Cảnh báo hình thái leo thang quân sự mới trên Biển Đông
Thursday, January 7, 2016
Với một nước láng giềng to lớn nhưng luôn “không chơi đẹp” như Trung Quốc, Biển Đông trong những ngày đầu năm 2016 lại tiếp tục dậy sóng. Mở đầu là một loạt hành động điều máy bay dân sự của nước này bay ra đường băng xây dựng trái phép trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hình ảnh máy bay dân sự của hãng hàng không Phương Nam của Trung Quốc hạ cánh xuống Đá Chữ Thập hôm 6/1 vừa qua đang làm dậy sóng dư luận (Ảnh: Tân Hoa Xã).
Hôm 6/1, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc đưa tin xác nhận việc nước này điều 2 máy bay dân sự của hãng Phương Nam hạ cánh tại sân bay trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ngay lập tức, dư luận quốc tế đã có phản ứng dữ dội nhằm phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Sau máy bay dân sự rất có thể sẽ là những máy bay quân sự.
Hình thái của một cuộc leo thang quân sự trên Biển Đông của Trung Quốc dường như đang dần hình thành…
Chia sẻ quan điểm với Báo điện tử PetroTimes, Anh hùng LLVTND, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân khu I nhận định: “Hành động điều các máy bay dân sự ra hạ cánh trên đường băng ở Đá Chữ Thập trong vòng 1 tuần qua là một bước đi có chủ đích và được tính toán từ khi Trung Quốc xây dựng đường băng phi pháp”.
Anh hùng LLVTND, Trung tướng Phạm Xuân Thệ (Ảnh: Nhật Minh).
Tướng Thệ cho biết, gần 2 năm nay, Trung Quốc ra sức đổ tiền tài vật lực vào công cuộc bồi lấp, mở rộng rồi xây đường băng trái phép tại 3 bãi đá ngầm mà họ cưỡng chiếm phi pháp của Việt Nam không phải là không có mục đích.
“Họ muốn tạo ra một vòng tam giác từ 3 sân bay trên các bãi đá Chữ Thập – Subi – Vành Khăn nhằm hỗ trợ tích cực cho việc đưa trang thiết bị, vũ khí, thậm chí cả việc đưa dân ra đó ở cùng với một lực lượng quân sự nhất định tại Trường Sa”.
“Có thể thấy, hành động điều máy bay dân sự đáp tại Đá Chữ Thập ngay những ngày đầu năm này sẽ là một tín hiệu cho một năm 2016 không hề yên ả tại Biển Đông. Trung Quốc sẽ còn quấy đảo bằng nhiều hình thức khác nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền vô lý của họ tại vùng biển giàu tài nguyên này”, vị Tư lệnh khẳng định.
Cũng theo Trung tướng Phạm Xuân Thệ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc luôn biết cách nắm bắt thời cơ: “Hiện giờ là lúc cả Châu Âu, Nga, Mỹ đang tập trung tại cuộc khủng hoảng ở Syria, cuộc chiến chống Tổ chức nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Mới đây nhất là Triều Tiên tuyên bố thử bom nhiệt hạch càng khiến cho lực lượng của các nước khác trên Biển Đông phân tán. Trung Quốc sẽ dễ bề “làm mưa làm gió” ở đây”.
“Trước mắt là bay thử, sau đó sẽ là bay thật rồi các máy bay tiêm kích, ném bom chiến lược hiện đại của Trung Quốc sẽ lần lượt xuất hiện tại Trường Sa. Dưới sự yểm trợ đắc lực của hệ thống rada, các khí tài, phương tiện quân sự tại đây để Trung Quốc đường đường chính chính khẳng định chủ quyền phi pháp của mình ở Biển Đông một cách từ từ. Âm mưu của Trung Quốc ai cũng nhìn ra từ lâu, nhưng những bước đi thì vô cùng khó lường”, tướng Thệ phân tích.
Bên cạnh đó, vị Tướng nguyên Tư lệnh Quân khu I cũng chỉ ra rằng, một khi họ (Trung Quốc - PV) đã đề ra kế hoạch rồi thì rất khó từ bỏ. Chính sách “lãnh thổ ở đâu, dân ở đó. Dân ở đâu, lãnh thổ ở đó” sẽ còn được họ áp dụng một cách trắng trợn. Trên bàn ngoại giao họ nói rất hay, nhưng hành động ngoài thực tế thì lại là “lá mặt lá trái”.
Đồng thời, Tướng Phạm Xuân Thệ cũng cho rằng, hành động lần này rõ ràng là đang thách thức trực tiếp Mỹ - một cường quốc tuy không có yêu sách chủ quyền trực tiếp tại Biển Đông nhưng đã có những hành động tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định tự do hàng không, hàng hải tại khu vực này rằng. Trung Quốc muốn nói rằng: Đây là địa bàn hoạt động của Trung Quốc và Mỹ đừng nên can dự quá sâu vào đây.
“Tóm lại, đây chỉ là bước đầu cho một loạt các hành vi quấy đảo Biển Đông của Trung Quốc trong năm 2016. Nếu cộng đồng quốc tế và khu vực không có hành động quyết liệt, dứt khoát thì họ sẽ còn lấn tới bằng những bước đi trắng trợn nhằm làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Một bộ quy tắc ứng xử COC giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực ASEAN xem ra sẽ còn hết sức chông gai mới có thể được ký kết trong tương lai gần nếu như Trung Quốc cứ dây dưa như hiện nay”, Trung tướng Phạm Xuân Thệ bày tỏ lo ngại.
Nhật Minh, Thảo Phượng - Petrotimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment