Nghịch lý chiến tranh Việt Nam: Radar 'bỏ đi ăn đứt" radar hiện đại
Thursday, June 27, 2013
Nhiều khi những vũ khí lạc hậu tưởng “vứt đi” lại hiệu quả hơn cả loại hiện đại.
Sự tự tin của người Mỹ
Năm 1965, hệ thống SAM-2 (C-75) được Liên Xô viện trợ cho Ai Cập và Syria để chống lại không quân Israel. Trong cuộc chiến tranh 6 ngày (5 đến 11 tháng 6 năm 1967) giữa Liên quân Ai Cập - Syria với Israel, quân đội Ai Cập không chịu nổi đòn tấn công của các binh đoàn thiết giáp Israel nên đã tháo chạy khỏi sa mạc Sinai, bỏ lại hơn 20 bộ khí tài SAM-2, cùng loại với khí tài mà Việt Nam đang sử dụng chống lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ. Các bộ khí tài này được các chuyên gia vũ khí Mỹ mổ xẻ và nghiên cứu, áp dụng các phương pháp tác chiến điện tử nhằm đối phó với SAM-2.
Tổ hợp tên lửa C-75 (SAM-2) của Việt Nam
Đài radar nhìn vòng P-12 của Việt Nam
Năm 1969, đến lượt 1 hệ thống radar cảnh giới P-12 của Ai Cập bị rơi vào tay Israel, toàn bộ kết quả phân tích được chuyển giao cho Mỹ. Như vậy đến năm 1970, các loại radar phòng không chủ yếu của Quân đội nhân dân Việt Nam đều đã bị Mỹ nắm bắt và Mỹ đã chế tạo ra các thiết bị gây nhiễu rất hiệu quả. Như chiếc B-52D, lúc đầu mang 8 máy gây nhiễu, thì tới tháng 12/1972 đã có tới 15 máy gây nhiễu, 2 máy phóng nhiễu giấy bạc.
Mỹ cho rằng, đối thủ lúc bấy giờ của B-52 không phải là tên lửa SAM-2 mà là máy bay MiG bởi mọi bí mật về tính năng kỹ thuật của SAM-2 đã bị Mỹ khai thác. Thế nên ngay từ đầu, chúng đã tập trung đánh tất cả các sân bay của chúng ta.
B-52 là máy bay ném bom chiến lược có khả năng gây nhiễu điện từ rất lớn. Một tốp 3 chiếc B-52 có 45 máy gây nhiễu, tất cả nhiễu đó tạo thành giải nhiễu chồng chéo, dày đặc, đan xen, công suất rất lớn và rộng. Chưa kể bay kèm B-52 là đội hình máy bay chuyên tác chiến điện tử, gây nhiễu ra-đa. Điều này khiến radar của hệ thống phòng không gặp nhiễu, không thể phát hiện và khóa mục tiêu được với B-52. Các đài radar P-12 của các tiểu đoàn tên lửa SAM-2 chỉ thu được các giải nhiễu đậm đặc, có lúc làm trắng xóa cả màn hình
Đấy là chưa kể các nguồn nhiễu khác như: Nhiễu ngoài hạm tàu, nhiễu của các máy bay chuyên gây nhiễu từ xa, cùng với máy gây nhiễu của máy bay chiến thuật tạo thành một từ trường nhiễu tổng hợp gây rất nhiều khó khăn cho bộ đội phòng không, không quân.
Hầu hết các đài radar của Việt Nam lúc ấy đều báo cáo rằng nhiễu rất nặng, không thể phát hiện được mục tiêu. Thực tế tên lửa SAM-2 có thể hạ mục tiêu ở độ cao trên 24.000m trong khi trần bay tối đa của B-52 chỉ là 17.000m (khi bay ném bom thì độ cao bay khoảng 10.000m) nên SAM-2 đủ sức vươn tới B-52. Tuy nhiên, với hàng loạt loại nhiễu điện tử, tên lửa SAM-2 khi phóng lên không thể điều khiển, có khi rơi ra chỗ khác gây thương vong cho chính quân dân ta.
B-52 có lắp máy gây nhiễu ALR-18 hướng về phía đuôi để gây nhiễu radar của MiG-21
Máy gây nhiễu rãnh đạn AN/ALQ-71 của Mỹ
Máy phóng nhiễu giấy bạc dạng rocket
Ngày 10/4/1972, B-52 đánh vào thành phố Vinh nhưng hai ngày sau, chúng ta mới phát hiện được. Ngày 13/4, B-52 đánh vào Thanh Hóa, chúng ta có 2 tiểu đoàn tên lửa ở khu vực này nhưng vì radar bị nhiễu rất nặng nên cũng không đánh được B-52.
Đặc biệt, sáng sớm 16/4/1972, 12 chiếc B-52 vào đánh Hải Phòng đúng lúc Sư đoàn Phòng không 363 đang diễn tập phương án đối phó B-52. Các phái viên của Bộ Tổng tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân và các chuyên gia đang có mặt ở từng trận địa tên lửa cho rằng, đây là cơ hội rất tốt để chiến thắng B-52.
Nhưng trận đánh ấy, Sư đoàn 363 đã bắn lên 93 tên lửa nhưng lại không rơi một chiếc máy bay nào. Những tên lửa của chúng ta rơi chỗ khác hoặc là mất điều khiển.
Từ sự khởi đầu khá suôn sẻ trong trận 16/4/1972, Mỹ tin rằng B-52 có thể đánh phá bất cứ mục tiêu nào trên miền Bắc trong đó có thủ đô Hà Nội. Nhưng cũng chính thất bại này, lại càng thôi thúc các chiến sĩ radar cũng như chiến sĩ tên lửa tìm mọi cách vạch nhiều tìm thù để phát hiện B-52.
Radar "bỏ đi ăn đứt" radar hiện đại
Khi quân chủng phòng không - không quân đang nghiên cứu mọi biện pháp để phát hiện B-52 trong nhiễu thì có một đồng chí cán bộ nảy ra ý nghĩ rằng: Máy gây nhiễu hiện đại của B-52 đối phó được với radar hiện đại thế hệ thứ 8 thứ 9 mà chúng ta đang trang bị, nhưng nó chưa chắc đối phó được với thế hệ radar cũ như thế hệ thứ 2,3,4. Vì vậy, đồng chí này đề xuất bố trí radar cũ vào trong đội hình mạng radar quốc gia. Quả nhiên chiếc radar tưởng như bỏ đi đó lại hoàn toàn không bị ảnh hưởng từ nhiễu của B-52.
Từ phát hiện trên, đồng chí này cùng với cán bộ kỹ thuật của binh chủng tên lửa đã nghiên cứu thiết kế lắp đặt một bộ điều khiển mang mật danh KX trang bị cung cấp cho các đơn vị tên lửa của chúng ta. KX chính là sự kết hợp giữa radar cổ lỗ và bộ điều khiển của hệ thống điều khiển SAM-2.
Chính bộ điều khiển mang mật danh KX đã góp phần vào việc phát hiện B-52 rất chính xác, thậm chí có thể phát hiện đâu là B-52 thật, đâu là B-52 giả để tập trung lực lượng tiêu diệt.
Quân chủng phòng không không quân đã xây dựng phương án đánh B-52 bảo vệ Hà Nội dựa trên cơ sở bộ điều khiển KX từ tháng 5/1972 và sau đó tiếp tục hoàn chỉnh phương án này vào tháng 7, tháng 9, tháng 11. Đây là một phương án có tính chất chiến lược để phát huy cao độ các lực lượng của quân chủng phòng không không quân để đánh thắng B-52.
Hệ thống radar KX được trưng bày tại bảo tàng phòng không-không quân
Phương án này được nhanh chóng phổ biến trong toàn quân chủng và đã góp phần quan trọng trong thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không. Đôi khi, trong chiến tranh, vũ khí hiện đại không hẳn là yếu tố tạo nên chiến thắng. Các yếu tố làm lên thắng lợi của chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” chính là làm tốt các khâu từ chuẩn bị kỹ thuật khí tài, yếu tố linh hoạt và sáng tạo trong khai thác, sử dụng cũng như tư duy về chiến thuật trong công tác nghiên cứu địch và phương pháp bố trí trận địa để đánh địch. Điều đó cho thấy, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất làm lên sức mạnh Việt Nam.
Theo SOHA.VN
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng,
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment