Biển Đông: Mỹ “bất lực” với Đài Loan?
Thursday, January 28, 2016
Mỹ chỉ có thể tức giận vì không thể ngăn Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tiến hành chuyến đi phi pháp tới đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam?
Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu
Đài Loan có vẻ đã “phớt lờ” quan ngại của Mỹ khi cố tình sắp xếp để ông Mã Anh Cửu, Tổng thống sắp mãn nhiệm của vùng lãnh thổ này tiến hành chuyến đi trái phép tới đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện đang bị Đài Loan chiếm đóng trái phép) vào ngày 28/1/2016.
Động thái này của Đài Bắc đã khiến đại diện ngoại giao của Mỹ tại Đài Loan rất tức giận.
Phản ứng về thông tin từ văn phòng của nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu cho biết, ông dự định sẽ đến thăm đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 28/1 để chúc Tết những người dân sống trên đảo, Người phát ngôn Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) – trên thực tế là Đại sứ quán Mỹ tại Đài Bắc, bà Sonia Urbom hôm 27/1 đã chỉ trích dữ dội kế hoạch tới đảo Ba Bình của ông Mã là “cực kỳ vô ích” và không giúp gì cho việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông.
“Chúng tôi thất vọng vì việc Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu dự định đi tới đảo Thái Bình (tên Đài Loan gọi đảo Ba Bình – PV), bà Urbom cho biết trong một email trả lời phỏng vấn của Reuters.
Đại diện ngoại giao của Mỹ tại Đài Bắc nhấn mạnh: “Một hành động như vậy là cực kỳ vô ích và không góp phần vào việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông. Mỹ muốn Đài Loan và tất cả các bên tranh chấp giảm căng thẳng, chứ không phải là hành động theo hướng làm gia tăng căng thẳng”.
Trước đó, hồi cuối năm ngoái, báo chí Đài Loan đưa tin rằng,ông Mã Anh Cửu sẽ tới đảo Ba Bình trên một chiếc máy bay vận tải quân sự C-130H vào ngày 12/12/2015, trong một động thái mang tính biểu tượng để nhấn mạnh cái gọi là “chủ quyền” của Đài Loan đối với đảo này, cũng như làm nổi bật “sáng kiến hòa bình” của ông Mã ở Biển Đông. Tuy nhiên, cùng với thông báo chính thức của Bộ Nội vụ Đài Loan, một số nguồn tin đã khẳng định ông Mã đã hủy chuyến đi tới đảo Ba Bình do áp lực từ Mỹ.
China Times và United Evenings News, hai tờ báo bằng tiếng Trung cho biết, chính Giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT) Kin Moy, đã bày tỏ mối quan ngại với chính phủ vùng lãnh thổ này về kế hoạch này của ông Mã.
Nhiều ý kiến cho rằng, rất có thể, Mỹ không muốn Đài Bắc quá phô trương hành động phi pháp này vì Washington ngại “há miệng mắc quai” khi đã trót kêu gọi các bên tranh chấp ngừng cải tạo, xây dựng, ngừng “quân sự hóa” Biển Đông, nhưng lại “im lặng cho qua” việc Đài Loan – một đồng minh của Mỹ và là một bên tranh chấp ở Biển Đông, ngang ngược xây dựng trái phép nhiều công trình ở đảo Ba Bình như bệnh viện, đường băng, trạm xử lý nước ngọt… và mới đây là hoàn thành nâng cấp một bến cảng trị giá 100 triệu USD, xây mới một ngọn hải đăng.
Trong khi còn đang chưa "nguôi giận" với Đài Bắc thì tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã “vấp” phải thái độ cứng rắn của người đồng cấp Vương Nghị khi ông đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Những gì ông Kerry có được trong cuộc họp này có chăng vẫn chỉ là những lời hứa “suông” mà Bắc Kinh đã “tua đi tua lại” nhiều lần rằng Trung Quốc sẽ giữ cam kết không quân sự hóa Biển Đông, hay “Trung Quốc chấp nhận giải quyết một số thách thức thông qua con đường ngoại giao”. Còn lại, ông Vương vẫn khăng khăng rằng Bắc Kinh “có quyền bảo vệ chủ quyền” ở Biển Đông và tái khẳng định quan điểm muốn giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương.
Bình luận về kế hoạch đi ra đảo Ba Bình của ông Mã Anh Cửu, ông Yann-huei Song - một học giả Đài Loan thường cố vấn cho chính phủ Đài Bắc về các vấn đề Biển Đông cho biết, chuyến đi của ông Mã nhằm tìm kiếm cơ hội “cất tiếng nói” trong vấn đề Biển Đông cho Đài Loan – vốn muốn thoát khỏi cái tiếng chỉ là một “tỉnh” của Trung Quốc và không có “chỗ” trong các cơ chế đàm phán đa phương.
Trong khi đó, William Stanton, một nhà ngoại giao Mỹ kỳ cựu hiện đang là Giám đốc Trung tâm Chính sách châu Á tại Đại học Thanh Hoa Đài Loan, nhìn nhận chuyến đi ra đảo Ba Bình của ông Mã Anh Cửu dường như là một “cử chỉ khiêu khích”. Theo ông Stanton, hành động của người chỉ còn ngồi trên ghế Tổng thống Đài Loan vài tháng nữa như mang hàm ý: “Nhìn tôi đi, tôi có thể khẳng định rằng tôi đã đi và cắm lại lá cờ của Trung Hoa Dân Quốc trên hòn đảo này”.
Cần phải nhắc lại là ông Mã được đánh giá là nhà lãnh đạo Đài Loan có xu hướng thân Trung Quốc. Hồi tháng 11 năm ngoái, ông Mã đã có cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Singapore và tại đây, cả hai bên đã nhấn mạnh tôn trọng khái niệm “Một Trung Quốc”.
Bản thân Bắc Kinh cũng bình luận về kế hoạch đi ra đảo Ba Bình của ông Mã là một sự việc “bình thường”, bởi Trung Quốc và Đài Loan đều "chia sẻ" trách nhiệm bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm toàn bộ các đảo, rạn san hô, bãi ngầm và vùng biển nằm trong bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là "đường lưỡi bò"), ngay cả khi nó không được luật pháp quốc tế công nhận.
Trong khi đó, trái với ông Mã và ông Tập, nữ luật sư Thái Anh Văn, người vừa giành chiến thắng trong cuộcTổng thống Đài Loan mới đây đã tuyên bố rõ ràng quan điểm là bà ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Đài Loan ở “một số” đảo ở Biển Đông, ủng hộ tự do hàng hải và phản đối các hoạt động leo thang căng thẳng. Bà Thái cho rằng, tranh chấp nên được giải quyết theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á (Singapore) cho hay, ông hy vọng Philippines và Việt Nam sẽ kháng nghị mạnh mẽ về hành động này của phía Đài Bắc.
Theo Petrotimes
Tags:
Biển Đông
Comments[ 0 ]
Post a Comment