Nhật Bản sẽ điều các máy bay tuần tra P-3C tăng cường hoạt động tuần tra ở Biển Đông, trong một động thái được cho là nhằm bảo vệ tự do hàng hải, tự do hàng không ở khu vực này.
Máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản.(Ảnh: MOD)
Trang Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ngày 10/1 cho biết, Bộ Quốc phòng và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã quyết định ngừng sứ mệnh chống cướp biển của máy bay tuần tra P-3C ở Somali và ưu tiên cho nhiệm vụ tuần tra ở khu vực Biển Đông.
Động thái này được cho là sẽ cho phép Nhật Bản hỗ trợ Mỹ trong chiến dịch tuần tra nhằm đảm bảo an ninh hàng hải ở Biển Đông, đặc biệt xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp ở đây.
P-3C thuộc Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản (MSDF). Máy bay này tham gia nhiều hoạt động quốc tế như chống cướp biển ở Somali, tuần tra khu vực giữa Nhật Bản và châu Phi 3 tháng 1 lần.
Trước kia, máy bay này được tiếp nhiên liệu tại các căn cứ khá xa Biển Đông ở các nước như Singapore, Thái Lan. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới, ngoài lộ trình cũ, các máy bay này sẽ ưu tiên tiếp nhiên lại tại các căn cứ quanh Biển Đông như căn cứ tại Việt Nam, Philippines và Malaysia.
P-3C cũng sẽ tham gia một phần trong các hoạt động trao đổi quốc phòng tại các nơi mà máy bay đi qua. Theo kế hoạch, máy bay tuần tra P-3C của Nhật Bản có thể dừng chân tại căn cứ Cam Ranh của Việt Nam vào tháng 2, Yomiuri Shimbun cho biết.
Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11 của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani, hai bên đã nhất trí cử tàu của MSDF tới Cam Ranh tham gia các hoạt động trao đổi quốc phòng.
Ngoài ra, Nhật Bản dự kiến sẽ cho P-3C cập cảng ở căn cứ Palawan của Philippines, Labuan của Malaysia.
Trước đó, cuối tháng 11, Phó đô đốc Yasuhiro Shigeoka, tư lệnh hải quân thuộc MSDF, tuyên bố tàu chiến Nhật Bản sẽ tuần tra Biển Đông, nhằm theo dõi hoạt động cải tạo đất của Bắc Kinh bất kỳ lúc nào khi có lệnh.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường các hoạt động bồi đắp trái phép trên Biển Đông. Mới đây, Trung Quốc ngang nhiên thực hiện các chuyến bay thử nghiệm dân sự xuống một đường băng xây dựng trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Hồi tháng 10 năm ngoái, tàu khu trục mang tên lửa Aegis của Mỹ cũng đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Trung Quốc xây trái phép. Mỹ khi đó cho biết, sẽ tăng cường hoạt động tuần tra trên Biển Đông để đảm bảo tự do hàng hải ở tuyến đường biển quan trọng này.
Minh Phương - Dân Trí
Theo Yomiuri Shimbun
Comments[ 0 ]
Post a Comment