Quân đội Việt Nam có đủ sức đối phó chiến tranh hiện đại?
Friday, December 12, 2014
Một cuộc chiến tranh hiện đại với đặc điểm mở màn bằng tên lửa hành trình, đạn đạo và các trận không kích ác liệt cũng như tác chiến điện tử, liệu quân đội Việt Nam có thể đối phó?
Đồ họa mô hình hệ thống đánh chặn tên lửa.
Trong cuốn sách Về cách dùng binh, cố Thượng tướng Hoàng Minh Thảo viết trong chương Nắm địch như sau: “Chiến tranh hiện đại, không quân và tên lửa có sức mạnh hỏa lực lớn, sức cơ động cao, tầm bắn không hạn chế, hành động rất bất ngờ. Địch có thể tiến công hỏa lực đường không trước vào cả hậu phương ta, làm mềm chiến trường rồi mới tiến công bằng lục quân sau”.
Điều này đã được minh chứng qua các cuộc chiến tranh do Mỹ và đồng minh tiến hành ở Iraq và Afghanistan thời gian gần đây. Liên quân do Mỹ cầm đầu đã thực hiện các cuộc không kích cũng như bắn tên lửa hành trình vào các mục tiêu để làm suy yếu khả năng chiến đấu của đối phương trước khi đổ quân vào giải quyết chiến trường.
Một nhóm máy bay ném bom của Mỹ. Ảnh minh họa.
Như vậy, đối phó với những cuộc không kích và các tên lửa hành trình là vấn đề căn bản của chiến tranh hiện đại.
Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó với các cuộc không kích ồ ạt trong thời gian chống Mỹ mà đỉnh cao là 12 ngày đêm cuối năm 1972.
Trong suốt thời gian chiến tranh, Mỹ đã tổ chức hai chiến dịch chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc. Chiến dịch ném bom phá hoại lần thứ nhất, Mỹ gọi là chiến dịch Sấm Rền, đã bắt đầu từ 2/3/1965 và kéo dài đến 1/11/1968.
Theo Wikipedia, trong chiến dịch Sấm Rền, Mỹ đã thực hiện hơn 300.000 phi vụ không kích với 864.000 tấn bom được ném xuống miền Bắc Việt Nam. Đây là con số lớn hơn nhiều so với 653.000 tấn bom trong toàn bộ chiến tranh Triều Tiên hay 503.000 ở mặt trận Thái Bình Dương hồi Thế chiến II.
Một chiếc B-52 rải bom.
Lượng bom đạn khổng lồ đó của Mỹ đã gây ra nhiều thiệt hại cho quân dân ta với 14000 nhân viên quân sự và 60.000 dân thường thiệt mạng, theo số liệu của Cục Tác chiến, Quân đội Nhân dân Việt Nam. Nhưng Mỹ cũng phải trả những giá đắt khi 526 máy bay của Không lực Mỹ, 397 chiếc của Hải quân Mỹ và 19 chiếc của Thủy quân lục chiến Mỹ bị rơi ở miền Bắc. Ngoài ra còn rất nhiều chiếc khác bị trúng đạn nhưng rơi ngoài biển hoặc lết về được căn cứ. 745 phi công Mỹ bị bắn rơi trong đó có 454 thiệt mạng.
Quan trọng nhất, Mỹ đã không đạt được mục tiêu là khuất phục ý chí chiến đấu của Việt Nam qua cuộc không kích.
Cuộc chiến tranh phá hoại lần 2 (6/4/1972 đến 15/1/1973) được tiến hành với quy mô và cường độ hơn hẳn lần 1. Tổng cộng Mỹ đã huy động 54000 lần chiếc máy bay, ném hơn 200.000 tấn bom. Đặc biệt đã huy động B-52 là máy bay ném bom chiến lược ồ ạt vào ném bom Hà Nội và Hải Phòng nhưng cũng như lần chiến tranh phá hoại trước, Mỹ phải chịu thất bại về mục tiêu.
Đáng lưu ý, trong lần chiến tranh phá hoại thứ 2, Mỹ đã thực hiện một chiến dịch không kích ồ ạt gọi là chiến dịch Linerbacker II từ 18/12 đến 30/12/1972 với các máy bay ném bom chiến lược B-52, con át chủ bài của Không quân Mỹ.
Chỉ trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36000 tấn bom xuống miền Bắc mà trọng tâm là thành phố Hà Nội và Hải Phòng. Đây được đánh giá là một trong những cuộc tập kích đường không có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.
Trong cuộc tập kích 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng những vũ khí hiện đại nhất, các thủ đoạn tác chiến điện tử tinh vi nhất. Trên các máy bay ném bom có sẵn thiết bị gây nhiễu điện tử với đủ các thủ đoạn gây nhiễu từ nhiễu màn hình radar đến nhiễu rãnh đạn điều khiển tên lửa. Ngoài ra lại còn sử dụng cả các sợi kim loại mảnh thả đầy trời để gây nhiễu tiêu cực. Trước khi các máy bay B-52 bay vào ném bom, bầu trời đã được rải đầy các sợi nhiễu.
Nhưng lực lượng phòng không của Việt Nam đã chống trả kiên cường và bắn rơi được hơn 30 chiếc B-52 khiến âm mưu sử dụng không kích để hủy diệt miền Bắc của Mỹ bị phá sản.
Tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.
Như vậy, trong quá khứ, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó với những đợt không kích, thậm chí là không kích ồ ạt. Các kinh nghiệm về sơ tán nhân dân, ngụy trang trận địa, tổ chức trận địa và chiến đấu trong điều kiện bị gây nhiễu điện tử, đã được tích lũy.
Riêng tên lửa hành trình, trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, chúng ta chưa phải đối mặt với loại vũ khí này. Tuy nhiên, chúng ta cũng có kinh nghiệm sử dụng súng phòng không tầm thấp để bắn rơi máy bay siêu thanh F-111 của Mỹ.
Các máy bay F-111 có thể đạt vận tốc tối đa là 2.600 km/h và bay bám trên các địa hình phức tạp ở độ cao cực thấp. Lợi dụng tính năng của nó, Không quân Mỹ thường cho F-111 đi đánh các sân bay và vị trí của ta một cách rất bất ngờ vì F-111 bay thấp, radar khó phát hiện và tên lửa khó tiêu diệt.
Một khẩu đội phòng không tầm thấp với súng máy 12,7mm của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Không chịu bó tay, quân ta đã dày công nghiên cứu quy luật hoạt động của F-111 và tổ chức các trận địa phục kích bằng súng phòng không tầm thấp trên đường bay của chúng. Bằng cách này, trong thời gian diễn ra chiến dịch Linerbacker, quân ta đã bắn rơi 5 chiếc F-111 của Mỹ.
Lúc 19h45 ngày 20/12/1972, khẩu đội tự vệ của nông trường tỉnh Hà Tây (cũ) với một súng máy phòng không 14,5mm 4 nòng đã bắn rơi một chiếc F-111 của Mỹ khi nó bay lắt léo qua yên ngựa của một ngọn núi chỉ bằng loạt đạn với 44 viên.
Trong khi đó, theo Wikipedia, các tên lửa hành trình loại cánh phẳng thực chất tương tự như một máy bay không người lái nên tốc độ tương đối thấp (dưới tốc độ âm thanh). Nó có thể được lập trình để bay men theo cao độ của địa hình để gây khó khăn cho radar và hệ thống phòng không. Trong trường hợp này, các tên lửa hành trình cũng tương tự như F-111 mà Việt Nam đã bắn rơi được bằng súng bộ binh.
Với các loại tên lửa đạn đạo đắt tiền, tốc độ có cao hơn nhưng sức công phá bị giới hạn trong lượng nổ nó mang. Do vậy, khi tấn công bằng tên lửa đạn đạo, người ta sẽ lựa chọn các mục tiêu có giá trị cao như trạm chỉ huy, nhà máy, trạm phát sóng… Từ đó cũng dẫn đến cách khắc chế là phân tán các mục tiêu. Điều này Việt Nam đã có kinh nghiệm từ thời đánh Mỹ.
Tên lửa đạn đạo hay hành trình muốn tấn công chính xác phải được cài đặt tọa độ mục tiêu vào bộ nhớ và kết nối với hệ thống định vị toàn cầu để hiệu chỉnh đường bay đến mục tiêu. Do vậy, để khắc chế nó, mấu chốt là phải phá sóng liên lạc của tên lửa với hệ thống định vị toàn cầu. Quân đội Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa đã ưu tiên phát triển Binh chủng Thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại và đã chú ý xây dựng lực lượng tác chiến điện tử.
Các tên lửa phòng không S-300 PMU-1 mà Việt Nam đang sở hữu được cho là có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Ngoài ra, quân đội Việt Nam cũng đã có những phương tiện có thể đối phó với tên lửa đạn đạo. Đó là các tên lửa phòng không S-300 PMU-1 được cho là có khả năng đánh được cả máy bay tàng hình và tên lửa đạn đạo.
Như vậy, với kinh nghiệm chiến tranh phong phú cộng với những phương tiện đã và đang sở hữu, Quân đội Nhân dân Việt Nam có khả năng để đương đầu với các cuộc không kích phủ đầu hoặc một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình trong chiến tranh hiện đại.
Trần Vũ - Người Đưa Tin
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment