Nếu Nga không cần Mistralnữa?
Phản ứng sau quyết định trì hoãn giao tàu Mistral của Tổng thống Hollande, tờ L'Express (của Pháp) có bài viết với tiêu đề "Nếu nước Nga không cần nữa?" trong đó cảnh báo rằng Pháp mới là bên bị thiệt nếu muốn hủy hợp đồng. Bài báo dẫn lời Đô đốc Vladimir Komoiedov (nghị sĩ Duma quốc gia), cựu chỉ huy Hạm đội biển Đen của Nga, cho rằng người Nga có lẽ "cần cảm ơn người Pháp nếu họ hủy hợp đồng bán hai chiếc Mistral".
L'Express phân tích, chiếc Vladivostok mà Pháp đã làm cho Nga giống với một chiếc phà hơn là một tàu chiến. Bài báo dẫn lời một chuyên gia quân sự kết luận đây là "một cái hòm bong bóng sà phòng", không có giá trị cao về công nghệ.
Mistral cũng không phải là một trợ giúp chiến lược trong các chiến dịch lớn. Chẳng hạn, chiến hạm Tonnerre (chứ không phải một chiếc Mistral) đã gánh vác các chiến dịch của Pháp trong cuộc khủng hoảng tại Bờ Biển Ngà năm 2011.
Chưa hết, nếu nhìn vào từng bộ phận của chiếc Vladivostok, ta còn thấy một điều khác khiến Nga cũng không nhất thiết cần Pháp giao hàng. Theo báo L'Express, dù chiếc Mistral này được lắp ráp tại Saint-Nazaire, nhưng một số khâu, cụ thể là phần đuôi tàu, được sản xuất trực tiếp tại Nga theo thiết kế do DCNS cung cấp. Nhật báo thân chính phủ Izvestia của Nga dẫn một nguồn tin giấu tên của Nga tuyên bố: "Chúng tôi đã có các thiết kế chính của Mistral, nếu Pháp từ chối thực hiện hợp đồng, chúng tôi sẽ tự làm ra nó".
Trong bài trả lời phỏng vấn báo Le Point, ông Arnaud Dubien, Giám đốc trung tâm phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp - Nga, cũng nhận định, Moscow không nhất thiết cần đến các chiến hạm này và nhu cầu sử dụng nó còn đang gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia quân sự cũng cho rằng có nhiều việc khác quan trọng hơn nhằm hiện đại hóa các lực lượng vũ trang.
Ông Dubien cho biết, thời gian gần đây, những ý kiến phản đối việc mua Mistral của Pháp ngày càng nhiều tại Nga, cũng như các ý kiến phản đối mọi hợp tác với châu Âu. Ở Moscow, người ta nói về Mistral thế này: "Nếu ông không muốn giao hàng, thì cứ giữ lấy chúng!".
Người Pháp nghĩ gì ?
Theo hợp đồng, có một quãng thời gian tối đa là 3 tháng kể từ ngày giao hàng dự kiến (giữa tháng 11) để Pháp chuyển giao tàu chiến cho Nga nếu không thực hiện được đúng kế hoạch ban đầu. Có lẽ vì vậy mà phản ứng chính thức của Nga trước tuyên bố mới nhất của Tổng thống Hollande là khá kiềm chế. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Iouri Borissov cho biết: "Chúng tôi sẽ kiên nhẫn chờ đợi" Pháp giao hàng. Tuy nhiên, ông cũng không quên cảnh báo rằng nếu Pháp không chuyển giao tàu chiến theo hợp đồng, "chúng tôi sẽ kiện và đòi bồi thường".
Trước các diễn biến trên, giới chuyên gia Pháp, các nghị sĩ và đa số người dân Pháp cho rằng Paris nên "nói lời phải giữ lấy lời". Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình France5, Chủ tịch đảng DLF Nicolas Dupont-Aignan đánh giá quyết định của Tổng thống Hollande cho thấy Pháp "đang trở thành một nước nằm dưới sự chỉ đạo của Mỹ và Đức". Ông cho rằng cần chấm dứt ngay việc đẩy nước Nga vào một kịch bản Chiến tranh Lạnh thái quá, Pháp cần giữ vị thế trung lập đúng mực.
Về phần mình, nghị sĩ Jean-Francois Mancel (thuộc đảng UMP cầm quyền) cũng cho rằng Pháp phải giữ lời và chuyển giao các tàu sân bay lớp Mistral cho Nga. Theo ông Mancel, Pháp có lợi nếu không làm phức tạp thêm quan hệ với Nga và duy trì đối thoại với Moscow dù hoàn toàn không nhất trí với các hành động của Nga ở Ukraine. Nghị sĩ này nhấn mạnh "nước Pháp không có thói quen để người khác đưa ra các quyết định thay cho mình".
Báo Le Figaro dẫn lời nghị sĩ Philippe Juvin, nghị sĩ của Pháp tại Nghị viện châu Âu (EP), nhận định cuộc khủng hoảng xung quanh hai chiếc Mistral đã gây ra một sự lộn xộn mà cả Pháp và châu Âu sẽ không thể thoát ra một cách an toàn. Theo ông Juvin, thương vụ Mistral đã tạo cơ hội cho một loạt các tuyên bố đạo đức giả.
Trước tiên, là sự đạo đức giả của người Pháp: họ đào tạo các thủy thủ Nga trên chiếc Vladivostok nhưng lại ký vào lệnh cấm vận vũ khí của EU. Sự đạo đức giả của người Đức: họ đòi Pháp hủy hợp đồng, nhưng bản thân lại đang đắm mình trong sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Sự đạo đức giả của người Ba Lan, Phần Lan, Baltic: từ xưa họ luôn e sợ Nga, nhưng cũng như người Đức, họ lại mua rất nhiều khí đốt của Nga và không thể độc lập về năng lượng. Đạo đức giả còn thể hiện ở chỗ chính Ba Lan và các nước vùng Baltic kêu gọi đoàn kết quốc phòng châu Âu, nhưng họ chẳng mua một chiếc máy bay chiến đấu nào ở châu Âu cả.
Tất cả các thành viên EU cũng đạo đức giả khi đòi Pháp không giao Mistral cho Nga với cái cớ là an ninh chung, nhưng lại dựa cả vào Pháp và Anh để bảo vệ lợi ích của mình trên thế giới khi bị đe dọa.
Đạo đức giả ở cả những nước kêu gào rằng việc Pháp giao tàu chiến cho Nga đe dọa chủ quyền của họ, nhưng chính họ lại ồ ạt ký kết với Nga những hợp đồng lớn (như dự án Dòng chảy phương Nam) gắn kết họ với nhau vĩnh viễn.
Đạo đức giả của người Mỹ thì giấu sau những lợi ích mà họ có được khi uy tín chữ ký của Pháp bị đặt lên bàn cân. Bởi nó sẽ tạo bất lợi lớn cho Pháp trước các đối thủ cạnh tranh trong ngành công nghiệp quốc phòng, đặc biệt là Mỹ.
Nghị sĩ Juvin kết luận, sự độc lập của châu Âu bị đe dọa vì yếu về năng lượng, ngoại giao và quân sự nhiều hơn là vì hai cái tàu chiến không dùng để chiến đấu kia. Chỉ có tự chủ về năng lượng thì châu Âu mới được tôn trọng. Ông Juvin nhấn mạnh, đã đến lúc các nước châu Âu phải ngừng cái kiểu tự ru ngủ trên một nền độc lập bề ngoài.
Còn ông Gilles Rémy, chuyên gia Pháp về thương mại quốc tế và bảo vệ xuất khẩu, nhấn mạnh rằng bất cứ nước nào cũng không thể đặt điều kiện bán một loại vũ khí nào đó gắn với việc sử dụng nó trong tương lai, hay theo một đánh giá về tình hình chính trị quốc tế. Việc không bàn giao hai chiếc Mistral cho Nga sẽ có thể làm xói mòn lòng tin mà quốc tế dành cho Pháp trong vai trò một đối tác thương mại. Thiệt hại về tài chính sẽ thấp hơn thiệt hại đối với lĩnh vực xuất khẩu của đất nước nói chung, và ngành công nghiệp quốc phòng nói riêng.
Theo một cuộc thăm dò do tờ Le Figaro thực hiện, 78% người Pháp cho rằng Pháp phải chuyển giao các tàu chiến mà Nga đã đặt hàng. Chỉ 22% người được hỏi phản đối việc giao hàng cho Moscow.
Thay cho lời kết
Hợp đồng đặt mua hai chiếc Mistral năm 2010, hồi ấy, cuộc chiến tại Gruzia vừa kết thúc và Tổng thống Nga khi đó Dmitri Medvedev đã chuẩn bị các đề xuất về cấu trúc an ninh châu Âu. Đối với ông Medvedev cũng như Tổng thống Pháp khi đó Sarkozy, việc ký hợp đồng này giống như để khởi động.
Tuy nhiên, sau khi bùng phát cuộc khủng hoảng Ukraine làm ảnh hưởng tới quan hệ Nga - phương Tây, Tổng thống Pháp Hollande đã hai lần trì hoãn việc giao hàng cho Nga. Liệu một cái cớ chính trị có đặt dấu chấm hết cho thương vụ chính trị này?
Comments[ 0 ]
Post a Comment