Nếu như Trường Sa Lớn là thủ đô của các đảo nổi và của cả quần đảo Trường Sa thì đảo chìm Đá Tây lại được coi là thủ đô của các đảo chìm.
Đảo Đá Tây.
Cũng là "thủ đô" nhưng so với Trường Sa Lớn thì điều kiện sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ hải quân đang đứng chân nơi đây, quả khác nhau một trời, một vực.
Theo lời "Tướng quân" Nguyễn Cộng Hòa, gọi là một đảo nhưng thực chất đây là một cái miệng núi lửa cũ rộng hàng chục hải lý. Chính nó tạo nên một cái lòng hồ ngay giữa lòng biển khơi. Để phân biệt, có thể thấy màu tím ngắt của đại dương bên ngoài và màu xanh lam trong suốt của lòng hồ bên trong.
Hành trình đến đá Tây mất non ba tiếng. Biển lặng "như một cái ao", tịnh không một gợn sóng nhỏ. Cùng gọi là một đảo nhưng đứng ở điểm này chỉ thấy hai điểm còn lại là những cái chấm. Có sang thăm nhau cũng phải lập kế hoạch, báo cáo trước. Lần này chúng tôi chỉ kịp thời gian vào một điểm, có thể coi là điểm chính của đảo Đá Tây.
"Trụ sở chính" của đảo Đá Tây.
Tàu mẹ phải thả xuồng để một ca-nô có động cơ khác lai dắt vào đảo. Khi nước cạn độ 50 - 60 cm, ca-nô lai dắt gặp khó khăn thì chính những chiến sĩ của đảo phải lội ra, ghé vai dắt ca-nô vào đảo.
Chỉ riêng cái tình đồng bào, đã thấy "buốt" hết ruột rồi. Vừa đi vừa hồ hởi hỏi han chuyện đất liền với nụ cười bám muối biển mặn cứ như không. Nói ra thì bảo sáo, nhưng thực sự mấy anh em trên ca-nô chỉ muốn ào xuống cùng anh em lính đảo lội nước đi vào.
Các chiến sỹ lội biển để đưa thuyền vào đảo.
Anh em công binh Hải quân thường xuyên phải ngâm mình dưới nước cả ngày. Có sai không nếu nói họ là những Thủy tinh, những Yết Kiêu thời đại. Chính các anh, những người lính thợ, vốn quen hơn với đá hộc, bê tông đã từng hiên ngang anh dũng chiến đấu và anh dũng hy sinh trước quân thù giữa biển trời vời vợi của Tổ quốc.
Anh em công binh Hải quân thường xuyên phải ngâm mình dưới nước cả ngày.
Một trong những công trình kiên cố lớn nhất trên các đảo chìm, khu cấp phát nước ngọt cho các tàu ngư dân. Thường khi có bão lớn, nếu không kịp về đất liền, ngư dân cũng thường ghé đảo Đá Tây để tránh bão. Nếu ngoài vành đai san hô, sóng cấp 9, cấp 10 thì bên trong thường chỉ còn cấp 5 - cấp 6. Đây cũng là vùng biển nhiều thủy sản nên ngư dân tập trung nhiều để khai thác.
Chỉ gần hai tiếng trên đảo, quay ra quay vào mà tôi cùng nhiều anh em khác đã có cảm giác cuồng cẳng đến khó chịu. Thế còn các anh thì sao, những người lính mà phần nhiều còn rất trẻ?
Để trở lại câu hỏi này, tôi lại nhớ đến một câu chuyện trong Chiến tranh thế giới thứ II khi Phát-xít Đức đã tiến rất gần đến Thủ đô Mátxcơva với thế mạnh như chẻ tre, trên trận tuyến dữ dội ấy một người lính Hồng quân đã nói, "Đất Mẹ Nga bao la nhưng giờ đây chúng ta không thể lùi được nữa vì đằng sau lưng chúng ta đã là Mátxcơva".
Mọi sự so sánh đều là khập khiễng nhưng phải chăng, với các anh cũng vậy, biển cả, thềm lục địa của chúng ta rộng lớn là thế nhưng các anh cũng sẽ không lùi bước vì một lẽ các anh đã đang ở chính ngay trên cột mốc chủ quyền.
Viết tiếp những dòng ký sự này cũng là để chia vui với những người anh em Hải quân đang kỷ niệm sinh nhật 55 tuổi. Cái tuổi vốn đã là xế chiều của một con người nhưng lại là cái tuổi đang hừng hực khí thế của một đội quân. 55 năm chiến đấu với những thành tích như vậy có lẽ là không quá khiêm nhường.
Vinh quang đi liền với hy sinh nhưng họ không tìm vinh quang trong sự hy sinh. Hy sinh khi Tổ quốc cần và chỉ thế thôi. Mỗi chiến công đều đong đếm bằng xương máu thịt da anh em ta đó.
Có lẽ, lòng yêu nước và tự hào dân tộc là một cái gì đó tự thân và tự nhiên. Lòng yêu nước không thể rao giảng mà có. Có chăng, chỉ có thể giáo dục để hướng người ta thể hiện lòng yêu nước ấy như thế nào mà thôi, cho đúng, thiết thực và hiệu quả. Chính vì vậy mà tôi để ảnh nói nhiều hơn lời thuyết minh.
Nền san hô cạn gần điểm chốt (có thể thấy rất rõ ranh giới giữa bãi cạn và đại dương)
Cứ bảo rằng lính đảo mê văn công biểu diễn lắm. Đúng thật, thích xem thật nhưng giờ nào việc nấy, không thể ngơi tay được. Mời mọc chèo kéo mãi mới được hơn nửa tiếng ngồi bệt xuống nền đá hoa cùng cánh ca sĩ. Không ai xem ai cả, cứ đàn và cùng hát.
Lính hải quân dường như thật nhiều tài lẻ, nhiều giọng hát khiến ca sĩ chuyên nghiệp cũng phải ngỡ ngàng.
Mấy em gái Khánh Hòa đội múa thì đã thay đồ diễn rồi mà lại phải thay ra vì thời gian không còn nữa. Thế rồi, bùi ngùi quyến luyến, giờ chia tay cũng đã đến, chính bản thân tôi cũng suýt bị nhỡ ca-nô về tầu vì cứ quanh quẩn mãi bên cạnh các anh.
Tạm biệt nhé, Đá Tây, tạm biệt nhé những người chiến sĩ.
Rời Đá Tây, chúng tôi lại trở về Trường Sa Lớn thêm 1 đêm nữa rồi lại lên tầu lớn để quay về đất liền. Dự kiến sẽ qua thăm nhà dàn DK tại bãi Phúc Tần mong trời êm bể lặng để có thể lên được DK huyền thoại.
Theo ĐSPL
Comments[ 0 ]
Post a Comment