Ngày 20-1, Hãng Reuters đưa tin, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ John Richardson vừa có cuộc họp trực tuyến kéo dài 120 phút, trong đó khuyến khích gia tăng sử dụng các quy chế ứng xử giữa chiến hạm 2 nước trong các cuộc chạm trán bất ngờ trên biển. Đây là cuộc hội đàm trực tuyến thứ 2 kể từ khi Đô đốc John Richardson nhậm chức Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ.
Tư lệnh Hải quân Trung Quốc Ngô Thắng Lợi và Tham mưu trưởng Hải quân Hoa Kỳ John Richardson
Tránh “bẫy Thucydides”
Cũng trong ngày 20-1, Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hội đàm tại Washington và lãnh đạo 2 nước đã tái khẳng định cam kết thực thi luật pháp ở Châu Á - Thái Bình Dương bởi họ đều quan ngại trước các hành động đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trước đó (19-1), phát biểu trước thềm cuộc gặp với ông chủ Nhà Trắng, Thủ tướng Malcolm Turnbull đã cảnh báo, Bắc Kinh tránh theo đuổi những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ theo cách có thể dẫn tới xung đột với Washington. Ông Malcolm Turnbull còn viện dẫn tuyên bố trước đó của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, theo đó nếu tránh “bẫy Thucydides” là mục tiêu cốt lõi trong chiến lược của Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình nên kiên định theo con đường này.
“Bẫy Thucudides” là cụm từ thường được giới học giả dùng để mô tả hiểm họa tiềm tàng của một cuộc xung đột giữa một cường quốc với một cường quốc đang nổi, như Mỹ và Trung Quốc. Ông Malcolm Turnbull cũng hối thúc Mỹ ký Công ước Liên Hiệp Quốc (LHQ) về Luật Biển 1982.
Giới chuyên môn từng coi việc Australia triển khai hoạt động bay trinh sát trên Biển Đông là hành động trực tiếp thách thức yêu sách “đường lưỡi bò” bất hợp pháp của Trung Quốc vì chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông. Và đây là thông điệp rõ ràng cho thấy, Australia không chấp nhận yêu sách vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời không cho phép Bắc Kinh đơn phương độc chiếm vùng biển quốc tế quan trọng này.
Tờ Thời báo Tài chính từng đề cập tới mối quan ngại của Singapore trước kế hoạch đẩy nhanh xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông bởi động thái của Bắc Kinh có thể đẩy tình hình rơi vào căng thẳng. Và đây là lý do khiến Singapore cho phép Mỹ triển khai máy bay trinh sát P-8 đến nước này. Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết, việc triển khai máy bay tuần tra ở Singapore dự kiến sẽ được thực hiện thường xuyên, mỗi quý một lần.
Theo nhận định của Giáo sư Sheldon Simon, chuyên gia chính trị tại Đại học bang Arizona, Mỹ, trong năm 2016, Biển Đông sẽ căng thẳng hơn bởi Trung Quốc tiếp tục tăng cường các chuyến bay phi pháp ra Trường Sa, tạo ra các sự cố trên biển, cũng như xây dựng thêm cơ sở hạ tầng tại khu vực có tranh chấp.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work từng cảnh báo, Bắc Kinh đang gia tăng nỗ lực quân sự nhằm thách thức sự vượt trội của Washington trong hàng không và không gian. Do đó, Lầu Năm Góc phải tìm cách phát triển những hệ thống và kỹ thuật quân sự mới, để Mỹ vẫn là cường quốc quân sự. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương Daniel Russel cũng tuyên bố, cho dù Trung Quốc có bồi đắp cát lên các bãi đá ngầm thì cũng không thể tạo ra chủ quyền. Và việc Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực ở Biển Đông là nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của Washington và luật pháp quốc tế.
Quyết tâm của Philippines
Tờ The Guardian vừa dẫn lời Đại sứ Anh tại Philippines Asif Ahmad cho biết, London sẽ bỏ qua cảnh báo được đưa ra ở không phận quốc tế tại Biển Đông sau khi phi công Philippines thông báo, Trung Quốc cảnh báo họ tránh xa khu vực tranh chấp. Ông Asif Ahmad tuyên bố, Anh phản đối mọi âm mưu hòng hạn chế tự do hàng hải và hàng không tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông.
Trước đó (18-1), tờ Inquirer cho biết, việc Manila âm thầm phát triển căn cứ quân sự ở đảo Palawan (dựa trên một căn cứ có sẵn nằm ở vịnh Oyster) để cho Mỹ thuê nhằm đối phó với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Khi hoàn tất, căn cứ này có khả năng tiếp nhận cùng lúc 4 tàu chiến lớn. Trong khi đó, Tòa án Tối cao Philippines cũng vừa quyết định (12-1) công nhận Hiệp định An ninh bổ sung với Mỹ và cho phép thực hiện hiệp định này thêm 10 năm nữa. Theo đó, quân đội Mỹ được phép tiếp cận 8 căn cứ quân sự của Philippines.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez
Theo nhận định của Phó giáo sư Alexander Vuving, đến từ Trung tâm Nghiên cứu an ninh khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Mỹ), năm 2016 sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử tranh chấp Biển Đông với phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực La Haye ở Hà Lan (PCA) trong vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc. Và tình hình Biển Đông sẽ phụ thuộc nhiều vào phán quyết của PCA trong vụ kiện này. Việc Manila cho phép hải quân Mỹ tái sử dụng căn cứ ở Vịnh Subic là bước đi nằm trong kế hoạch triển khai quân đội tới Thái Bình Dương đến năm 2020 của Mỹ.Theo ông Patrick Cronin, chuyên gia thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington, một ngày nào đó Trung Quốc có thể biến bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham thành một hòn đảo nhân tạo và khi đó Philippines sẽ gặp khó khăn lớn trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi đảo Luzon. Do đó, việc Philippines mời Mỹ trở lại căn cứ Subic là bước đi khôn ngoan nhằm đối phó với mưu đồ bá quyền của Trung Quốc.Giám đốc Viện Luật pháp và các vấn đề về biển (UP-IMLOS) Jay Batongbacal cho rằng, Manila cần duy trì sự ủng hộ quốc tế để có thể tạo ra áp lực chính trị cần thiết từ chiến thắng về mặt pháp lý, cũng như giành được sự ủng hộ của 10 thành viên ASEAN trong vấn đề này. Bởi chỉ sau cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Vương Nghị với Tổng thống Benigno Aquino và Ngoại trưởng Albert del Rosario, quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila lập tức tan băng.Chủ tịch Công ty Tư vấn Global Strategies&Transformation Paul Giarra cho rằng, Trung Quốc không những gây xung đột đối với các nước trong khu vực, mà còn làm đảo lộn trật tự quốc tế trên biển và vi phạm Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Đồng thời kiến nghị Mỹ cần hành động để buộc Trung Quốc dừng hoạt động cải tạo phi pháp và bồi thường hậu quả đã gây ra ở Biển Đông.Tờ Malaya Business Insight từng dẫn lời ông Tân Kỳ Phương thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) khi phát biểu trong buổi hội thảo với giới truyền thông Philippines nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ Manila - Bắc Kinh, đã bất ngờ thừa nhận, nếu xảy ra xung đột quân sự tại Biển Đông, bên thua trận không phải Mỹ, cũng chẳng phải Philippines, mà là Trung Quốc. Đồng thời cho rằng, Biển Đông bất ổn không có lợi cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc.Vai trò của các nước ASEANNgày 8-1, lễ bàn giao chức Chủ tịch Ủy ban các Đại diện thường trực tại ASEAN (CPR) giữa Malaysia với Lào và cuộc họp CPR lần thứ 1-2016 đã diễn ra tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta. Nhân dịp này, Lào thông báo về công tác chuẩn bị cho Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) dự kiến sẽ diễn ra trong 2 ngày 26 và 27-2 tại Vientiane.Trước đó (30-12-2015), Nhà Trắng thông báo, Tổng thống Barack Obama sẽ tổ chức cuộc họp cấp cao với lãnh đạo các nước ASEAN trong 2 ngày 15 và 16-2 tại Rancho Mirage, bang California, Mỹ. Đây là cuộc gặp đầu tiên do Tổng thống Mỹ tổ chức với lãnh đạo 10 nước ASEAN nhằm tăng cường hơn nữa cho chiến lược “xoay trục” của Washington. Cuộc gặp cấp cao Mỹ - ASEAN diễn ra khi Washington đang gia tăng cam kết với các đồng minh tại châu Á trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự tại Biển Đông và biển Hoa Đông.Những động thái gần đây của Mỹ cho thấy, Washington không ngồi yên trước việc Bắc Kinh quyết liệt đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Theo nhận định của giới học giả, trong năm 2016, Mỹ có thể tiếp tục gây sức ép ngoại giao, quân sự trong quan hệ với Trung Quốc xung quanh vấn đề Biển Đông bởi Washington vẫn khẳng định chiến lược “xoay trục” không bị ảnh hưởng bởi những tác động bên ngoài. Đồng thời cho rằng, Trung Quốc ở quá gần và quá mạnh so với các nước ASEAN ven Biển Đông. Và Bắc Kinh tức giận khi Washington liên tiếp công khai chỉ trích những đòi hỏi chủ quyền thái quá của Bắc Kinh ở Biển Đông.Tờ Military Times cũng từng cho rằng, cam kết không gây chiến của Trung Quốc ở Biển Đông đã thất bại trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của láng giềng. Và cho dù Trung Quốc đề xuất tập trận chung với các nước ASEAN ở Biển Đông, hay thiết lập đường dây nóng giữa Bộ trưởng Quốc phòng các nước, nhưng dư luận vẫn thấy rõ bản chất không thay đổi của Bắc Kinh trong việc thực thi “đường lưỡi bò” nhằm độc chiếm vùng biển chiến lược này. Bằng hành động cụ thể diễn ra trên thực tế có thể khẳng định, Trung Quốc đã lộ rõ mưu đồ hất cẳng Mỹ ra khỏi Châu Á - Thái Bình Dương và muốn thay đổi trật tự thế giới.Cựu trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell từng tuyên bố, Lầu Năm Góc khó xây dựng lòng tin với quân đội Trung Quốc bởi Bắc Kinh muốn đuổi Washington ra khỏi Châu Á - Thái Bình Dương. Giới học giả cũng cho rằng, Trung Quốc cố ý thực hiện những hành động đơn phương tại Biển Đông để Mỹ phải lựa chọn - Mỹ không thể vừa quan hệ với Trung Quốc, vừa duy trì quan hệ với đồng minh tại châu Á. Và nếu duy trì các mối quan hệ tại châu Á, Washington có nguy cơ xung đột với Bắc Kinh.
Trang tin Scoop của New Zealand từng dẫn lời ông Gerry Brownlee, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand, theo đó Bắc Kinh hãy hành xử như một nước lớn trong vấn đề Biển Đông. Đồng thời tuyên bố, mặc dù New Zealand không liên quan đến các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng nước này chống lại các hành động đe dọa hòa bình và làm xói mòn lòng tin. Và lo ngại rằng, các diễn biến đang xảy ra đã vượt quá nỗ lực trong khu vực trong việc kiềm chế căng thẳng, nên kêu gọi tất cả các nước hữu quan giảm thiểu căng thẳng.
Hồng Thất Công-Năng lượng Mới số 493
Comments[ 0 ]
Post a Comment