Máu chảy trong huyết quản rần rật, chúng tôi cứ ngây cả người ra mà chẳng nói nên lời. Một cách thật bản năng, trong đầu tôi văng vẳng mấy câu thơ của Lý Thường Kiệt năm nào,
"Nam Quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư".
Những công dân trên đảo xúng xính quần áo ra đón đoàn chúng tôi. Tôi biết họ vui thật lòng chứ không chỉ vì quay phim chụp ảnh. Cũng có những hàng quân đón tiếp chúng tôi. Không khí thật chộn rộn, ấm áp tình người!
Khoái nhất là cu cậu được "con xế chạy cơm" từ đất liền gửi ra nên đón tận cầu cảng luôn. Tôi chợt nghĩ lâu lắm rồi không thấy đứa trẻ nào mong ước lớn lên đi làm lính thủy cả. Trẻ con bây giờ chỉ thích làm CEO, làm IT, phải chăng là do thời cuộc cả?
Những công dân trên đảo xúng xính quần áo ra đón đoàn.
Trong đoàn người đón tiếp chúng tôi có Nguyễn Đức Thiện - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa Lớn. Nhỏ con nhưng đĩnh đạc, với gương mặt rất lành và tươi, anh kỹ sư hóa thực phẩm này không nề hà nhận nhiệm vụ công tác ngoài đảo xa.
Thế rồi như chưa từng say sóng, nhóm văn công cứ thế đàn hát bập bùng. Ai có việc gì cứ làm, vừa làm vừa nghe. Tiếng hát hòa trộn với cây ghi ta thùng giữa đảo xa sao mà giá trị đến thế! Nó làm tôi nhớ lại ngày nào còn gõ ca cho đồng đội hát trên cao điểm sau buổi hành quân. “Chỉ lính đảo xa mới có, cây đàn ghita một dây. Chỉ lính đảo xa mới hát. Át tiếng sóng, át tiếng gió...”
"Chỉ lính đảo xa mới có, cây đàn ghita một dây..."
Cuộc sống thường nhật trên đảo
Trường Sa Lớn nhìn từ ngọn hải đăng xuống cũng không khác gì một làng quê nào đó trên Tổ quốc Việt Nam hình chữ S. Những mái ngói đỏ chen lẫn với một màu xanh mướt của vườn đu đủ, cây tra, cây phong ba.
"Làng" trên đảo
Thời khắc trưa trôi thật khẽ, thật chậm. Kỳ lạ biết nhường nào khi đó lại chính là Trường Sa - nơi biển đảo tiền tiêu, nơi vẫn đứng hiên ngang đầu sóng ngọn gió, nơi được triệu triệu con tim Việt vẫn hằng trông ngóng, yêu thương.
Chân dung người lính đảo
Hôm nay, nhớ về Trường Sa, tôi muốn chia sẻ những điều gần gũi, giản dị nhất. Nói đến đời lính mà không cần có chữ "súng", nói về sự hy sinh mà không cần có từ "gian khổ". Ý tại ngôn ngoại, những gì những anh em ngoài đó đã và đang trải qua không thể nói hết bằng lời, đong đếm bằng vật chất.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Cộng Hòa, người mà đoàn chúng tôi vẫn thân mật gọi là "Tướng quân" là một nhân vật trong câu chuyện của tôi. Ông có sự đường bệ, uy vũ của vị tướng, sự khoan thai, nho nhã của một thầy giáo, giọng hát của một ca sĩ giọng nam trung, và cái tình thân mật của một người cha, người chú, người anh.
Ít được tiếp chuyện với ông không phải vì ông quan cách đối với đám dân sự chúng tôi mà vì tự chúng tôi cảm thấy ông có nhiều việc cần lo lắng cho hơn 100 con người trong đoàn công tác. Dù vậy, tôi vẫn nhớ mãi lời ông nói trong buổi đầu gặp mặt với chất giọng xứ Nghệ chậm, nhẹ nhưng rõ ràng, nhẹ tênh như một chân lý.
“Hòa bình là điều vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Sau bao năm chiến tranh, cả dân tộc ta luôn hướng về hòa bình để ổn định và xây dựng đất nước. Thế nhưng, chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng và tối thượng. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đều sẵn sàng hy sinh một khi chủ quyền tối thượng ấy bị xâm phạm.”
"Một nhà ngoại giao có thể chuyển tải thông điệp ấy theo một cách mềm mỏng và ẩn dụ hơn. Nhưng với người lính chân chính là vậy, từ anh binh nhất cho đến một vị tướng, khi Tổ quốc cần chỉ có sự hy sinh và đó là "chân lý"!
Một chiếc ba lô, một khẩu súng trường, một ngôi sao trên mũ; từ những công việc thường ngày, đến những nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng nhất, ở những người chiến sĩ toát lên vẻ giản dị đẹp xiết bao!
Giờ nào việc nấy, đã có phân công, nhiệm vụ tăng gia vẫn phải làm cho tốt. Vì thế, gần đây, bộ đội trên Trường Sa Lớn đã không còn thiếu rau xanh.
Trồng rau trong nhà kính…
Điện mặt trời phát huy rất tốt ở Trường Sa (Điện gió cũng vậy, có điều chất lượng quạt và motor kém quá nên hiện đang bị hỏng nhiều. Điện sinh hoạt vẫn chưa đủ đáp ứng 24/24 cho người dân và chiến sỹ).
Sóng Viettel đã phủ gần hết các đảo trong quần đảo Trường Sa. Đầu thu kỹ thuật số bắt rất tốt trên tất cả các kênh. Chỉ có điện là vẫn chưa đủ để đáp ứng cho người dân và chiến sĩ.
Tối đến, dù không rực rỡ được như đường Trần Phú - Nha Trang hay Nguyễn Tất Thành - Đà Nẵng nhưng Trường Sa Lớn cũng lung linh ánh điện dọc theo các lối đường bê tông.
Ngày hay đêm, luôn có tầu trực đảm bảo bên cạnh đảo
Không hề muốn vẽ vời nên một khung cảnh thiên đường xa với thực tế nhưng trên phương diện hải sản mà nói thì Trường Sa Lớn của chúng ta "ăn đứt" đất liền. Không phải lúc nào cũng bắt được cá to nhưng cá để hấp, làm gỏi uống rượu chơi chơi như thế này thì coi như ở ao nhà vớt được.
Cá hồng tươi ngon, cá bò, cá hấp cuốn bánh tráng, rau càng cua và rau gì đó tôi đã quên mất tên sau bữa nhậu, ngai ngái thơm thơm, rất lạ lùng. Bữa nhậu trưa tại một hộ dân trên đảo đã nối liền khoảng cách, câu chuyện cứ miên man.
Trên phương diện hải sản mà nói thì Trường Sa Lớn ‘ăn đứt’ đất liền.
Có gì hơn nữa khi thấy những cánh bay trên vùng chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc
Chúng tôi ra thăm đảo cùng dịp với một đoàn đại biểu cấp cao của Nhà nước. Đoàn gồm phi đội bay hộ tống chiếc trực thăng chở đại biểu, đồng thời để thị uy trên vùng chủ quyền biển đảo.
Thế rồi, có những tiếng rít rất quen thuộc ào tới, tất cả chúng tôi trong giây phút đầu gần như chưa ai nhận thức được tiếng động phát ra từ đâu thì đã thấy "Xoẹt", "xoẹt" ngay trên đầu.
Vâng, khoảnh khắc rung rinh nhất của tôi chính là phút này! Hai "cánh én bạc" của Không quân Nhân dân Việt Nam bất ngờ xuất hiện, nghiêng cánh uy dũng trên bầu trời Trường Sa Lớn.
Như con trẻ, tôi nhảy cẫng gào lên khi tiếng động còn chưa dứt "Su của quân ta đó". Giờ nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy rung rinh. Biển rất xanh và bầu trời cao trong; có gì hơn nữa khi thấy những cánh bay trên vùng chủ quyền thiêng liêng Tổ quốc.
Một sĩ quan không quân nói với tôi đây là hai chiếc Su – 22 thuộc phi đội bay hộ tống trực thăng đồng thời để thị uy trên vùng chủ quyền biển đảo.
Hai chiếc Su – 22 thuộc phi đội bay hộ tống trực thăng.
Còn lời gì để nói trong giây phút ấy!
Hai chiếc Su - 22 lượn qua đảo 3 vòng, vòng cuối cùng rất thấp. Do không phải đôn đáo cho nghi lễ tiếp đón, gần như tôi là người duy nhất chụp ảnh được những cánh bay của Không Quân Nhân dân Việt Nam vào thời khắc ấy.
Những đôi cánh bạc vần vũ trên bầu trời Trường Sa Lớn như muốn nói: “Này anh em Hải quân Nhân dân, các anh không đơn độc trên biển bao la. Trên bầu trời cao xanh còn luôn có chúng tôi - những cánh bay sẵn sàng chia lửa cùng các anh. Khi các anh cần, chỉ chốc lát chúng tôi có mặt!”
Anh em Không quân bay cũng ngọt lắm. Từng chứng kiến phi công NATO bay diễn tập; đã từng đi AN 24; AN 12 do phi công Nga lái nhưng dù không có chuyên môn tôi vẫn thấy quân mình bay đâu kém cạnh gì. Có thế mới có được Chiến thắng "12 Ngày đêm Điện Biên phủ trên không" chứ!
Và đây là vòng cuối chào đảo...
Lễ cầu siêu cho anh linh của các liệt sĩ
Sự kiện đinh trong chương trình của đoàn công tác lần này là Lễ cầu siêu cho anh linh của các liệt sĩ và hương hồn của ngư dân ta tại khu vực biển đảo thuộc chủ quyền. Chủ trì buổi lễ là các cao tăng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Hương khói ngan ngát với những tấm lòng tri ân chân thực, hy vọng rằng những anh linh liệt sĩ và hương hồn chúng sinh sẽ thêm phần mát mẻ nơi trùng khơi sóng vỗ.
Đúng là Đạo phải gắn liền với Đời mới có ý nghĩa. Hoạt động này càng có ý nghĩa hơn khi đúng dịp 35 năm Thống nhất đất nước và Giải phóng Quần đảo Trường Sa. Sẵn có máy ảnh trong tay, tôi cũng bon chen với các bạn phóng viên làm vài kiểu ảnh về làm tư liệu.
Khói hương ngan ngát, chúng tôi, ai cũng một lòng thành kính!
Theo ĐSPL
Comments[ 0 ]
Post a Comment