Nhật Bản 'bao vây', Trung Quốc cảnh cáo: Đừng chọc giận!
Friday, June 14, 2013
Hôm nay 14/6, Tân Hoa Xã đã có bài bình luận về chiến lược ngoại giao “bao vây” Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Bài viết đã cảnh cáo Nhật Bản hãy tự lượng sức bởi Trung Quốc đã không còn là nước yếu như trước đây.
Ngoại giao 'bao vây'
Gần 6 tháng kể từ khi lên nắm quyền đến nay, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe liên tiếp triển khai các hoạt động ngoại giao nhằm vào Trung Quốc hòng xây dựng cái gọi là “vòng vây kiềm chế Trung Quốc. Ông Shinzo Abe và thành viên nội cách liên tiếp sang thăm gần 30 quốc gia xung quanh Trung Quốc; Mặt khác, Tokyo cũng không quên “mời sang thăm”, lần lượt đón tiếp nhà lãnh đạo của hơn 10 quốc gia như Ấn Độ, Myanma… sang thăm Nhật Bản.
Xinhuanet cho rằng, trong bối cảnh vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku vẫn đang rất căng thẳng như hiện nay, không ít hãng thông tấn nước ngoài cho rằng những hoạt động ngoại giao này của ông Shinzo Abe nhằm âm mưu lôi kéo một số quốc gia đối đầu, bao vây, kiềm chế Trung Quốc, cùng với việc giảm tải sức ép cho mình, Nhật Bản muốn xác lập lại vị thế chủ đạo tại châu Á.
Tuy nhiên, dù là “ngoại giao giá trị quan”, xây dựng “vòng cung tự do và phồn vinh” hay kiến thiết cái gọi là “vòng vây đảm bảo về mặt an ninh”, chắc chắn âm mưu “bao vây” Trung Quốc của ông Shinzo Abe sẽ đổ bể.
Ngay từ năm 2006, chính quyền Shinzo Abe đã tung ra lộ trình ngoại giao giá trị quang “vòng cung tự do phồn vinh”. Và hiện tại, ông Shinzo Abe lại một lần nữa lặp lại khái niệm ngoại giao của năm xưa, coi việc lôi kéo Mỹ và các nước xung quanh Trung Quốc “kiềm chế” Trung Quốc là trọng tâm trong chiến lược ngoại giao của mình.
Tân Hoa Xã phân tích, kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, ông Shinzo Abe đã nhanh chóng tung ra cái gọi là ba nguyên tắc “ngoại giao chiến lược”, “ngoại giao giá trị quan” và “ngoại giao tích cực chủ động”.
Báo này cho rằng ba nguyên tắc ngoại giao của ông Shinzo Abe chỉ là lặp lại lối tư duy cũ rích của thời kỳ Chiến tranh lạnh, chơi bài hình thái ý thức cộng với lợi ích kinh tế để lôi kéo một số quốc gia chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc. Từ hành động thực tế có thể thấy, chính quyền ông Shinzo Abe đã thực sự “lao tâm khổ tứ” để thực hiện ba nguyên tắc này.
Xét về khu vực, ông Shinzo Abe tập trung vào các nước lân cận Trung Quốc, đặc biệt là Đông Nam Á. Ông Shinzo Abe đã sang thăm Myanma – nước có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp với Trung Quốc nhằm ý định “chia rẽ”, đồng thời còng không quên đến viếng mộ của quân xâm lược Nhật Bản năm xưa bị quân dân địa phương và quân tình nguyện Trung Quốc bắn chết. Shinzo Abe và nội các gần như đã đặt chân lên hầu hết các nước Đông Nam Á và Australia, nhằm xây dựng cái gọi là “vòng vây đảm bảo về mặt an ninh”, đồng thời còn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh quân sự với Philippines.
Xét về phương thức, cùng với việc tăng cường hợp tác về mặt thương mại, Tokyo chú trọng hơn đến lĩnh vực chính trị, an ninh. Về kinh tế thông qua những miếng mồi dụ “ngon ngọt” như miễn giảm các khoản nợ, gia tăng viện trợ, tăng vốn đầu tư.. nhằm dồn ép sự ảnh hưởng và không gian của kinh tế Trung Quốc; Về mặt chính trị liên kết với các nước có mối tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Ấn Độ hòng giành được sự đồng tình và ủng hộ, gây dựng cái gọi là “mặt trận thống nhất”.
Tân Hoa Xã cho rằng, để làm được những điều này, ông Shinzo Abe đã vung tiền không tiếc tay, thanh thế rầm rộ, nhìn bề ngoài sẽ thấy đạt được hiệu quả nhất định. Nhưng xét về căn bản, âm mưu “bao vây” Trung Quốc của Shinzo Abe sẽ không thành công.
Đừng “chọc giận Trung Quốc”
Theo báo này, xét về kinh tế, quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với các nước xung quanh ngày càng mật thiết, không phải chỉ cần có nguyện vọng là Nhật Bản sẽ thay đổi được thế cờ. Như với ASEAN, mặc dù Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ hai của khu vực này, nhưng Trung Quốc mới là “anh cả” trong đối tác thương mại của ASEAN. Sau khi xây dựng khu vực mậu dịch tự do với ASEAN, kim ngạch trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai bên tăng mạnh, năm 2012, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN đạt mức kỷ lục 400 tỉ USD, đầu tư song phương đã lên tới 100 tỉ USD. Cũng chính vì thế mà hãng Reuters đã bình luận rằng, khi quan hệ với Shinzo Abe, các nước Đông Nam Á sẽ phải cân nhắc để không “chọc giận Trung Quốc”.
Lấy chiến lược “chăm sóc đặc biệt Myanma” của Nhật Bản làm ví dụ, cách đây không lâu, tại Tam Á, Tổng thống Thein Sein đã cho biết Myanma rất trân trọng tình hữu nghị truyền thống và mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với Trung Quốc. Myanma đang tập trung cho công cuộc cải cách đất nước và sự phát triển ổn định của quốc gia, mong muốn tiếp tục được sự ủng hộ của Bắc Kinh, chào đón các công ty Trung Quốc tiếp tục tham gia vào công cuộc xây dựng kinh tế của Myanma. Trong cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida, ngoại trưởng Australia Bob Carr đã thẳng thắn bày tỏ Australia không thể hiện lập trường xung quanh vấn đề đảo Điếu Ngư/Senkaku.
Điều quan trọng hơn là, Trung Quốc đã không còn là Trung Quốc nghèo đói, suy yếu như thời chiến tranh Thanh – Nhật năm 1894, cũng không còn là đất nước Trung Quốc tản mạn như một nắm cát trong cuộc chính biến ngày 18-9-1931 - ngày diễn ra biến cố Mãn Châu mà Nhật Bản đã lấy cớ để xâm chiếm nhiều phần lãnh thổ Trung Quốc trước chiến tranh thế giới lần thứ II.. Hiện tại, sức mạnh kinh tế, quốc phòng của Trung Quốc đều không còn như ngày trước, sự phồn vinh và ổn định của thế giới cũng không thể tách rời khỏi Trung Quốc, đâu phải chỉ dựa vào lôi kéo là Nhật Bản có thể “bao vây” Trung Quốc? Nói đến “bao vây Trung Quốc”, Nhật Bản chắc chắn đã không lường được sức mình.
Huy Long - TPO, Theo Tân Hoa Xã
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment