Thủ tướng Dmitry Medvedev trả lời phỏng vấn của báo chí Việt Nam
Monday, April 6, 2015
Kính thưa Thủ tướng Dmitry Anatolyevich, xin cảm ơn Ông đã cho phép chúng tôi có cơ hội được phỏng vấn. Nga nhiều lần bày tỏ sẵn sàng làm khâu kết nối giữa Đông và Tây. Ở đây hàm chứa những tiềm năng to lớn. Còn Việt Nam thì thể hiện sự quan tâm tới việc ký kết thỏa thuận về khu vực thương mại tự do với các nước thuộc Liên minh Kinh tế Á- Âu. Xin Ông cho biết cụ thể hơn, có những bước đi thực tế nào đang được dự kiến nhằm tăng cường vị thế của Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương? ASEAN đóng vai trò gì trong tiến trình này?
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Quả thực chúng tôi không chỉ một lần bày tỏ nguyện vọng được làm việc với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, làm việc với các nước ASEAN, làm việc trực tiếp với Việt Nam, mà trong những năm gần đây Nga còn thực hiện những bước đi thực tiễn theo hướng này. Tôi sẽ bắt đầu với việc chúng tôi thường xuyên có mặt tại khu vực — ý tôi là các đại diện của nước Nga: cả đại diện chính phủ, cả các doanh nghiệp, đó là chưa kể đến các vị khách du lịch đi tham quan và nghỉ dưỡng. Với Việt Nam chúng tôi duy trì tiếp xúc thường xuyên. Cách đây chưa lâu tôi đã sang Việt Nam, vào năm 2012, bây giờ sắp có chuyến thăm kế tiếp rất quan trọng đối với chúng tôi. Những năm gần đây, ở mức độ đáng kể, chúng tôi thực sự chuyển hướng hợp tác tích cực với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nhưng ở đây bản thân việc định hướng vẫn là chưa đủ, cần có những bước đi thực tế. Những bước đi này bao gồm thỏa thuận của chúng tôi về tham gia các sự kiện khác nhau, các hội nghị thượng đỉnh theo tuyến ASEAN, quan hệ với mỗi nước, và bằng cơ cấu liên kết hội nhập mới của chúng tôi là Liên minh Kinh tế Á-Âu (chính là theo tuyến này đang chuẩn bị thỏa thuận về khu vực thương mại tự do với Việt Nam), cùng hàng loạt bước đi thiết thực khác nữa. Tức là tôi thấy ở đây có toàn bộ tổ hợp khả năng và hành động của chúng tôi, từ những tiếp xúc ở cấp cao nhất cho đến mối quan hệ con người bình thường, kể cả liên hệ giữa các đại diện kinh doanh.
Đương nhiên vào thời điểm này chúng tôi cũng đang có hàng loạt ý tưởng và kế hoạch, hướng tới làm sao để thúc đẩy đưa quan hệ với Việt Nam — một đối tác chiến lược của chúng tôi — lên tầm cao mới. Một trong những ý tưởng đó là hiệp định về khu vực thương mại tự do. Cần nói thêm, chắc đây sẽ là hiệp định đầu tiên được ký kết giữa một bên là Liên minh Kinh tế Á-Âu và bên kia là một nước. Như vậy, về thực chất, Việt Nam sẽ nhận được quyền tiến vào một thị trường không chỉ gồm các cư dân Liên bang Nga, mà còn cả các đối tác của chúng tôi nữa trong Liên minh Kinh tế Á-Âu, thêm hơn 40 triệu người nữa.
Từ đây sẽ dẫn đến điều gì? Sẽ mở ra những triển vọng mới mẻ cho sự hợp tác. Tôi vừa nói chuyện với Bộ trưởng Bộ Phát triển kinh tế của đất nước chúng tôi, ông ấy xác nhận với tôi rằng cuộc đàm phán của chúng tôi với Việt Nam đã bước vào giai đoạn kết. Ở nhiều điểm chúng ta thực sự tiến rõ rệt về phía trước và mong muốn hoàn tất đàm phán trong thời gian gần nhất. Nhưng đồng thời vẫn cần nhất trí về một số vấn đề thiết thực, vì thỏa thuận mà chúng ta dự kiến ký kết không chỉ thuần túy là mở lối tiếp cận của nước chúng tôi vào thị trường Việt Nam, mà còn cả các đồng chí Việt Nam thâm nhập thị trường của chúng tôi. Điều này quan trọng, nhưng chưa phải là tất cả, và thậm chí có thể không phải là chính yếu, bởi chúng ta vẫn duy trì thương mại như thế, chúng ta có doanh thu khá nghiêm túc, có sự hợp tác ở trình độ cao. Cần tạo điều kiện dành cho đầu tư lẫn nhau, và Nga đã sẵn sàng cho việc này. Vì vậy, khía cạnh đầu tư vẫn phải được hoạch định triệt để, bao gồm cả cái được gọi là công nghiệp chế biến, để các hãng của chúng tôi có thể hoạt động thành công trong môi trường kinh tế của Việt Nam.
Ngoài ra, vẫn còn một số vấn đề gắn với cung cấp dịch vụ. Bây giờ tôi sẽ không đi sâu vào chi tiết, nhưng tôi cho rằng văn kiện về phần dịch vụ được chuẩn bị đang ở mức cao, và nếu chúng ta huy động nỗ lực — tôi sẽ trao đổi với các đối tác của mình, với các đồng nghiệp ở Việt Nam, — thì chúng ta có mọi cơ may là trong triển vọng tương đối ngắn sẽ hoàn tất đàm phán.
Vì vậy, tôi hy vọng là những cuộc đàm phán sắp tới và chuyến thăm của tôi đến đất nước Việt Nam thân thiện sẽ mang lại những thành quả thiết thực.
Xin Ông cho đánh giá về tiến trình hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực khai thác thềm lục địa Việt Nam? Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Đang xúc tiến tốt. Chúng ta có bề dày lịch sử quan hệ phong phú trong lĩnh vực khai thác thềm lục địa. Chúng ta có xí nghiệp lá cờ đầu “Vietsovpetro” — công ty liên doanh đã hoạt động từ lâu với hiệp định được ký kết ngay từ thời Liên Xô. Và trong những năm qua đã làm được rất nhiều việc: đã khai thác khối lượng lớn dầu mỏ (hàng trăm triệu tấn) cùng lượng đáng kể khí đốt đồng hành (hàng tỷ mét khối), tức là đạt khối lượng lớn ở tầm cỡ thế giới.
Những kết quả đó chứng tỏ điều gì? Đó là minh chứng thực tế về hợp tác cùng có lợi. Và chính vì thế mà các thành viên tham gia liên doanh là "Zarubezhneft" từ phía Nga và tập đoàn Việt Nam "Petrovietnam" đều đồng thuận rằng chúng ta sẽ tiếp nối sự hợp tác này trong những năm tới, cho giai đoạn đến năm 2030, bởi có tiềm năng tốt đẹp. Nhưng như vậy không có nghĩa là nên dừng lại ở những gì đã đạt được. Vì thế, không chỉ "Zarubezhneft" mà cả những tập đoàn khác của chúng tôi, các tập đoàn lớn của Nhà nước, các hãng với sự tham gia của Nhà nước như "Rosneft" và "Gazprom" cũng có những đối tác của mình ở Việt Nam, và mỗi cơ sở đều đang tiến hành đàm phán về khả năng hợp tác. Có những dự án của "Rosneft" về cả tổ hợp các phần của thềm lục địa, có thể sẽ đề xuất để khai thác. Đang tiến hành thương lượng và tôi hy vọng sẽ kết thúc thuận lợi. Tương tự như vậy, có các cuộc đàm phán theo tuyến của "Gazprom" được bắt đầu từ năm 2009. Mức độ sẵn sàng đã cao hơn rất nhiều. Tôi hy vọng rằng đến năm 2016, dự án gắn bó "Gazprom" với các đối tác Việt Nam — mô hình kinh doanh đó — sẽ đạt tới công suất dự định. Chúng tôi đánh giá cao sự hợp tác như vậy, chúng tôi cho rằng nó mang lại lợi ích, mang lại thu nhập cho cả Việt Nam và Liên bang Nga. Và chúng tôi chủ trương tiếp nối sự hợp tác. Chính vì thế chúng tôi đưa ra hàng loạt các dự án Nga để mời các bạn Việt Nam tham gia. Xin nói thẳng, đối với chúng tôi đó là thực tế rất hiếm có, khi chúng tôi mời gọi đối tác nước ngoài tham gia khai thác trên lãnh thổ Liên bang Nga, bởi vì mọi sự ở chỗ chúng tôi đều không tồi, nhưng đây là ngoại lệ, là phương án đặc biệt mà chúng tôi chuẩn bị dành cho đối tác Việt Nam của mình.
Ý cuối cùng. Tính đến thực tế là chúng ta đã cùng làm việc từ khá lâu, điều quan trọng là tìm kiếm những hình thức triển vọng mới cho hợp tác. Đó là cùng xử lý chế biến (chứ không chỉ riêng khai thác), cũng như sử dụng các cơ chế xung lực khác nhau để sự hợp tác của chúng ta phát triển tốt đẹp hơn, cả trên thềm lục địa Việt Nam, cả trên địa bàn Liên bang Nga. Đó là sử dụng các cơ chế ưu đãi đa dạng, bao gồm cả chính sách thuế, vì ở những nơi chúng ta làm việc lâu năm thì dự trữ đã cạn kiệt đáng kể, cần đi sâu hơn hoặc tìm kiếm những khu mỏ mới, như vậy hiển nhiên đòi hỏi phải có đầu tư bổ sung.
Nga là một trong những nước dẫn đầu về khoa học và công nghệ. Xin Ông cho ý kiến, trong tương lai kinh tế tri thức chiếm vị trí nào trong nền kinh tế toàn cầu và khu vực? Ông có đánh giá thế nào về triển vọng hợp tác Nga-Việt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ cao?
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Cảm ơn các bạn đã đánh giá vai trò của Nga như nước dẫn đầu, luôn dễ chịu khi được nghe những lời như vậy từ các đối tác và bạn bè. Xin nói thẳng, chúng tôi thực sự chú ý đến điều này và cho rằng tương lai hiển nhiên thuộc về nền kinh tế tri thức, hoặc như bây giờ thường hay nói, tương lai là dành cho nền kinh tế mới, gắn với ứng dụng khoa học và công nghệ cao. Chính vì thế mà ngay cả trong điều kiện kinh tế khá khó khăn như hiện tại, dù sao chăng nữa chúng tôi vẫn cố gắng không cắt giảm kinh phí phân bổ cho các chương trình khoa học, cho phát triển các công viên công nghệ, cho việc tạo lập các cụm nghiên cứu. Chúng tôi sẽ tiếp tục thi hành đường lối này, bất kể — tôi xin nhấn mạnh một lần nữa – là thời điểm hiện nay đang có hàng loạt yếu tố kinh tế không hẳn hoàn toàn thuận lợi.
Vì sao như vậy? Bởi cả thế giới đều cho rằng tương lai của bất kỳ nền kinh tế nào chăng nữa vẫn phụ thuộc ở mức đáng kể vào trang thiết bị công nghệ, vào loại máy móc và kỹ thuật sử dụng, vào giải pháp công nghệ, và đó là xu thế toàn cầu, là xu hướng thế giới. Tôi biết rằng các bạn Việt Nam cũng có tư duy như vậy, qua những gì tôi thấy trong chuyến thăm những chủ thể khác nhau ở đất nước các bạn – cả ở trường đại học và ở những nơi khác, tôi nhận thấy có mối quan tâm to lớn tới khoa học và hợp tác khoa học, hơn thế nữa là chúng ta có liên hệ hợp tác giáo dục-khoa học đã được thử nghiệm qua nhiều thập niên.
Tôi không quên cuộc gặp gỡ với các đồng chí Việt Nam từng học tập ở Liên Xô, ở Liên bang Nga. Bầu không khí ấm cúng thân tình đáng ghi nhớ mãi. Và đó không chỉ là quan hệ bạn bè thân thiện, đó là kiến thức và kinh nghiệm được tiếp thu khi nào đó ở Liên Xô, ở Liên bang Nga, mang về phục vụ đất nước Việt Nam cũng như giúp ích cho quan hệ hữu nghị của chúng ta. Vì thế, tất nhiên là chúng tôi sẵn sàng hiệp lực trong mọi hình thức khác nhau với các bạn Việt Nam.
Tôi có thể nêu một điển hình làm thí dụ, đó là nhà máy điện hạt nhân "Ninh Thuận-1", bởi không cần nghi ngờ gì, đây chính là hiện thân của công nghệ cao. Dưới góc độ công nghiệp hạt nhân và điện hạt nhân, Nga là nước dẫn đầu.
