Xây dựng Binh chủng Thông tin Liên lạc tiến thẳng lên hiện đại
Thursday, September 4, 2014
Ngày 4-9, tại Hà Nội, Báo Quân đội nhân dân và Binh chủng Thông tin Liên lạc (TTLT) tổ chức tọa đàm thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” với chủ đề: “Vinh dự, tự hào- Khát vọng cống hiến xây dựng Binh chủng tiến lên hiện đại”.
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Buổi tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 10 điểm cầu trong toàn Binh chủng TTLL. Dự tọa đàm có Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đại tá Hồ Bá Vinh, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị; Thiếu tướng Lê Bá Tần, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Binh chủng TTLL; các đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy Bộ tư lệnh và đại biểu khối cơ quan Binh chủng. Đặc biệt, tham dự buổi tọa đàm còn có đại diện cán bộ, chiến sĩ từng tham gia bảo đảm TTLL trong kháng chiến chống Mỹ; đại biểu các cá nhân điển hình tiên tiến thuộc các cơ quan, đơn vị trong Binh chủng TTLL. Thiếu tướng Ngô Kim Đồng, Chính ủy Binh chủng TTLT và Đại tá Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân chủ trì cuộc tọa đàm.
Truyền thống, cội nguồn sức mạnh
Mở đầu cuộc tọa đàm, sau khi xem một phóng sự khái quát về truyền thống Binh chủng, các vị khách mời và đông đảo cán bộ chiến sĩ Binh chủng TTLL có mặt tại Hội trường lặng đi khi chị Nguyễn Thị Thanh, một trong ba chiến sĩ thông tin Trạm A69 còn sống sót kể về trận bom B52 của địch ngày 2-7-1972 đánh vào Trạm A69. 10 nữ chiến sĩ tuổi đời mới mười tám, đôi mươi đã anh dũng hy sinh để bảo vệ khí tài, giữ vững mạch máu TTLL.
Trong niềm xúc động vô bờ, chị Thanh nhớ lại: Tuy trạm được bố trí ở nơi kín đáo, dưới rừng cây ngút ngàn và hang đá che chắn nhưng có đoạn đường cụt nên đã bị máy bay trinh sát địch phát hiện. Khoảng 13 giờ ngày chủ nhật ngày 2-7-1972, máy bay địch ập đến ném bom phá vào 2 đầu núi và một quả chính giữa hội trường. Lúc này 3 chiến sĩ: Thanh, Nghiêm, Vang đang trực trên phòng máy. Nghe những tiếng nổ làm rung chuyển cả căn phòng, Thanh kêu lên “Địch đánh vào đơn vị rồi”. Vừa dứt lời, một mảnh bom bay vèo qua đầu 3 người, cắm vào tổng đài...
Tiếng bom vừa dứt, cả ba chị em chạy ra cửa hang nhìn xuống dưới thì đã thấy chị Lung người bị bỏng nặng đang lết dưới mặt đất. Dân quân địa phương đến hỗ trợ đưa chị đến trạm xá, nhưng vì vết thương quá nặng, đêm đó chị đã hy sinh. Mọi người còn chưa hết bàng hoàng thì Phó đại đội trưởng Hựu lên cho biết, ngoài Lung ra, 9 chị em khác cũng đã hy sinh. Ba chị em bàng hoàng ôm nhau khóc. Ngoài 10 nữ chiến sĩ thông tin kể trên còn 3 cán bộ, chiến sĩ nam hy sinh tại chỗ. Trạm máy trên hang đá tuy không bị đổ nhưng cũng bị hư hỏng một phần, mạng cáp quanh khu vực trạm bị đứt nát không làm việc được. Nén đau thương, chị Thanh cùng đồng đội quyết tâm khôi phục liên lạc và chỉ sau 1 giờ 20 phút, các chị đã dùng đôi dây duy nhất còn lại nối thông liên lạc với Hà Nội.
Chị Nguyễn Thị Thanh, một trong ba chiến sĩ thông tin Trạm A69 còn sống sót kể về trận bom B52 của địch ngày 2-7-1972 đánh vào Trạm A69.
“Lúc đó, cứ nghĩ tới đồng đội hy sinh vừa thương xót, vừa tự nhủ phải gắng gượng vươn lên; nhiều lúc vừa làm việc, vừa khóc; cứ đặt lưng xuống là hình ảnh 10 chị em đã hy sinh lại hiện về. Lúc mất, họ còn trẻ lắm, tuổi chủ yếu từ 17 đến 18, nhiều nhất là chị Lan cũng mới có 22. Chỉ duy nhất chị Lan là đã có người yêu...” - Chị Nguyễn Thị Thanh nói khi giọng nghẹn lại.
Cho đến bây giờ, nhiều nhân chứng vẫn còn nhớ vào lúc 9 giờ 30 phút ngày 7-4-1975, Đại đội 5, Tiểu đoàn 77, Lữ đoàn 205 đã truyền bức điện số 157-H-TK của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các bộ tư lệnh toàn miền Nam: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa; tranh thủ từng giờ, từng phút; xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam; quyết chiến và toàn thắng”. Người truyền bức điện ấy chính là chiến sĩ báo vụ Nguyễn Bá Líu. Cuộc tọa đàm này dường như đưa ông trở lại những thời khắc lịch sử ấy, ông xúc động: “Tôi không ngờ mình lại có vinh dự ấy, xúc động đến trào nước mắt, nhưng tự trấn tĩnh, lấy lại thăng bằng để chuyển điện chính xác với thời gian nhanh nhất. Cho đến bây giờ tôi vẫn rất tự hào là người lính Thông tin đã truyền đi bức điện lịch sử ấy...”
Cựu chiến binh Nguyễn Bá Líu.
Đại tá Đặng Đức Đông, Chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng TTLT tự hào bởi gia đình có 3 thế hệ nối tiếp là Bộ đội Thông tin. Trong đó bố đẻ, ông Đặng Đức Song là Anh hùng Thông tin trong kháng chiến chống Pháp, con trai là Đặng Đức Tấn đang là học viên đào tạo báo vụ tại Trường Trung cấp Kỹ thuật Thông tin. Tham dự tọa đàm, Đại tá Đặng Đức Đông không giấu nổi niềm tự hào về truyền thống gia đình.
“Bố tôi luôn dạy: Các con phải phấn đấu xứng đáng với truyền thống người Chiến sĩ Thông tin ưu tú. Tôi cũng luôn dạy con tôi phải phát huy truyền thống gia đình luôn phấn đấu để xứng đáng với truyền thống người Chiến sĩ Thông tin ưu tú như lời ông đã dạy bố năm xưa. Tôi luôn tự hào về gia đình mình là gia đình Thông tin...” - đồng chí Chủ nhiệm Kỹ thuật Binh chủng TTLL tự hào nói.
Xây dựng binh chủng tiến lên hiện đại
Đại tá Khúc Đăng Tuấn, Phó tham mưu trưởng Binh chủng Thông tin-Liên lạc cho rằng: Trong 3 năm qua, hệ thống Thông tin liên lạc có sự biến đổi về chất ở cả 3 cấp Chiến lược, Chiến dịch, Chiến thuật; được phát triển, hiện đại hóa ngang tầm với một số nước trong khu vực và thế giới. Hệ thống TTLL quân sự đáp ứng tốt cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, phòng chống thiên tai. Một minh chứng rõ nét nhất là thông tin VSAT trong thời gian qua đã kịp thời đưa các hình ảnh từ biển Đông về đất liền phản ánh cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của nhân dân ta, phục vụ tốt cho công tác tuyên truyền về cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.
Tuy nhiên, đồng chí Khúc Đăng Tuấn cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất trong thực hiện quy hoạch, xây dựng, phát triển hệ thống TTLL quân sự là sự phát triển vô cùng nhanh chóng của Khoa học công nghệ. Trong điều kiện kinh phí còn hạn hẹp, nếu không có các biện pháp đúng dắn trong quy hoạch, phát triển những trang thiết bị thông tin được trang bị hôm nay rồi sẽ nhanh chóng bị lạc hậu.
Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm.
Để khắc phục vấn đề này, toàn Binh chủng TTLL đang nỗ lực cố gắng tiếp cận các khoa học công nghệ hiện đại, tích cực tìm tòi phát huy các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để nâng cao hiệu quả của phương tiện thông tin hiện có; đồng thời chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa thông tin hiện đại và thông tin truyền thống... Để xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, Binh chủng triển khai chủ trương “Binh chủng học tập”, tập trung đào tạo các cán bộ nhân viên khoa học kỹ thuật đầu ngành có đủ năng lực sẵn sàng làm chủ các trang thiết bị hiện đại... Với các chủ trương trên trong thời gian tới Binh chủng TTLL sẽ tiếp tục hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào thành công của việc thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”.
“Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Binh chủng tiến lên hiện đại, những năm qua, Binh chủng TTLL đã luôn quan tâm chăm lo công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng xây dựng nguồn nhân lực. Trường Sĩ quan Thông tin là một trong những trung tâm giáo dục đào tạo, một địa chỉ tin cậy, cái nôi đào tạo những sĩ quan Thông tin ưu tú cho toàn quân. Năm 2013, Trường đã chính thức trở thành trường Đại học Thông tin liên lạc, đánh dấu bước phát triển mới về mục tiêu đào tạo con người của Nhà trường...”- Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Tuyến, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin khẳng định.
Năm 2013, Trường SQTT được Chính phủ ký quyết định thành lập Trường ĐHTTLL đã mở ra cơ hội rất lớn để xây dựng, phát triển Nhà trường một cách bền vững và tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng hội nhập sâu, rộng hơn vào hệ thống giáo dục đại học của Quốc gia. Tuy nhiên, nhiệm vụ mới cũng làm xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức, nhất là về định hướng, chiến lược phát triển, cơ chế quản lý... để làm sao giải quyết hài hòa cùng lúc hai nhiệm vụ: Đào tạo đội ngũ cán bộ, sĩ quan thông tin cho Quân đội và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH.
Qua thực tiễn công tác, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Tuyến, Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin cũng cho rằng, trong công tác đào tạo, điều quan trọng nhất là xây dựng được môi trường mô phạm, lành mạnh. Trong môi trường đó, dân chủ phải được phát huy rộng rãi; lãnh đạo chỉ huy phải là người tiên phong, gương mẫu đi đầu, biết lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng sự sáng tạo... Có như vậy, mới có thể động viên các tổ chức, cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy hết khả năng, năng lực của bản thân, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.
Tại cuộc tọa đàm, vị tướng của Trường Đại học TTLL cũng muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ - những cá nhân điển hình tiên tiến của các cơ quan, đơn vị, nhà trường, công ty trong Binh chủng rằng: Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, với yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ bảo đảm TTLL, mỗi đồng chí cần phải nỗ lực phấn đấu không ngừng. Chỉ khi có khát vọng cháy bỏng mới có được động lực to lớn để thôi thúc chúng ta vươn lên trên con đường lập thân, lập nghiệp và để cống hiến công sức, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng Binh chủng, xây dựng Quân đội, như chủ đề hết sức ý nghĩa của buổi Tọa đàm hôm nay.
Bộ đội TTLL do đặc thù công việc nên đóng quân phân tán trên 142 điểm, thuộc 36 tỉnh, thành phố; nhiều tổ, trạm lẻ thuộc vùng sâu, vùng xa… Cũng từ đặc thù đóng quân phân tán ấy, Bộ đội TTLL đã xây dựng thành công mô hình “Tổ trạm Thông tin 4 tốt” được TCCT chọn làm mô hình tiêu biểu để nhân rộng trong toàn quân. Trong đó không thể không nhắc đến Lữ đoàn 134, là cái nôi của mô hình tiêu biểu này. Nêu kinh nghiệm về việc giữ và phát triển mô hình “Tổ trạm Thông tin 4 tốt", Trung tá Hoàng Thất Linh - Phó CNCT Lữ đoàn 134 chia sẻ: "Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng mô hình, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần phát huy tính năng động, sáng tạo của các tổ chức, lực lượng trong đơn vị, nhất là tổ chức đoàn thanh niên, Hội phụ nữ. Xây dựng mô hình hoạt động đề cao tính dân chủ, tránh áp đặt, gò ép. Chú trọng vận dụng các tiêu chí cho phù hợp với tình hình thực tế của các tổ, trạm. Trong tổ chức thực hiện tranh thủ cao nhất sự ủng hộ của cấp ủy, chỉ huy, các cấp và sự giúp đỡ của nhân dân địa phương nơi đóng quân. Đồng thời phát huy cao nhất tính tự giác, ý thức trách nhiệm và sự đoàn kết của tập thể cán bộ, ĐVTN của các tổ, trạm nhất là đối với những đơn vị ở xa, địa bàn khó khăn...".
Những khát vọng, đam mê
Vinh dự, tự hào về truyền thống của một Binh chủng anh hùng, mỗi người lính Thông tin nơi đây không quản gian khó, dồn tâm, dồn sức cho công tác huấn luyện đảm bảo cho hệ thống thông tin liên lạc luôn thông suốt và nung nấu những khát vọng cống hiến xây dựng binh chủng tiến lên hiện đại.
Tại cuộc tọa đàm, câu chuyện về tinh thần vượt khó chấp hành nghiêm mệnh lệnh, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đồng chí Thượng úy QNCN Trần Văn An, nhân viên kỹ thuật Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 132 đã gợi trong mỗi chúng ta nhiều suy nghĩ.
Đơn vị đóng quân ở Đà Nẵng, Trần Văn An được đơn vị cho nghỉ phép cùng vợ con về thăm quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Vừa về đến nhà chưa kịp hỏi thăm gia đình và họ hàng thì An nhận được điện của đồng chí tiểu đoàn trưởng thông báo đơn vị có việc, cần vào ngay để nhận nhiệm vụ, chuẩn bị để lên tàu ra vùng biển Hoàng Sa. Là người lính, Trần Văn An không một chút đắn đo nhận nhiệm vụ, gia đình và vợ con cũng hiểu công việc của chồng nên động viên anh nhanh chóng thu xếp để trở lại đơn vị.
Thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển Hoàng Sa trong điều kiện hết sức khó khăn, thời tiết nắng nóng, đặc biệt là những cơn say sóng, trong khi những sự cố hỏng hóc các thiết bị thông tin trên tàu. Không thể để các thiết bị TT VSAT mất tín hiệu với đất liền, An luôn gắng sức vượt qua những cơn say sóng để sửa chữa, khắc phục những sự cố đó.
“Một trong những khó khăn mà tôi và đồng đội phải trải qua khi hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa đó là việc cơ động bằng xuồng nhỏ trong đêm để qua các tàu khác của ta khắc phục các thiết bị TT VAT bị hư hỏng. Cơ động bằng xuồng trên biển vào ban ngày còn khó khăn, vào đêm tối lúc sóng to còn khó khăn gấp bội, nhiều lúc bị sóng đẩy lên, chuồi xuống tưởng như sắp bị lật úp... Tuy nhiên nghĩ đến những thiết bị thông tin hỏng hóc trên các con tàu cần phải khắc phục sửa chữa để kết nối với đất liền, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, không chùn bước trước khó khăn vẫn xuống xuồng để thực hiện nhiệm vụ...” đồng chí Trần Văn An chia sẻ.
Trước thực tế thiết bị VSAT thường xuyên bị hỏng hóc bởi tác động của môi trường biển, đã ảnh hưởng đến TTLL bảo vệ chủ quyền biển đảo và gây tốn kém về công sức, tiền của cho việc đi khắc phục. Từ nhận thức đó đã thôi thúc nhóm Trung tâm Kỹ thuật Thông tin Công nghệ cao (KTTT CNC) của Binh chủng TTLL bao gồm Đại úy Nguyễn Đức Bình và Đại úy Nguyễn Kim Sinh, nghiên cứu và chế tạo thành công Bộ bảo vệ thiết bị VSAT làm tăng tuổi thọ các thiết bị Thông tin lên 4-5 lần, tiết kiệm công sức và ngân sách Quân đội.
Thiếu tướng Ngô Kim Đồng, Chính ủy Binh chủng TTLT và Đại tá Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân chủ trì cuộc tọa đàm.
“Thành công trong việc chế tạo Bộ bảo vệ thiết bị VSAT không ai mừng vui hơn chúng tôi, càng mừng hơn khi biết sau khi thiết bị triển khai đến các điểm đảo, chúng tôi chờ đợi tháng đầu tiên không hỏng hóc, tháng thứ hai, thứ ba không hỏng... rồi 6 tháng sau không hỏng hóc, lúc ấy vui lắm, không niềm vui nào có thể tả xiết. Hiện nay, bộ bảo vệ thiết bị VSAT đã được triển khai cho toàn bộ các điểm đảo, nhà giàn DK1 thuộc quần đảo Trường Sa, thiết bị hoạt động ổn định, tuổi thọ thiết bị được kéo dài. Chúng tôi thấy việc làm của mình thật ý nghĩa...”- Đại úy Nguyễn Đức Bình nói.
“Đây không phải là lần đầu tiên tôi được nghe câu chuyện về thiết bị môi trường của đồng chí Sinh và đồng chí Bình, nhưng mỗi lần nghe lại tôi đều cảm thấy tự hào và có sự đồng cảm kỳ lạ. Theo quan niệm của tôi, mọi ý tưởng sáng tạo đều bắt nguồn từ thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ...” - Thượng úy Nguyễn Quách Cơ, trợ lý Phòng bảo đảm kỹ thuật Vô tuyến điện Trung tâm KTTT CNC đã mở lời như vậy tại buổi tọa đàm. Anh cũng là tác giả chính trong việc cải tiến thiết bị vô tuyến sóng ngắn PRC-2188 có tốc độ nhảy tần 500 lần/giây lên 625 lần/giây.
Xuất phát từ thực tiễn huấn luyện cho thấy thiết bị vô tuyến sóng ngắn PRC-2188 có tốc độ nhảy tần 500 lần/giây đã không còn phù hợp trong huấn luyện, bảo đảm TTLL sẵn sàng chiến đấu. Vậy là trong đầu Thượng úy Nguyễn Quách Cơ xuất hiện ý tưởng tại sao không nâng tốc độ nhảy tần của nó lên nữa? Thật không ngờ đó cũng là nung nấu của nhiều đồng chí trong phòng. Thế rồi mọi người họp nhau lại cùng bàn bạc phân tích và thống nhất phải nâng tốc độ nhảy tần cho thiết bị này. Nói là vậy nhưng khi bắt tay vào công việc lại gặp phải không ít những khó khăn. Nhiều khi nghiên cứu cả tuần liền, thử đi thử lại nhiều lần mà vẫn không mang lại kết quả, không ai nghĩ ra được ý tưởng gì.
Muốn thành công không còn cách nào khác là tiếp tục suy nghĩ và nghiên cứu, muốn cải tiến được thiết bị phải làm chủ được nó, tức là phải hiểu nó làm việc như thế nào. Qua nhiều lần mày mò thử đi thử lại, Cơ và đồng đội đã dần làm chủ được hoạt động của thiết bị và hệ quả là giờ đây ý tưởng nâng tốc độ nhảy tầng lên 625 lần/giây đã trở thành hiện thực. Thượng úy Nguyễn Quách Cơ chia sẻ, anh cảm thấy rất tự hào và cũng thấy mình may mắn. May mắn vì được làm việc với các đồng đội vừa có kiến thức, vừa có quyết tâm cao, may mắn vì được cấp trên quan tâm, may mắn vì được công tác trong một môi trường luôn được hâm nóng bởi các phong trào thi đua không ngừng. Người kỹ sư của Trung tâm CNC Binh chủng Thông tin luôn quan miệm rằng, trong công tác nghiên cứu khoa học sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nếu có khát vọng, đam mê, chúng ta sẽ thành công.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm TCCT hoan nghênh và đánh giá cao Binh chủng TTLL và Báo QĐND đã chuẩn bị tốt nội dung tọa đàm trong đó có nhiều điểm mới. Tọa đàm bàn về nhiều khía cạnh, cả công tác huấn luyện, nghiên cứu khoa học và xây dựng con người.
“Tự hào là 1 trong những Binh chủng ra đời sớm nhất của Quân đội ta, thông qua buổi tọa đàm hôm nay, Binh chủng cần có những quán triệt sâu sắc hơn tư tưởng của Bác về tầm quan trọng của công tác bảo đảm thông tin liên lạc, lấy đó làm tiền đề, động lực nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm thông tin liên lạc cả thường xuyên và đột xuất...” - Trung tướng Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong tình hình hiện nay, Binh chủng cần tiếp tục quán triệt tốt quan điểm của Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục có những chủ trương để cụ thể hóa các tiêu chí của Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng” vào tình hình thực tế của đơn vị. Làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng cho đội ngũ cán bộ nhân viên có bản lĩnh chính trị vững vàng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát biểu kết luận cuộc tọa đàm, Đại tá Phạm Văn Huấn, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân khẳng định: Việc Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh chủng TTLL phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức buổi tọa đàm là dịp để ôn lại truyền thống “kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” đã được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Thông tin nỗ lực phấn đấu hy sinh trong chặng đường 69 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành (9-9-1945/9-9-2014). Thành công của tọa đàm khích lệ tinh thần của cán bộ, chiến sĩ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xây dựng Binh chủng TTLL tiến thẳng lên hiện đại theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ IX.
“Cuộc tọa đàm đã giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thời gian vừa qua ở các cơ quan, đơn vị thuộc Binh chủng TTLL; đồng thời phổ biến những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Nội dung của tọa đàm được tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng sẽ phổ biến đến các cơ quan, đơn vị trong toàn quân nghiên cứu học tập, vận dụng kinh nghiệm của các điển hình này vào thực tiễn...” - đồng chí Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân nhấn mạnh.
DUY ĐÔNG - VIỆT CƯỜNG - VĂN PHONG
Báo QĐND
Tags:
Chính Trị Quốc Phòng
Comments[ 0 ]
Post a Comment