các phân đội đã chiếm lĩnh đúng phương tiện và trong tư thế sẵn sàng cao nhất. Các phương tiện đổ bộ được xác định điểm đổ quân (từ xa, tầm gần và tiếp cận bãi biển….), các phương tiện cơ động đến điểm đổ bộ phải cơ động trên biển theo một tuyến hải hành được chỉ định theo mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng, thành các hàng và triển khai đội hình tiếp cận mép nước theo sơ đồ quy định, hoạt động theo mệnh lệnh (ký tín hiệu, liên lạc vô tuyến) của người chỉ huy.
Vượt hàng rào vật cản trên địa hình.
Đổ bộ vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu, cơ sở vật chất chiến tranh ((xe tăng thiết giáp, tên lửa, vũ khí đạn dược, từ tàu đổ bộ vào bãi biển với tính toán sao cho tàu đổ bộ có thể đưa phương tiện xuống tàu nhanh nhất và trực tiếp tiến thẳng vào trận đánh trên bờ biển. Quy trình đổ bộ vũ khí trang bị, phương tiện chiến đấu được tiến hành nhanh theo 1 trình tự nhất định, thông thường ngược với trình tự các vũ khí, phương tiện lên tàu. Lực lượng chủ công của tiểu đoàn sẽ đổ bộ sau khia các phương tiện tác chiến đã cập bờ.
Từ thời điểm nhận được nhiệm vụ đổ bộ đường biển – đưa lực lượng lên các phương tiện đổ bộ (tàu vận tải đổ bộ…) tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn hải quân đánh bộ trực tiếp nằm dưới quyền của chỉ huy trưởng đội tàu vận tải đổ bộ, trên toàn bộ tuyến hải hành đến khu vực đổ bộ.
Xe thiết giáp đổ bộ từ tàu đổ bộ.
Các phương tiện chiến đấu như xe tăng bơi, xe BMP, xe BTR sẽ thực hiện đổ bộ xuống nước và tự hành tiến vào bờ trước các tàu đổ bộ. Sau các xe tăng, xe thiết giáp và bọc thép là các tàu đổ bộ, trực tiếp đổ bộ lực lượng hải quân đánh bộ lên bờ biển. Các phân đội của tiểu đoàn hải quân đánh bộ, dưới sự che chắn và chi viện hỏa lực của không quân hải quân, pháo hạm và hỏa lực đi cùng trên các phương tiện cơ động trên mặt nước, dưới sự yểm trợ hỏa lực của phân đội hải quân đánh bộ công kích (lực lượng tiên phong đổ bộ lên bờ biển) tiếp cận mép nước bằng xe BMP, BTP, các tàu xuồng đổ bộ cao tốc. Tiểu đoàn triển khai ngay đội hình chiến đấu khi vừa chạm mép nước và tiến hành tấn công các mục tiêu được giao.
Từ cơ động vượt biển đến tiêu diệt địch là một hoạt động tác chiến diễn ra cùng một lúc, liên tiếp cho đến khi đánh chiếm được khu vực đổ bộ theo chiều rộng và chiều sâu, đảm bảo tạo điều kiện tối ưu cho lực lượng hải quân đánh bộ đổ bộ tiếp theo. Từ thời điểm đánh chiếm được bàn đạp đầu cầu – khu vực đổ bộ, tiểu đoàn triển khai trận địa phòng ngự tạm thời bảo vệ bàn đạp đổ bô. Khi lực lượng tấn công chủ lực của lực lượng hải quân đánh bộ, hoặc lục quân đổ bộ bằng đường biển, tiểu đoàn phối hợp với các phân đội của thê đội I bộ đội chủ lực tấn công mở rộng khu vực chiếm được và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trên bờ biển. Các đơn vị, phân đội chiến đấu tiến công ở hướng hoạt động của lực lượng đổ bộ đường không, nhanh chóng đột phá hàng phòng ngự của đối phương để gặp lực lượng đổ bộ đường không, hiệp đồng với lính dù thực hiện nhiệm vụ.
Đánh chiếm bàn đạp đổ bộ, triển khai tuyến phòng ngự tạm thời.
Lá chắn thép
Thông thường, lực lượng phòng ngự bờ biển, hải đảo thuộc Lực lượng lục quân, có nhiệm vụ phòng thủ các khu vực bờ biển và hải đảo trong thế trận phòng thủ chung của chiến tranh nhân dân và thuộc hệ thống phòng thủ quân khu có vùng duyên hải. Lực lượng phòng ngự bờ biển – hải đảo theo hệ thống phòng ngự hướng biển sẽ xây dựng các truyến phòng ngự có chiều sâu, nhiều tầng nhiều lớp từ hướng biển, phối hợp liên kết chặt chẽ với thế trận phòng ngự trên biển của Hải quân và phòng không của lực lượng Phòng không – Không quân.
Trong chiến đấu phòng ngự, lực lượng phòng ngự bờ biển – hải đảo có sự hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng pháo binh – tên lửa bờ biển và được sự phối hợp của lực lượng Hải quân đánh bộ trong các trường hợp, chiến đấu phản kích đánh địch đổ bộ, hất địch xuống biển hoặc đánh chiếm lại một khu vực, đảo hoặc quần đảo bị địch chiếm giữ. Trong đó, lực lượng Hải quân đánh bộ đóng vai trò lực lượng đổ bộ tiên phong đánh chiếm bàn đạp đổ bộ, tạo điều kiện cho bộ binh phát triển tấn công, đánh chiếm lại khu vực bị mất. Hoặc hợp công trong tình huống phản kích hất địch xuống biển khỏi khu vực bị chiếm, bộ đội lục quân đóng vai trò tấn công chính diện, các lực lượng Hải quân đánh bộ thực hiện nhiệm vụ tấn công vào bên sườn hoặc phía sau đội hình địch bằng chiến thuật đổ bộ từ hướng biển.
Trong thế trận phòng ngự kiên cố, lâu dài. Lực lượng phòng ngự bờ biển trên đất liền được sự yểm trợ và chi viện hỏa lực của Phòng không - Không quân. Phòng ngự hải đảo được chi viện yểm trợ bởi lực lượng Không quân Hải quân và hỏa lực của hạm đội (pháo – tên lửa). trong thế trận phòng ngự Biển – Hải đảo, lực lượng Hải quân là lực lượng hiệp đồng hỏa lực. Có nhiệm vụ tấn công hạm tàu đối phương khi địch tiến hành đổ bộ, tấn công tiêu diệt địch bằng các phương tiện vũ khí khí tài từ tầm xa đến tầm trung, tầm gần trên biển.
Lực lượng phòng ngự biển đảo có thể là: Lực lượng bộ đội chính quy, bộ đội địa phương kết hợp với lực lượng quân quân tự vệ. Các trận địa phòng ngự phải nằm trong một tổng thể chung của hệ thống phòng ngự trên toàn quốc gia và trong một hệ thống chỉ huy, điều hành tác chiến đồng bộ, thống nhất từ cấp Bộ tổng tham mưu đến các trận địa sát mép nước biển hoặc trên đảo, quần đảo.
Trong tương lai gần, để quản lý các khu vực biển đảo của đất nước, hệ thống phòng thủ bờ biển – hải đảo phải có được tầm hỏa lực công kích xa nhất, đến 300 km tính từ mép nước. Các khu vực phòng thủ liên kết chặt chẽ với nhau bằng một hệ thống thông tin, truyền thông và điều hành tác chiến đồng bộ thống nhất, chia sẻ và trao đổi thông tin tức thời với các lực lượng khác như Hải quân, Không quân nhằm có thể tạo sức mạnh tối ưu trên vùng tác chiến trọng yếu đồng thời có thể nhanh chóng chuyển hướng hỏa lực phòng ngự vào những nơi có thể xảy ra các yếu tố bất ngờ. Trong đó, sức mạnh của lực lượng Hải quân đánh bộ - đặc biệt là lực lượng công kích đặc nhiệm. Đây là lực lượng có vị thế quan trọng trong hệ thống phòng ngự biển đảo và cũng là lực lượng biểu dương sức mạnh đối ngoại hải quân.
Trịnh Thái Bằng - TPO
Nguồn: flot.com (Nga)
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment