Malaysia dùng Mỹ làm đòn bẩy với Trung Quốc
Saturday, September 20, 2014
Malaysia và Mỹ có thể đang đàm phán về việc P-8 của Mỹ sử dụng một căn cứ không quân tại phía nam Biển Đông.
P-8 là máy bay săn tàu ngầm hiện đại nhất hiện nay, khắc tinh của tàu ngầm của Trung Quốc
Với việc Bắc Kinh nỗ lực xây đảo nhân tạo ở Gạc Ma biến nó thành “hàng không mẫu hạm không chìm” của Trung Quốc nhằm khống chế Biển Đông, cũng như các hành động gây hấn khác của họ, Mỹ và các quốc gia liên quan từng bước hành động để đối sách. Malaysia và Mỹ có thể đang tiến hành đàm phán việc cho phép máy bay trinh sát P-8 của Mỹ được sử dụng một căn cứ quân sự của nước này để theo dõi tàu ngầm của Trung Quốc. Điều này nằm trong một nỗ lực tăng cường hợp tác an ninh giữa Mỹ và Malaysia sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama tới Malaysia hồi cuối tháng tư năm nay.
Hư hư, thực thực
Trong bài phát biểu ở Viện Carnegie (Mỹ) hồi đầu tháng này, Đô đốc Jonathan W. Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ, cho biết Malaysia đã đề nghị Mỹ sử dụng một căn cứ không quân của họ làm nơi xuất phát cho các máy bay trinh thám trên khu vực Biển Đông, cho đây là một cơ hội tốt để Mỹ tăng cường hiện diện ở Đông Nam Á.
Nhiều khả năng cơ sở được lựa chọn sẽ là căn cứ không quân Labuan, nằm trên hòn đảo Labuan ngoài khơi Borneo. Trước đây quân đội Mỹ từng sử dụng căn cứ này trong một số cuộc tập trận.
Nhưng khi được hỏi về việc này vào ngày 12/9, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Hishammuddin trả lời: “Điều này không đúng sự thật”.
Cũng trong ngày 12/9, người phát ngôn của Đô đốc Greenert, ông Hernandez đã đưa ra lời giải thích, nói rằng Tướng Greenert không hề nói việc các máy bay trinh sát P-8 của Mỹ sẽ được cất cánh từ Malaysia đã được phê chuẩn, mà ý là hai nước đang “bồi dưỡng cơ hội”. Người phát ngôn Hạm đội hải quân 7 của Mỹ, nữ Trung úy Rebekah Johnson lại tiết lộ, Kuala Lumpur và Washington vẫn chưa đi đến ký kết một hiệp định chính thức, tuy nhiên quá trình đàm phán đang diễn ra rất thuận lợi; phía Malaysia đưa ra điều khoản “dựa theo phương thức cá biệt”, tức là xem xét phi vụ một hoặc theo hạn mức sử dụng hàng năm tùy theo tình hình cụ thể, để cho phép các máy bay trinh sát P8 của Mỹ sử dụng căn cứ không quân của Malaysia.
Nếu đạt được thỏa thuận, các máy bay P-8 Poseidon sẽ được triển khai ở căn cứ mới, và thực hiện các chuyến bay tuần tra trên khu vực Biển Đông. Máy bay P-8 thuộc loại máy bay do thám tầm xa, có tốc độ và tầm bay cao cùng khả năng phát hiện tàu ngầm rất tốt. Dòng máy bay này được coi là đối trọng với hạm đội tàu ngầm mà Trung Quốc đang phát triển ở biển Đông, đặc biệt tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo có thể bắn tới nước Mỹ. Bộ Quốc phòng Mỹ đang đặt hàng hơn 100 máy bay P-8 từ hãng Boeing.
Trung Quốc tất nhiên phản ứng mạnh. Mỹ cho rằng các máy bay có thể bay trên vùng trời ngoài đường lãnh hải (rộng 12 hải lý) của quốc gia khác, tuy nhiên Trung Quốc cho rằng các máy bay nước ngoài phải xin phép khi bay qua vùng đặc quyền kinh tế (rộng 200 hải lý). Ngay sau phát biểu của Đô đốc Greenert, trong cuộc gặp với Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ bà Susan Rice, Thượng tướng Phạm Trường Long - Phó chủ tịch Quân ủy Trung Quốc đã yêu cầu Mỹ ngừng các hoạt động theo dõi trái phép trong lãnh thổ của Trung Quốc .
Malaysia là nước có quan hệ tốt với Trung Quốc. Tại nước này có một cộng đồng người Hoa đông đảo và không thiếu những kẻ sẵn sàng chỉ trích chính phủ về thỏa thuận với Mỹ. Mặt trận Đoàn kết Thanh niên Malaysia - một tổ chức phi chính phủ của nước này, tuyên bố: “Chúng tôi coi đây là vấn đề chủ quyền, chúng ta không nên kết đồng minh với bất cứ nước lớn nào, đặc biệt trên vấn đề quân sự”. Tờ Malaysia Chronicle cảnh báo, nếu “thất lễ với Trung Quốc”, Malaysia sẽ phải gánh hậu quả kinh tế nặng nề vì sẽ làm cho Trung Quốc nổi giận.
Malaysia cân nhắc các lý do
- Theo ông Tim Huxley - Giám đốc chi nhánh châu Á của trung tâm IISS, quan điểm của Malaysia về Trung Quốc đã thay đổi hẳn sau vụ MH-370. Vụ việc này đã cho thấy những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống kiểm soát không trung của Malaysia; các nỗ lực tìm kiếm của Bắc Kinh cũng làm Kuala Lumpur cảm thấy bị chèn ép và thiếu tôn trọng. Sự kết hợp giữa hai yếu tố trên đã thúc đẩy Malaysia tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Mỹ trên cơ sở lợi ích chung. Chuyến thăm Malaysia của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tháng 4 với việc kí kết thỏa thuận nâng tầm quan hệ lên mức đối tác toàn diện là cơ sở để hai bên mở rộng hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh quân sự.
- Malaysia cảm nhận được thực lực quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc, đồng thời nước này mong muốn thông qua những cuộc tiếp xúc và hợp tác với Mỹ để đạt được cân bằng hơn chứ không quá nghiêng về Trung Quốc.
- Ernie Bauer - cố vấn cấp cao nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Vấn đề Quốc tế Mỹ, nhận xét, một trong những nguyên nhân khiến Malaysia mời Mỹ sử dụng căn cứ không quân của nước này là “Trung Quốc bất ngờ bố trí tàu quân sự đến vùng biển của Malaysia, điều này rõ ràng là uy hiếp đến việc thăm dò và khai thác dầu mỏ và khí tự nhiên của Malaysia ở những khu vực biển gần bờ”.
Việc Mỹ sử dụng căn cứ không quân của Malaysia để triển khai các hoạt động bay trinh sát lại là một áp lực mới đối với Trung Quốc. Trung Quốc gây sự ở Biển Đông. Sinh sự ắt sự sinh. Malaysia có thể sử dụng Mỹ như đòn bẩy để tăng thế mặc cả với Trung Quốc. Không ai dại gì không sử dụng các con bài chiến lược để tối ưu hóa lợi ích quốc gia của mình./.
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment