“Hôm nay, chúng tôi tạo ra những thay đổi này vì đó là điều đúng đắn phải làm. Hôm nay, Mỹ chọn cắt đứt những xiềng xích của quá khứ, để có một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân Cuba, nhân dân Mỹ, toàn bộ bán cầu và toàn thế giới”, Reuters dẫn lời ông Tổng thống Obama tại Nhà Trắng.
Hơn nửa thế kỷ đóng băng quan hệ
Mỹ bắt đầu áp đặt lệnh cấm vận một phần đối với Cuba vào tháng 10.1960, sau khi Havana quốc hữu hóa nhiều tài sản của công dân và công ty Mỹ tại quốc gia này. Các biện pháp trừng phạt đã được tăng cường thành cấm vận hoàn toàn vào năm 1962 và kéo dài suốt từ đó đến nay. Quan hệ ngoại giao 2 nước cũng cắt đứt kể từ năm 1961.
Về mặt kinh tế, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Cuba đã khiến hòn đảo này chịu thiệt hại nặng nề. Theo báo cáo thường niên của Cuba được công bố ngày 9.9, nước này đã thiệt hại 3,9 tỷ USD trong giao thương với nước ngoài trong năm 2014, nâng tổng thiệt hại về kinh tế của Havana trong vòng hơn 50 năm bị Mỹ cấm vận lên 116,8 tỷ USD, theo Reuters.
Về chính trị, lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba được các nhà quan sát đánh giá là lệnh cấm vận toàn diện và lâu dài nhất áp đặt lên một quốc gia có chủ quyền. Hồi tháng 9, Thứ trưởng Ngoại giao Cuba Abelardo Moreno từng nói: “Trên thế giới không có và chưa từng có một sự vi phạm nhân quyền với toàn thể nhân dân một cách khủng bố và hèn hạ hơn lệnh phong tỏa mà Chính phủ Mỹ đã nhằm vào Cuba trong suốt hơn 50 năm qua”, theo Reuters.
Thế giới cũng không đồng tình với lệnh cấm vận của Washington. Liên tiếp hơn 20 năm, Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế toàn diện và các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Cuba. Ngày 28.10, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết trên với 188 phiếu thuận, 2 phiếu chống của Mỹ và Israel.
"Chúng tôi tạo ra những thay đổi"
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro trong lần gặp hiếm hoi tại lễ tang cựu tổng thống Nam Phi Nelson Mandela - Ảnh: Reuters
Cùng với tiếng nói của cộng đồng quốc tế, Tổng thống Mỹ Barack Obama trong 6 năm cầm quyền đã có những chính sách nới lỏng lệnh cấm vận chống Cuba, như dỡ bỏ việc hạn chế số tiền gửi, cho phép kiều dân Cuba tự do về thăm quê hương, nối lại đàm phán về dịch vụ thư tín, vấn đề di cư cũng như khôi phục trao đổi hợp tác giáo dục. Mặc dù, chưa nhiều nhưng những chính sách trên được đánh giá tích cực đối với quan hệ hai nước.
Đúng 12 giờ trưa ngày 17.12 (tức 0 giờ ngày 18.12 giờ Việt Nam), Nhà Trắng đã đưa ra tuyên bố về việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đặt một dấu mốc quan trọng khi khẳng định đang phá băng cho mối quan hệ đã đóng băng suốt 5 thập kỷ qua, sau khi ông nhận ra chính sách cứng nhắc và lỗi thời của Mỹ đã thất bại trong việc tác động đến Cuba. Ông cũng sẽ bàn với các thành viên của Quốc hội để dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba, theo Reuters.
“Hôm nay, chúng tôi tạo ra những thay đổi này vì đó là điều đúng đắn phải làm. Hôm nay, Mỹ chọn cắt đứt những xiềng xích của quá khứ, để có một tương lai tốt đẹp hơn cho nhân dân Cuba, nhân dân Mỹ, toàn bộ bán cầu và toàn thế giới”, Reuters dẫn lời ông Obama tại Nhà Trắng.
Chính sách mới của Tổng thống Barack Obama bao gồm rất nhiều biện pháp. Ông Obama khẳng định sẽ thiết lập lại quan hệ ngoại giao với Cuba bằng việc mở đại sứ quán hai nước ở Washington và Havana, tiến hành trao đổi đoàn cấp cao. Nỗ lực đầu tiên sẽ là việc phái đoàn của Mỹ sẽ sang Havana tham gia vòng đàm phán tiếp theo về vấn đề di cư vào tháng 1.2015.
Cuộc diễu hành yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba - Ảnh: Reuters
Tiếp đó, Obama sẽ đẩy nhanh việc điều chỉnh các quy định để trao quyền cho nhân dân Cuba một cách có hiệu quả hơn, bao gồm rất nhiều vấn đề gắn liền trực tiếp với người dân như kinh tế, giáo dục, việc làm, tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế tư nhân ở Cuba.
Ông Obama cũng chủ trương tạo điều kiện cho kiều hối Mỹ về Cuba với những biện pháp hỗ trợ tích cực. Chính sách mới cho phép công dân Mỹ để nhập khẩu hàng hóa bổ sung từ Cuba, tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch giữa 2 nước, đồng thời xem xét đưa Cuba ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố.
Một trong những động thái rõ ràng nhất trong chính sách mới của Tổng thống Obama là việc hoan nghênh sự tham gia của Cuba tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ được tổ chức ở Panama vào năm 2015. Chủ đề của hội nghị là vấn đề nhân quyền và dân chủ. Nhà Trắng đã khẳng định Cuba phải được phép tham gia cùng các quốc gia khác tại hội nghị cấp cao này. Ông Obama cũng sẽ tham dự sự kiện nêu trên.
Con đường có thể gian nan
Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Obama đưa ra chính sách mang tính chất lịch sử này, đã có nhiều người lên tiếng ủng hộ. Tuy nhiên, con đường đi đến bình thường hóa quan hệ một cách hoàn toàn và thực chất vẫn còn nhiều trở ngại.
Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: Reuters
Đảng Cộng hòa ngay lập tức lên tiếng phản đối và sẽ tìm mọi cách ngăn cản chính sách của ông Obama nhằm bình thường hóa quan hệ với Cuba. Điều này càng khó khăn khi những biện pháp trừng phạt suốt hơn 50 năm không dễ gì thay đổi trong ngày một ngày hai, trong khi đó Quốc hội Mỹ sẽ do đảng Cộng hòa kiểm soát trong tháng 1.2015, theo Reuters.
Một điều cũng phải lưu ý rằng, trong số những điều được đề cập trong chính sách của ông Obama, có những vấn đề phải được Quốc hội Mỹ thông qua. Bởi vậy, mặc dù chính sách này được nhiều người, nhiều quốc gia ủng hộ nhưng cũng không hề dễ dàng để thực hiện.
Ngọc Mai-Báo Thanh Niên
Comments[ 0 ]
Post a Comment