Nơi tôi đến là Trường Sa
Wednesday, June 26, 2013
Ðã có rất nhiều nước mắt, nụ cười thỏa niềm hạnh phúc ở Trường Sa trong những ngày giữa tháng 6, khi tàu HQ996 và HQ571 chở đoàn thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời Tổ quốc.
Giây phút đoàn tụ ở đảo Song Tử Tây giữa chị Trần Thị Ái Vân và anh Mai Trí Thức (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).
Náo nức theo con sóng
7 giờ ngày 6-6, tàu HQ571 và HQ996 rời cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) đi theo hai hướng Bắc và Nam đưa hơn 300 thân nhân ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Tôi đã được theo tàu HQ996 cùng 150 thân nhân đi thăm các đảo, điểm đảo phía Bắc.
Tàu vừa khởi hành, chúng tôi nghe tin đài báo ngoài biển đang hình thành một vùng áp thấp nên sẽ có sóng lớn. Ra đến cửa biển, lớp lớp những con sóng bạc đầu xô đến làm tàu lắc lư. Rồi những cơn mưa giông bất chợt, gió cấp 5, cấp 6 đã làm biển động mạnh, sóng cao 3 - 4m... làm cho mọi người không giấu được nỗi lo lắng, bồn chồn. Nhưng ai cũng vững tin, chung một tâm trạng mong ngóng, hồi hộp chờ đợi giây phút được đoàn tụ với người thân ở Trường Sa.
Mặc cho mưa gió, con tàu HQ 996 vẫn cần mẫn rẽ sóng theo đúng hải trình. Đứng bên mạn tàu, mắt đăm đăm nhìn về phía trước, chị Trương Thị Kiều Hạnh (tỉnh Vĩnh Long) thổ lộ: “Từ hôm bước chân lên tàu để ra thăm chồng đang công tác ở đảo Song Tử Tây, tâm trạng tôi lúc nào cũng chộn rộn, mong sớm được gặp chồng. Cưới nhau được gần 2 năm thì cũng ngần ấy thời gian hai vợ chồng tạm xa cách nên đến giờ, chúng tôi cũng chưa có con. Không biết ở ngoài đó, anh ấy có khỏe không?”.
Sau hàng chục tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển, bỗng tiếng ai đó thốt lên làm xôn xao toàn tàu: Đảo kìa! Tất cả dồn lên trước mũi tàu đang hướng về phía đảo. Đảo dần hiện rõ giữa biển ban mai. Tất cả thành viên trên tàu đều hướng ánh nhìn vào đảo với sự phấn chấn cao độ. Các mẹ, các chị đang say sóng cũng chạy vội lên boong hướng về đảo. Chuông điện thoại và tiếng nói chuyện qua điện thoại làm huyên náo cả boong tàu.
Xuồng đưa các thân nhân lên đảo.
Nghẹn ngào trong hạnh phúc
“Toàn tàu chú ý, đã đến đảo Song Tử Tây, chuẩn bị thả neo”, lời thông báo ấy vừa dứt trên loa, chị Trần Thị Ái Vân (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm) say sóng đang nằm trên giường đã ngồi bật dậy nhanh chóng chuẩn bị đồ đạc. Cơn say sóng hành hạ chị hơn 3 ngày qua như đã tan biến. Chị Vân thay bộ quần áo đẹp nhất, tô một chút son môi, một chút nước hoa và trên môi nở nụ cười rạng rỡ. Chị chạy ào lên boong tàu ngóng về phía đảo và nói lớn: “Anh ơi, em nhìn thấy đảo của anh rồi”. Bên mạn tàu, mọi người đã chuẩn bị hành lý, tư trang, hồi hộp chờ đợi từng phút để được xuống xuồng vào đảo. Xuồng vừa cập bến, chị Vân bỏ lại hành lý, nhanh chân bước lên bờ ôm chầm lấy chồng - anh Mai Trí Thức trong niềm xúc động vỡ òa. Chị vùi mặt vào ngực chồng, nước mắt trào ra. Mọi người xung quanh vỗ tay vui mừng, tiếng cười rộn rã dưới bầu trời đảo Song Tử Tây...
Chia tay đảo Song Tử Tây, tàu HQ996 lần lượt đưa thân nhân lên các đảo: Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Len Đao, Cô Lin, Sinh Tồn, Đá Lớn. Tuy chuyến hành trình đầy vất vả, nhưng khi đặt chân lên đảo, được gặp người thân, cảm giác mệt mỏi của mọi người đều tan biến. Trong giây phút ấy, những người cha, người mẹ gặp được con, người vợ gặp chồng đều nở những nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc. Trong chuyến hành trình lần này, vui vẻ, náo nức nhất chính là những người vợ ra thăm chồng. Trong vòng tay tràn đầy hạnh phúc của chồng, chị Trần Thị Thảo (xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) - vợ Thượng úy Phan Văn Cân, đảo Đá Lớn xúc động: “Tôi đợi giây phút này đã lâu lắm rồi! Được ra Trường Sa thăm chồng, hiểu hơn về cuộc sống và điều kiện công tác ở nơi đây, tôi càng thấy tự hào về chồng mình và yêu chồng nhiều hơn”. Hoàn cảnh vợ chồng anh Cân, chị Thảo khá đặc biệt, cưới nhau đầu năm 2012, nhưng vì ít có thời gian bên nhau nên vẫn chưa có con. Những ngày ở đảo, vợ chồng anh Cân, chị Thảo được chỉ huy đơn vị bố trí “căn phòng hạnh phúc” để có không gian riêng, bù đắp tình cảm sau những ngày xa cách.
Đưa người thân đi thăm đảo.
Tuy đến từ khắp mọi miền đất nước, mỗi người một hoàn cảnh nhưng thân nhân trên tàu đều chung nhau một nỗi mong chờ được gặp con, gặp chồng ở Trường Sa. Ông Phạm Văn Thái (phường Ba Ngòi, TP. Cam Ranh) - bố vợ của Trung úy Đặng Quang Đạo, đảo Sinh Tồn không giấu được niềm xúc động và tự hào khi nói lên suy nghĩ của mình: “Được ra thăm con và các chú bộ đội đóng quân ở Trường Sa là nguyện vọng thiết tha của gia đình. Giữa mênh mông biển trời sóng nước, Trường Sa đẹp và vững chắc hơn những gì mà tôi hình dung. Đặt chân đến đây, tôi càng tự hào về chủ quyền Trường Sa của quê hương. Tôi cảm thấy tự hào về con rễ của mình khi được công tác ở đây”. Ông Lê Hồng Lệ (Thanh Hà, tỉnh Hải Dương) bố của Trung úy Lê Hồng Dũng - đảo Sơn Ca, lúc ở trên xuồng thấy con trai đứng nghiêm trang trên đảo chuẩn bị đón mình, ông đã reo lên át cả tiếng xuồng máy: “Con trai của bố kia rồi”. Khi lên bờ, hai bố con đã ôm chặt lấy nhau trong niềm hạnh phúc, nhớ thương...
Thắp hương cầu nguyện trên đảo Song Tử Tây.
Lưu luyến phút chia tay
Phút tạm biệt người thân ở đảo Đá Lớn A.
Thời gian 5 ngày ở lại với người thân trên các đảo trôi qua thật nhanh. Tàu HQ996 đã quay lại điểm đảo đầu tiên để đón các thân nhân trở về đất liền. Trong giây phút chia tay, lính đảo và người thân đều bùi ngùi, xúc động. Những lời chúc thắm tình, cái bắt tay thân mật, nụ hôn ngọt ngào yêu thương..., tất cả hòa lẫn vào tiếng máy, tiếng gió, tiếng sóng biển nghe âm vang. Trên bến cảng đảo Song Tử Tây, chị Phùng Thị Thu (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) ôm chặt lấy chồng - Thiếu úy Vũ Huy Lợi, mắt rưng rưng. Chị Hoàng Thị Lan Anh (phường Phước Long, TP. Nha Trang), vợ của Đại úy Lê Ngọc Phương - Đảo trưởng đảo Đá Lớn A trông có vẻ bản lĩnh hơn. Đứng nép bên chồng, chị tâm sự: “Anh ấy đi xa, ở nhà sẽ rất nhớ và vất vả hơn bởi thiếu đi bàn tay chăm sóc của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Nhưng vì nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, tôi gánh vác công việc gia đình, nuôi dạy con cái ăn học và chờ ngày hết nhiệm kỳ công tác, anh lại về sum họp với gia đình”. Nghe chị nói vậy, anh Phương càng cảm thấy yên lòng...
Nghẹn ngào giây phút tạm biệt giữa chị Hoàng Thị Lan Anh và anh Lê Ngọc Phương (phường Phước Long, TP. Nha Trang).
Hành trang mang về đất liền của chúng tôi và mọi người trong chuyến đi này lại có thêm nhiều xúc cảm về những người lính Hải quân - những người nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng hy sinh thân mình và hạnh phúc cá nhân để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Các anh hãy vững tin công tác, phía sau các anh luôn có hàng triệu tấm lòng của đồng bào cả nước, của gia đình hướng về nơi đầu sóng ngọn gió.
VĂN GIANG - BÁO KHÁNH HÒA
Tags:
Hoàng sa,
Trường Sa
Comments[ 0 ]
Post a Comment