Những thủ đoạn của Không quân Mỹ từng khiến Việt Nam bối rối
Wednesday, December 10, 2014
Sau những thiệt hại trước các máy bay Mig của Việt Nam, Không quân Mỹ đã thay đổi những thủ đoạn tinh vi hơn và gây cho Không quân Việt Nam một số thiệt hại.
Tranh minh họa một trận không chiến giữa máy bay Mỹ và máy bay Việt Nam.
Theo hồi ký Phi công Tiêm kích của Đại tá Lê Hải, đầu năm 1967, Không quân Mỹ đã tổ chức một số trận dùng F-4 giả làm G-105 để lừa chúng ta. Hồi ký ghi: “Trong hai ngày 2 và 6 tháng 1 năm 1967, Trung đoàn tiêm kích 921 xuất kích 3 biên đội, gồm 12 chiếc máy bay Mig-21 Các phi công ta vừa ra khỏi mây, chưa kịp tập hợp đội hình, tốc dộ bay lên còn nhỏ, máy bay cơ động kém, bọn địch chờ sẵn trên các đầu xuyên mây của máy bay ta. Địch hàng mấy chục chiếc F-4C dàn sẵn đội hình chiến đấu, từng đôi một, chúng phóng một lần hai đến bốn tên lửa vào mỗi chiếc máy bay Mig-21 của ta vừa ló khỏi mây. Nhiều phi công ta chưa thấy địch đâu đã bị bắn rơi. Các biên đội sau, số nào ghìm bay trong mây, hạ độ cao, trở về sân bay thì thoát. Ta bị địch bắn rơi bảy chiếc, các phi công nhảy dù thành công, chỉ bị hi sinh một mình đồng chí Đồng Văn Đe quê ở tỉnh Bến Tre. Trong cả quý I năm 1967, Trung đoàn 923 chỉ đánh được ba trận, bắn rơi được ba máy bay địch; ta có một chiếc Mig-17 bị bắn rơi và hi sinh một phi công”.
Theo cuốn sách Bí mật những trận không kích của quân đội Mỹ vào miền Bắc Việt Nam, mùa hè năm 1967, người Mỹ hài lòng với kết quả những trận không chiến của nửa đầu năm 1967. Theo đó, chỉ trong tháng 4 và 5, Không quân Việt Nam đã mất 38 máy bay. Con số thiệt hại này là do Mỹ đưa ra, có thể nó bao gồm cả những máy bay giả mà công binh Việt Nam tạo nên để lừa Mỹ.
Tuy nhiên, thủ đoạn mới của Mỹ là: bổ sung súng máy cho F-4 để nó có thể cận chiến với Mig nhất là khi gặp Mig-17. Ngoài ra các máy bay Mỹ còn được trang bị thiết bị QRC-248 trên máy bay EC121 để tăng cường khả năng phát hiện ra Mig và dẫn đường cho F-4 tấn công Mig.
Mỹ cũng biết Không quân Việt Nam chọn F-105 làm mục tiêu thay vì F-4 vì F-105 là cường kích nặng nề, khả năng cơ động phòng vệ và tấn công kém hơn hẳn so với Mig-17 và Mig-21. Do đó, Mỹ đã huấn luyện và trang bị nhẹ cho một số phi đội F-105 để dụ Mig đến và bất ngờ dùng ưu thế số đông bố trí nhiều phi đội vòng tròn quây Mig lại để tiêu diệt.
Khi F-4 và F-8 được trang bị súng máy, hiệu quả đã tăng lên. Trong nửa đầu năm 1967, theo phía Mỹ công bố, F-4 công kích 9 lần bằng súng và diệt 5 Mig đạt tỷ lệ 55%.
Trong tháng 4 năm 1967, Không quân Việt Nam cũng đã nhận rõ sự thay đổi thủ đoạn của Mỹ. Hồi ký của Đại tá Lê Hải ghi: “… địch thay đổi chiến thuật, chia nhiều tầng cao, tăng cường tiêm kích, giảm hẳn lượng máy bay cường kích F-105, tăng cường loại máy bay mới F-4D, vừa ném bom vừa không chiến. Mỗi chiếc F-4D chỉ mang một nửa cơ số bom và mang 4 tên lửa để sẵn sàng đối phó với Mig. Lực lượng Mig tuy ít, nhưng đã làm cho bọn Mĩ điên đầu. Nhiều lần bị Mig-17, Mig-21 cản phá đội hình lớn, chúng không vào được mục tiêu và liên tiếp bị bắn rơi.
Bọn F-4 thường dùng chiến thuật chữ T, rút ngắn cự li đội hình, tăng tốc khi cách mục tiêu từ 100 đến 150km, tăng tốc khi qua khu vực đề phòng có Mig và chia nhiều độ cao để yểm hộ nhau.
Trung đoàn đã tổ chức đánh mấy trận nữa sau trận ngày 14 tháng 5 năm 1967. Ta chưa có cách đối phó có hiệu quả với chiến thuật mới của địch. Anh em bắn rơi được vài chiếc, nhưng Trung đoàn cũng thiệt hại, nặng nhất là 10 phi công hi sinh trong một thời gian ngắn”.
Trong mùa hè năm 1967, Trung đoàn 923 đã lâm vào một hoàn cảnh khó khăn. Theo lời Đại tá Lê Hải, phi cội của ông có lúc chỉ còn 7 phi công và “hai ba tháng liền, Trung đoàn lâm vào thế đánh nhau là tổn thất”.
Trước tình hình đó, Quân chủng Phòng không – Không quân đã cử cán bộ xuống kiểm tra và bàn cách đánh với Không quân nói chung và với Trung đoàn 923 nói riêng.
Khoảng tháng 7 năm 1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuống Sở chỉ huy của Quân chủng ở núi Trầm để dự cuộc hội nghị quân sự dân chủ. Sau khi nghe hết các ý kiến của phi công, dẫn đường và chỉ huy quân chủng, Đại tướng kết luận: Phải giành chủ động, chủ động đánh và không đánh. Không được lập khu chờ, mất hết chủ động. Đã quyết đánh tuyến nào, đợt nào là tạo thế có lợi cho biên đội để kiên quyết tiến công”.
Sau chỉ thị của Đại tướng, Trung đoàn 923 tạm dừng xuất kích chỉ tập trung bàn cách đánh và tổ chức huấn luyện. Các phi công đã được huấn luyện thêm về kỹ thuật bay, kỹ thuật không chiến cá nhân cũng như hiệp đồng biên đội, hiệp đồng với Mig-21. Sau một thời gian huấn luyện củng cố, sang tháng 8/1967, các máy bay Mig-17 đã tự tin trở lại bầu trời đối phó với Không quân Mỹ. Trong những tháng cuối năm 1967, Không quân Việt Nam lại tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho các máy bay Mỹ.
Trần Vũ - Người Đưa Tin
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment