Cuối 2014 tại châu Á-Thái Bình Dương diễn ra những chuyển động đáng chú ý trong quan hệ giữa các nước lớn, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh hàng hải.
Ấn Độ đẩy mạnh hiện đại hóa hải quân để đối phó với hải quân Trung Quốc tăng cường hiện diện tại Ấn Độ Dương
Lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường hiện diện hải quân ở Ấn Độ Dương, chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi đã đẩy nhanh một chương trình đấu thầu chế tạo 6 tàu ngầm thông thường động cơ diesel-điện với chi phí ước tính 8,1 tỷ USD. Một công ty Pháp đang lắp ráp 6 tàu ngầm tương tự ở cảng Mumbai để thay thế hạm đội tàu ngầm đã qua sử dụng gần 30 năm. Ngoài ra, Ấn Độ bắt đầu chú trọng hợp tác đa phương hải quân để kiểm chế hải quân Trung Quốc.
Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia thúc đẩy hợp tác hải quân đa phương
Bất chấp nguy cơ “chọc giận” Trung Quốc, các nước Australia, Ấn Độ - hai nhân tố mới nổi quan trọng trong bàn cờ chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương bắt tay nồng thắm với Mỹ và Nhật Bản, mở ra một triển vọng tái khởi động “Đối thoại an ninh tay tư” (QSD) giữa Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Lần đầu tiên kể từ năm 2007, lãnh đạo ba nước Mỹ, Australia, Nhật đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Brisbane, Australia. Cuộc gặp gỡ lần này có ý nghĩa quan trọng khi Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhất trí tăng cường hợp tác quân sự, đặc biệt thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải. Cuộc gặp giữa Mỹ và hai đồng minh thân cận tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn diễn ra bất chấp nguy cơ “chọc giận” Bắc Kinh. Đồng thời, cuộc gặp giữa ba đồng minh cũng được tổ chức sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận khung về biến đổi khí hậu và sau cuộc hội kiến sau gần hai năm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Ba nhà lãnh đạo Mỹ, Australia và Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố chung sau hội nghị, trong đó, ba nước sẽ tăng cường hơn nữa “quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng vốn đã chặt chẽ” giữa ba bên. Quân đội ba nước sẽ tiến hành những cuộc tập trận hải quân chung và chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của hải quân trên biển. Tuyên bố nhấn mạnh đến nhu cầu tất yếu phải đẩy mạnh quá trình “xây dựng năng lực an ninh hải dương”, cũng như nhu cầu tìm kiếm “giải pháp hòa bình cho những xung đột biển đảo theo luật pháp quốc tế”. Ngoài hợp tác an ninh hàng hải, ba nhà lãnh đạo cũng đã đề cập đến một nguy cơ đe dọa an ninh khu vực là chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Họ cam kết tiếp tục có những động thái để “giảm thiểu những nguy cơ hạt nhân từ Triều Tiên” và “giải quyết vấn đề quyền con người ở Triều Tiên trong đó bao gồm vấn đề bắt cóc con tin”. Vấn đề bắt cóc con tin được đưa vào tuyên bố chung được xem như là một nỗ lực kiên trì của Thủ tướng Abe trong bối cảnh chính quyền của ông đã có những can thiệp ngoại giao trong những năm vừa qua để giải quyết vấn đề này.
Các quan chức Mỹ tuyên bố rằng cuộc gặp tay ba lần này không nhằm “gửi thông điệp” đến Trung Quốc”. Tuy nhiên, trước đó, Tổng thống Obama cũng đã tuyên bố, Trung Quốc cần “tuân thủ những quy tắc giống như những quốc gia khác, bất luận trong lĩnh vực thương mại hay trong vấn đề chủ quyền biển”. Cuộc gặp này khiến thế giới nhớ lại sáng kiến đã “chết yểu” năm 2007 có tên “Đối thoại an ninh tay tư” (QSD) trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông Shinzo Abe. Đối thoại QSD bao gồm Nhật Bản, Australia, Mỹ và Ấn Độ, khi đó nó đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh với lý do 3 nền dân chủ châu Á (Nhật Bản, Ấn Độ, Australia) đã vào hùa với Mỹ để “kìm hãm” sự trỗi dậy của Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương. Kể từ đó, những thỏa thuận hợp tác tay ba giữa Mỹ-Nhật-Ấn, và Mỹ-Nhật-Australia dường như xuống sắc hơn, thay vào đó hợp tác song phương giữa các quốc gia này lại được đẩy mạnh. Hội nghị G-20 năm nay là thời điểm thuận lợi để thúc đẩy các hợp tác tay ba trong lĩnh vực an ninh trên biển trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động ngày càng hung hăng trên biển.
Trung Quốc và Nga mở rộng hợp tác quốc phòng
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm Bắc Kinh trong cùng thời điểm diễn ra Hội nghị G-20. Thông điệp được đưa ra rất rõ ràng: Nga và Trung Quốc sát cánh bên nhau. Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Shoigu đã hội kiến với nhân vật quyền lực thứ hai Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường. Thủ tướng Trung Quốc tái khẳng định những cam kết của phía Trung Quốc trong việc hợp tác với phía Nga để “tăng cường tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác thiết thực và tăng cường trao đổi thông tin trong các vấn đề quốc tế và khu vực”. Trung Quốc và Nga đã cam kết thực hiện “các chương trình hợp tác quân sự quan trọng” trong năm 2015 để kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Bộ trưởng Shoigu cũng có cuộc gặp với người đồng cấp, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Tại cuộc gặp, ông Thường đánh giá cao “hợp tác thiết thực” trong quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Nga, bao gồm “những cuộc viếng thăm cấp cao, diễn tập quân sự chung, và trao đổi thông tin chuyên nghiệp”. Ông kêu gọi hai bên cần nỗ lực hơn nữa để nâng quan hệ quân sự giữa hai nước lên một tầm cao mới. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ Nga-Trung, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự để góp phần duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.
Trước đó, tại cuộc hội kiến bên lề Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Tổng thống Putin: “Bất luận tình hình quốc tế có biến chuyển ra sao, chúng ta phải luôn ưu tiên phát triển quan hệ Trung-Nga trong chiến lược ngoại giao của mỗi nước”.
Cùng thời điểm đó, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Nga Gazprom đã ký kết một thỏa thuận năng lượng, theo đó Trung Quốc sẽ gia tăng lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga trong 30 năm tới, đây là một bước đi quan trọng giúp tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa hai người khổng lồ Nga và Trung Quốc./.
Nguyễn Mạnh Đức -Báo Tổ Quốc
Comments[ 0 ]
Post a Comment