Chuyên gia không chiến của Mỹ bị VN bắn rơi như thế nào?
Friday, December 12, 2014
Để trị Mig-17, Mig-21 của Việt Nam, Không quân Mỹ cử một ‘chuyên gia không chiến’ sang nghiên cứu nhưng trớ trêu là chính vị ‘chuyên gia’ này lại bị Mig-17 Việt Nam bắn rơi.
Một chiếc F-4 của Không quân Mỹ.
Đầu năm 1967, sau khi các máy bay F-4, F-105 bị các máy bay Mig của Việt Nam bắn rơi quá nhiều, có ngày bị rơi đến 7 chiếc, Mỹ cử Đại tá Norman C. Gaddis sang nghiên cứu để tìm cách khắc chế Mig.
Gaddis lúc đó là Giáo sư, Viện sĩ không quân, sử dụng máy bay F-4D là loại máy bay cường kích-tiêm kích. Đây là một phi công dày dạn kinh nghiệm, đã có hàng ngàn giờ bay.
Năm 1960, Gaddis được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Cao đẳng sĩ quan tham mưu không quân cao cấp. Tại đây, Norman C. Gaddis làm công tác đào tạo phi công chiến đấu “làm thế nào để chống lại các máy bay MiG của Liên Xô”.
Tại các buổi hướng dẫn phi công, Gaddis thường xuyên chỉ trích các phi công Mỹ tại Việt Nam là “không biết cách khai thác tính năng của các máy bay hiện đại như F-4, F-105 trước các máy bay MiG dưới cơ”. Gaddis chỉ ra hàng trăm điểm yếu của MiG, đồng thời chỉ cho họ làm thế nào để chế ngự MiG.
Theo trang web af.mil, tháng 11/1966, Gaddis sang Việt Nam trong nhiệm vụ làm phó Trợ lý cho các hoạt động của phi đội không quân chiến thuật số 12 đóng căn cứ tại Cam Ranh.
Gaddis bên một chiếc máy bay.
Gaddis đã bay tổng số 72 phi vụ ở miền Nam Việt Nam, miền Bắc Việt Nam và Lào trước khi bị bắn rơi vào ngày 12/5/1967. Ông này đã bị bắt làm tù binh và bị giam ở nhà tù Hỏa Lò – nơi giam giữ các phi công Mỹ bị bắn rơi trong chiến tranh. Gaddis được thả vào ngày 4/3/1973 sau khi Hiệp định Paris được ký kết.
Lại nói về vụ Gaddis bị bắn rơi, ngày 12/5/1967, Đại tá Gaddis cùng với hoa tiêu là Trung úy James M. Jefferson lái chiếc tiêm kích F-4C, chỉ huy tốp chiến đấu có vừa có F-4, F-105 bay từ Lào theo hướng Ba Vì tiến vào.
Về phía ta, theo hồi ký Phi công tiêm kích của Đại tá Lê Hải, một biên đội Mig-17 đã được lệnh cất cánh từ Gia Lâm lên đánh chặn. Biên đội gồm 4 phi công là Tịnh - Hải - Mai - Kỉ cất cánh lên phía tây ở độ cao khoảng 3.500 mét, gặp ngay đội hình tề chỉnh của Gaddis trên đỉnh sân bay Hòa Lạc.
Hồi ký ghi: “Biên đội phát hiện địch và địch cũng phát hiện được ta. Địch lập tức tổ chức không chiến. 6 chiếc F-105 không mang bom, chỉ mang tên lửa để không chiến, đánh quần với Mig-17, 12 chiếc F-4D chỉ mang tên lửa, mỗi máy bay mang 12 tên lửa, cả 2 loại nhiệt và điều khiển vô tuyến điện từ xa. Gần 30 máy bay của ta và địch, quần đảo, bám nhau, liên tục nổ súng và phóng tên lửa, lúc vào mây, lúc ra mây. Có viên đại tá chỉ huy, bọn tiêm kích F-4D càng hăng. Mỗi lần công kích, chúng phóng liền 2 quả tên lửa. Bầu trời rạch ngang dọc vạch khói tên lửa của gần 20 máy bay Mĩ. Bọn F-105 cũng bắn nhiều loạt đạn ca nông vào biên đội. Các chiếc Mig-17 hầu như tự không chiến với nhiều máy bay Mĩ. Các số chỉ nhắc nhau cơ động, khi thấy máy bay địch phóng tên lửa. Anh Tịnh và anh Kỉ đánh quyết liệt. Anh Tịnh bắn rơi chiếc F-105 đầu tiên. Liền đó, anh Kỉ cũng nổ một loạt súng, bắn rới chiếc F-105 thứ hai. Máy bay địch bốc cháy, lao xuống vùng núi xanh thẳm.
Anh Mai và tôi quần nhau với bọn F-4D ở tầng cao hơn. Máy bay vào mây, rồi ra khỏi mây. Ta và địch vòng, chủ yếu là cơ động nghiêng, lượn chiến đấu. Do địch đông, chúng phóng tên lửa liên tiếp vào máy bay ta. Tôi tránh liền mấy quả tên lửa, vẫn chưa có thời cơ nổ súng.
Trong khi đó, anh Mai thấy 1 chiếc F-4D từ dưới đám mây vừa chui lên, lập tức bám riết trên lưng chiếc F-4D này. Vừa mới thấy 1 chiếc Mig-17 bám theo, giờ lại mất hút, tên đại tá Mỹ đang còn nhớn nhác nhìn, chưa thấy Mig đâu, đã bị anh Mai cho luôn một loạt trúng ngay lưng. Chiếc F-4D bùng cháy. Tên đại tá nhảy dù gấp, vị trí tiếp đất ngay đầu sây bay Hòa Lạc. Các dân quân trai gái làng gần đó vác súng truờng xông tới. Tên đại tá nhanh chóng run rẩy giơ tay đầu hàng. Thế là, kẻ đi tìm Mig để trị, để tiêu diệt, thì lại chính loại Mig-17 cho bài học đau, nhớ đời.
Biên đội bắn rơi 2 chiếc F-105 và 1 chiếc F-4, ta an toàn về hạ cánh ở Gia Lâm trong sự đón tiếp nồng nhiệt của thợ máy và của toàn thể anh em phục vụ”.
Nói thêm về người phi công đã bắn rơi Gaddis. Đó là phi công Ngô Đức Mai, sinh ngày 6 tháng 11 năm 1938, quê ở Nghệ An. Ông là phi công trong đoàn học lái máy bay chiến đấu thứ 2 của Việt Nam tại Trung Quốc và mới chỉ tham gia chiến đấu từ 1966 với vài trăm giờ bay.
Phi công Ngô Đức Mai hy sinh ngày 3/6/1967 trên vùng trời Hà Bắc trong một trận đánh nhau với đội hình hơn 20 máy bay địch. Tổng cộng trong quá trình chiến đấu, phi công Ngô Đức Mai bắn rơi 3 máy bay trong đó có chiếc của viên Đại tá Gaddis.
Ngày 30 tháng 8 năm 1995, liệt sĩ Ngô Đức Mai được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trần Vũ - Người Đưa Tin
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment