TRUNG QUỐC NHẪN NHỤC CHỜ THỜI (Phần II)
Sunday, July 14, 2013
Bài trả lời phỏng vấn báo "Nowa Europa Wschodnia", Ba Lan của nhà Trung Quốc học và nhà nghiên cứu nước Nga Michal Lubina
Báo “Nowa Europa Wschodnia”: Từ thế kỷ XVIII thế giới được chia thành Phương Đông và Phương Tây. Ngày nay có thể xuất hiện cách phân chia mới. Liệu người Trung Hoa có sợ rằng, do “sự bất bình thường tự nhiên” mới, người Nga quyết định sáp nhập với Phương Tây? Khi đó thế giới sẽ được phân chia thành Phương Bắc và Phương Nam, còn Trung Quốc trở nên đơn độc.
Michał Lubina: Các tướng lĩnh Trung Quốc thấy trong những cơn ác mộng cái ngày, mà nước Nga gia nhập NATO. Điều này có nghĩa là, người Mỹ sẽ xuất hiện phía sau đường biên giới Trung Quốc. Người Trung Hoa lần đầu tiên trong lịch sử của mình không cảm thấy nguy hiểm từ hướng Bắc: về đại thể họ không ém quân đội ở đó. Toàn bộ lực lượng đều hướng ra phía Đông, phía Taiwan. Bắc Kinh đã từng luôn sợ bị tiến công từ phía Bắc, từ phía mà dân du mục trên thảo nguyên thường tới tàn phá Hạ giới, còn bây giờ không còn cần thiết phải cố thủ trong Vạn lý trường thành. Trung quốc sẽ cố gắng hết sức để tách nước Nga khỏi Phương Tây, họ đã có thể dắt mũi nước này suốt 20 năm qua.
Liệu người Trung Hoa có tôn trọng những đối tác Nga của mình?
- Tôi muốn nói rằng, bầu không khí của những cuộc gặp gỡ được duy trì ở trạng thái phù hợp với công vụ. Ở đó không có chỗ cho những cuộc đàm đạo mà không cần thắt cà vạt, không thể cùng nhau vào nhà tắm hoặc tụ hội uống bia buổi chiều. Chỉ có giới kinh doanh. Những cái bắt tay và vỗ vai-vô cùng quan trọng trước ống kính camera. Đây là những cuộc gặp gỡ của 2 nền văn minh, mà không phải luôn luôn mến mộ nhau, và có không nhiều điểm chung. Bắc Kinh không thấy được ở Moscow một đối tác tin cậy, bởi vì Moscow không thể cả quyết được rằng, những người Trung Hoa này có đáng tin cậy hay không? Nước Nga không có lối thoát khác: sau những cố gắng thu xếp các cuộc tiếp xúc với Hàn Quốc và Nhật Bản không thành công, chẳng còn phương án nào nữa. Ngoài ra, người Trung Hoa không thích lẫn lộn giữa chính trị và kinh doanh, vì vậy họ thích nhập khẩu hàng hóa từ Australia hoặc từ châu Phi hơn- đây là những đối tác dễ tiên lượng hơn nhiều.
Nghĩa là, Trung Quốc sẵn sàng quan hệ với những ai có thể dành cho họ một cái gì đó.
- Họ quan hệ với bất cứ ai, miễn là quan hệ đó có lợi. Người Trung Hoa thực dụng tới mức khó tin, dường như đây là dân tộc thực dụng nhất trên thế giới. Nếu có lợi cho họ, họ sẽ tiến hành đàm phán, kể cả với quỷ dữ, mặc dù họ không tin nó. Người Trung Hoa không đánh đồng những giá trị với việc kinh doanh, như thường thấy ở chúng ta. Phương Tây và người Ả rập tin tưởng vào những giá trị tổng hợp, những gì có cội nguồn từ quan niệm hình thành thế giới độc thần. Đối với người Trung Hoa mọi thứ đều là tương đối; không có Thượng đế, thế giới được tạo nên từ những mâu thuẫn và nằm trong quá trình thay đổi liên tục.
Điều gì có thể làm hỏng các mối quan hệ của Bắc Kinh và Moscow?
- Ít có những nguy cơ như vậy. Chính sách năng động hơn của Moscow ở châu Á có thể làm cho sự căng thẳng tăng lên, nhưng lúc này nước Nga không có đủ phương tiện cần thiết và tiền bạc để làm điều này. Nước Nga phải bằng cách nào đó thỏa thuận với Nhật Bản-nhân tố quan trọng đưa mình trở lại cuộc chơi khu vực. Nhưng hiện nay chúng tôi ghi nhận được tình huống bế tắc kéo dài từ thời Nikita Khrushchev: người Nhật đang đòi trả lại quần đảo Kuril, còn người Nga lại không muốn trao trả. Sự thỏa hiệp giả định có thể sẽ phá hỏng ván bài của người Trung Hoa, mà người Nhật không ưa vì thảm họa của cuộc Chiến tranh thế giới thứ II và tới tận bây giờ vẫn khao khát một sự trừng phạt của lịch sử, để Hạ giới phải nhớ tới 10.000 năm sau. Bắc Kinh cũng không thích sự xích lại gần nhau của Moscow và Phương Tây, kịch bản xấu nhất đối với họ- là nếu người Nga bắt đầu “ve vãn” Taiwan.
Ve vãn?
- Chẳng hạn, nếu như họ bắt đầu bán vũ khí cho Taiwan hoặc đưa ra kết luận là, đảo này có quyền độc lập. Vả lại, những mưu toan như thế đã bắt đầu được thực hiện. Vào đầu thập niên 90 ông Boris Yeltsin bị một người quen của mình là ông Oleg Lobob nào đó chuốc rượu cho Tổng thống say, và được ông cho phép thi hành chính sách tự lập trong quan hệ với Taiwan. Ông ta chỉ một chút nữa là đã đưa ra tuyên bố công nhận nền độc lập. Những người Trung Hoa thất kinh đã cầu cứu tới Andrei Kozyrev, ông này đã đến gặp Yeltsin, và Tổng thống đã “tuýt còi’ đúng vào lúc ông Lobob ở Taipei đã soạn thảo xong các văn kiện cần thiết. Lộn xộn là nét đặc trưng cho thời đại của Yeltsin. Hậu quả là một thập niên sau đó, nước Nga trong tất cả những tuyên bố chung đều cam kết ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của nước CHND Trung Hoa. Taiwan vô cùng quan trọng đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc (theo lập trường của Trung Quốc- là đối nội), không có một vấn đề nào khác có thể làm người Trung Hoa quá mất bình tĩnh như thế.
Thậm chí cả khi những lợi ích của Nga và Trung Quốc ở Trung Á đan xen lẫn nhau?
- Trong khu vực này ít- nhiều 2 bên cũng tìm được tiếng nói chung. Vả lại, việc Phương Tây vào Afghanistan cũng giúp cho họ. Trong thập niên 90, sự hiện diện của Trung Quốc ở Trung Á trên thực tế không cảm nhận được. Bắc Kinh chỉ quan tâm tới việc xác định đường biên giới và giải trừ quân bị: vả lại vì những mục đích này mà Tổ chức hợp tác Thượng Hải được thành lập. Chính sự xuất hiện của người Mỹ đã gây ra náo động. Nỗi lo sợ trước người Mỹ đã thúc đẩy Bắc Kinh và Moscow tiếp xúc với nhau. Từ thời điểm đó, theo thỏa thuận bất thành văn, nước Nga sẽ chịu trách nhiệm về lĩnh vực an ninh trong khu vực, còn Trung Quốc –lĩnh vực kinh tế. Bắc Kinh nhất trí để cho Moscow đảm đương vai trò người bảo trợ về chính trị trong khu vực, còn người Nga- để Trung Quốc làm kinh doanh ở đó. Tình trạng tương đối căng thẳng phát sinh chỉ khi Trung Quốc thay vì khí đốt của Nga, đã bắt đầu nhập khẩu của Turkmen. Dầu sao, sự việc xảy ra không phải trong lĩnh vực chính trị, mà chỉ là vấn đề tiền bạc- Turkmen bán gas với giá rẻ hơn. Bắc Kinh đòi Moscow ưu đãi về thuế, mà Moscow thì thực ra không có lợi trong việc này. Trong những vấn đề khác cả 2 quốc gia, có lẽ không có ý định đối đầu và họ biết rằng, hợp tác có lợi cho họ hơn nhiều.
Tình hình vụ việc với Viễn Đông thế nào? Hơn 100 năm về trước khu vực này đã từng thuộc về đế chế Trung Hoa.
- Những người Trung Hoa cảm thấy rằng, người ta đã tước đoạt vùng Viễn Đông của họ. Nhưng tôi cảm thấy rằng, họ không có ý định thu xếp một “cuộc giảng hòa” nhanh chóng: họ có thể đợi chừng 500 năm nữa. Hơn nữa là họ không cần bản thân đất đai: khai thác đến kiệt quệ rừng, bơm hết nước từ các hồ và bán đi tất cả sẽ tốt hơn nhiều. Người Trung Quốc có những công việc quan trọng hơn: lúc này tồn tại vấn đề Taiwan, họ sẽ không thực hiện những bước đi như thế. Tất nhiên, ai mà biết được, điều gì sẽ xảy ra khi cơn phê chủ nghĩa dân tộc lên đỉnh, nếu như họ có cơ hội nhận lại hòn đảo cứng đầu. Trong bất cứ trường hợp nào, nhiệt huyết của người Trung Hoa cũng làm nguội sự hiện diện vũ khí hạt nhân ở người Nga. Họ có những chỗ hấp dẫn hơn để chiếm làm thuộc địa: ví dụ như, khu vực Mãn Châu Lý tiếp giáp với vùng Viễn Đông của Nga, ở đó có 15 triệu người sinh sống. Như vậy lúc này người Nga có thể ngủ yên.
Có nghĩa là, tất cả những câu chuyện về những người Trung Hoa, định cư ở Siberia-là không hề có thật? Mọi người đơn giản là chỉ tới đó để tìm việc làm?
- Tôi sẽ nói thậm chí nhiều hơn: họ sẽ trở về từ công việc này, còn nếu người nào đó quyết định ở lại nước Nga, thì sẽ đến Moscow.
Thế những câu chuyện này từ đâu ra?
- Đây là câu chuyện ăn theo. Tất cả bắt nguồn từ cuộc đấu tranh của Tỉnh trưởng vùng Khabarovsk Victor Ishayev và Tỉnh trưởng vùng Primorye Eugene Nazdratenco được phát động vào giữa thập niên 90. Cả 2 đều muốn phục tùng Yeltsin và cố gắng củng cố quyền lực của mình, để chứng minh rằng, thiếu họ khu vực này không sống nổi. Khi đó họ quyết định đánh vào vấn đề dân tộc nhạy cảm và bịa đặt ra vấn đề người nhập cư Trung Hoa. Một chuyện nhảm nhí không thể tưởng tượng nổi về hàng triệu người Trung Hoa sau này đã được viết ra, khi trong khu vực, tất cả họ nhiều nhất chỉ có 50.000. Thêm vào đó còn có nhiều huyền thoại, chẳng hạn như những đồ chơi trẻ em độc hại. Lịch sử bắt đầu sống bằng cuộc đời riêng. Các phương tiện thông tin đại chúng trung ương, cố gây ấn tượng mạnh đã chụp lấy chủ đề của báo chí mà các vị tỉnh trưởng kiểm soát. Khi ở Moscow người ta bắt đầu nói về mối đe dọa Trung Hoa, những trí thức nổi tiếng như Sergei Mikhalkov và Aleksandr Solzhenitsyn, và đằng sau họ là phe đối lập cũng tham gia bàn luận. Chưa có ai nhổ được vào mặt Grigory Yavlinsky, người đã đếm được 5 triệu “tên thực dân” và đã trở thành người lập được kỷ lục độc đáo.
Trên thực tế ở đó hoàn toàn không có người Trung Hoa. Những thông tin khoa học táo bạo nhất nói rằng, trên khắp nước Nga họ có khoảng 750.000, nhưng chính các nhà nghiên cứu thừa nhận rằng, đây là sự phóng đại. Chỉ có khoảng 200-300 nghìn người Trung Hoa, và họ chủ yếu sống ở thủ đô. Có một nhóm người Trung Hoa sống ở Viễn Đông, phần lớn trong số đó sau khi kết thúc mùa vụ lại trở về quê hương. Vấn đề ăn sâu vào nhận thức của người Nga, bởi vì họ tin vào thuyết quyết định lãnh thổ: nếu chúng ta ít người, còn họ đông người hơn, sớm hay muộn họ cũng sẽ kéo tới chỗ chúng ta. Nhưng lúc này con khỉ Trung Hoa đang ngồi trên cây và chờ đợi, và nó biết nhẫn nhục chờ thời.
Đỗ Ngọc Inh - quocphonganninh.edu.vn
(Theo "Nowa Europa Wschodnia", Ba Lan)
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment