Việt Nam sẽ không mua tên lửa siêu âm BrahMos của Nga-Ấn Độ?
Monday, July 15, 2013
Theo khẳng định của người đứng đầu BrahMos Aerospace, chưa có hợp đồng cung cấp tên lửa BrahMos cho quốc gia thứ ba nào, điều đó đồng nghĩa với việc Việt Nam có thể sẽ không mua tên lửa BrahMos hoặc chí ít là nếu mua, cũng sẽ mất ít nhất là vài năm nữa.
Ấn Độ đã lên kế hoạch phóng thử nghiệm phiên bản tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos trên máy bay chiến đấu Su-30MKI vào năm 2014, theo giám đốc điều hành của liên doanh hàng không BrahMos Aerospace từ Nga, ông Maksicheva Alexander thông báo.
"Công việc tạo ra phiên bản tên lửa không - đối - đất BrahMos vẫn đang tiến triển. Một mặt đang tiếp tục nâng cấp chiến đấu cơ Su-30MKI để mang tên lửa, toàn bộ công việc đang diễn ra ở Ấn Độ", ông Alexander nói.
Tên lửa siêu âm BrahMos
Theo ông Sivathanu Pillai, người đứng đầu của BrahMos Aerospace, máy bay Su-30MKI đã trải qua một số cải tiến cho phép lắp đặt dưới thân máy bay một tên lửa mới cùng hệ thống điều khiển hỏa lực. Ngoài ra, việc tăng cường gia cố phần cánh của máy bay cũng đã được thực hiện.
Hiện tại, kích thước và trọng lượng mô hình tên lửa BrahMos đã được sản xuất và chuyển giao cho Ấn Độ. Ngoài ra, còn có các thiết bị giá phóng tên lửa. Trong năm nay, chuyến bay đầu tiên của máy bay Su-30MKI mang theo tên lửa giả có kích thước và khối lượng tương đương phiên bản BrahMos phóng trên không sẽ được thực hiện.
Mặc dù phiên bản tên lửa BrahMos phóng trên không có hơi khác so với các phiên bản khác, nhưng về cơ bản, các thông số kỹ thuật không có sự thay đổi nhiều, vẫn là tốc độ siêu âm nên không cần thiết phải tăng thêm tốc độ cho tên lửa.
Đạn tên lửa BrahMos khai hỏa
Theo ông Maksicheva, Quân đội Ấn Độ đã ký hợp đồng mua hơn 1.000 tên lửa siêu âm BrahMos nhưng vẫn chưa có một đơn hàng nào cho nước thứ ba.
"Chúng tôi sẵn sàng cung cấp tên lửa cho nước thứ ba. Đó là một quá trình lâu dài, chúng tôi đang tiến hành các hoạt động tiếp thị và đã có một số quốc gia bày tỏ sự quan tâm nhưng thực tế vẫn chưa có một thỏa thuận xuất khẩu nào", - ông Maksichev khẳng định.
Trong năm 2011, tờ The Asian Age và Deccan Chronicle của Ấn Độ từng đưa tin, BrahMos Aerospace - nhà sản xuất tên lửa hành trình BrahMos, đang xem xét khả năng bán tên lửa này cho Việt Nam, quốc gia đối tác chiến lược của Ấn Độ.
Nguồn tin xác nhận, Việt Nam đã được đưa vào danh sách được Hội đồng chung Nga-Ấn thông qua gồm 15 quốc gia có thể mua tên lửa BrahMos. Tuy nhiên, để bán tên lửa, cần phải có sự chấp thuận của chính phủ Ấn Độ.
Nguồn tin giấu tên cho biết, hiện nay phía Ấn Độ đang đàm phán không chính thức với Việt Nam và đề nghị chính thức chưa được đưa ra với Hà Nội. “Hai phía đang diễn ra cuộc đàm phán không chính thức nhưng không có bất kỳ đề nghị cụ thể nào được đưa ra,” nguồn tin khẳng định.
Việc mua sắm tên lửa BrahMos sẽ nâng cao cơ bản khả năng chiến đấu và có ý nghĩa lớn đối với quân đội Việt Nam. Tuy nhiên, khẳng định của người đứng đầu BrahMos Aerospace đã cho thấy, Việt Nam có thể sẽ không mua tên lửa BrahMos hoặc chí ít là nếu mua, cũng sẽ mất ít nhất là vài năm nữa.
Tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos được thiết kế với nhiều biến thể khác nhau, phóng từ bệ phóng cơ động trên mặt đất, trên tàu chiến nổi, tàu ngầm và trên máy bay, đặc trưng của nó được thể hiện ở tốc độ bay siêu âm cao (lên đến Mach 2.8), tầm bắn xa 290 km và mang được tải trọng chiến đấu mạnh mẽ (250 kg) cũng như giảm mức độ bộc lộ đối với tín hiệu radar. Đây là loại tên lửa tấn công theo nguyên tắc "bắn và quên". Theo các chuyên gia, trên thế giới chưa có loại tên lửa nào đạt được khả năng tương tự như vậy (về tốc độ và cự li tấn công).
Comments[ 0 ]
Post a Comment