Ngăn chặn ảnh hưởng IS tại châu Á-Thái Bình Dương
Tuesday, October 28, 2014
Sự thâm nhập ảnh hưởng của IS vào Đông Nam Á và Trung Quốc là một hiện tượng đáng quan tâm.
Nhiều người Hồi giáo châu Á gia nhập hàng ngũ IS tại Iraq và Syria, có thể trở về hoạt động phá hoại trong nước
Chẳng phải IS có năng lực tổ chức toàn cầu. Song, một số phần tử Hồi giáo ở châu Á đã lợi dụng sự trỗi dậy của IS để tập hợp lực lượng cực đoan tại một số nước có đông người Hồi giáo.
IS tìm cách mở rộng ảnh hưởng tại Đông Nam Á và Australia
Gần 62% dân số Hồi giáo trên thế giới sống tại châu Á-Thái Bình Dương. Indonesia có số người theo đạo Hồi lớn nhất thế giới, với 209 triệu người, tương đương 87,2% dân số.
Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS tìm cách tuyên truyền ảnh hưởng tới Đông Nam Á qua việc IS tìm cách thu hút tín đồ từ các cộng đồng Hồi giáo tại khu vực Đông Nam Á. IS đã đăng tải một đoạn video, trong đó, Abu Muthanna al Yemen, một người xuất thân từ Anh, khoe khoang rằng nhiều quốc gia đã cung cấp lính đánh thuê cho IS: “Chúng tôi có anh em từ Bangladesh, Iraq, Campuchia, Australia và Anh”.
Chuyên gia Hannah Suh ở Trung tâm An ninh Mỹ mới nhận định, cuộc khủng hoảng Iraq và sự trỗi dậy của các chiến binh Hồi giáo tại Đông Nam Á tiếp sức cho quá trình toàn cầu hóa chủ nghĩa khủng bố.
Ngày 7/10, Phó Thủ tướng Singapore Teo Chee Hean cho biết, có ít nhất ahai công dân nước này đã tới Syria tham gia IS. Ông Chee Hean khẳng định, giới chức Singapore sẽ tiếp tục điều tra để xác định những kẻ có tư tưởng ủng hộ chủ nghĩa khủng bố và bạo lực.
Chính quyền Indonesia ước tính có khoảng 60 công dân nước này đang chiến đấu cho IS, nhưng con số thực tế có thể cao hơn. Một trong những mục tiêu có nguy cơ bị tấn công là ngôi chùa Borobudur ở Java, một di tích Phật giáo lớn nhất thế giới. Một trang Facebook có liên quan đến IS từng bày tỏ hy vọng rằng ngôi chùa “sẽ bị chiến binh Hồi giáo phá hủy”.
Theo National Interest (Mỹ), tại nhiều khu vực của Indonesia, các nhóm nhỏ chính trị Hồi giáo đã công khai bày tỏ sự quy thuận IS. Một trong số nhân vật khét tiếng là Abu Bakar Bashir. Nhân vật này từng sáng lập nhóm Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiyah (JI) chịu trách nhiệm về các vụ đánh bom chết chóc trong những năm 2000.
Theo ông Sri Yunanto, cố vấn thuộc cơ quan chống khủng bố quốc gia Indonesia, chiến binh thánh chiến có thể nhen nhóm mối họa khủng bố trong nước bằng cách phát triển những mối quan hệ mới với các nhóm thánh chiến được tài trợ, vũ trang và tổ chức tốt ở Trung Đông.
Tờ New Straits Times (Singapore) cho biết lực lượng an ninh Malaysia đã nhận dạng 4 nhóm khủng bố mới có cùng một mục tiêu với IS và có thể cùng các nhóm khủng bố ở Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia phối hợp thành lập một “nhà nước siêu Hồi giáo, thống trị một số khu vực ở Đông Nam Á”.
Philippines cũng phải đối mặt với mối đe dọa giống như Indonesia. Tổ chức Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) từ lâu gây bất ổn định ở nước này. Bất chấp thỏa thuận hồi tháng 3/2014 kết thúc 45 năm xung đột giữa chính phủ Philippines và MILF, nền hòa bình ở nước này vẫn mong manh. Các chiến binh MILF và các nhóm Hồi giáo cực đoan tiếp tục đe dọa kích động căng thẳng tôn giáo và ly khai.
Theo The Diplomat (Nhật Bản), chính phủ Australia ước tính tại nước này có khoảng 100 người Australian tích cực ủng hộ hoạt động của các nhóm cực đoan, như chiêu mộ, tài trợ và tổ chức đánh bom tự sát.
Việc tuyển dụng cho IS đang diễn ra qua mạng xã hội. Một nhà phân tích đã lấy ví dụ về Lotfi Ariffin, một thành viên của đảng Hồi giáo PAS cứng rắn ở Malaysia. Với tầm ảnh hưởng lớn trên mạng khi có đến gàn 25.000 người theo dõi, Ariffin có thể tuyên truyền để những người dân theo đạo Hồi tham gia vào phong trào thánh chiến.
Al-Qaeda - IS kêu gọi mở rộng cuộc chiến sang Trung Quốc
Khu tự trị Tân Cương là nơi tập trung nhiều người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Trung Quốc đang theo dõi sát sao diễn biến ở Trung Đông và đặc biệt cảnh giác ảnh hưởng của IS tại khu tự trị Tân Cương, sau khi thủ lĩnh IS đe dọa mở rộng cuộc chiến sang Trung Quốc. Ngoài ra, còn có mối liên hệ khác: Trung Quốc có lợi ích kinh tế lớn tại Iraq, sở hữu 20% giếng dầu tại Iraq.
Trong một chiến dịch chống khủng bố gần đây, Trung Quốc cho biết đã bắt 380 cá nhân, xử tử 13 người, phá vỡ 32 nhóm khủng bố và thu hồi 264 phương tiện gây nổ với 3,15 tấn thuốc nổ.
Đặc phái viên Trung Quốc về Trung Đông, Vũ Sike, từng cho biết IS có lẽ đã chiêu mộ được khoảng 100 công dân Trung Quốc. Phần lớn trong số này là người Duy Ngô Nhĩ. Những phần tử khủng bố người Duy Ngô Nhĩ đã gây ra một loạt các vụ tấn công trên khắp lãnh thổ Trung Quốc thời gian gần đây: Hồi tháng 3, có vụ đâm người ở ga xe lửa Côn Minh, ngày 22/5 có vụ đánh bom tự sát tại phố chợ ở Thủ phủ Tân Cương, làm chết 39 người và bị thương 94 người, hồi 28/7 có vụ đụng độ với 59 nhân vật khủng bố tại phía nam Tân Cương.
Trong phiên họp gần đây của Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) - bao gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Tajikistan, Kyrgyzstan và Uzbekistan - các thành viên chia sẻ lo ngại về việc các công dân các nước này gia nhập IS tại Iraq và Syria quay trở về hoạt động phá hoại trong nước.
Báo mạng The Diplomat ngày 22/10 đưa tin, tổ chức khủng bố al-Qaeda đã gia nhập nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) và kêu gọi thánh chiến chống lại Trung Quốc ở Tân Cương. Thông báo được đưa ra bởi tổ chức truyền thông al-Sahab, cánh tay tuyên truyền của al-Qaeda trong số đầu tiên của tạp chí Hồi sinh bằng tiếng Anh.
Tạp chí này tập trung tuyên truyền mạnh vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên vấn đề đầu tiên được tổ chức này nêu ra lại là ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ đòi “Tân Cương độc lập”, với tên gọi “Đông Turkistan”. Hồi tháng 7, một trùm khủng bố IS, Abu Bakr Al-Baghdadi đã tuyên bố, quyền của người Hồi giáo đang bị xâm phạm ở Trung Quốc, Ấn Độ, Palestine, sau đó IS phát hành bản đồ "biên giới Nhà nước Hồi giáo" và Tân Cương đã bị đưa vào bản đồ này.
Al-Qaeda đưa ra 10 sự kiện, trong đó nhấn mạnh nhà nước lâu năm của người Hồi giáo ở Tân Cương đã tồn tại 763 năm trong 1000 năm lịch sử Hồi giáo của mình. Tờ báo của al-Qaeda nói rằng, trong năm 1949 có 93% dân số Tân Cương là người Duy Ngô Nhĩ và 7% là người Hán. Ngày nay 45% dân số Tân Cương là người Hán. Bài viết cho rằng việc giảng dạy kinh Qur'an có thể bị phạt tới 10 năm tù và phụ nữ đeo mạng ra đường bị phạt mức tiền gấp 5 lần thu nhập bình thường của người dân.
Nhóm al-Qaeda cũng tuyên bố Trung Quốc đã tiến hành không dưới 35 vụ thử vũ khí hạt nhân ở Tân Cương làm bụi phóng xạ giết chết khoảng 200 ngàn người Hồi giáo. Chỉ tính riêng trong năm 2008 đã có 20.000 trẻ sơ sinh bị dị dạng ở Tân Cương do ảnh hưởng của phóng xạ hạt nhân.
Tổ chức khủng bố này kêu gọi các tín đồ của mình cố gắng phá vỡ hoạt động vận chuyển hàng hải ua eo biển Hormuz và Malacca có vai trò trọng yếu đối với Trung Quốc và các nền kinh tế khác ở châu Á. Các quan chức Trung Quốc và chính quyền địa phương cũng đã ghi nhận sự gia tăng số lượng các công dân nước này du lịch đến Trung Đông để tìm cách gia nhập lực lượng chiến binh khủng bố.
Tuy nhiên, tạp chí The Diplomat ngày 4/8 cho rằng những vụ đàn áp tập thể người Duy Ngô Nhĩ có thể làm cho người Hồi Cương xa lánh Hán tộc và tăng tâm lý thù hận sắc tộc. Tác giả Zachary Keck cho rằng Trung Quốc “thất bại trong cuộc chiến chống khủng bố”./.
Tags:
Thế giới
Comments[ 0 ]
Post a Comment