Vào năm 1900, Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Jay từng tuyên bố: “Địa Trung Hải là đại dương của quá khứ, Đại Tây Dương là đại dương của hiện tại và Thái Bình Dương là biển của tương lai”.
Ấn Độ tăng cường sức mạnh hải quân
Nếu chính sách mới của Thủ tướng Modi phát huy hiệu quả, lời tiên đoán của Ngoại trưởng Jay sẽ phải sửa thành khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là đại dương của tương lai. Để có tầm nhìn thông suốt đối với việc thiết lập vai trò lớn mạnh hơn của Ấn Độ tại Ấn Độ Dương, Thủ tướng Narendra Modi lên cầm quyền được 6 tháng đã đề ra học thuyết về biển, gắn kết Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương.
Một trong mục đích của chủ trương hàng hải mới của chính quyền Modi là nhằm đối phó và cân bằng lại ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng cường tại Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, cũng để hỗ trợ cho việc tăng cường các quan hệ chính trị, kinh tế ngoại giao của Ấn Độ tại khu vực Ấn-Thái. Việc Trung Quốc phát triển quan hệ với Sri Lanka và các quốc gia hải đảo trên Ấn Độ Dương trong kế hoạch “Con đường tơ lụa trên biển” đầy tham vọng cho thấy Bắc Kinh đang gia tăng ảnh hưởng ở khu vực này. Biểu hiện gần đây nhất là chuyến ghé thăm Sri Lanka của một tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc.
Điểm cốt lõi của Học thuyết Narendra Modi là tập trung vào việc tăng cường ảnh hưởng bằng sức mạnh trên biển ngày càng lớn mạnh. Thủ tướng Modi nhận thức rõ rằng đường lối phát triển đúng đắn nhất dành cho Ấn Độ là gia tăng sức mạnh và sự hiện diện trên các tuyến đường biển đi qua Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, và đang gia tăng tương tác với các thế lực trên biển khác trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Hải quân Indonesia trước tham vọng vượt khỏi việc phòng thủ 18.000 hòn đảo
Indonesia hướng ra biển và đại dương với tầm nhìn mới
Ngày 12/11 vừa qua, tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS), Naypyitaw, Myanmar, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trình bày học thuyết biển của Indonesia. Học thuyết này định hình 5 trụ cột chính sách của chính quyền Widodo trong vài năm tới. Tổng thống Jokowi đã miêu tả Indonesia như là một bản lề kết nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, thậm chí là nằm ở vị trí trung tâm kết nối đại dương. Tổng thống Jokowi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Indonesia với tư cách Trục hàng hải thế giới.
Năm trụ cột chính của học thuyết biển của Indonesia gồm:
-Xây dựng lại văn hóa biển Indonesia. Là một quốc gia gồm 17.000 đảo lớn nhỏ, Indonesia phải nhận thức rằng tương lai của mình phụ thuộc vào việc quản lý biển như thế nào.
- Indonesia sẽ duy trì và quản lý tài nguyên biển, tập trung vào việc thiết lập kiểm soát đối với mặt hàng hải sản.
- Indonesia sẽ ưu tiên phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng và các cơ sở kết nối liên quan đến hàng hải, bao gồm các trạm thu phí hàng hải, cảng nước sâu; ngành đóng tàu, hậu cần và du lịch biển cũng được chú ý phát triển.
- Thông qua ngoại giao biển, Indonesia phải xóa bỏ nguồn gốc của các xung đột trên biển như trộm cá, vi phạm chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ, cướp biển và ô nhiễm môi trường.
- Là quốc gia cầu nối giữa hai đại dương, Indonesia phải phát triển sức mạnh phòng thủ trên biển.
Tuy nhiên, kế hoạch biển của Tổng thống mới gặp vấn đề vấn đề cơ bản là Indonesia thiếu nguồn lực tự than mà phải dựa vào đầu tư nước ngoài. Trong khi hệ thống cảng và cơ sở hạ tầng của Indonesia đắt đỏ và tệ nạn quan liêu vẫn còn nặng nề.
Ý đồ của Indonesia có thể làm Trung Quốc nghi ngờ thêm về việc Jakarta phát triển sức mạnh trên biển nhằm đối phó với yêu sách của Trung Quốc về quần đảo Riau. Các nước trong khu vực như Malaysia và Singapore cũng sẽ đòi hỏi sự minh bạch trong kế hoạch phát triển lực lượng trên biển của Indonesia.
Quá trình phát triển quân sự của Indonesia sẽ bao gồm việc tăng ngân sách quốc phòng từ dưới 1% lên 1,5% GDP. Ngân sách của lục quân và các lực lượng khác có thể bị chính phủ cắt giảm nếu cần thiết để phục vụ cho hải quân và lực lượng phòng vệ bờ biển. Thêm nữa, việc cắt giảm tài nguyên của lục quân có thể gây bất mãn trong giới sĩ quan quân đội, giữa lúc Tổng thống Jokowi không có sự hậu thuẫn của quân đội./.
Lưu Việt - Báo Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment