Hình ảnh vệ tinh mới công bố cho thấy Trung Quốc đang đẩy nhanh việc cải tạo đất ở Đá Vành Khăn, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines với các đê biển và tàu hút bùn.
Hình ảnh được chụp ngày 16/3 ở Đá Vành Khăn. Ảnh: CSIS
Reuters đưa tin, Trung Quốc đang đẩy nhanh việc cải tạo đất ở Đá Vành Khăn, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines với các đê biển và tàu hút bùn.
Việc cải tạo Đá Vành Khăn gần đây nhất của Trung Quốc thuộc quần đảo tranh chấp Trường Sa trên biển Đông. Ngoài ra, hoạt động khai hoang còn diễn ra trên 6 rạn san hô khác trong quần đảo này. Tuy nhiên, những hoạt động này đã báo động các bên tranh chấp khác và bị chỉ trích từ chính quyền Washington.
Hình ảnh được công bố hôm 16/3 của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) ở Mỹ cho thấy một dải đất nhân tạo nhỏ cũng như các công trình mới, các đê biển kiên cố và thiết bị xây dựng dọc Đá Vành Khăn.
Một số tàu hút bùn cũng có mặt trong khi các lối vào các rạn san hô đã được mở rộng, CSIS cho biết trên website của mình.
Còn hình ảnh công bố hôm 1/2 cho thấy một tàu vận tải đổ bộ hải quân của Trung Quốc nằm cách lối vào Đá Vành Khăn chỉ khoảng vài trăm m. CSIS nói rằng tàu này có khả năng chở 800 binh sĩ và khoảng 20 xe bọc thép lội nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Yomiuri của Nhật Bản công bố hôm thứ Tư, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter bày tỏ mối quan ngại về hoạt động cải tạo của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa.
"Chúng tôi đang đặc biệt quan tâm trước triển vọng quân sự của các tiền đồn," Carter, cho biết.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ lời chỉ trích về các hoạt động của mình xung quanh các rạn san hô, nói rằng việc đó thuộc "phạm vi chủ quyền của Trung Quốc".
Trong khi đó, những hình ảnh chụp đá Vành Khăn vào tháng 10 không có dấu hiệu cải tạo nào. Ảnh chỉ cho thấy hai công trình, trong đó có một tòa nhà ba tầng được trang bị các turbin gió và tấm năng lượng mặt trời.
Trung Quốc chiếm Đá Vành Khăn vào năm 1995 và ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với phần lớn Biển Đông. Hồi tháng hai, Philippines từng cảnh báo rằng các tàu hút bùn của Trung Quốc đã bắt đầu công việc tại đây.
Anh Phương - Kinhdoanhnet
Comments[ 0 ]
Post a Comment