Trung Quốc đang thực hiện chính sách an ninh hàng hải mới?
Saturday, June 22, 2013
Thế giới đang lo ngại về độ nhạy cảm và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc đối với các vấn đề chủ quyền và lãnh thổ - bao gồm cả hàng hải, đặc biệt là trong 5 năm qua.
Hành động của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông và mối quan hệ với Việt Nam, Philippines và Nhật Bản. Nhất là gần đây, Trung Quốc đã không ngần ngại cứng rắn đối với Hải quân Ấn Độ khi các lực lượng cùng hoạt động ngoài biển khơi.
Một điều đặc biệt là trong bối cảnh này, vào ngày 28/5/2013, trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, ông Mian Yang – một chuyên gia quốc tế đã khá mạnh miệng khi nói rằng sự gia tăng sức mạnh quốc gia một cách toàn diện của nước này là để tạo ra “cho các nhà lãnh đạo mới một sự tự tin trong việc đối phó với cộng đồng quốc tế”. Ông Mian Yang là chủ nhiệm của Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (SIIS) và là em trai ông Dương Khiết Trì - Ủy viên quốc vụ viện, người phụ trách chính cho các cuộc đàm phán liên quan đến tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải của Trung Quốc.
Lực lượng hải quân Trung Quốc
Ông Mian Yang nhấn mạnh rằng “sự tự tin” đã cho phép các nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy “vững chắc” trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước này, đồng thời trở nên linh hoạt hơn trong các hoạt động ngoại giao với các nước nhỏ hơn. Ông này cũng tiết lộ rằng các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc sẽ tập trung hơn vào các hang xóm của mình.
Phản ánh sự quyết liệt trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ, tại cuộc gặp gỡ cấp cao kéo dài 2 ngày 7-8/6 vừa qua với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã sử dụng thuật ngữ “lợi ích cốt lõi” khi đề cập đến những tranh chấp với Nhật Bản về chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trung Quốc đã gọi quần đảo này là “lợi ích cốt lõi” của mình lần đầu tiên trong một cuộc họp báo thường lệ của người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong tháng Tư. Mỹ đã “tình cờ” thông báo với Nhật Bản về các chi tiết nhạy cảm này.
Trước đó, vào hồi tháng Một, Cục Khảo sát và lập bản đồ Trung Quốc (NASMG) thong báo rằng Cơ quan in ấn bản đồ Sinomaps của nước này đã xuất bản một bản đồ mới của Trung Quốc. Trong bản đồ này, Trung Quốc đã vẽ một đường gồm chín đoạn, xác định hơn 130 hòn đảo và các bãi san hô trên Biển Đông là thuộc chủ quyền của mình. Điều này chưa hề xuất hiện trong các bản đồ chính thức trước đây của nước này. Bản đồ mới này cũng có một hình chữ nhật mở rộng, bao gồm cả quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Cũng với “chiêu trò” này, bản đồ mới của Trung Quốc cũng đưa vào toàn bộ bang Arunachal Pradesh và một phần lớn của Jammu và Kashmir, chủ yếu là vùng Aksai Chin như là một phần lãnh thổ của mình. Ngoài ra, hộ chiếu mới của Trung Quốc cũng in các bản đồ tương tự.
Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng phải đối mặt với một thách thức lớn khi mà lực lượng Hải quân Mỹ đang thực hiện giám sát hang hải và không phận một cách thường xuyên bằng tàu và máy bay trong khu đặc quyền kinh tế (EEZ) của Trung Quốc. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối và trong những năm gần đây liên tục thể hiện sự giận dữ của mình bằng cách đối đầu với máy bay và tàu của Mỹ. Trung Quốc có thể là quốc gia duy nhất làm như vậy.
Một vụ va chạm nghiêm trọng đã được ngăn chặn hồi tháng 4/2001. Lúc đó, máy bay J-8 của Trung Quốc đã đụng độ với máy bay do thám EP-3 của Không quân Mỹ gần căn cứ tàu ngầm bí mật của Trung Quốc trên mũi phía nam của đảo Hải Nam. Phi công Mỹ sau va chạm đã hạ cánh máy bay của mình, tuy nhiên các phi công Trung Quốc đã chết sau vụ va chạm này.
Từ năm 2009, một số cuộc đối đầu cũng đã được báo cáo từ các tàu ngầm của Trung Quốc, tàu khu trục của hải quân Mỹ như USS Impeccable và USS Vitorious và tàu thủy văn không vũ trang USS Bowditch. Các tàu đánh cá của Trung Quốc báo cáo đã bị chiếc USS Bowditch quấy rối ít nhất là gần 10 lần trong khu EEZ của mình.
Dai Xu, một đại tá không quân của quân đội Trung Quốc đã về hưu, là tác giả một cuốn sách mà ông Tập Cận Bình thường trích dẫn để phát biểu các luận điểm của mình, đã bình luận trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc rằng: “Quân đội phải thực hiện các hành động cụ thể”. Ông này cho rằng: “Việc đầu tiên là cảnh báo, sau đó đề nghị trục xuất. Và nếu các hành động đó không được thực hiện, quân đội có quyền bao vây và đánh chìm các tàu xâm lược”.
Tư tưởng chuyên quyền cứng rắn này đã được nêu vấn đề tại các hội nghị quốc tế và bên lề cuộc họp của Đại hội Đại biểu nhân dân Trung Quốc – một chương trình họp quốc hội của nước này. Và nó cũng nổi lên trong một buổi bàn về vấn đề an ninh hàng hải của chương trình Đối thoại Shangri-la ở Singapore.
Tướng Thích Kiến Quốc đã có những phát ngôn cứng rắn trong Đối thoại Shangri - la, tháng 6/2013
Để thể hiện sự “trả đũa” cho những gì mà Mỹ đã làm bấy lâu nay trong khu EEZ của mình, ông Thích Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội, tiết lộ rằng Trung Quốc cũng đã “có qua có lại” bằng cách “gửi tàu và máy bay của mình tới các vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ một vài lần”. Đây là lần đầu tiên một quan chức quân đội Trung Quốc đã xác nhận thông tin sau một thời gian khi tàu Hải quân Trung Quốc bị phát hiện xung quanh quần đảo Okinawa và Guam.
Việc công bố này có một ý nghĩa quan trọng đối với các nước trong khu vực. Nó cho thấy chính sách hàng hải của Bắc Kinh được thiết lập với xu hướng gia tăng sự quyết đoán và ngụ ý rằng sức mạnh quân sự của Trung Quốc tăng lên theo lợi ích kinh tế và các chính sách mở rộng. Trung Quốc đã “sao chép” hành vi của Mỹ, cho rằng việc thực hiện các cuộc điều tra và thu thập thông tin tình báo bên trong khu đặc quyền kinh tế của nước khác là phù hợp.
Hành động của Trung Quốc ban đầu sẽ ảnh hưởng đến Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Khi Hải quân Trung Quốc mở rộng phạm vi và khả năng của mình, chính sách này sẽ tác động trực tiếp các nước như Ấn Độ.
Ni Lexiong, giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách quân sự tại Đại học Khoa học, Chính trị và Luật phát Thượng Hải khẳng định rằng những nhận xét của đại tá cao cấp của quân đội Trung Quốc đã phản ánh “sự thay đổi về khái niệm hoạt động hàng hải” của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Và sự thay đổi này đi theo sau sự phát triển nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc cũng như sự gia tăng sức mạnh hải quân của nước này trong thập kỷ qua. Phát biểu cũng cho rằng giải thích của Bắc Kinh đối với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển có thể được xem xét.
Phan Sương - Infonet
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment