Luôn tìm cách lợi dụng lẫn nhau
Thursday, December 11, 2014
Chiều 9/12, Chủ tịch Hiệp hội quan hệ 2 bờ eo biển Đài Loan Trần Đức Minh đã đến Đài Loan, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 8 ngày tới hòn đảo này. Việc này diễn ra sau thất bại của Quốc dân đảng trong cuộc bầu cử địa phương vừa qua vì người dân Đài Loan không hài lòng với chính sách của đảng cầm quyền đối với Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng, kết quả bầu cử vừa qua ở Đài Loan sẽ tác động lớn tới quan hệ 2 bờ và tình hình Biển Đông trong vài năm tới. Bởi với chiến thắng trong cuộc bầu cử cuối tháng 11, đảng Dân tiến có khả năng thắng cử trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đài Loan năm 2016 và đây sẽ là “cơn ác mộng” đối với Bắc Kinh. Khi đó sẽ bất lợi cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình trong tranh chấp ở Biển Đông. Hãng CNA của Đài Loan từng dẫn tuyên bố của ông Mã Anh Cửu, người đứng đầu Đài Loan khi tái nhắc lại lập trường của hòn đảo này: không chấp nhận phương thức “một quốc gia, hai chế độ” của Bắc Kinh, chỉ theo đuổi chính sách "không thống nhất, không độc lập và không sử dụng vũ lực".
Không nguôi tham vọng
Ngày 9/12, hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn cơ quan phòng vệ Đài Loan David Lo cho biết, hòn đảo này sẽ chi khoảng 176 triệu USD để mua hai tàu khu trục, trong khi xem xét quyết định mua thêm 2 tàu nữa, đồng thời hy vọng Washington sẽ không dao động trước sự phản đối của Bắc Kinh về thương vụ này. Trước đó, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép bán 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Perry cho Đài Loan sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật tương tự và bị Bắc Kinh phản đối hồi tháng 4.
Ngày 4/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật số 1683 cho phép chính quyền của Tổng thống Barack Obama bán cho Đài Loan 4 tàu hộ vệ lớp Perry (USS Taylor, USS Gary, USS Carr, và USS Elrod). Theo Đạo luật về quan hệ với Đài Loan (có hiệu lực từ năm 1979), Mỹ có nghĩa vụ trợ giúp Đài Loan trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công. Ngày 8/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh phản đối và hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ ngăn chặn việc tiếp tục dự luật này, đồng thời mong muốn Washington sẽ ngăn chặn việc thực thi dự luật để tránh phương hại tới sự phát triển quan hệ song phương.
Cũng trong ngày 9/12, tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn thông tin của tờ Kanwa Defense Review (Canada) cho rằng, Trung Quốc thực sự đã thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, chỉ là chưa công khai tuyên bố vì sợ quốc tế phản đối. Cũng theo nhận định của tờ Kanwa Defense Review, đảo Hải Nam đã trở thành khu vực quan trọng của hải quân Trung Quốc - triển khai tàu ngầm hạt nhân tiên tiến nhất và các máy bay chiến đấu như J-11BH, JH-7, cùng gần như toàn bộ tàu khu trục tên lửa Type 052C, tàu đổ bộ cỡ lớn Type 071 đều triển khai ở đây. Giới quân sự cho rằng, Trung Quốc đang tàng hình hóa kho vũ khí để có thể đáp trả các cuộc tấn công của kẻ thù, cũng như ứng phó nhanh hơn trong trường hợp nổ ra chiến tranh toàn diện. Do đó, không loại trừ khả năng máy bay chiến đấu của hải quân Mỹ sẽ hộ tống máy bay do thám P-8A để theo dõi động tĩnh của Trung Quốc tại những khu vực nhạy cảm.
Trung Quốc sẽ tăng thêm cường độ viện trợ các nước xung quanh và trên dọc tuyến Một vành đai, một con đường
Giới phân tích cho rằng, sau một năm thiết lập AIDZ ở biển Hoa Đông, Trung Quốc đang triển khai ADIZ ở Biển Đông. Theo nhà nghiên cứu Dylan Loh Ming Hui thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, tuyên bố ADIZ đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ làm chấn động Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc và Australia và các nước hữu quan. Và động thái này sẽ làm leo thang căng thẳng ở khu vực vốn đã đầy rẫy bất ổn. Nhưng theo nhận định của tờ The Diplomat (Nhật Bản), nếu thiết lập AIDZ trên Biển Đông, Trung Quốc sẽ thất bại. Bởi nếu việc này diễn ra, ngoài các nước hữu quan, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Australia… sẽ phản đối và thách thức tuyên bố của Bắc Kinh.
Ngày 7/12, tờ Want Daily dẫn lời cựu Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, Tướng Chu Văn Tuyền, khi viết cuốn "Học thuyết chiến tranh đoạt đảo", bàn về kịch bản Trung Quốc đánh chiếm các đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông. Tướng Chu Văn Tuyền cho rằng, Trung Quốc cần thiết lập chiến lược mới để tiếp quản thành công các đảo trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Nhật Bản, Việt Nam và Philippines. Đồng thời, cần thay đổi tư duy chiến lược truyền thống, cùng vai trò quan trọng của lực lượng đổ bộ và trau dồi nghiên cứu, vận dụng các loại kiến thức về luật pháp quốc tế để phục vụ tham vọng đoạt đảo từ nước khác. Theo cựu Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, việc đánh chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và Trường Sa chỉ là vấn đề thời gian. Do đó, Trung Quốc cần thiết lập một cơ cấu nhất thể thông tin hiện đại.
Tăng viện trợ và hợp tác để đạt mục đích
Ngày 8/12, tại Bắc Kinh, Trợ lý Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trương Hướng Thần cho biết, Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng quy mô viện trợ đối ngoại, và tăng viện trợ cho các nước dọc tuyến "Một vành đai, một con đường" cùng các nước xung quanh trọng điểm này. Trong khi đó, theo Giáo sư Taylor Fravel, cam kết hậu thuẫn các nước nhỏ xung quanh Biển Đông là cách duy nhất tại thời điểm này để Mỹ thực thi chính sách “xoay trục” và làm đối trọng với tham vọng “Giấc mơ châu Á-Thái Bình Dương” của Trung Quốc. Giáo sư Taylor Fravel cũng nhận định, Mỹ sẽ mất vị thế đứng đầu thế giới nếu đứng ngoài vấn đề Biển Đông, nhất là trong bối cảnh căng thẳng trong các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền tài phán ở đây đang gia tăng.
Dư luận cho rằng, sau khi kiểm soát lưỡng viện tại Quốc hội Mỹ, Đảng Cộng hòa đã hé lộ đường lối trong chính sách đối với Biển Đông. Ngày 5/12, trong bản báo cáo dài 24 trang, Cục Hải dương & môi trường quốc tế và các vấn đề khoa học thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với gần như toàn bộ biển Đông mà Bắc Kinh đưa ra trong cái gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường 9 đoạn” là không phù hợp với luật pháp quốc tế về biển. Việc này diễn ra sau khi Hạ viện Mỹ thông qua (4/12) nghị quyết có mã số H.Res-714 nói về Biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó tái khẳng định sự ủng hộ của chính phủ Mỹ đối với các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được các nước công nhận đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Theo giới truyền thông, với sự ủng hộ tuyệt đối đối với nghị quyết H.Res-714 cho thấy mối quan ngại ngày càng sâu sắc của các nhà lập pháp Mỹ về những diễn biến ngày càng phức tạp tại khu vực Đông Á, đặc biệt là Biển Đông. Và Mỹ cũng hiểu rõ mưu đồ của Trung Quốc trong việc khống chế vùng trời, chi phối an ninh Biển Đông khi độc chiếm khu vực này. Dư luận cho rằng, một khi Trung Quốc ép buộc các nước láng giềng và xua đuổi Mỹ, Washington sẽ động thủ. Theo chuyên gia Robert Kaplan, thành viên cấp cao của Trung tâm An ninh Mỹ mới, cuộc chạy đua vũ trang trong lĩnh vực hải quân và không quân đang diễn ra ở Đông Á, nhưng điều này không có nghĩa chiến tranh sắp xảy ra.
Ngày 2/12, cuộc tham vấn Quốc phòng và Chiến lược lần thứ 17 giữa Trung Quốc và Australia đã diễn ra tại Bắc Kinh. Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Phòng Phong Huy đã hội đàm với Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Australia Mark Binskin và Bộ trưởng Quốc phòng Dennis Richardson nhằm tăng cường hợp tác quân sự giữa 2 nước. Giới bình luận cho rằng, sau khi nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ đối tác chiến lược và ký thỏa thuận về mậu dịch tự do, Trung Quốc và Australia đã thỏa thuận tăng cường và đề cao vị thế của hợp tác quân sự trong tổng thể mối quan hệ song phương, và 2 nước đang triệt để lợi dụng lẫn nhau. Bởi cả Washington và Bắc Kinh đều muốn tranh thủ Australia để phục vụ lợi ích của mình vì Trung Quốc coi chiến lược “xoay trục” của Mỹ gây bất lợi cho họ nên tìm mọi cách đối phó và kiềm chế. Trong khi đó, Australia muốn lợi dụng sự trỗi dậy về mọi phương diện của Trung Quốc để làm đối trọng cho quan hệ với các đối tác tại châu Á.
Ngày 7/12, Tân Hoa xã đăng bài phỏng vấn Từ Hoằng, Vụ trưởng Vụ Luật và hiệp ước thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc về tuyên bố chính thức của Bắc Kinh liên quan đến vụ kiện “đường lưỡi bò” do Philippines khởi xướng.
Vụ trưởng Từ Hoằng cho rằng, Philippines đã đơn phương khởi kiện tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra Tòa án trọng tài quốc tế và Bắc Kinh không tham gia phiên tòa này. Mặc dù đã đưa ra những lập luận nhằm khẳng định cho tuyên bố kể trên, nhưng Từ Hoằng vẫn không thể thuyết phục dư luận khi cố tình đánh tráo khái niệm - từ chỗ Manila khởi kiện Bắc Kinh, áp dụng và giải thích sai UNCLOS đối với yêu sách “đường lưỡi bò” thành tranh chấp chủ quyền nhằm gạt vấn đề này ra khỏi phạm vi UNCLOS… Từ Hoằng cũng cho rằng, Bắc Kinh đã xử lý hòa bình nhiều tranh chấp “thông qua cách riêng của Trung Quốc - đàm phán song phương với Bắc Kinh hay hơn trọng tài"!
Nhưng Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario từng nhiều lần công khai khẳng định, Manila đã mất 18 năm nỗ lực đàm phán song phương với Bắc Kinh, nhưng Trung Quốc liên tục bành trướng, lấn tới, đe dọa và uy hiếp ở Biển Đông, buộc Philippines phải khởi kiện lên Tòa án trọng tài quốc tế.
Cũng trong ngày 7/12, tờ The Wall Streets Jounal dẫn lời Peter Dutton, Giám đốc cơ quan nghiên cứu Trung Quốc tại Học viện Chiến tranh hải quân Mỹ cho rằng, tuyên bố hôm 7/12 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đến quyết định sắp tới của Tòa án trọng tài quốc tế.
Hồng Thất Công - Petrotimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment