ASEAN ra tuyên bố về Biển Đông: Tại sao Trung Quốc phải lo lắng?
Wednesday, April 29, 2015
Tại cuộc họp báo chiều 28/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lại tái khẳng định quan điểm “trước sau như một” của Bắc Kinh về tình hình Biển Đông ngay sau khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ra Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN lần thứ 26 về Biển Đông.
Trước đó (27/4), ông Hồng Lỗi cũng tuyên bố, Trung Quốc kiên quyết phản đối có nước lợi dụng vấn đề Biển Đông để “bắt cóc quan hệ Trung Quốc-ASEAN”, đồng thời không quên nhắc lại điệp khúc cố hữu “việc xây dựng tại Biển Đông hoàn toàn là công việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, hợp tình, hợp lý và hợp pháp!?”.
Tại sao trước và ngay sau khi ASEAN ra tuyên bố về Biển Đông, Trung Quốc lại phải “giật mình thon thót” đến như vậy?
Trong tuyên bố chiều 28/4, ông Hồng Lỗi cho rằng, Trung Quốc đã “hết sức kiềm chế” trong vấn đề Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh: Bắc Kinh vô cùng quan ngại trước việc tuyên bố của Chủ tịch ASEAN lần thứ 26 ra ngày 28/4 có đề cập tới vấn đề Biển Đông… Bởi đây không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN! Ngoài ra, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn “kiên quyết phản đối các quốc gia riêng lẻ nói bóng gió việc Trung Quốc vì lợi ích của mình và thao túng mối quan hệ Trung Quốc-ASEAN”.
Và một lần nữa, ông Hồng Lỗi nhắc lại “lập trường của Bắc Kinh” - chỉ giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán trực tiếp giữa các bên có tuyên bố chủ quyền - đàm phán song phương, không đa phương. Ông Hồng Lỗi cũng bác bỏ những cáo buộc của giới chức ngư nghiệp Philippines rằng, công việc cải tạo đất đai của Trung Quốc ở Biển Đông đe dọa tới hoạt động đánh bắt hải sản do các rạn san hô bị hủy hoại.
Đồng thời cho rằng, các hoạt động cải tạo, bồi đắp các bãi đá trên Biển Đông là “việc của Trung Quốc” - có quyền xây dựng ở vùng biển này và không hề có vấn đề gì đối với quyền tự do hàng hải ở Biển Đông!?
Theo giới chuyên môn, những tuyên bố kể trên của Trung Quốc đã được chuẩn bị trước khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 diễn ra tại Malaysia ra tuyên bố về Biển Đông. Bởi trong tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 26, các nước thành viên ASEAN đã chia sẻ quan ngại sâu sắc của các nhà lãnh đạo “về việc tôn tạo, bồi đắp đang diễn ra ở Biển Đông, làm xói mòn lòng tin, sự tin cậy và phương hại đến hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông”.
Tuyên bố cũng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không ở vùng biển này. Theo đó, các bên cần bảo đảm việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn vẹn Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); đồng thời ghi nhận tiến triển trong tham vấn về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), yêu cầu tăng cường tham vấn hơn nữa để nhanh chóng xây dựng được một Bộ quy tắc COC hiệu quả.
Đây là lần thứ hai Hội nghị cấp cao ASEAN ra Tuyên bố nêu rõ về những quan ngại về tình hình Biển Đông, một động thái thể hiện sự đoàn kết, nhất trí và đồng thuận cao trong ASEAN nhằm đối phó với những hành động gây hấn ngày càng gia tăng của Trung Quốc.
Trong khi đó, tờ The Diplomat số ra ngày 29/4 cho rằng, giai đoạn hiện nay khá khó khăn cho các nhà ngoại giao Trung Quốc khi Tuyên bố của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 chỉ trích các hoạt động cải tạo của Trung Quốc là phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. Việc này diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản đang có chuyến thăm Mỹ và cả Washington lẫn Tokyo đều lên án Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong tranh chấp chủ quyền biển đảo.
Điều đáng nói là lần đầu tiên Singapore lên tiếng đốc thúc COC. Bởi Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho rằng, tình hình ở Biển Đông đã trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm qua, và nếu không được can thiệp sẽ dẫn đến căng thẳng trên cả đất liền lẫn trên biển.
Đông Ngàn - Từ Sơn
(Năng lượng Mới)
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment