Vì quá hiểu mưu đồ thâm độc của nhà cầm quyền Trung Quốc và để tạo áp lực dư luận quốc tế ủng hộ Việt Nam phản đối những tuyên bố và hành vi sai trái của Trung Quốc. Suốt hơn một năm qua tại các Hội nghị: Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 18, Cấp cao ASEAN – Ấn Độ lần thứ 13, Cấp cao ASEAN – Hoa Kỳ lần thứ 3 và Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 18, ASEAN 27, Cấp cao Đông Á (EAS)… Thủ tướng Việt Nam luôn cảnh báo việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các đảo, đá và các hoạt động đơn phương khác ở Biển Đông đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, làm gia tăng căng thẳng, xói mòn lòng tin, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế, và có thể dẫn đến nguy cơ quân sự hóa và xung đột trên biển, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Do đó đề nghị các nước liên quan cam kết không quân sự hoá Biển Đông.
Không chỉ mạnh mẽ vạch trần những hành vi ngang ngược của TQ trên Biển Đông, Thủ tướng Việt Nam còn quyết định thành lập lực lượng kiểm ngư để tham gia bảo vệ chủ quyền đất nước; sử dụng 16.000 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ; đóng tàu, trang thiết bị cho lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư, giúp nâng cao năng lực thực thi pháp luật của các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam; hỗ trợ và đảm bảo an toàn cho ngư dân khai thác thủy hải sản trên vùng biển chủ quyền. Ngoài ra, để chủ động đối phó với những hành động trả đũa ngược của Trung Quốc đối với Việt Nam khi tranh chấp biển Đông leo thang như đóng cửa biên giới, dừng các hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam. Thủ tướng đẩy mạnh ký kết các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Cộng đồng kinh tế Á – Âu, Hàn Quốc, EU và mốc quan trọng là gia nhập TPP để mở hướng phát triển mới cho nền kinh tế. Đây là những hành động cụ thể minh chứng cho một tinh thần dân tộc không phải bằng lời nói suông mà trước tiên phải vững về kinh tế.
Xuyên suốt những hành động cụ thể cùng các chính sách biển đảo của VN thông qua phát ngôn của Thủ tướng trên các diễn đàn quốc tế cho thấy một sự nhất quán, kiên định và dứt khoát với phương châm: “Chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng, nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó…”.
Thách thức trên Biển Đông đang đặt các nhà lãnh đạo Việt Nam vào một cuộc “thử lửa” mới. Nhưng tin rằng Chính phủ sẽ đủ bản lĩnh, đủ trí tuệ và với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của hơn 90 triệu dân Việt Nam thì chúng ta có thể buộc công lý phải được thực thi.
Đặc biệt, trong thời gian cả nước chào đón năm mới, Chính phủ Việt Nam đã gửi đi một thông điệp đanh thép tới nhà cầm quyền TQ. Đó là gửi Công hàm tới Liên Hợp Quốc đề nghị lên án các tuyên bố chủ quyền sai trái và những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam của TQ ở Biển Đông. Đây là một hành động mang nhiều ý nghĩa và mục đích chính trị, xã hội, an ninh quốc phòng quan trọng. Bởi:
Thứ nhất, Công hàm này của Chính phủ Việt Nam mang giá trị chính trị quan trọng, khẳng định quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng biển đó. Đây là một phản ứng hiển nhiên của bất kỳ quốc gia nào khi chủ quyền của họ bị xâm phạm, là một tuyên bố khẳng định trước dư luận thế giới về việc bảo vệ toàn vẹn lãnh hải quốc gia. Theo đó, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Liên hợp quốc không thể không đưa ra phát ngôn chính thức về vấn đề này.
Thứ hai, xét về khía cạnh xã hội, đây sẽ là đòn ngoại giao khiến Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế phải xem xét lại vấn đề Biển Đông. Từ trước tới nay, Trung Quốc vẫn luôn công khai “nhận vơ” Biển Đông thuộc chủ quyền của quốc gia này với yêu sách “đường lưỡi bò” và phát tán ý đồ đó ra khắp thế giới. Văn bản chính thức này của Việt Nam sẽ tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng quốc tế rằng luận điểm của Trung Quốc là hoàn toàn sai sự thật.
Thứ ba, đứng về mặt an ninh quốc phòng, đây là một biện pháp ứng xử hòa bình giúp cho cả hai bên đều tránh được đối đầu quân sự. Từ đó, trước mắt sẽ bảo đảm được an ninh quốc gia, trật tự xã hội nhưng vẫn thể hiện thái độ cương quyết của Việt Nam đối với vùng biển của mình. Qua đó, Việt Nam sẽ chiếm được niềm tin, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Sách lược thông minh chống xâm lược cùng dũng khí và cả sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong công hàm phản đối Trung Quốc như tiếp thêm niềm tin cho người dân vào lãnh đạo Việt Nam trước tình hình Tổ quốc lâm nguy. Tin rằng Chính phủ sẽ đủ bản lĩnh, đủ trí tuệ và với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của hơn 90 triệu dân Việt Nam chúng ta có thể buộc công lý phải được thực thi. Bởi Quốc gia nào cũng có chủ quyền, phép nước, đâu phải nơi cho nước khác muốn thò chân sói vào như trong ngụ ngôn xưa.
Bạch Dương
Comments[ 0 ]
Post a Comment