69 Mùa Thu Độc lập
Monday, September 1, 2014
Kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào và bạn bè thế giới về một nước Việt Nam độc lập, đến nay đã 69 mùa thu.
Lễ thượng cờ và chào cờ buổi sáng, một nghi lễ thiêng liêng được tổ chức tại Quảng trường Ba Đình nhiều năm nay. Ảnh: QĐND Online.
Hôm nay, giữa cái không khí chộn rộn niềm vui của Ngày Độc lập, nhiều người lại thấy văng vẳng đâu đây niềm hào sảng trong lời Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa của 69 mùa thu trước "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Để hiện thực hóa cái khát vọng tự do, để nắm lấy cái quyền mưu cầu hạnh phúc ấy, nhân dân Việt Nam đã gan góc đứng lên, chấp chận mọi hy sinh mất mát, làm nên chiến thắng "lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu" ngày 7-5-1954. Rồi bằng tinh thần "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai", bao lớp thanh niên lại hăng hái lên đường, vượt dãy Trường Sơn hùng vĩ, tiến lên giải phóng miền Nam, làm nên chiến thắng cuối cùng, thu non sông về một mối, mở ra tương lai tươi sáng cho cả dân tộc Việt Nam.
Giờ đây, dòng sông Bến Hải đã trọn vẹn đôi bờ, không còn là dòng sông chia cắt như gần 40 năm về trước. Một cây cầu mới đã được xây dựng, nối 2 bờ của dòng sông lịch sử, để từng dòng người xe xuôi ngược Bắc-Nam, nối tình Nam-Bắc thêm đậm đà, bền chặt. Đi trên cây cầu mới, nhưng ánh mắt, lòng người vẫn hướng về cây cầu sắt mang trong nó bao nhiêu ký ức và cả cái khát vọng một thời rừng rực cháy về một nước Việt Nam thống nhất.
Bên bờ Bắc sông Bến Hải, trên cột cờ Hiền Lương, lá cờ đỏ sao vàng khổ rộng vẫn cuồn cuộn tung bay mỗi sớm, đón ánh bình minh trải khắp dòng sông, nhuộm thắm đôi bờ.
Từ dòng Bến Hải về với Sông Hồng như dải lụa mềm chạy qua Hà Nội ngàn năm văn hiến, đã thấy hai bên cây cầu Long Biên hơn trăm năm tuổi có thêm những cây cầu đồ sộ mọc lên, bắc nhịp nối liền các tỉnh, thành phố với Trái tim cả nước. Đấy là Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Thăng Long; rồi tới đây sẽ là Nhật Tân hiện đại và tầm vóc...Nhìn Hà Nội hôm nay, tôi chợt nhớ tâm sự của một anh bạn lớn tuổi là phi công, được đào tạo lái máy bay chiến đấu ở Liên Xô từ thập niên 80 của thế kỷ trước: "Ngày ấy trên máy bay từ nước bạn về mình, thấy Hà Nội nhỏ bé, và đâu có những tòa nhà cao lớn, hiện đại như hôm nay". Quả thật, Hà Nội giờ đã đổi thay nhiều quá, với đường dưới thấp, trên cao, với những ngôi nhà chọc trời đang vươn cao mỗi sớm...
Nông thôn mới cũng đang về với nhiều tên đất, tên làng. Từ các xã đồng bằng ngược lên miền núi, đâu đâu cũng thấy những con đường liên xã, liên thôn được đổ bê tông phẳng lỳ. Đường bê tông chạy vụt ra ngoài tầm mắt, vươn đến mỗi con mương, thửa ruộng; lúa xanh đồng bằng, lúa xanh cả những triền đồi thoai thoải; ngô trải sóng bồng bềnh trên những núi đá chênh vênh...Về Thái Bình, Nam Định, hay ngược lên Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng...ta đều có thể "chạm" vào những "bức tranh" như thế.
Trường Sa, xét về địa lý thì đâu có gần với đất liền, nhưng quả là "Trường Sa không xa" như nhiều người vẫn nói.
Ra Trường Sa, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của thành thị Việt Nam, với những tấm pin năng lượng mặt trời lấp lánh phản chiếu những tia sáng lóa, với những cánh quạt quay tít giữa gió biển Trường Sa lồng lộng, tạo ra nguồn điện sạch. Và còn nữa, một Trường Sa lung linh ánh điện về đêm.
Ra Trường Sa, ta lại được sống giữa cái không khí của làng quê thân thuộc, với tiếng chuông chùa vọngvang mặt biển, với tiếng gà gáy sáng, với những đàn vịt bập bềnh trên sóng biển Đá Tây, với lợn đầy chuồng, rau xanh vườn, trái cây lúc lỉu.
Và ở Trường Sa, hiển hiện rõ lắm cái quyết tâm giữ gìn bờ cõi nước nhà. Quân dân ta nơi đây ngày đêm bám biển đảo quê hương. Những tiếng ê a của học trò vẫn từng ngày từng giờ khẳng định Trường Sa là một phần máu thịt của Việt Nam. Ra Trường Sa, ta gặp nhiều lắm những chàng trai đang độ mười tám đôi mươi, da mang sắc chiều ráng đỏ, mắt ngời ánh sáng bình minh, canh giữ biển đảo, bầu trời nơi tiền tiêu Tổ quốc.
Giữa Ngày Độc lập, lại thêm nhớ lời Tuyên ngôn Độc lập của 69 mùa Thu trước vọng về: "Nước Việt Namcó quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Lịch sử hơn 4.000 năm của dân tộc Việt Nam là lịch sử dựng nước đi đôi với giữ nước. Giữ nước trước hiểm họa từ thiên tai, nhân tai rình rập và nhòm ngó. Nhưng sợ chi địch họa, thiên tai, bởi "chí đã quyết", "lòng đã bền", và bởi hàng nghìn đời nay, tình yêu nước của người dân Việt Nam luôn tiềm tàng và lớn lao, như lời Bác Hồ từng nói: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".
Ngẫm lời Người, thấy nó thật đúng trong những ngày chủ quyền, lợi ích quốc gia bị nhòm ngó và đe dọa. Đó là những ngày khắc ghi tình yêu nước được thổi bùng mạnh mẽ trong con tim, khối óc và huyết quản của những người con đất Việt. Bằng sức lực, bằng khả năng riêng, mỗi người đều có cách thể hiện tình cảm, trách nhiệm của mình trước vận mệnh quốc gia, dân tộc.
Và Hoàng Sa, cũng “không xa đâu”, vẫn sâu thẳm trong tình yêu đất Việt. Lại nhớ đến anh bạn đồng hương của tôi là thuyền trưởng trên một con tàu Cảnh sát biển, thực hiện nhiệm vụ dài ngày nhằm bảo vệ chủ quyền trên vùng biển Hoàng Sa của ta trong mấy tháng vừa qua. Bố lâm bệnh trọng, vợ trẻ con thơ, nhưng anh vẫn kiên trì, quyết tâm thực thi nhiệm vụ, dù luôn phải đối mặt với hiểm nguy phía trước. Giữa lúc anh cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng trên biển, tỉnh nhà tổ chức một cuộc triển lãm khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương. Tham quan triển lãm, tôi thấy tấm ảnh có anh kiên cường bám biển, và dòng chú thích ảnh thể hiện niềm tự hào vì quê hương có những người con như anh. Khi sóng biển tạm yên, anh trở về bờ, anh em đồng hương nói lời cảm phục trước sự dũng cảm và cống hiến hết mình của anh vì biên cương, bờ cõi. Anh chỉ khiêm tốn: "Các anh quá khen". Chỉ thế thôi cũng có thể cảm nhận được rằng, những người giữ biển như các anh còn có thể làm nhiều hơn nữa vì biển đảo quê hương.
Đã từ lâu lắm rồi, Ngày Quốc khánh 2-9 được dân ta gọi là Tết Độc lập!
Tết Độc lập 2-9 không chỉ mang ý nghĩa là những ngày rộn ràng vui như Tết Nguyên đán hay Tết Trung thu vốn có từ bao đời nay, mà nó mang ý nghĩa lớn lao bởi đó là ngày khắc ghi thời khắc cả dân tộc Việt Nam bước ra khỏi lầm than nô lệ, rũ bùn đứng dậy trở thành một nước tự do và độc lập. Đó là ngày lịch sử Việt Nam bước sang trang mới...
Mùa Thu thứ 69 đã đến, kể từ cái Tết Độc lập đầu tiên. Bao thành quả cách mạng đã mang lại diện mạo mới cho đất nước, mang lại "cơm no, tự do, áo ấm" cho đồng bào ta.
Tết Độc lập năm nay ta thêm tin tưởng về một nước Việt Nam lớn mạnh, hùng cường, "sánh vai cùng bè bạn năm châu" như Bác hằng mong muốn...
Phạm Hoàng Hà - QĐND
Tags:
Việt Nam
Comments[ 0 ]
Post a Comment