Phát triển mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: Cơ hội và thách thức
Saturday, January 16, 2016
Nhìn về tương lai, tuy còn nhiều thách thức, nhưng nhiều người vẫn tin rằng cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ sẽ tận dụng các cơ hội để nâng tầm mối quan hệ.
Trong chuyến thăm lịch sử tới Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc hội đàm ngày 7/7/2015. Việt Nam và Hoa Kỳ đã thông qua Tuyên bố về Tầm nhìn chung.
Sau 20 năm bình thường hóa mối quan hệ giữa hai nước, Việt Nam và Hoa Kỳ đã trở thành đối tác toàn diện của nhau. Không chỉ thay đổi về chất, về tầm vóc và chiều sâu, mối quan hệ đặc biệt này ngày càng được khẳng định bằng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai quốc gia. Nhìn về tương lai, tuy còn nhiều thách thức nhưng nhiều người vẫn tin rằng, cả Việt Nam lẫn Hoa Kỳ sẽ tận dụng được các cơ hội “vàng” để nâng tầm mối quan hệ cũng như sức ảnh hưởng của nhau trên trường quốc tế.
Đặt trong mối quan hệ “đối tác toàn diện”, hiện nay Việt Nam và Hoa Kỳ đang hợp tác sâu trên 9 lĩnh vực quan trọng. Trong đó, an ninh, thương mại, đầu tư và giáo dục là các yếu tố được quan tâm hàng đầu. Hoa Kỳ đang là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, gần 17.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại quốc gia này hay những nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc giúp Việt Nam nâng cao năng lực cảnh sát biển, cùng nhau giải quyết hậu quả chiến tranh…, đã và đang chứng tỏ sự quyết tâm của cường quốc này trong việc thúc đẩy sự phát triển mối quan hệ với Việt Nam.
Năm 2015 đánh dấu những bước tiến vượt bậc trong quan hệ hợp tác, ngoại giao giữa hai quốc gia với việc ra Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam – Hoa Kỳ, khẳng định tiếp tục triển khai quan hệ song phương sâu sắc, bền vững và thực chất trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và quyền lợi của nhau. Theo Đại sứ Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của cả đôi bên.
“Việc bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam theo một nghĩa nào đó sẽ mang tính chất điển hình. Con đường mà chúng ta đã trải qua khá dài và quan hệ song phương đã tiến bộ về rất nhiều mặt. Quan hệ “đối tác toàn diện” mô tả một cách chính xác hệ thống quan hệ đang phát triển giữa hai nước. Trong bối cảnh của khu vực ngày nay, mối quan hệ song phương đó càng tạo ra nhiều hứa hẹn, cơ hội”.
Khi phân tích 4 yếu tố là Quyền lực – Hòa bình – Thịnh vượng và Các nguyên tắc, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thái Yên Hương, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho rằng, từ sau khi "Chiến tranh lạnh" chấm dứt, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những điều chỉnh phù hợp với tình hình chính trị nội bộ của mỗi nước và những thay đổi lớn trên thế giới. Và mối quan hệ hợp tác - phát triển này trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn do hai bên đang hình thành nhiều điểm tương đồng.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thái Yên Hương phân tích: “Về thịnh vượng, hai bên cùng mong muốn phát triển kinh tế. Và khi phát triển kinh tế sẽ tạo cơ sở cho sự ổn định và hòa bình ở khu vực. Vấn đề hòa bình là cơ sở để hai bên cùng chia sẻ, ví dụ như hòa bình để ổn định, tự do hàng hải hoặc những vấn đề an ninh phi truyền thống… Bên cạnh đó, giá trị tạo nên mối quan hệ giữa các người dân với nhau là hai Chính phủ đều do dân và vì dân”.
20 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, mục tiêu “thịnh vượng” luôn được đôi bên chú trọng hàng đầu. Nhìn nhận vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực, Hoa Kỳ đã có nhiều chính sách nhằm tăng cường và mở rộng hợp tác nhiều mặt với Việt Nam trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Việc Hoa Kỳ tích cực tham gia Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương và mới đây là kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã thể hiện rõ quan điểm này. Việc hoàn tất ký kết TPP đang mở ra nhiều cơ hội để Việt Nam mở rộng tiềm năng hợp tác và làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các đối tác hàng đầu thế giới, trong đó có Hoa Kỳ.
Vì thế, theo ông Ted Osius, Đại sứ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần tập trung đầu tư nhiều mặt để tận dụng tốt nhất những lợi thế từ TPP.
“Đầu tiên là đầu tư vào con người để có đội ngũ nhân lực với kỹ năng làm việc tốt. Thứ hai là đầu tư vào cơ sở hạ tầng để nâng cao khả năng xuất khẩu. Một điều chắc chắn nữa là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải biết về các lợi thế này và cần được thông tin chi tiết để họ có thể tận dụng tối đa được TPP. Điều cuối cùng và có lẽ khó nhất là môi trường đổi mới. Điều này bao gồm đổi mới cách giảng dạy trong nhà trường và nâng cao khả năng hội nhập trong thế hệ trẻ”, Đại sứ Ted Osius chia sẻ.
Bên cạnh hàng loạt những cơ hội và điều kiện thuận lợi, Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua để nâng tầm mối quan hệ song phương trong thời gian tới. Ông Lê Chí Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ châu Mỹ, Bộ Ngoại giao Việt Nam thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng tôi nghĩ quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là một mối quan hệ đặc biệt. Chúng ta vẫn còn những khác biệt về thể chế chính trị hay những vấn đề về dân chủ, nhân quyền và tôn giáo. Rồi phía Hoa Kỳ cũng có những đối xử không công bằng với xuất khẩu của Việt Nam… Đây là những vấn đề vẫn còn tồn tại trong mối quan hệ của hai nước.
Tuy nhiên, 20 năm qua, chúng ta đã có những bài học và chúng ta tiếp tục ứng dụng bài học này. Đó là tăng cường đối thoại và nói thẳng, nói thật với nhau về những khác biệt giữa hai nước. Về phía Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục nêu lên những vấn đề này để hai bên cùng tìm ra những giải pháp thỏa đáng”.
Tôn trọng lợi ích chung, tích cực tăng cường đối thoại, kiên trì xây dựng và củng cố lòng tin, xử lý tốt các tác động bên ngoài, chú trọng về chất của mối quan hệ là những giải pháp được đưa ra nhằm duy trì đà phát triển đi lên của mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian tới. Làm được vậy, bên cạnh bình diện song phương, hợp tác giữa hai quốc gia tại khu vực và trong các vấn đề toàn cầu sẽ gia tăng mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới./.
Mỹ Dung/VOV - TPHCM
Tags:
VietNam-US
Comments[ 0 ]
Post a Comment