Đường băng mới mà Trung Quốc đang xây dựng phi pháp ở bãi Đá Chữ Thập có khả năng làm thay đổi cục diện tại Biển Đông?
Những thay đổi tại bãi Đá Chữ Thập do hoạt động xây dựng, cải tạo phi pháp của Trung Quốc trong các bức ảnh chụp ngày 6/2/2015 (trên) và 23/3/2015 (dưới). Nguồn ảnh: IHS Jane's Defense News
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ mới đây, Tư lệnh quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương, Đô đốc Samuel Locklear đã cảnh báo rằng, Trung Quốc đang hướng tới mục tiêu áp đặt vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), tăng ảnh hưởng kiểm soát ở các khu vực tranh chấp, đồng thời triển khai các khí tài quân sự như radar tầm xa và hệ thống tên lửa tối tân thông qua các nỗ lực bồi đắp, xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Đô đốc Locklear đã mô tả các dự án xây dựng, cải tạo đất mà Trung Quốc đang tiến hành tại 8 tiền đồn ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (đều thuộc chủ quyền Việt Nam – PV) là “hung hăng”. Trong đó, việc nâng cấp cảng và xây dựng một sân bay mới tại bãi Đá Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam – PV) sẽ làm tăng ưu thế quân sự của Bắc Kinh trong khu vực.
Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ cũng cảnh báo về khả năng Trung Quốc sẽ đơn phương tuyên bố áp đặt vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, như những gì Bắc Kinh đã từng làm vào tháng 11 năm 2013 trên vùng biển Hoa Đông. Mặc dù Trung Quốc đã phủ nhận tin đồn họ có kế hoạch áp đặt ADIZ ở Biển Đông, nhưng rõ ràng, những hoạt động mà nước này đang tiến hành như nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Hoàng Sa và bồi đắp đảo với tốc độ nhanh chóng trên quy mô “khá lớn” ở Trường Sa không khỏi khiến các bên tranh chấp khác ở Biển Đông nghi ngờ về mưu đồ này của Bắc Kinh.
Theo Đô đốc Locklear, việc này cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ - cường quốc đang cố gắng tăng cường sự hiện diện ở khu vực.
Đặc biệt, việc xây dựng đường băng quân sự mới ở bãi Đá Chữ Thập được cho là sẽ giúp mở rộng khả năng hoạt động của Trung Quốc trong vùng Biển Đông, tăng cường khả năng giám sát và thậm chí là khống chế của Bắc Kinh với toàn bộ khu vực.
“Về cơ bản, nó cho phép họ (Trung Quốc) phát huy ảnh hưởng lớn hơn tại khu vực đang có tranh chấp. Những thực thể được mở rộng tại đó cuối cùng có thể dẫn đến việc triển khai hệ thống radar tầm xa, quân đội và hệ thống tên lửa tối tân. Và đó cũng có thể là nền tảng cho việc thiết lập một ADIZ ở Biển Đông nếu Trung Quốc muốn”, ông Locklear nói.
Những cảnh báo của Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương được củng cố bởi các bức ảnh vệ tinh được tạp chí IHS Jane's Defense công bố hôm 16/4. Những bức ảnh được chụp hôm 23/3/2015 này cho thấy Trung Quốc đang sắp hoàn tất đường băng quân sự dài hơn 3.000 mét trên bãi Đá Chữ Thập.
Cần lưu ý rằng, đường băng tiêu chuẩn cho loại máy bay vận tải được mệnh danh “superjumbo” (siêu khủng, lớn nhất thế giới) Airbus A380 cũng chỉ đến 2.950 mét. Đường băng 3.000 mét trên bãi Đá Chữ Thập là đủ lớn cho khá nhiều máy bay, đủ sức chứa cả máy bay chiến đấu và máy bay trinh sát.
Theo Peter Dutton - giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân của Mỹ, đây là một sự kiện quan trọng chiến lược, mang tính bước ngoặt, thay đổi cuộc chơi cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở Biển Đông, bởi để có thể kiểm soát trên biển, cần phải nắm quyền kiểm soát trên không và Bắc Kinh đang hướng tới mục tiêu đó. Quân đội Trung Quốc dường như đã chọn bãi Đá Chữ Thập là trung tâm chỉ huy và kiểm soát hoạt động tại quần đảo Trường Sa.
Ông Dutton nhận định, trong thời gian tới, Trung Quốc khả năng sẽ lắp đặt hệ thống radar và tên lửa, có thể đe dọa việc tiếp tế cho các đơn vị đồn trú quân sự của các bên tranh chấp khác như Philippines, Việt Nam tại Trường Sa.
Nói rộng hơn, Trung Quốc có khả năng sử dụng bãi Đá Chữ Thập như một bãi đáp cho máy bay chiến đấu và máy bay giám sát để tăng cường khả năng bao quát, kiểm soát khu vực, cạnh tranh với Mỹ.
Linh Phương (tổng hợp) - Petrotimes
Comments[ 0 ]
Post a Comment