Giữ Trường Sa trước tham vọng bá quyền - Chạm trán
Thursday, October 23, 2014
Lính Hải quân Việt Nam có mặt tại Trường Sa từ lúc khảo sát đường Hồ Chí Minh trên biển. Thế nhưng, họ thực sự thấm thía khái niệm “biên đảo địa đầu” chỉ từ đầu tháng 4.1975, khi chạm trán các con tàu lạ đang rình rập chiếm biển đảo của ta.
Cán bộ chiến sĩ đảo Sơn Ca chụp hình lưu niệm với Thủ trưởng Quân chủng Hải quân ra thăm đảo, tháng 5.1978 - Ảnh: Tư liệu
“Chậm vài tiếng là mất Nam Yết”
Thượng tá Lê Văn An (nguyên Chỉ huy trưởng Khu vực, Lữ đoàn 146 - Vùng 4 Hải quân) nay đã 68 tuổi. Ông đang nghỉ hưu tại thị trấn Mỹ Ca (thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) và có lẽ sẽ chẳng bao giờ quên ký ức những ngày tiến về Trường Sa năm 1975.
Ông kể, cuối tháng 3.1975, ông mang cấp bậc trung úy, giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 4 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2, Quân khu 5) và cùng đơn vị đóng quân tại sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng). Đầu tháng 4.1975, Tiểu đoàn 4 nhận lệnh “giải phóng Trường Sa” và được tăng cường chỉ huy, hỏa lực.
“Trung tá Nguyễn Đình Thúy, Trung đoàn Trưởng trực tiếp xuống chỉ huy Tiểu đoàn cùng với 1 đại đội “12 ly 7” và 1 đại đội ĐKZ, phối hợp với lực lượng đặc công nước của trung tá Mai Năng và đi trên tàu của Đoàn 128 Hải quân”, thượng tá An nhớ rành rọt.
Đảo Sơn Ca sau ngày giải phóng, 5.1975 - Ảnh: Tư liệu
Ông An cười: “Hồi ấy chẳng ai biết gì về Trường Sa. Mình cứ nghĩ đảo cũng giống vùng núi đá Ninh Bình quê mình, nên quán triệt cho cán bộ chiến sĩ: Trường Sa là vùng núi đá trọc - tai mèo, sóng rất to. Anh em không được nô đùa, câu cá kẻo bị ngã, tai nạn”.
Những gì họ được quán triệt về Trường Sa khác hẳn “mắt thấy tai nghe” khi mấy ngày sau tàu ra đến đảo. Bất ngờ hơn, dọc đường hành quân, họ luôn gặp tàu Trung Quốc trong hình dạng tàu cá le ve bám theo, lượn lờ quanh hòn đảo như đang quan sát động tĩnh, chuẩn bị làm điều gì bất thường.
Sau khi đóng giữ Song Tử Tây, Đại đội trưởng Lê Văn An cùng các lực lượng tiến về Sơn Ca (25.4.1975), Nam Yết - nơi quân đội của chế độ cũ đặt Sở Chỉ huy (28.4), Sinh Tồn (28.4). Ngày 29.4.1975, chỉ huy bộ đội đổ bộ chiếm lĩnh đảo Trường Sa.
Bộ đội Trường Sa quyết tâm bảo vệ đảo, 1976 - Ảnh: Tư liệu
“Nhớ nhất là tại Nam Yết. Mình vừa chiếm đảo, kéo cờ được mấy tiếng và cho tàu lùi ra ngoài xa, thì một số tàu Trung Quốc thả trôi tiếp cận đảo. Phát hiện cờ của ta trên đảo và bộ đội đang bố phòng, tàu Trung Quốc nổ máy chạy ra chỗ khác”, thượng tá An kể rồi gật đầu: “Chậm vài tiếng là đảo chỉ huy Nam Yết rơi vào tay Trung Quốc!”
Tàu Trung Quốc ở quanh nhiều đảo
Đại tá Nguyễn Văn Dân (sinh năm 1945, tại huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa), có gần 20 năm (1975 - 1994) gắn bó với quần đảo Trường Sa, nên những chi tiết ngày đầu ra tiếp quản các đảo được ông nhớ rất kỹ.
Ông kể năm 1975, ông được lệnh tham gia Đoàn công tác tiếp quản căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa) khi đang là trung úy, trợ lý Tham mưu của Khu vực 2 Sông Mã, Hải quân. Vừa vào đến nơi, ông nhận lệnh hành quân tiếp ra Trường Sa, tổ chức tăng cường cho lực lượng ngoài đảo.
Tuần tra bảo vệ đảo Nam Yết mới giải phóng - Ảnh: Tư liệu
Một đêm giữa tháng 4.1975, ông cùng anh em lên 2 tàu hải quân giả dạng tàu cá, mang số hiệu 679, 680 ra Trường Sa. Tiếp quản đảo, đoàn công tác của ông Dân tập trung tổ chức lại công tác bảo vệ và nắm thêm tình hình chung.
“Xong Song Tử Tây, Sơn Ca rồi đến Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa. Thời điểm ấy ở gần Nam Yết, có 1 tàu khu trục của hải quân chế độ cũ, nhưng tàu này rút đi khi thấy tàu ta”, đại tá Nguyễn Văn Dân kể.
Kéo cờ giải phóng trên đảo Sơn Ca, 5.1975 - Ảnh: Tư liệu
Ông khẳng định: “Trong những ngày tiếp quản các đảo, hầu như không thấy tàu Mỹ mà chỉ gặp một số tàu của Trung Quốc ở quanh các đảo. Khi thấy tàu ta đến, họ rút đi. Ở các đảo Thị Tứ, Loại Ta còn phát hiện tàu mang cờ Philippines”. (Còn tiếp)
“Ngày 26.4.1975, chúng tôi tiếp quản Sơn Ca (được giải phóng trước đó 1 ngày) và nhận 16 tù binh Sài Gòn để đưa về Cam Ranh trên tàu HQ-641. Đồng chí Hùng người Hà Tây, chỉ huy đơn vị giải phóng đảo Sơn Ca cho biết, hình như có 1-2 lính Sài Gòn bơi sang đảo Ba Bình do Đài Loan đóng giữ ở gần đó. Tới Sinh Tồn, tôi thấy trên đảo còn ngôi mộ của một thiếu úy Sài Gòn, bia ghi tên là Tính hay Tích gì đó, ở Chợ Lớn, bị bệnh chết. Tôi nói với anh em dù ở bên nào, nhưng họ cũng là người Việt Nam, tham gia giữ chủ quyền cho Tổ quốc, nay chết ở đây, mình nên giữ mộ cho họ”...
(Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng, Vùng 4 Hải quân)
Mai Thanh Hải - Báo Thanh Niên
Tags:
Biển Đông,
Trường Sa
Comments[ 0 ]
Post a Comment