Nước Mỹ bước vào cuộc chiến tranh đặc biệt chống ISIS
Tuesday, September 16, 2014
Ngày 11 tháng 9 vừa rồi đánh dấu 13 năm ngày nước Mỹ bị al-Qaeda tấn công khủng bố.
Các địa điểm tấn công của không quân Mỹ chống ISIS trong tháng đầu tiên, gây nhiều thương vong cho phiến quân
Thông qua hai cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan với hàng chục ngàn phi vụ bắn phá bằng máy bay không người lái và hàng trăm chiến dịch bí mật trên thế giới, nước Mỹ đã làm suy yếu đáng kể al-Qaeda và các chi nhánh của tổ chức này, giảm khả năng của chúng đưa khủng bố vào nước Mỹ. Mặc dù cuộc chiến tranh thông thường tại Iraq và Afghanistan về căn bản đã kết thúc, nhưng các chi nhánh của al-Qaeda vẫn tồn tại ở Pakistan, Somalia, Yemen và một số nơi khác. Giờ đây, theo nhận định của Tổng thống Obama trong diễn văn trước quốc dân Mỹ tối 10/9, “mối nguy hiểm lớn nhất đến từ vùng Trung Đông và Bắc Phi”.
Bình cũ, rượu mới
Lần này phạm vi của cuộc chiến chống khủng bố quốc tế đã mở rộng chống một lực lượng đối lập với al-Qaeda, đó là Nhà nước Hồi giáo (ISIS). ISIS là bệnh ung thư khủng bố quốc tế di căn. Theo Tổng thống Obama, ISIS “là một nhánh của al Qaeda tại Iraq, lợi dụng xung đột giáo phái và chiến tranh dân sự ở Syria, chiếm đoạt vùng lãnh thổ hai bờ biên giới Iraq và Syria”. Barack Obama khẳng định cần phải loại bỏ “khối ung nhọt” ISIS; mục tiêu là “gây suy yếu và sau cùng là tiêu diệt nhóm khủng bố (ISIS)”.
Đây không phải là một cuộc chiến tranh thông thường như Iraq hoặc Afghanistan. Đây là một cuộc chiến tranh đặc biệt. Nó kết hợp các cuộc đánh phá của lực lượng không quân Mỹ với việc huy động và tổ chức các lực lượng Iraq và Syria chống lại ISIS trên mặt đất. Đồng thời, Mỹ mở cuộc vận động chính trị ngoại giao để tập hợp sự ủng hộ của các nước Ảrập Sunni. Những tính toán ban đầu hợp tác với Iran đang tạm thời bị gác lại để tranh thủ sự ủng hộ của Ảrập Xêut, là nước Hồi giáo Sunni chủ yếu ở Trung Đông.
Số liệu của CIA ban đầu ước tính ISIS có khoảng 10.000 chiến binh, nhưng những đánh giá mơi đây cho thấy ISIS có từ 20.000-31.000 lính, không chỉ gồm các chiến binh Hồi giáo mà gồm cả các lính đánh thuê đến từ khu vực Kavkaz (thuộc Nga), châu Âu và châu Mỹ. Số lượng đã tăng đáng kể sau khi ISIS thực hiện thành công các cuộc tấn công vào các thành phố lớn của Iraq hồi tháng 6 năm nay. Trong các lực lượng này, có nhiều các tướng tá sừng sỏ thời Saddam Hussein.
Để loại bỏ khối ung nhọt như IS tốn rất nhiều thời gian với các rủi ro. Tổng thống Mỹ nhiều lần trong bài phát biểu xác định, “sẽ không có chuyện bộ binh Mỹ tham gia chiến đấu trên mảnh đất ở nước ngoài”. Chiến dịch này sẽ được tiến hành thông qua những nỗ lực bền vững và không ngừng nghỉ. Mỹ một lần nữa sẽ dẫn đầu một liên minh lớn nhằm tiêu diệt mối nguy hại khủng bố IS.
Mỹ cử thêm cố vấn nhằm giúp quân đội Iraq và người Kurd đào tạo, huấn luyện, tìm kiếm thông tin tình báo và nâng cấp trang bị; ủng hộ Iraq trong việc vực dậy Vệ binh Quốc gia để giúp cộng đồng người Sunni bảo đảm quyền tự do của họ trước sự kiểm soát của IS. Tại Syria, Mỹ cũng đẩy mạnh viện trợ quân sự cho phe đối lập, biến họ thành đối trọng tốt nhất chống lại những kẻ cực đoan như IS. Tin cho hay, ISIS đang chuyển từ tiến công sang phòng ngự trên chiến trường Iraq.
Một cuộc chiến tranh đặc biệt đã mở màn không có hồi kết
Tối ngày 10/9, Tổng thống Obama thừa nhận “nước Mỹ phải gồng mình chống đỡ gánh nặng lớn,... từ châu Âu đến châu Á, từ vùng châu Phi xa xôi đến những thủ đô bị chiến tranh tàn phá ở Trung Đông”.
Ngày 30/6, các quan chức Mỹ cho biết họ đang điều thêm 300 binh sĩ tới Iraq để tăng cường an ninh tại đại sứ quán Mỹ và các khu vực khác ở thủ đô Baghdad nhằm bảo vệ công dân và tài sản của Mỹ. Vừa rồi, Lầu Năm Góc cho hay, Mỹ đang có gần 750 quân hiện diện ở Iraq. Tối ngày 10/9, Tổng thống Mỹ cho biết đã gửi thêm 475 cố vấn đến Iraq. Như vậy lực lượng Mỹ đã vượt con số 1.000 người.
Kinh nghiệm tại cuộc xung đột Afghanistan cho thấy, hàng chục vạn quân đội Mỹ và NATO sau 12 năm chiến tranh đã không tiêu diệt được lực lượng Taliban. Taliban đang ngóc đầu dậy, làm chủ nhiều khu dân cư quan trọng tại Afghanistan, tạo ra một hình thái da báo giữa các khu vực do chính quyền Kabul kiểm soát và Taliban kiểm soát. Theo ước tính củaen.wikipedia.org, năm 2014, lực lượng Taliban tại Afghanistan lên tới 60.000 chiến binh.
Tổng thống Obama đã viện dẫn các chiến dịch đánh vào các chi nhanh al-Qaeda tại tại Yemen và Somali như là mô hình cho chiến lược chống ISIS sắp tới. Nhưng sự so sánh này có vấn đề. Tại các nơi này, Mỹ huấn luyện và tổ chức lực lượng bản địa chống lại khủng bố trên mặt đất, có thể làm chủ bầu trời bằng máy bay không người lái, tiêu diệt một số thủ lĩnh phiến quân, nhưng cuộc chiến có giới hạn này còn lâu mới kết thúc. Mặt khác, tại Syria, lực lượng không quân của chính quyền Assad có thể bắn hạ các máy bay không người lái của Mỹ, vì vậy cần có sự ủng hộ ngầm từ Damascus.Đây là một việc khó khăn vì chính quyền Mỹ vẫn phủ nhận sự tồn tại hợp pháp của chính quyền Assad và khẳng định chỉ hợp tác với các lực lượng đối lập để chống lại ISIS.
Để cắt nguồn cung ứng tài chính chủ yếu của ISIS, Mỹ đang làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn việc tổ chức này bán dầu qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ cũng phải hiện thực hóa được chủ trương dùng người Iraq và người Syria chống lại ISIS.
Để chống lại ISIS, một cuộc chiến tranh đặc biệt đã mở màn. Đồng thời cũng chưa thấy hồi kết. Nó có giới hạn vì Mỹ bị co kéo tại ba điểm nóng Ukraine, Trung Đông và Đông Á. Mỹ không tránh khỏi phải điều chỉnh lại các thứ tự ưu tiên./.
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment