Biển Đông: EU đang cố gắng quay lại với ván bài
Thursday, October 16, 2014
"Những công cụ quyền lực mềm đó có thể áp dụng cho sự hợp tác với các bên nhằm ủng hộ giải pháp hòa bình đối với các xung đột hiện đang tiếp diễn trong khu vực".
LTS:Nhân chuyến thăm châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Tuần Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Bruno Hellendorff, nghiên cứu viên của Nhóm Nghiên cứu và Thông tin về Hòa bình và An ninh ở Bỉ, và Tiến sĩ Felix Heiduk, nghiên cứu viên về châu Á của Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức,về vai trò của EU trong quản lý tranh chấp tại Biển Đông và khả năng hợp tác giữa EU và ASEAN.
EU đang cố gắng "quay lại với ván bài"
Nhiều ý kiến cho rằng EU có vẻ không có vai trò trong các tranh chấp tại khu vực Đông Á. Nhưng mặt khác, lợi ích kinh tế-chính trị của EU ở vùng Đông Á là rất lớn. Ông có đồng ý với ý kiến đó không, và nếu có thì vì sao?
Ông Bruno Hellendorff, nghiên cứu viên của Nhóm Nghiên cứu và Thông tin về Hòa bình và An ninh ở Bỉ
Ông Hellendorf: EU có những lợi ích rất lớn về chính trị và kinh tế ở khu vực Đông Á, nhưng lại có tiếng nói về chính trị quá nhỏ. Thực tế EU có một giai đoạn khá dài có thái độ thờ ơ với những sự kiện an ninh và chính trị ở Đông Á, và các nước này tỏ ra không hài lòng khi nhìn thấy EU thiếu đi sự quan tâm và cam kết qua những hội nghị cấp cao và cũng như qua các sự kiện ngoại giao, trong suốt một thập kỷ rưỡi vừa qua.
Sự can dự của EU lại bị kìm hãm lại bởi sự thiếu kết nối giữa chính sách đối ngoại - an ninh và chính sách thương mại, bởi vì những chính sách đối ngoại - an ninh do các quốc gia thành viên quyết định, còn chính sách thương mại lại do Ủy ban châu Âu quyết định.
Không chỉ đơn thuần các chính sách kể trên thiếu sự kết nối với nhau, mà các quốc gia thành viên EU cũng tỏ ra bất đồng đáng kể trong chính sách của từng nước đối với Đông Á. Điều đó khiến cho các quốc gia thành viên châu Âu và các định chế châu Âu đặt các đối tác Đông Á vào việc dồn trọng tâm chú ý vào lĩnh vực thương mại.
Tuy nhiên, hiện giờ EU đang cố gắng "quay lại với ván bài" trên những tiền đề mới. Ví dụ như Hiệp ước Lisbon mở ra một cơ hội cho một chính sách ngoại giao và an ninh thống nhất, thông qua việc thực hiện ngoại giao thống nhất bằng định chế ngoại giao chung của châu Âu EEAS. Và đó chính là một tiến triển đáng lưu tâm.
Tiến sĩ Felix Heiduk, nghiên cứu viên về châu Á của Viện Các vấn đề Quốc tế và An ninh Đức
Ông Heiduk: Đối với câu hỏi của anh, tôi nghĩ cũng tùy từng trường hợp. Đúng là EU không phải là người chơi chính về lĩnh vực chính trị - an ninh ở Đông Nam Á. Và điều này chắc chắn khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn.
Song, dù là một "chú lùn" về chính trị lẫn quân sự trong khu vực này, EU lại là một đối tác lớn về kinh tế. Một số các nước EU, đặc biệt là ba cường quốc là Anh, Pháp và Đức, cũng như các nước như Ý, đã thiết lập những mối quan hệ mậu dịch to lớn với các nước Đông Nam Á, như Việt Nam hay Indonesia.
Mặc dù vậy, đó không phải trường hợp đối với tất cả các nước thành viên của EU. Cũng như không phải thành viên nào của ASEAN cũng có mối quan hệ mậu dịch đáng kể với EU.
Tuy nhiên ở mức độ của EU, như được trình bày trong chiến lược hàng hải, vừa mới xuất bản của EU, khối này đã liệt kê một số các lợi ích cốt lõi, và hai trong số đó có dính dáng tới xung đột ở Đông Nam Á: "việc giải quyết hòa bình đối với các tranh chấp biển" và "việc duy trì tự do hàng hải, việc bảo vệ mạng lưới cung ứng toàn cầu của EU và thương mại hàng hải, quyền đi lại vô hại của tàu thương mại và an ninh đối với thủy thủ đoàn và hành khách".
Đặc biệt mối lợi ích lớn nhất của EU là duy trì tự do hàng hải và bảo vệ mạng lưới cung ứng của EU sẽ bị ảnh hưởng to lớn bởi sự bùng nổ của việc đối đầu quân sự trên Biển Đông.
Theo đánh giá của ông thì lợi ích của EU tại Biển Đông là gì? Khối này đã có hay dự định những chính sách gì tại tranh chấp này?
Ông Hellendorf: Lợi ích của EU ở Biển Đông trên hết là liên quan tới tự do hàng hải. Hầu hết xuất nhập khẩu của EU đối với Đông Á (Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản) đều đi qua Biển Đông. Hòa bình và ổn định ở khu vực này vì thế đều quá quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của EU.
Sự tuân thủ các qui định luật pháp trong khu vực này không chỉ là phương tiện để đạt tới điều đó, mà còn là mục tiêu hành động của một tổ chức đa phương và đa quốc gia như EU. Ở mức thấp hơn, các công ty của EU đã tham gia rất sâu vào các quá trình mua sắm vũ khí của khu vực này.
Ông Heiduk: Các lợi ích cốt lõi của EU như kết luận của Chiến lược An ninh Hàng hải của EU, là bảo đảm tự do hàng hải trên những hải lộ chính của khu vực, cũng như việc giải quyết hòa bình các tranh chấp biển trong khu vực phù hợp với luật quốc tế.
Theo tôi hiểu, không có một chính sách rõ ràng về tranh chấp ở Biển Đông được vạch ra ở Brussels (trụ sở của EU), so với những luận điểm chung chung như tôi đã nêu ở phần trên.
EU có thể làm những gì?
Các nước ASEAN đang tìm kiến những ủng hộ chính trị và ngoại giao của EU trong vấn đề biển Đông. Chuyến đi của Tổng thống Phillippines vào tháng 9 thể hiện rõ điều đó. Chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam đang diễn ra thì tranh chấp Biển Đông và An ninh Hàng hải Khu vực cũng là một trong những trọng tâm. Vậy từ những phân tích trên về vai trò EU, ông có cho rằng đây là những kỳ vọng quá cao?
Ông Hellendorf: Tôi nghĩ rằng ASEAN tự thân là một mặt trận không thống nhất. Bất đồng và tranh chấp trong nội khối vẫn còn là vấn đề quan trọng của khối này. Ví dụ, Malaysia có chính sách đối với Biển Đông khác so với chính sách của Việt Nam, hay Philippines. Những cố gắng ngoại giao của Indonesia không đủ để lấp đầy lỗ hổng này.
Dù vậy, ASEAN cam kết tuân thủ qui định của luật pháp và giải quyết hòa bình các tranh chấp, và các thành viên của khối này đều nhất trí rằng Công ước Quốc tế về Luật Biển sẽ là cơ sở cho sự hợp tác này.
Trong khuôn khổ này, việc hướng tới sự ủng hộ từ EU là một chiến lược đúng đắn. Mặc dù vậy, EU lại có mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, điều mà EU không có với ASEAN, và chính vì vậy EU sẽ không dại gì mà gây thù địch với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp Biển Đông. Tức là EU sẽ không là đối trọng đối với Trung Quốc. Mọi hy vọng của ASEAN để đạt được mong muốn của mình với sự hỗ trợ của EU - trong các lĩnh vực pháp lý, chính trị hay kinh tế - sẽ là quá tham vọng.
Ông Heiduk: Theo tôi nghĩ, không phải tất cả các nước ASEAN đang đi tìm sự ủng hộ quốc tế, hay theo đuổi chiến lược quốc tế hóa tranh chấp trên Biển Đông. Các nước như Campuchia phản đối những động thái, hay nêu rõ sự khác biệt trong quan điểm về tranh chấp Biển Đông. Do đó, ASEAN bị chia rẽ bởi quan điểm về tranh chấp Biển Đông, và dường như đây là điểm tối quan trọng khi bàn về vấn đề này.
