Phía sau việc Trung Quốc đại cải tổ quân đội
Wednesday, January 27, 2016
Quân đội Trung Quốc thay đổi quan trọng nhằm góp phần hiện thực hóa “Giấc mơ Trung Hoa” với sức mạnh quân sự hùng mạnh.
Xinhua đưa tin ngày 1/1, Chủ tịch Tập Cận Bình trao quân kỳ cho người đứng đầu lực lượng tên lửa mới thành lập, được cho là một lực lượng cốt lõi của một quân đội hùng mạnh
Từ cuối tháng 11 năm 2015, Trung Quốc đã tuyên bố chủ trương thực hiện cuộc cải cách Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Theo PLA Daily, (nhật báo của lực lượng quân đội Trung Quốc), trong một tuyên bố từ Quân ủy trung ương Trung Quốc (CMC), Chủ tịch Tập Cận Bình coi đây là là một bước “đại cải tổ” cho đến năm 2020.
Bước ngoặt chiến lược
Mục đích của cuộc cải tổ lần này là nhằm thay đổi PLA từ một hệ thống lấy lục quân làm trung tâm sang một cơ quan kiểm soát quân sự chung theo kiểu phương Tây - coi trọng ngang bằng các lực lượng lục quân, hải quân và không quân.
Sau cải tổ, các lực lượng quân đội được xây dựng đều được đặt dưới một cấu trúc chỉ huy hợp nhất. Điều này được được cho là sẽ giúp quân đội vận hành tốt hơn và củng cố sự kiểm soát của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Trong báo cáo thường niên gửi Quốc hội Mỹ hồi tháng 5, Lầu Năm Góc cho rằng việc thành lập các cấu trúc chỉ huy hợp nhất kiểu Mỹ "là thay đổi quan trọng nhất với PLA kể từ năm 1949".
Trước đó, The Economist từng chỉ ra rằng, PLA sẽ thất bại trong việc sử dụng các loại vũ khí mới một cách có hiệu quả bởi Trung Quốc vẫn duy trì các hệ thống chỉ huy và kiểm soát đã quá lỗi thời.
Chính vì vậy, việc hiện đại hoá quân đội của Bắc Kinh tiến hành lần này là nhằm giải quyết vấn đề trên, tập trung vào cải cách cơ cấu, tái thiết lại mô hình quân sự theo xu hướng tập trung, hiệu quả, đề cao khả năng hợp thành, cùng hoạt động chung giữa các quân binh chủng.
Theo SCMP, các lĩnh vực then chốt của cuộc cải tổ quân sự dài hơi là: Tái cấu trúc 4 đầu não (Bộ tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị), tái phân vùng 7 đại quân khu, lập các vùng chiến lược mới và hệ thống chỉ huy hoạt động chung, củng cố kết cấu chỉ huy của CMC, thiết lập kỉ luật quân đội nghiêm ngặt, thúc đẩy các cải tiến mới, cải cách hệ thống quản lí nhân sự và gia tăng sự hội nhập giữa xây dựng nền quốc phòng đất nước và phát triển kinh tế.
Theo ba nguồn tin thân cận với PLA xác nhận, CMC, có quyền lực tối cao đã thiết lập 3 ủy ban mới và 6 cơ quan để thay thế cho 4 trung tâm chỉ huy ban đầu. 7 đại quân khu hiện nay của PLA (Bắc Kinh, Thẩm Dương, Tế Nam, Nam Kinh, Lan Châu, Thành Đô và Quảng Châu) sẽ được rút gọn xuống còn 5 chiến lược khu: Đông, Tây, Bắc, Nam Bộ và Trung ương. Tờ "Văn hối" Hong Kong ngày 20/1 đưa tin, Quân khu Bắc Kinh của PLA chính thức được đổi thành Chiến khu trung ương.
Tối ngày 11/1, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố việc thành lập 15 đơn vị mới, bao trùm mọi khía cạnh. Đặc biệt, việc lực lượng tên lửa, lực lượng hỗ trợ chiến lược và cơ quan chỉ huy tập đoàn quân được thành lập ngày 1/1 trước đó, theo ông Tập, là một bước đi quan trọng trong quá trình hiện đại hóa hệ thống quân sự Trung Quốc.
Đáng chú ý là sự thành lập đơn vị chống tham nhũng, được xem là đồng bộ với chiến dịch “đả hổ, diệt ruồi” đã và đang được thực hiện.
Lực lượng bộ binh truyền thống cũng sẽ bị giảm bớt quy mô, giúp nâng cao vai trò của không quân và hải quân. Tổng binh lực hiện nay của quân đội Trung Quốc là 2,3 triệu quân, bắt đầu từ năm 2016 sẽ thực hiện cắt giảm 300.000 quân. Như vậy sau cải cách, tổng quân số sẽ còn 2 triệu người.
CMC cũng cho biết sẽ khuyến khích sự hợp tác giữa các cơ quan quân sự và dân sự cũng như mở cửa ngành công nghiệp quốc phòng cho khu vực doanh nghiệp tư nhân.
Mở rộng khả năng tác chiến
Từ trước thềm Đối thoại Shangri-la 2015, Trung Quốc đã phát hành Sách Trắng về chiến lược quân sự của mình. Việc tiến hành cải tổ quân đội, gồm tăng cường sức mạnh hải quân, không quân và đơn vị điều khiển tên lửa là một nỗ lực để kiểm soát khu vực trên biển trải dài dọc bờ biển tới Tây Thái Bình Dương, Biển Đông và Ấn Độ Dương, phù hợp với chiến lược quân sự "kết hợp bảo vệ biển gần và cả biển xa".
"PLA hiện là một quân đội hoạt động chủ yếu ở trong nước, với khả năng tác chiến hợp đồng quân binh chủng còn hạn chế", Andrew Scobell, nhà khoa học chính trị ở cơ quan tư vấn RAND, Mỹ nói. "Với việc Trung Quốc ngày càng chú trọng vào các lợi ích đang tăng lên ở nước ngoài, mô hình quân đội kiểu Mỹ rất hấp dẫn họ".
Chuyên gia Vasily Kashin đến từ Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga trên tờ Sputnik nhận định rằng, “Trung Quốc gần đây đang phải đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm việc Mỹ gia tăng hoạt động ở Biển Đông. Tình hình xung quanh Đài Loan chưa rõ diễn biến thế nào. Cần phải đưa ra phản ứng thích hợp đối với những thách thức này. Nếu nhìn về cuộc cải cách quân sự quy mô lớn mà Trung Quốc đang tiến hành, có thể thấy Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuẩn bị một “phản ứng rất mạnh mẽ”.
Gia tăng sự kiểm soát
Với việc xây dựng hệ thống chỉ huy tập trung, quyền lực của CMC và người đứng đầu, Chủ tịch CMC Tập Cận Bình càng lớn hơn. Theo quan sát viên quân sự Antony Wong Dong tại Macau, mục tiêu của ông Tập là gia tăng sự kiểm soát trực tiếp đối với PLA, củng cố quyền lực và tăng cường sự chỉ huy của Đảng Cộng sản đối với giới quân sự."
“Đây (việc tăng cường quyền lực cho CMC và ông Tập) cũng là một bài học rút ra từ thế hệ lãnh đạo quân đội trước đây, bởi các chủ tịch CMC trước đó có rất ít quyền lực thực tế đối với các lực lượng vũ trang”, Yue Gang, một đại tá nghỉ hưu từng công tác tại Bộ Tổng Tham mưu PLA cho biết.
Trước đó, ông Tập chủ yếu sử dụng chiến dịch chống tham nhũng trong quân đội để tạo dựng quyền lãnh đạo tuyệt đối của ông với quân đội. Sau khi bài trừ những “tham tướng” hàng đầu như các cựu Phó Chủ tịch CMC, Thượng tướngQuách Bá Hùng và Từ Tài Hậu thì giờ đây, quyền lực của ông Tập trong quân đội đã đủ vững chắc để tiến hành cải tổ quân đội và sẵn sàng cạnh tranh với Mỹ.
Thời gian tới, có lẽ PLA sẽ cần nhiều thời gian để bắt kịp những đổi mới và đưa hiệu quả cải tổ đi vào thực chất. Nhưng từ nay đến 2020, Trung Quốc hi vọng sẽ tạo được bước đột phá thực sự trong hệ thống lãnh đạo và vận hành PLA.
Có thể nói, tiến trình hiện đại hóa của lực lượng vũ trang lớn nhất thế giới là vô cùng quan trọng và sẽ có sự ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu an ninh của châu Á và toàn cầu.
Tags:
Biển Đông,
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment