Tác động chiến lược của cuộc xung đột Biển Đông (II)
Thursday, June 6, 2013
Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc thúc đẩy hình thành tập hợp lực lượng và cân bằng quyền lực mới ở Đông Nam Á/Đông Á.
Kết quả của việc xây dựng quân đội và lực lượng hải quân của Trung Quốc đã và đang được thể hiện rất rõ trong các cuộc xung đột Biển Đông hiện nay. Trung Quốc là cường quốc thống trị khu vực đã và đang sử dụng tất cả các công cụ mạnh mẽ để đạt được mục tiêu chiến lược kiểm soát toàn bộ Biển Đông.
Tranh chấp Biển Đông đã phát triển quy mô quốc tế, gây lo ngại toàn cầu
Tạp chí Á-Âu (Mỹ) gần đây có bài phần tích nêu rõ, tranh chấp Biển Đông đã phát triển tới quy mô quốc tế và gây nên mối lo ngại toàn cầu trên cơ sở “bảo vệ các lợi ích chung toàn cầu”, “tự do hàng hải” và “sử dụng không hạn chế các tuyến đường biển quốc tế”. Do đó, tranh chấp ở Biển Đông chuyển từ cuộc xung đột do Trung Quốc phát động chống các nước ASEAN thành Trung Quốc chống lại Mỹ và cộng đồng quốc tế. Về địa chiến lược, Biển Đông không phải “vùng biển nội địa của Trung Quốc”. Về chiến lược và quân sự, Biển Đông nằm ở vị trí quan trọng không những cho phép kiểm soát Đông Nam Á mà toàn bộ khu vực Nam và Đông Á. Do tầm quan trọng chiến lược đó, việc mở rộng hoạt động ra toàn bộ Tây Thái Bình Dương dẫn đến căng thẳng Mỹ-Trung.
Trung Quốc có các mục tiêu chiến lược quan trọng trong các cuộc xung đột leo thang ở Biển Đông.
Chiến lược Lớn của Trung Quốc gồm 2 mục tiêu gồm:
Thứ nhất, buộc Mỹ rút khỏi Đông Á và Tây Thái Bình Dương bằng cách sử dụng chính sách bên miệng hố chiến tranh quyết đoán ở tất các vùng biển Tây Thái Bình Dương khiến Mỹ mệt mỏi hoặc thụ động.
Thứ hai, Trung Quốc sẽ xây dựng và phát triển sức mạnh hải quân gần ngang bằng sức mạnh của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Mục tiêu cơ bản lớn hơn của Trung Quốc là phát triển các khả năng sức mạnh ngày càng tăng của lực lượng hải quân không những dọc bờ biển Trung Quốc mà cả ở Ấn Độ Dương.
Chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông chủ yếu xoay quanh 3 trụ cột:
Thứ nhất, đề phòng/ngăn chặn/gây khó khăn cho việc quốc tế hóa các bất đồng Biển Đông bằng mọi giá.
Thứ hai, chia rẽ sự đoàn kết của ASEAN để ngăn chặn khu vực hóa các tranh chấp.
Thứ ba, thường xuyên gia tăng sức ép các tranh chấp Biển Đông ở mức khiến Mỹ không thể can thiệp quân sự trực tiếp, nhưng khu vực sẽ là một điểm tạo sức épchiến lược.
Hai chuỗi phòng vệ hải đảo được Mỹ thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là đối tượng mà hải quân Trung Quốc đang nỗ lực vượt qua, thông qua một số hành lang hẹp
Vì vậy, trong chừng mực nào đó, Mỹ sẽ can thiệp để bảo vệ sự thống trị chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương và bảo vệ an ninh của các liên minh quân sự cũng như các mối quan hệ chiến lược mới của Mỹ trong khu vực. Đây là một khuôn khổ chiến lược, trong đó cuộc xung đột Biển Đông phải được xem xét trong thập kỷ thứ hai của thế kỷ 21. Hiện nay vấn đề kinh tế và an ninh năng lượng dường như đứng thứ hai. Các yếu tố quyết định chiến lược sẽ làm lu mờ những cuộc tranh cãi về pháp lý và chủ quyền Biển Đông.
Tranh chấp Biển Đông đã và đang tạo nên những tác động chiến lược toàn cầu. Những phát triển trong cuộc xung đột Biển Đông ngày càng thu hút sự quan tâm của các nước ngoài khu vực và quốc tế. Sự mất đoàn kết ở khu vực Đông Nam Á và thiếu khả năng quân sự trong khu vực để ngăn chặn những hành động quyết đoán của Trung Quốc trong các cuộc xung đột Biển Đông đang mở đường cho các nước liên quan đến khu vực Biển Đông đứng về phía các nước bị Trung Quốc bao vây và đe dọa. Mỹ là sức mạnh đối trọng; Nhật Bản và Ấn Độ được đánh giá là các đối trọng hỗ trợ Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương để kiềm chế chính sách bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc.
Nga là một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương cũng sẽ bị lôi kéo tham gia sau khi Mátxcơva tuyên bố chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương. Trong cuộc xung đột Biển Đông không chỉ Mỹ có những hành động công khai ngăn chặn Trung Quốc mà Nhật Bản và Ấn Độ cũng có những hành động chống lại Trung Quốc về chính trị, nếu không nói là về quân sự. Các nước châu Á nhận thấy Trung Quốc không phải là một quốc gia có trách nhiệm về an ninh và sự ổn định của châu Á. Và tình trạng leo thang ngày càng tăng của các tranh chấp Biển Đông đã gây ra một số tác động chiến lược lớn.
Xung đột Biển Đông gây nên sự phân cực và thúc đẩy sự cân bằng cơ cấu quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương. Quan điểm thù địch và xung đột của Trung Quốc về các tranh chấp Biển Đông hiện đang làm tăng sự phân cực chiến lược của châu Á. Sự phân cực châu Á dẫn đến “sự cân bằng mới giữa các cơ cấu quyền lực ở châu Á-Thái Bình Dương".
Năm 2013, xuất hiện của cơ cấu “cân bằng sức mạnh” mới
Trọng tâm chiến lược ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ là “Chuỗi đảo thứ nhất” - một chuỗi đảo chiến lược chạy gần như song song với các nước ven Biển Đông Á ở Tây Thái Bình Dương.
Tây Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ vì nó giúp Mỹ xây dựng vành đai phòng thủ bên ngoài Lục địa Mỹ và tạo bàn đạp gần Trung Quốc để can thiệp quân sự khi cần thiết. Do nó có vị trí địa lý gần Trung Quốc và thuận lợi cho việc triển khai quân sự, Mỹ và các nước đồng minh có thể bao vây Trung Quốc bằng quân sự Trong chuỗi đảo chỉ có một số hành lang cho phép hải quân Trung Quốc thoát ra Thái Bình Dương.
Năm 2013, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến sự xuất hiện của cơ cấu “cân bằng sức mạnh” mới. Nói rộng hơn, Mỹ tăng cường cơ cấu liên minh quân sự hiện có ở Đông Bắc Á trên cơ sở Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines; khẳng định sự hiện diện của Mỹ trong những mối quan hệ an ninh với các nước ven Biển Đông bằng cách tìm kiếm các mối quan hệ chiến lược với Việt Nam, Indonesia và phát triển quan hệ đối tác chiến lược quan trọng với Ấn Độ, ngoài ra mở cửa chiến lược với Myanmar.
Trung Quốc coi Mỹ là mối đe dọa số một. Điều này dẫn đến mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc rất mỏng manh, không chắc chắn và đây có thể là sự khởi đầu của một cuộc chiến tranh lạnh.
Các cuộc xung đột Biển Đông ngày càng leo thang là thách thức tiềm tàng nhất mà Trung Quốc có thể tạo ra để chống lại Mỹ.
Cam kết với ổn định và an ninh ở khu vực Biển Đông của Mỹ cần được cụ thể hóa rõ ràng, tin cậy và hiệu quả. Nếu xu hướng này không được thúc đẩy vì lo ngại rủi ro và chiến lược bao vây Trung Quốc, lúc đó Mỹ cũng có thể tự chôn vùi chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương.
Mặc dù khá muộn, nhưng các nước ASEAN nhận thấy mối đe dọa Trung Quốc là thực tế và mối đe dọa chủ yếu diễn ra trên biển. Các nước ASEAN đang nỗ lực xây dựng các khả năng ngăn chặn của lực lượng hải quân và hải giám để chống lại Trung Quốc.
Cuộc đối đầu xung đột của Trung Quốc trên Biển Đông đánh thức Nhật Bản và Ấn Độ tăng cường hiện đại hóa quân đội. Chính sách bên miệng hố chiến tranh mạnh mẽ của Trung Quốc trong các cuộc xung đột Biển Đông đã phát đi lời cảnh báo Nhật Bản và Ấn Độ phải xem xét các khả năng răn đe của họ nhằm chống lại Trung Quốc. Nhật Bản và Ấn Độ nhận thấy cần tạo ra một đối trọng châu Á để chống lại sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Hai nước đều bị ảnh hưởng trước sự quyết đoán và chính sách bên miệng hố chiến tranh của Bắc Kinh trong các tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.
Nhật Bản đang áp dụng các biện pháp theo hướng tự vệ lớn hơn về sức mạnh răn đe và phòng thủ chống Trung Quốc. Chính sách bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc ở quần đảo Senkaku có lẽ buộc Nhật Bản phải tạo ra khả năng quân sự độc lập chứ không thể lệ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ. Nhật Bản cho rằng việc kiểm soát toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc có thể gây khó khăn kinh tế và chiến lược cho Nhật Bản, do đó Tôkyô sẽ tìm cách ngăn chặn tình huống đó. Các cuộc xung đột Biển Đông và diễn biến trên biển Hoa Đông khiến Nhật Bản không những phải xem xét lại Hiến pháp Hòa bình mà còn xây dựng khả năng quân sự răn đe Trung Quốc. Cuối cùng Ấn Độ cũng nhận rõ bản chất, ý đồ và hành động của Trung Quốc qua các vụ tranh chấp biên giới, bao vây chiến lược và thách thức hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương. Hiện nay Ấn Độ nổi lên như một bên tham gia liên quan đến an ninh và ổn định ở Biển Đông. Gần đây Ấn Độ và Nhật Bản tỏ ra quan tâm hơn đến cuộc xung đột Biển Đông và sự nhất trí chiến lược “Phòng thủ Chung Toàn cầu”.
Tuyên bố chiến lược trở lại châu Á-Thái Bình Dương gần đây của Nga cho thấy một đối thủ mới và mạnh hơn xuất hiện trong khu vực và sẽ tác động đến các cuộc xung đột tương lai./.
Hoài Nam (Gt) - Toquoc
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment