Dự án tiêm kích thế hệ thứ 5 giữa Nga-Ấn Độ tiếp tục bế tắc
Monday, December 15, 2014
Tổng thống Nga Putin đã kết thúc chuyến thăm Ấn Độ, tuy nhiên, 2 thoả thuận quốc phòng quan trọng và bế tắc giữa 2 nước vẫn chưa hề được giải quyết, đó là hợp đồng chế tạo chung chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 (FGFA) và máy bay vận tải đa dụng (MTA).
Chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga và Ấn Độ sẽ được phát triển dựa trên T-50
Các thoả thuận liên chính phủ nhằm phát triển và sản xuất chung FGFA và MTA đều được Nga và Ấn Độ kí kết vào năm 2007. Tuy nhiên, 2 dự án này đều đang đi vào ngõ cụt do Ấn Độ lo ngại các vấn đề về kĩ thuật, chi phí và chuyển giao công nghệ.
Ấn Độ rất nóng lòng triển khai dự án FGFA, thậm chí còn thúc giục Nga giải quyết các vấn đề kĩ thuật trước chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Ấn Độ, và kí hợp đồng chính thức để có thể đưa mẫu máy bay vào sử dụng trong thời gian 2024 hoặc 2025.
Khó khăn xung quanh dự án MTA cũng nghiêm trọng không kém. Ấn Độ muốn phát triển các máy bay vận tải đa dụng cùng Nga để thay thế hạm đội máy bay AN-32 đã lỗi thời, tuy nhiên, Ấn Độ yêu cầu một bản kê khai chi tiết các chi phí của chiếc máy bay vận tải so với các máy bay cùng loại khác trên thị trường.
Ngoài ra cũng có những nghi ngờ về thời hạn bàn giao của MTA và độ cao tối đa nó có thể hoạt động. Ấn Độ đang yêu cầu Nga giải thích những câu hỏi này trước khi kí hợp đồng chính thức cho việc thực hiện dự án.
Hợp đồng nghiên cứu và phát triển cho FGFA đã đi vào bế tắc trong suốt 3 năm qua. Ấn Độ muốn một sự đảm bảo chắc chắn về mặt công nghệ của chiếc máy bay tàng hình trước khi đồng ý chi 5.5 tỉ USD cho dự án FGFA, vốn sẽ được phát triển dựa trên mẫu máy bay PAK-FA hay còn gọi là T-50 của Nga.
Ngoài ra, việc nghiên cứu cũng có thể kéo theo một hợp đồng sản xuất 127 máy bay loại này, ước tính sẽ tiêu tốn thêm của Ấn Độ một khoản tiền lên tới 25 tỉ USD và biến nó thành dự án quốc phòng lớn nhất từ trước tới nay với Nga.
Ấn Độ hiện đang tỏ ra không vui vì việc Nga chưa đưa ra một khung thời gian chi tiết việc phát triển và không cho phép nước này toàn quyền sử dụng các công nghệ liên quan tới động cơ, cảm biến, vũ khí và tính năng tàng hình của máy bay, mặc dù, Ấn Độ cũng sẽ chi 50% ngân sách.
Ấn Độ muốn có ngay máy bay FGFA trong vòng một thập kỉ tới do phi đội chiến đấu cơ của nước này đã giảm xuống chỉ còn 34 đội bay, trong khi tiêu chuẩn yêu cầu ít nhất phải có 44 đội. Ngoài ra, 2 chương trình khác mà Ấn Độ đang theo đuổi là chiến đấu cơ nội địa trọng lượng nhẹ Tejas và dự án chiến đấu cơ đa nhiệm tầm trung (MMRCA) trị giá 20 tỉ cho 126 chiến đấu cơ Rafale của Pháp, cũng đang thực hiện chậm hơn kế hoạch ban đầu.
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment