Khi các cánh quân trên đất liền ồ ạt tiến về Sài Gòn, lực lượng đặc công hải quân cũng nhanh chóng nhận lệnh giải phóng quần đảo Trường Sa trong tay quân đội Việt Nam Cộng hòa, bởi "nếu chậm, có thể quân đội nước ngoài xâm chiếm trước".
Đảo Sơn Ca được giải phóng ngày 25/4/1975. Ảnh tư liệu.
Tháng 3/1975, sau chiến thắng Buôn Mê Thuật, chiến trường miền Nam chuyển biến mau lẹ. Ngoài thời cơ thống nhất đất nước, Bộ Tổng tham mưu đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhìn nhận cần gấp rút giải phóng các đảo trong quần đảo Trường Sa - vùng lãnh hải thiêng liêng của tổ quốc có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế và quân sự mà quân đội Việt Nam Cộng hòa đang nắm giữ.
Khi đó, Trường Sa có 11 đảo có người ở do quân đội của ba nước và vùng lãnh thổ đóng giữ, gồm: Đài Loan chiếm giữ đảo Ba Bình; Philippines giữ đảo Thị Tứ, Vĩnh Viễn, Bến Lạc, Nam Côn, Song Tử Đông; chính quyền Việt Nam Cộng hòa đóng giữ Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn và mới đặt bia chủ quyền ở đảo An Bang, chưa có người ở. Lực lượng quân đội Sài Gòn đóng giữ ở đây gồm khoảng 150 lính bảo an, thuộc Tiểu đoàn 371 Phước Tuy, theo chu kỳ thay quân chốt giữ 3 tháng một lần.
Bộ đội đặc công trên đảo Trường Sa năm 1975. Ảnh tư liệu.
"Sự kiện Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ở phía bắc ngày 19/1/1974 càng cho thấy tầm chiến lược của những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió biển Đông. Cần tổ chức giải phóng kịp thời phần đất này. Nếu chậm, để quân đội nước khác xâm chiếm, tình hình sẽ rất phức tạp... Theo thăm dò, triển vọng ở đây có dự trữ dầu lửa lớn. Có thể thấy biển và đại dương sẽ là nguồn tài nguyên chủ yếu của nhân loại kể từ thế kỷ 21", Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ rõ vấn đề và gọi đây là "một sự kiện đặc biệt diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu".
Quân ủy Trung ương kiến nghị với Bộ Chính trị vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo chính quyền Sài Gòn đang chiếm giữ. Kiến nghị ngay lập tức được ghi vào Nghị quyết Bộ Chính trị ngày 25/3/1975. Chính ủy Hải quân Hoàng Trà được điều về làm việc cạnh Bộ Tổng tham mưu, kiến nghị về nhiệm vụ của hải quân trong trận tổng giao chiến cuối cùng. Bộ Ngoại giao cung cấp tài liệu về các đảo, quần đảo thuộc vùng biển Việt Nam, Cục Quân báo nắm tình hình biển Đông.
Giải phóng các đảo do quân đội Việt Nam Cộng hòa đóng giữ trong quần đảo Trường Sa trở thành một hướng tiến công chiến lược trên biển, nhằm phối hợp với các hướng tiến công trên bộ vào Sài Gòn. Bộ Tổng tham mưu nhấn mạnh, phải tranh thủ mọi thời cơ có lợi để giải phóng đảo, kiên quyết không để lực lượng nào khác vào đánh chiếm trước.
Về thời cơ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp dặn dò cụ thể: Nếu địch đã rút toàn bộ hoặc rút đại bộ phận thì đánh chiếm ngay, nếu nước ngoài đánh chiếm trước thì đánh chiếm lại; nếu địch mới có biểu hiện rút hoặc bắt đầu rút thì theo dõi, kịp thời đánh chiếm khi địch rút đại bộ phận; khi tình hình chung của địch nguy khốn, nhất là ở trọng điểm, thì đánh chiếm ngay. Trên mặt trận biển Đông, hành động của Hải quân cũng phải "thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".
Khó khăn lớn nhất cho Hải quân là giải phóng các đảo trên một vùng biển rộng lớn với một lực lượng nhỏ bé, xung quanh là sự lăm le của một số nước, trong đó có cả tàu của Hạm đội 7 Mỹ ở quần đảo Trường Sa. Vị tổng tư lệnh lo lắng đặt câu hỏi: "Thời cơ giải phóng là như vậy, nhưng cách đánh thì sao? Trong tình hình vũ khí, phương tiện của ta còn kém hơn cả đối phương về số lượng và trình độ hiện đại?".
Nhiệm vụ được giao cho Đoàn 126, Quân chủng Hải quân. Đoàn đặc công nổi danh với hàng trăm trận đánh chìm tàu chiến của Mỹ ở Đông Hà - Cửa Việt làm lực lượng chủ công, phối hợp với đội đặc công nước của Tiểu đoàn 471 và Tiểu đoàn 4 của Trung đoàn 28, Sư đoàn 2 (Quân khu 5). Tàu vận tải quân sự của Trung đoàn 125 được giao làm nhiệm vụ chở quân. Thượng tá Mai Năng, Trưởng Đoàn 126 là chỉ huy trận này.
Ông Mai Năng giờ là thiếu tướng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Đặc công. Nhớ lại ngày lên gặp Phó tư lệnh hải quân Hoàng Hữu Thái nhận nhiệm vụ ở quân cảng Đà Nẵng vào cuối tháng 3/1975, ông kể: "Giở hải đồ ra, chúng tôi thấy khoảng cách giữa các đảo trong quần đảo tương đối xa nhau. Từ Song Tử Tây đến An Bang khoảng 230 hải lý, các đảo còn lại đều cách nhau trên 10 hải lý".
Bộ tư lệnh giao nhiệm vụ phải giải phóng đồng loạt 6 đảo. Ông Năng phân tích, đặc công nước trước đây chỉ chuyên đánh tàu, đánh cảng, hoạt động ở vùng sông nước, cửa biển, chưa bao giờ đánh đảo. Địa bàn Trường Sa rộng lớn, chưa thông thuộc địa hình, không thể trinh sát trước, đặc công muốn đánh thì mắt phải thấy, tai phải nghe, tay phải sờ, chân phải đến. Phương án đánh đảo được thống nhất là không đánh đồng loạt vì lực lượng mỏng và không có quân dự bị, mà đánh và rút kinh nghiệm ở đảo đầu tiên giải phóng được rồi phát triển ra các đảo khác, trinh sát đến đâu, đánh đến đó.
Ngày 9/4/1975, Cục Quân báo phát hiện chính quyền Sài Gòn bắt đầu rút quân khỏi các đảo. Quân ủy Trung ương lập tức gửi điện tối khẩn cho các ông Võ Chí Công, Chu Huy Mân và Hoàng Hữu Thái. Nội dung bức điện nêu rõ: "Các anh cho kiểm tra lại ngay và chỉ thị cho lực lượng hành động kịp thời theo phương án đã định. Nếu để chậm có thể quân nước ngoài chiếm trước, vì hiện nay một số nước đang có ý đồ xâm chiếm". Cùng thời điểm này trên đất liền, các cánh quân lớn đang hành quân thần tốc tiến công vào thị xã Xuân Lộc, chọc thủng tuyến phòng ngự cuối cùng của cửa ngõ phía đông Sài Gòn.
Một ngày sau, các tàu vận tải 673, 674, 675 của Quân chủng Hải quân giả dạng làm tàu đánh cá nước ngoài, chở theo các chiến sĩ đặc công rời quân cảng Đà Nẵng tiến về Trường Sa. Sau 3 ngày lênh đênh trên biển, đoàn tàu đến nơi, cách đảo Song Tử Tây vài km vả giả vờ đánh cá để trinh sát tình hình.
Trong các đảo ở Trường Sa mà quân đội Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ, Nam Yết là đảo mạnh nhất, có sở chỉ huy chung và khoảng 60 binh sĩ; Song Tử Tây có khoảng 40 và mỗi đảo còn lại có khoảng 20 người, được trang bị vũ khí bộ binh, cối,... Hạn chế lớn nhất của đội quân đóng giữ ở đây là lực lượng mỏng, khả năng ứng cứu từ đất liền ra hoặc giữa các đảo với nhau hạn chế, tinh thần hoang mang do những thất bại liên tiếp từ đất liền.
Quân chủng Hải quân chọn đánh Song Tử Tây trước vì đảo này nằm ở phía Bắc của quần đảo, là chỗ yếu nhất và để thăm dò phản ứng của đối phương, làm bàn đạp tấn công các đảo còn lại.
4h30 sáng 14/4, các tàu vận tải bí mật áp sát Song Tử Tây, 3 mũi đặc công cùng đổ bộ tiến vào đảo. Bị đánh bất ngờ, quân lính trên đảo chống trả yếu ớt. Sau 30 phút giao tranh, đặc công hải quân làm chủ đảo Song Tử Tây, 6 lính Việt Nam Cộng hòa tử trận, 33 người bị bắt sống. 2 chiến sĩ đặc công hi sinh.
Rạng sáng 14/4, lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tung bay trên đỉnh cột trước bia chủ quyền trên đảo. Sau đó, một bộ phận chiến sĩ ở lại đảo phòng thủ, còn lại đưa tù binh, thương binh về Đà Nẵng bàn giao.
Bia chủ quyền trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường Sa do Hải quân Việt Nam Cộng hòa dựng năm 1956. Ảnh: Nam Anh.
Thực hiện chiến thuật vừa đánh vừa rút kinh nghiệm, ngày 25/4, bộ đội hải quân tiến đánh đảo Sơn Ca; Ngày 27/4 làm chủ đảo Nam Yết và đảo Sinh Tồn; Ngày 28/4, chiếm đảo Trường Sa Lớn và An Bang. Lúc 0h15 ngày 29/4/1975, Bộ Tư lệnh Hải quân nhận được bức mật điện ký tên "Văn", ngợi khen toàn bộ cán bộ chiến sĩ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược.
Bức điện nêu rõ: "Các đồng chí nhanh chóng tổ chức phòng thủ các đảo trên thật vững chắc, tăng cường binh lực, hỏa lực, chở lương thực dự trữ cần thiết để bộ đội có đủ sức chiến đấu trong mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra". Sau đó, lực lượng đặc công rút về đất liền theo chỉ thị, lực lượng của Sư đoàn 2, Quân khu 5 làm nhiệm vụ phòng thủ đảo.
"Đúng như anh Văn nhận định, sáng 29/4, có một số tàu lạ tiến vào gần các đảo. Nhưng khi nhìn thấy cờ của quân giải phóng thì quay đầu bỏ đi. Nếu chúng tôi chậm vài tiếng đồng hồ trong việc làm chủ, tình hình sẽ phức tạp hơn", tướng Năng nói và cho hay đây là trận đánh lớn có ý nghĩa nhất với lực lượng đặc công khi góp phần giải phóng một vùng lãnh hải lớn, tạo nên tuyến phòng thủ đất nước từ xa. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng này vẫn nguyên giá trị và tính thời sự trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo ngày hôm nay.
"Nhờ chớp được thời cơ có lợi, tiến công giải phóng được 6 đảo trên, chúng ta mới có bàn đạp để từng bước mở rộng phạm vi đóng giữ ra các đảo, bãi cạn khác như ngày nay (9 đảo, 21 bãi cạn, 33 điểm đóng quân), củng cố thế đứng vững chắc trên toàn bộ quần đảo vốn được xác định là lá chắn phòng thủ từ xa phía sườn đông của Tổ quốc", thượng tướng Nguyễn Văn Hiến, Đô đốc hải quân đánh giá.
33 điểm đóng quân của Việt Nam tại huyện đảo Trường Sa bao gồm:
- Tại 9 đảo với 10 điểm đảo: Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Sinh Tồn Đông, Phan Vinh (2 điểm đảo A, B), An Bang, Trường Sa Đông, Trường Sa.
- Tại 12 bãi cạn nửa nổi nửa chìm với 23 điểm đảo (đảo đá): Đá Nam, Đá Thị, Đá Lớn (3 điểm đảo A, B, C), Cô Lin, Len Đao, Tốc Tan (3 điểm đảo A, B, C), Núi Le (2 điểm đảo), Tiên Nữ, Thuyền Chài (3 điểm đảo A, B, C), Đá Tây (3 điểm đảo A, B, C), Đá Đông (3 điểm đảo A, B, C), Đá Lát.
Hoàng Phương - Nguyễn Đông - VnExpress
Comments[ 0 ]
Post a Comment