Rõ ràng Việt Nam đã có những bước tiến lớn để tăng cường năng lực phòng thủ, chống lại các nguy cơ tiềm ẩn từ trên biển.
The Sydney Morning Herald ngày 7/1 dẫn lời các nhà phân tích nhận định, vịnh Cam Ranh vẫn là "át chủ bài" của Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông (cũng như Hoàng Sa, Trường Sa) trước một đối thủ lớn hơn nhiều, hải quân và không quân được trang bị mạnh hơn nhiều.
Tàu ngầm Hà Nội tại cảng Cam Ranh, ảnh: Quân Đội Nhân Dân.
Đã có những dấu hiệu cho thấy Việt Nam cho phép quân đội Nga, Hoa Kỳ và Nhật Bản đưa tàu chiến, tàu ngầm của họ vào Cam Ranh để sử dụng các dịch vụ hậu cần, bảo trì bảo dưỡng. Tàu các nước này có thể dễ dàng ra vào Cam Ranh từ Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca.Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng quốc tế đã cảnh báo rằng, Biển Đông có nguy cơ trở thành một sân chơi lớn của 2 siêu cường năm 2016, khi Mỹ thách thức các hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) mà Trung Quốc tiến hành.Trong năm nay, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague, Hà Lan cũng sẽ ra phán quyết về vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc áp dụng, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 ở Biển Đông có thể đẩy căng thẳng dâng cao hơn nữa.Việc sử dụng vịnh nước sâu Cam Ranh đang được mở rộng trong chiến lược của Việt Nam, nơi 6 tàu ngầm Kilo mua của Nga sẽ được đưa về đây năm 2017. Điều này có thể thay đổi đáng kể cán cân sức mạnh trong các điểm nóng ở Biển Đông.
Ngoài 6 tàu ngầm, Việt Nam cũng đã phát triển năng lực phòng thủ với hệ thống pháo và tên lửa ven bờ, máy bay chiến đấu đa chức năng, các tàu tấn công nhanh hầu hết được mua từ Nga và Ấn Độ, hệ thống ra đa cảnh báo sớm từ Israel.
Báo Úc dẫn lời Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Úc ở Canberra cho hay, ông tin rằng hệ thống vũ khí này sẽ cho phép Việt Nam có thể gây khó khăn không nhỏ cho đối phương nếu họ tiến hành các hoạt động khiêu khích bất hợp pháp trong phạm vi 200 đến 300 hải lý dọc theo bờ biển Việt Nam.
Ông cho rằng, rõ ràng Việt Nam đã có những bước tiến lớn để tăng cường năng lực phòng thủ, chống lại các nguy cơ tiềm ẩn từ trên biển.
Trong một động thái khác có liên quan, Trang Quốc Thổ, giáo sư Đại học Hạ Môn, Trung Quốc ngày 6/1 nói với Thời báo Hoàn Cầu, ông tin rằng trong năm 2016 Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục bồi đắp, xây dựng trái phép và quân sự hóa đảo nhân tạo ở Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam).
Ông Thổ tin rằng, vì chủ nghĩa khủng bố đang hoành hành khiến Mỹ phân tâm và phân tán lực lượng, nên căng thẳng trên Biển Đông sẽ giảm bớt so với 2015?! Bình luận của ông Trang Quốc Thổ là một kiểu gắp lửa bỏ tay người, đổ tội cho Mỹ gây căng thẳng trên Biển Đông trong khi Trung Quốc mới là nước leo thang khiến cả khu vực lo ngại.
Một học giả khác giấu tên nói với Thời báo Hoàn Cầu, 2016 là năm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ nên Trung Quốc cần chuẩn bị chống Mỹ can thiệp vào Biển Đông kể cả mặt ngoại giao lẫn ngoài thực địa.
Comments[ 0 ]
Post a Comment