Khi Hoa Kỳ hủy bỏ cấm vận vũ khí với Việt Nam
Saturday, October 4, 2014
Lần đầu tiên kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam, chính quyền Obama quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp vũ khí Mỹ cho đất nước này.
Như tuyên bố của đại diện chính thức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Ngoại trưởng John Kerry đã thông báo điều đó với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, người đang tiến hành chuyến thăm đến Washington.
Về chuyện Hoa Kỳ có thể tiến tới động thái như vậy, thì đã được rõ ngay từ thời gian chuyến thăm Việt Nam hồi tháng trước của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, tướng Martin Dempsey. Chuyến công cán của ông Dempsey là bước đột phá ý nghĩa trong sự phát triển quan hệ hợp tác Mỹ-Việt trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh.
Trước đây, giới chuyên viên chứng kiến một kịch bản khá kiềm chế, khi các bên chỉ phô trương sự xích gần qua việc trao đổi các đoàn đại biểu quân sự, tiến hành tập trận chống cướp biển hoặc các phương án hoạt động cứu hộ trên biển. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình bùng phát xấu đi ở Biển Đông, chuyến thăm của tướng Dempsey cho thấy rằng Hà Nội và Washington đã sẵn sàng nhiều hơn nữa. Tại cuộc hội đàm, các bên thảo luận không chỉ về cung cấp vũ khí hiện đại của Mỹ đến Việt Nam, mà còn xuất hiện cả chương trình hiệp lực chặt chẽ hơn nữa đối với lực lượng vũ trang hai nước.
Hiện thời, việc hủy bỏ lệnh cấm vận còn mang tính chất từng phần, và chỉ liên quan đến các hệ thống phòng thủ dành cho Hải quân. "Chính sách như vậy sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực của Việt Nam hướng tới tăng cường an ninh trên biển", - đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki tuyên bố. Như thông báo của phía Mỹ, quyết định được Hoa Kỳ thông qua có tính đến thành quả cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Đồng thời người ta đặc biệt nhấn mạnh rằng quyết định này không nhằm chống Trung Quốc, bởi ở đây chỉ nói về loại vũ khí phòng thủ.
Trong khi đó, biểu hiện chất lượng mới trong quan hệ hợp tác quân sự Việt-Mỹ không thể không khiến Bắc Kinh quan ngại. Hoạt động của Washington nhằm tạo lập những liên minh quân sự mới phản ánh sự cạnh tranh gay gắt của Hoa Kỳ và Trung Quốc giành giật ngôi vị thống lĩnh toàn cầu và khu vực, - như nhận xét của ông Leonid Ivashov Chủ tịch Học viện các vấn đề địa chính trị.
“Người Trung Quốc chính thức tuyên bố rằng họ muốn nhìn thấy một thế giới đa cực. Thế nhưng ở châu Á thì Trung Quốc muốn một châu lục đơn cực với tâm qui tụ là Trung Hoa, để toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình dương nằm trong vòng giám hộ của Bắc Kinh. Còn người Mỹ muốn một thế giới đơn cực, trong đó Hoa Kỳ chi phối tất cả thông qua hệ thống tài chính và vũ lực quân sự, nhưng riêng ở châu Á thì họ muốn châu lục này đa cực. Để có các quốc gia và lực lượng gây tác động phân hóa xói mòn sức mạnh của Trung Quốc, cản trở và phá vỡ cố gắng bành trướng của Bắc Kinh vươn tới ngôi vị lãnh đạo và thống trị châu Á".
Như quan điểm của chuyên viên, chính ở đây bao hàm cả ý tưởng củng cố liên hệ quân sự giữa Hoa Kỳ và các nước tại khu vực, trong đó có Việt Nam. Có nguyên cớ tiện lợi là thời gian gần đây Trung Quốc công nhiên hành động ráo riết hơn trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ. Tính chất nguy hiểm từ sự can thiệp của Hoa Kỳ vào những cuộc xung đột này là xô đẩy khu vực đến việc thực hiện những chương trình quân sự mới.
Điều đó làm tình hình ngày càng nóng lên, kích động gia tăng nguy cơ và phát sinh những xung đột ngẫu nhiên. Đáp trả động thái kiềm chế của Hoa Kỳ, Trung Quốc dự định phát triển hạm đội tàu sân bay và tàu ngầm của riêng mình, cũng như lực lượng không quân chiến lược. Điều đó sẽ cho phép Bắc Kinh cảm thấy tự tin hơn trong bối cảnh “phục hưng quân sự” của Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Tags:
Biển Đông,
Chính Trị Quốc Phòng,
VietNam-US
Comments[ 0 ]
Post a Comment