Nhưng để vận hành các chủ thể loại này, thứ cần thiết không chỉ là tiền bạc. Và điều quan trọng không chỉ ở xây dựng, mà hơn thế nữa, đây là đối tượng phức tạp lại cần đảm bảo hiệu suất công việc, đảm bảo an toàn, vì vậy ở đó phải có đội ngũ nhân sự chuyên môn. Do đó hiện nay ở Liên bang Nga chúng tôi đang đào tạo chuyên gia cho Việt Nam, như các sinh viên ở ĐHTH Kỹ thuật Vật lý Hạt nhân và những cơ sở khác, để rồi đây thành chuyên viên làm việc giỏi ở nhà máy điện hạt nhân này, cũng như nói chung góp phần phát triển công nghệ cao trong đó có công nghệ hạt nhân tại Việt Nam. Tôi nghĩ rằng đây là một thí dụ đẹp đẽ về sự hiệp lực, mà những điển hình như vậy thì có rất nhiều. Hy vọng rằng, trong tương lai những điển hình nổi bật sẽ tiếp tục xuất hiện.
Ông đã có mấy lần đến thăm Việt Nam, và như Ông vừa kể, Ông có ấn tượng sâu đậm về cuộc giao lưu với các cựu sinh viên tốt nghiệp các trường đại học của Liên Xô và Nga. Thưa Thủ tướng, đề nghị Ông chia sẻ những cảm xúc và ấn tượng của mình về Việt Nam nhân sắp tới Ông sẽ thực hiện chuyến thăm kế tiếp đến đất nước này?
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Tôi sẵn lòng chia sẻ về chuyện này. Các bạn biết không, tôi luôn hài lòng dễ chịu khi đến đất nước các bạn, bởi vì trong thời gian đó, hầu như trước mắt tôi diễn ra tiến trình phát triển của Việt Nam và có rất nhiều thứ đã thay đổi. Khi tôi lần đầu tiên đến đất nước các bạn trong thành phần đoàn đại biểu chính thức (đã khá lâu rồi, khoảng 12-13 năm trước), tôi đã chú ý ngay đến cường độ phát triển như cỗ xe phóng nhanh đang hiển hiện trong nền kinh tế của Việt Nam, và điều đó thật là thú vị. Tôi chăm chú theo dõi những thành quả của các bạn, và tôi muốn nói rằng đó là những thành quả đầy ấn tượng. Rất ấn tượng! Thấy rõ công nghiệp, nông nghiệp phát triển ra sao, cuộc sống của mọi người ở Việt Nam thay đổi thế nào. Thậm chí có thể đây là điều quan trọng nhất, vì chẳng cần giấu diếm làm gì, ngay từ 20-30 năm trước, đất nước chúng ta — ý tôi muốn nói là cả Việt Nam và Liên Xô – đều vốn không thuộc hàng các quốc gia giàu có nhất. Bây giờ có những thành công như vậy ở đất nước các bạn và chúng tôi rất vui mừng.
Còn một khía cạnh khác. Cùng với một đất nước Việt Nam hiện đại, có năng lượng phát triển nhanh chóng, đang trở thành một trong những quốc gia hàng đầu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vẫn có một nước Việt Nam cổ xưa, một Việt Nam với lịch sử riêng đặc biệt và nền văn hóa phong phú mà tôi không giấu là rất hấp dẫn đối với chúng tôi. Vì thế tôi luôn chú ý xem các di tích lịch sử và văn hóa, những chủ đề hay quang cảnh nào có lẽ là thuần Việt và không chỉ nhìn ngắm mà khi có thể còn cố gắng chụp ảnh để ghi lại. Tôi sẽ rất vui nếu có cơ hội như vậy trong chuyến thăm tới đây.
Và sau nữa, điều cuối cùng mà tôi không thể không nói thêm lần nữa. Giữa chúng ta có mối quan hệ rất chân thành nồng ấm, đó là sự thật. Và đây không phải là cách nói hoa mỹ xã giao, không thuần túy là phẩm vật cho quan hệ tốt lành, mà chính là sự thật hiển nhiên. Đã hình thành như vậy trong lịch sử. Tôi từng chia sẻ ấn tượng của mình về chuyện lần đầu làm quen với các bạn Việt Nam, những người đồng chí thời nào đó đã làm việc ở Leningrad, trong đó có trường đại học mà cha tôi giảng dạy. Và từ đó trở đi hầu như chẳng có gì thay đổi trong quan hệ của chúng ta. Mỗi lần gặp như thế đều là cuộc hội ngộ của những người bạn tốt, tạo cho ta rất nhiều cảm hứng. Tôi tin chắc rằng cả bây giờ cũng sẽ như vậy.
Thưa Thủ tướng, sắp tới chúng ta sẽ kỷ niệm những ngày lễ rất quan trọng. Tại Việt Nam ngày 30 tháng Tư tổ chức kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước Việt Nam, còn ở Nga vào 9 tháng Năm sẽ kỷ niệm mốc chẵn 70 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Xin Ông cho đánh giá về ý nghĩa của những mốc kỷ niệm này. Thủ tướng có lời chúc gì chăng gửi mọi người?
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Rất nhiều ý nghĩa to lớn. Lễ kỷ niệm đầu tiên sắp tới — mốc đánh dấu sự thống nhất và tiếp tục phát triển phồn vinh của đất nước Việt Nam. Đây là ngày lễ quốc gia và ở mức độ nhất định chúng tôi cũng lưu ý đến chi tiết này khi vạch chương trình chuyến thăm Việt Nam. Lần đầu tiên sẽ đến thăm miền Nam Việt Nam, đối với chúng tôi điều này rất thú vị và quan trọng. Tôi cho rằng đây là biểu tượng tốt đẹp. Chúng ta nhớ tất cả đã diễn ra như thế nào. Thậm chí tôi cũng nhớ. Đã lâu rồi, tuy vậy tôi nhớ những gì in đậm ở đây: cả cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam, cả sự giúp đỡ và hỗ trợ mà thời đó đất nước chúng tôi đã cố gắng dành cho cuộc chiến đấu này, cả kết quả đã đạt được. Do đó, xin chân thành chúc mừng các bạn về ngày hội sắp tới.
Ngày hội của chúng tôi cũng là ngày hội chung. Đó thực sự là chiến thắng trước cái ác trên thế giới, chiến thắng trước chủ nghĩa phát-xít, chiến thắng của cuộc đấu tranh chung với sự tham gia của đông đảo các quốc gia và dân tộc. Và hiển nhiên chúng tôi chuẩn bị rất nghiêm túc cho đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng. Tôi nhấn mạnh một lần nữa rằng đây không chỉ là ngày hội của Nga, mà là mốc kỷ niệm toàn cầu, bởi Thế chiến II là cuộc chiến hết sức khủng khiếp với tổn thất khủng khiếp là con số chết chóc khổng lồ. Cần làm tất cả để những sự kiện tương tự không tiếp diễn trên thế giới, vì thế việc cử hành những lễ kỷ niệm chẵn này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các thế hệ tương lai. Chúng tôi luôn vui mừng được thấy các bạn Việt Nam trong những ngày hội như vậy. Tức là chúng ta sẽ cùng nhau đón mừng ngày hội.
Thưa Ông Dmitry Anatolyevich, cho đến gần đây, Nga vững vàng đứng trong tốp 10 quốc gia hàng đầu có nhiều du khách thăm Việt Nam, và Nga xếp thứ nhất về tính năng động tăng trưởng của dòng du lịch. Bởi những nguyên nhân đã rõ, từ đầu năm 2015, lượng khách du lịch giảm 40%. Xin Thủ tướng cho ý kiến, có thể khắc phục tình trạng này như thế nào?
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Không cần nghi ngờ gì, tình trạng đó sẽ được khắc phục. Tất nhiên, hiện tượng giảm sút dòng khách du lịch gắn với những khó khăn kinh tế của nước chúng tôi, và gắn với vấn đề xung quanh tỷ giá đồng rúp. Theo những nguyên nhân dễ thấy, sức mua phần nào giảm nhẹ, và nếu ta nói về sự giảm sút thì vấn đề cũng bao hàm ở chỗ này nữa. Bởi trong năm 2014, dòng du khách đã tăng 1/3. Vì vậy, mặc dù có đi xuống, nhưng không phải là trượt dốc tổng thể, đó là giảm sút gần với mức năm 2013, nếu tính chung thì số lượng du khách Nga tại Việt Nam vẫn đông. Tất nhiên có lẽ không nhiều như du khách từ một số nước khác, nhưng dù sao chăng nữa vẫn là đông, — đến gần 400 nghìn người/năm. Dễ hiểu rằng ở đây các thành tố kinh tế là rất quan trọng, (hy vọng là trong thời gian gần tới, khi tình hình ổn định trở lại, sẽ không còn vấn đề này nữa), và sự hấp dẫn của kỳ nghỉ. Từ phía các vị du khách của chúng tôi bộc lộ quan tâm rất lớn đến việc đi nghỉ ở Việt Nam. Đất nước các bạn rất thú vị, có nền văn hóa cổ xưa, có nhiều địa điểm tốt dành cho nghỉ dưỡng, tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì là tình trạng hiện nay sẽ được khắc phục.
Đương nhiên, theo cái nhìn của tôi, còn một điều rất hệ trọng nữa là phải làm sao để có dòng du lịch hai chiều với nhau. Xin lưu ý rằng từ phía các đồng chí Việt Nam của chúng tôi, từ Việt Nam có khoảng 75-80.000 người sang Nga với tư cách khách du lịch, tôi nhấn mạnh, không phải là những người đến làm việc, số đó nhiều hơn, mà là sang Nga du lịch. Tôi cho rằng tính đến thực tế Việt Nam là một đất nước khá đông dân, chúng tôi cũng cần lưu ý đến dòng du khách từ Việt Nam sang Nga. Nga là đất nước rộng lớn, có nhiều thứ để xem, vì vậy chúng tôi luôn hoan nghênh các du khách tới thăm. Tôi nghĩ rằng chúng ta có những triển vọng tốt đẹp để phát triển trao đổi du lịch giữa hai nước.
Xin Ông cho biết, liệu có cơ hội hoặc kế hoạch cụ thể nào để trong giao dịch thương mại Nga và Việt Nam chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền quốc gia của hai nước?
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev: Tất nhiên là có. Thứ nhất, ngay bây giờ cũng chẳng có gì cản trở chúng ta thanh toán bằng rúp Nga và VND. Không hề có trở ngại nào hết. Dưới góc độ quan điểm pháp lý. Nhưng còn cần luận cứ kinh tế nữa. Chúng ta đã thỏa thuận về khả năng sử dụng phương thức thanh toán bằng những đồng bản tệ quốc gia của nhau từ gần chục năm trước, thậm chí đã thành lập một ngân hàng riêng Nga-Việt. Nhưng, tất nhiên, việc sử dụng các đồng tiền quốc gia có lợi khi nói về lưu thông lớn và khi xuất hiện nhu cầu tích lũy dự trữ — hoặc bằng bản tệ của Nga là đồng rúp, hoặc bằng bản tệ Việt Nam là VND.
Hiện nay những thanh toán như vậy chiếm khoảng 1,5%, phần còn lại là USD, không phải luôn có lợi, bởi đối với chúng tôi cũng như với các bạn thì USD là ngoại tệ, và trước tiên chúng ta cần mua những đồng đô la này, chúng ta bị lệ thuộc vào tỷ giá USD, rồi sau mới dùng nó để thanh toán. Trong ý tưởng đó thì giao lưu trực tiếp bằng những đồng tiền quốc gia có thể lợi hơn. Và, tất nhiên, ở đây là chuyện nói về giao dịch thương mại và hoạt động đầu tư. Hiện giờ chúng tôi đang cố gắng khai triển chủ đề này với các nước khác, với các đối tác của Nga. Tôi cho rằng có những triển vọng tốt đẹp cả trong việc phát triển mối quan hệ như vậy với Việt Nam. Tôi nhất định sẽ nêu đề tài này trong các cuộc hội đàm với đối tác Việt Nam của chúng tôi.
Còn nữa, trước khi kết thúc cuộc phỏng vấn này, tôi muốn nói rằng chúng tôi hy vọng thu được kết quả tốt đẹp từ chuyến đi đến đất nước các bạn. Chúng tôi sẽ có chuyến thăm khá dài tới một số địa điểm. Tôi cho rằng chính đây là biểu tượng của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước chúng ta, và trông đợi rằng quan hệ này sẽ tiếp tục được củng cố và phát triển hơn nữa.
Comments[ 0 ]
Post a Comment