Vì vậy, trừ phi có một chiến lược an ninh biển của khu vực được sự ủng hộ của tất cả các nước ASEAN, mọi nỗ lực quốc tế hóa xung đột bởi chính phủ Philippines, chẳng hạn, đều trở nên vô ích. Thêm nữa, chúng ta cần phải lưu ý đến "con voi ở trong căn phòng này" - Trung Quốc. Bắc Kinh cho tới giờ thể hiện rất ít mong muốn cư xử với xung đột ở Biển Đông theo một cách khác ngoài coi đây là vấn đề song phương. Điều này đã không giúp nâng cao vai trò của các người chơi khác, kể cả EU.
Vậy, từ góc nhìn thực tiễn nhất có thể, ông nghĩ EU và ASEAN (cụ thể là Việt Nam) có thể hợp tác với nhau trong những lĩnh vực nào để thúc đẩy việc quản lý xung đột biển Đông một cách hòa bình?
Ông Hellendorf: UNCLOS và qui định của luật pháp là những lĩnh vực hợp tác quan trọng hàng đầu đối với EU và ASEAN. Trước hết, điều quan trọng là phải theo dõi tiến trình xử vụ Philippines kiện Trung Quốc, và nhận biết được quan điểm của EU đối với vụ kiện này.
EU có thể giúp Việt Nam diễn giải được nghĩa vụ của các quốc gia trong tranh chấp Biển Đông, dựa theo quan điểm của UNCLOS, và chứng minh được rằng việc khai thác chung các nguồn lợi, ví dụ như vậy, hoàn toàn không phải là vấn đề pháp lý, mà là vấn đề chính trị.
Các công cụ pháp lý có sẵn đó, và có rất nhiều, để có thể giúp giải quyết các tranh chấp. Nhưng nếu vẫn không giải quyết được, EU có thể hỗ trợ trong việc thiết kế các quá trình và thủ tục giải quyết tranh chấp.
Những vấn đề này được đưa ra trong cuộc đối thoại chính trị cấp cao sẽ cực kỳ hữu dụng với Việt Nam, bởi vì nó sẽ dẫn đến, với rất ít sự nghi ngờ, rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là mơ hồ, và không tuân theo những nguyên tắc của luật biển. Tóm lại, EU có thể giúp Việt Nam và ASEAN, có cơ sở cao về mặt tinh thần trong các yêu sách chủ quyền đối với Biển Đông.
Về khía cạnh địa chính trị, Việt Nam đang có những cuộc đối thoại cởi mở với phía Mỹ - đang ở trung tâm sự kiện này - và việc thúc đẩy nối lại sự liên minh của Mỹ và EU về Biển Đông sẽ vô cùng có lợi cho Việt Nam.
Ông Heiduk: Tôi nghĩ rằng EU, trong khi không liên quan trực tiếp tới cuộc xung đột, vẫn có thể đóng một vai trò lớn hơn, chẳng hạn như chia sẻ những kinh nghiệm và thực tế của mình trong những lĩnh vực như xung đột lãnh thổ, khai thác nguồn lợi chung, hay quyền đánh cá...
Hơn nữa, EU có thể đóng vai trò tích cực như một đối tác trung lập và trung thực của ASEAN, giống như vai trò thành công của khối này trong việc giúp đạt được hòa ước Aceh năm 2005 (giữa chính phủ Indonesia và phiến quân). Những công cụ quyền lực mềm, như tôi vừa mới nhắc đến, có thể áp dụng cho sự hợp tác với các bên xung đột nhằm ủng hộ cho giải pháp hòa bình đối với các xung đột hiện đang tiếp diễn trong khu vực.
Nhưng dù sao, việc áp đặt các công cụ trên đối với các bên xung đột lại không phải là vai trò của EU.
Huỳnh Phan (thực hiện) - VietNamNet
Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Bỉ đã trao đổi về các vấn đề hợp tác và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương.
Bỉ khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác với khu vực cả trong khuôn khổ song phương và đa phương. Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sự cần thiết của việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Theo Báo điện tử Chính phủ
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment