Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn Việt Nam là đối tác độc quyền của họ, còn Nga có thể giúp Việt Nam thành một quốc gia trung lập vững chắc.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Học giả Anton Tsvetov thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế của Nga, phụ trách mảng truyền thông và quan hệ chính phủ ngày 24/11 phân tích trên trang web của Hội đồng Nga bình luận, mặc dù các văn bản chính thức của Moscow đều xem Hà Nội là một đối tác chiến lược quan trọng ở châu Á, thực tế mối quan hệ song phương sau sự tan rã của Liên Xô đã rơi vào trì trệ và tạo điều kiện cho Mỹ, Trung Quốc tìm kiếm chỗ đứng vững chắc ở Việt Nam.
Với Nga một lần nữa mong muốn đạt được một sự hiện diện có ý nghĩa ở châu Á - Thái Bình Dương, lúc này là thích hợp để Moscow phân tích vai trò của quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam trong chiến lược khu vực của Nga. Quan hệ Việt - Nga xích lại gần nhau hơn nữa dường như chẳng liên quan gì đến lợi ích của Mỹ hay Trung Quốc. Học giả Anton Tsvetov đặt câu hỏi: "Đối tác chiến lược Nga - Việt là sự thật hay hư cấu? Quan hệ Nga - Việt có thực sự đáp ứng các tiêu chuẩn chính thức của một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hay không?"
Quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện Nga - Việt, sự thật hay hư cấu?
Học giả này cho rằng, hiện tại vẫn chưa có một định nghĩa nào rõ ràng về "quan hệ đối tác chiến lược" nên việc trả lời câu hỏi này không đơn giản, nhưng dường như không có cảm giác xấu nào trong quan hệ Việt - Nga, kể cả về mặt nhà nước lẫn xã hội và người dân 2 nước.
Điều 87 của Quan điểm chính sách Đối ngoại Liên bang Nga năm 2013 tuyên bố, Moscow theo đuổi mục tiêu "tăng cường quan hệ đối tác chến lược với Việt Nam" được thiết lập bởi một sắc lệnh của Tổng thống Nga tháng 5 năm 2012. Tài liệu này xếp Việt Nam đứng sau các nước Cộng đồng các quốc gia độc lập CIS, Trung Quốc, Ấn Độ, 2 miền Triều Tiên và Nhật Bản, mặc dù thực tế các văn bản chính sách năm 2012 xếp Việt Nam ở vị trí thứ 3 trong danh sách ưu tiên.
Năm 2010, quan hệ đối tác chiến lược Việt - Nga được thêm 2 từ "toàn diện", trong khi Quan điểm Chính sách đối ngoại Liên bang Nga gọi mối quan hệ nước này với Trung Quốc là "toàn diện, bình đẳng, tin tưởng và dựa trên tương tác chiến lược". Mối quan hệ Nga - Ấn Độ được xác định là "đối tác đặc quyền". Điều đó cho thấy tồn tại nhiều cấp bậc khác nhau trong quan hệ đối tác chiến lược của Nga, và Việt Nam thì ở khá xa "đỉnh chiến lược".
Nhưng nếu coi mối quan hệ đối tác chiến lược như một khả năng tương thích giữa các lợi ích quốc gia cơ bản, phương pháp tiếp cận tương tự với hầu hết các vấn đề hiện tại, tương tác trên các diễn đàn quốc tế thì quan hệ Nga - Việt gần như hoàn hảo. Tuy nhiên hai bên vẫn còn những điểm khác biệt, trong đó vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là một ví dụ.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Mối quan hệ đối tác chiến lược thường được đo bằng khối lượng thương mại và mức độ tổng thể của quan hệ kinh tế - thương mại. Trong lĩnh vực này quan hệ Nga - Việt với tổng kim ngạch thương mại hai chiều chỉ khoảng 3 tỉ USD, kém xa quan hệ thương mại Nga - Trung, Nga - Hàn và ngay cả Việt - Trung.
Nga - Việt nên xem lại chiến lược không liên kết?
Chính sách đối ngoại của Nga luôn ưu tiên cho việc tạo ra một môi trường tích cực cho phát triển kinh tế bền vững. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có liên quan, điều này có nghĩa là an ninh khu vực và sự ổn định có liên hệ với việc vùng lãnh thổ phía Đông của Nga hòa nhập vào hệ thống kinh tế Đông Á. Mục tiêu này của Nga sẽ đứng vững nếu Việt Nam trở thành một quốc gia có ảnh hưởng trong khu vực với một chính sách đối ngoại độc lập tương đối.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn Việt Nam là đối tác độc quyền của họ, còn Nga có thể giúp Việt Nam thành một quốc gia trung lập vững chắc. Một Việt Nam mạnh hơn trong khu vực và trong ASEAN có thể tăng cường chiến lược của hiệp hội này, phân phối đồng đều hơn ảnh hưởng của ASEAN như một khối trung lập được sự hỗ trợ của Nga.
Trong bối cảnh cạnh tranh Trung - Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tăng, nguy cơ đối đầu trong khu vực ngày càng lớn, Nga dường như là một nước lớn theo đuổi chính sách cân bằng tương tự như chính sách của Việt Nam. Điều này khiến 2 nước chia sẻ một chương trình chung và Việt Nam có thể trở thành quốc gia đầu tiên "bay vào quỹ đạo Nga mà không phải thân Trung Quốc hay thân Mỹ".
Nếu không phải Hoa Kỳ hay Trung Quốc thống trị ở châu Á - Thái Bình Dương, Nga và ASEAN tất nhiên thích ảnh hưởng của mình lớn hơn là vai trò của một bên trung lập. Nga cũng cực kỳ quan tâm đến việc duy trì nhu cầu đối với các công nghệ và sản phẩm mà Moscow có lợi thế cạnh tranh, bao gồm khai thác khoáng sản, năng lượng, hạt nhân, thủy điện, không gian, hợp tác quân sự quốc phòng.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Ở khía cạnh này, vấn đề tranh chấp lãnh thổ, căng thẳng ở Biển Đông có thể "hữu ích" với Moscow khi họ thấy được sự quan tâm của người Việt đối với công nghệ quân sự và vũ khí của Nga. Đồng thời Moscow cũng không thể để các tranh chấp ở Biển Đông bùng phát thành một cuộc xung đột quân sự hay chiến tranh toàn diện.
Sự đổ vỡ của hòa bình và ổn định ở Biển Đông thì tuyến hàng hải huyết mạch qua eo biển Malacca sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và tất cả các quốc gia này là thị trường chính của Nga. Một cuộc đụng độ quân sự ở Biển Đông cũng gây ra sự phân cực trong khu vực khiến các nước hoặc là ngả theo Hoa Kỳ, hoặc là thân Trung Quốc, cả hai đều bất lợi cho Nga.
Hồng Thủy - Báo GDVN
Comments[ 0 ]
Post a Comment