Huấn luyện chờ ngày bay cao
Đó là dịp kỷ niệm 40 năm ngày Quốc khánh 2/9 năm 1985. Quân chủng Không quân khi đó quyết định sử dụng một số lượng lớn máy bay tham gia lễ duyệt binh ở Quảng trường Ba Đình. Số máy bay này bao gồm:
- 24 chiếc MiG-21Bis đại diện cho lực lượng không quân tiêm kích do hai trung đoàn 927 và 921 đảm nhiệm.
- 12 chiếc Su-22M đại diện cho không quân tiêm kích bom (Trung đoàn 923).
- 12 chiếc An-26 đại diện cho không quân vận tải (Trung đoàn 918).
- 9 chiếc Mi-24 và 3 chiếc Mi-8 đại diện cho không quân trực thăng (Trung đoàn 916)
- 15 chiếc máy bay huấn luyện L-39 đại diện cho nhà trường. Việc xếp hình số 40 đầy ý nghĩa do Trung đoàn 910 đảm nhiệm.
Đội hình máy bay F-5 của Không quân nhân dân Việt Nam
Đây là một nhiệm vụ rất vẻ vang nhưng cũng cực kỳ khó khăn. Trong thời gian đầu, các trung đoàn tổ chức bay huấn luyện theo đội hình tại căn cứ đóng quân của mình.
Để có được một đội hình đẹp, cần phải xác định tốt được thứ tự, giãn cách thời gian cất cánh giữa các tốp và cách bay theo đội hình bay duyệt binh.
Để tập hợp đội hình, các máy bay sẽ được cất cánh thành nhiều tốp sau đó tập hợp lại trên khu vực chờ.
Việc này không đơn giản vì máy bay vừa phải tập hợp đội hình mà vẫn phải bay. Do vậy, cần phải hiệp đồng chặt chẽ về thời gian cất cánh, tốc độ của từng máy bay.
Bay theo đội hình của từng trung đoàn đã khó thì bay trong đội hình chung của toàn quân lại càng khó, phải vào, ra quảng trường đúng thời gian quy định.
Các máy bay cất cánh từ nhiều địa điểm và hạ cánh xuống nhiều địa điểm, sau đó cùng tập trung lại tại một không gian nhỏ quanh Ba Đình trong một thời gian ngắn ở độ cao gần như nhau nên việc kiểm soát an toàn bay cũng phức tạp.
Các địa điểm cất cánh và hạ cánh là Kiến An, Kép, Thọ Xuân, Gia Lâm đến Ba Đình có khoảng cách khác nhau, hướng di chuyển cắt nhau nên cần hiệp đồng hết sức chặt chẽ về thời gian, tốc độ, độ cao.
Địa điểm hợp luyện được chọn là sân bay Hòa Lạc và quảng trường Ba Đình.
Ngày 6/8/1985, đội hình của không quân thực hiện bay hợp luyện hai lần qua sân bay Hòa Lạc đều đạt yêu cầu đề ra.
Trong ba ngày 25, 27 và 29/8/1985, đội hình tiếp tục thực hiện bay hợp luyện qua quảng trường Ba Đình.
Kết quả kiểm tra bay hợp luyện lần cuối cùng cho thấy, đội hình của các lực lượng không quân luôn được giữ rất ổn định, chữ số 40 đẹp, thời gian bay qua quảng trường chính xác đến từng giây và bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Chút tiếc nuối trong ngày trọng đại
Tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng cho màn biểu diễn trong ngày trọng đại của đất nước.
Nhưng tới sáng sớm ngày 2/9, tại quảng trường Ba Đình trời nhiều mây, đáy mây tương đối thấp, không mưa, tầm nhìn giảm.
Tại sân bay và đường bay được sử dụng, thời tiết đều không đảm bảo.
Sau khi cân nhắc kỹ, Sở chỉ huy Quân chủng quyết định Trung đoàn không quân 910 chờ lệnh, còn các trung đoàn khác sẵn sàng cất cánh, đồng thời chuẩn bị các phương án đề phòng đội hình gặp thời tiết xấu.
Bay đầu đội hình, 12 chiếc MiG-21Bis của Trung đoàn 927 do Trung đoàn trưởng Phạm Phú Thái dẫn đầu, cất cánh từ Kép, tập hợp tại đỉnh, vào đúng đường bay, với đội hình rất chỉnh tề, bay qua quảng trường Ba Đình đúng giờ quy định.
Theo kịch bản, sau đó là đội hình 12 chiếc của Trung đoàn 921. Tuy nhiên tại Kiến An, trời mưa to, nên chỉ có 6 chiếc MiG-21Bis cất cánh được. Trung đoàn trưởng Trần Việt dẫn đầu và quyết định bay theo đội hình từng đôi một.
Tiếp theo đó là đội hình 12 chiếc Su-22M của đoàn 923. Tuy nhiên, sau khi cất cánh khỏi Thọ Xuân, 12 chiếc Su-22M không thể vượt qua được vùng thời tiết đột biến xấu trên diện rộng ở khu vực Nam Định, đã phải quay lại.
Khi đội hình của Trung đoàn 921 đang trên hướng tiến về quảng trường thì Trung đoàn 927 xin phép bay qua quảng trường một lần nữa để thay thế cho đội hình Trung đoàn 923.
Đội hình 6 chiếc MiG-21Bis của Trung đoàn 921 bay qua Ba Đình rất chính xác và sau đó về Nội Bài hạ cánh.
12 chiếc MiG-21Bis của Trung đoàn 927 bay qua quảng trường lần thứ hai, đáp ứng yêu cầu thay thế cho Su-22M.
Tiếp sau đó là 12 chiếc An-26 của Trung đoàn 918 do Trung đoàn trưởng Nguyễn Xuân Hiển dẫn đầu, cất cánh từ Gia Lâm, tập hợp đội hình chỉnh tề trong khu chờ và bay qua quảng trường Ba Đình đúng thời gian.
9 chiếc Mi-24 và 3 chiếc Mi-8 của Trung đoàn 916, do Trung đoàn trưởng Nguyễn Đình Khoa dẫn đầu, cất cánh từ Hòa Lạc, bay qua quảng trường đúng vào lúc khối bộ binh cơ giới tiến qua lễ đài.
Dù thời tiết xấu, màn duyệt binh của lực lượng Không quân khi đó đã gây được ấn tượng mạnh với toàn thể quân và dân cả nước.
Hình ảnh hiếm hoi về lễ duyệt binh kỷ niệm 40 năm ngày Quốc khánh 2/9/1985
Cuộc duyệt binh có ý nghĩa rất to lớn. Nhân dân cả nước càng thêm tin tưởng vào sức mạnh và quyết tâm của lực lượng Không quân nói riêng và quân đội nói chung trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đồng thời, nó cũng gửi một thông điệp hết sức mạnh mẽ đến những kẻ lăm le gây rối ở biên giới trên đất liền và Biển Đông.
Hoàn thành nhiệm vụ duyệt binh trong ngày 2/9/1985 cũng đã góp phần nâng cao trình độ hiệp đồng tác chiến của Không quân Việt Nam.
(Bài viết sử dụng tư liệu trong sách Lịch sử dẫn đường Không quân)
Comments[ 0 ]
Post a Comment