Việt Nam mời Ấn Độ đến Đông Nam Á
Wednesday, October 29, 2014
Việt Nam kêu gọi Ấn Độ tích cực hỗ trợ quá trình giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Đông Nam Á. Đó là tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng trước thềm chuyến công du của ông đến đất nước Ấn Độ.
"Việt Nam hy vọng rằng Ấn Độ với ảnh hưởng ngày càng tăng của mình sẽ đóng góp tích cực vào sự nghiệp duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực của chúng ta và trên toàn thế giới", - hãng tin PTI của Ấn Độ dẫn lời tuyên bố của Thủ tướng Việt Nam.
Trong chuyến thăm bắt đầu vào ngày 27 tháng Mười tại New Delhi, ông Nguyễn Tấn Dũng dự định thảo luận về sự phát triển hợp tác quân sự-kỹ thuật của Việt Nam và Ấn Độ. Từ lâu cả hai nước đã hiệp lực thành công trong lĩnh vực quân sự. Các phi công và thủy thủ Việt Nam trải qua các khóa đào tạo tại Ấn Độ. New Delhi cung cấp đến Hà Nội phụ tùng dành cho các tàu chiến và cho Việt Nam vay gói tín dụng 100 triệu USD để mua sắm thiết bị và kỹ thuật quân sự. Việt Nam cũng bày tỏ sự quan tâm đến việc mua của Ấn Độ các tàu tuần tra tầm xa ngoài khơi. Còn Ấn Độ thì thể hiện quan điểm rõ ràng rằng chính Việt Nam có thể trở thành vị khách đầu tiên mua loại tên lửa hành trình diệt hạm có tốc độ siêu thanh Brahmos, sản phẩm độc đáo của Ấn Độ chưa hề có mẫu nào tương tự trên thế giới, - như nhận xét của nhà bình luận Vladimir Sherbakov từ báo Nga “Quan sát quân sự độc lập”.
"Ấn Độ từ lâu đã mở rộng hiện diện của mình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đông Nam Á tiếp giáp với khu vực các lợi ích quốc gia ở Ấn Độ Dương. Và khi phấn đấu đạt qui chế một cường quốc thế giới, Ấn Độ quan tâm đến việc củng cố liên hệ với các quốc gia của khu vực này. Sự phát triển các tiếp xúc theo tuyến hợp tác quân sự-kỹ thuật là một trong những phương pháp của chiến lược đó".
Tuy nhiên, sự xích gần của Ấn Độ và Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hợp tác quân sự-kỹ thuật, lại hàm chứa những tình tiết làm bùng phát quan hệ giữa Bắc Kinh và New Delhi. Trung Quốc có thái độ cảnh giác rõ rệt đối với viễn cảnh Ấn Độ mở rộng hiện diện trong vùng Biển Đông. Những cuộc tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đối với hàng loạt khu vực phong phú tài nguyên dầu mỏ trong vùng biển này đã dẫn đến sự cố ngoại giao. Tháng trước, khi tàu chiến INS Airavat của Ấn Độ đang theo hành trình trong vùng biển quốc tế để đến thăm hải cảng Việt Nam, thì Bắc Kinh đã đòi con tàu phải rời khu vực Biển Đông (Hoa Nam) mà Bắc Kinh gọi là “vùng biển Trung Quốc”.
BrahMos là loại tên lửa do Nga và Ấn Độ hợp tác sản xuất, đã được Ấn Độ thử nghiệm bắn từ tàu nổi, tàu ngầm và cả từ trên bộ, trên không. Với tầm bắn xa 290 km, tên lửa với những đặc tính đó có khả năng triệt hạ các mục tiêu trên biển, giúp đỡ hữu hiệu cho Hải quân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo đánh giá của các chuyên viên phân tích, Bắc Kinh có thể coi dự định của Ấn Độ cung cấp cho Việt Nam tên lửa BrahMos như là động thái thù địch rõ ràng của New Delhi. Tuy nhiên, điều đó khó dẫn đến cuộc đối đầu của Ấn Độ và Trung Quốc, - như ý kiến tin chắc của chuyên viên Tatiana Shaumyan lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ từ Viện phương Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga).
“Trong trường hợp này, Ấn Độ chủ yếu xuất phát từ lợi ích riêng của mình ở Đông Nam Á. Nhưng đồng thời, đó là yếu tố nhất định tác động đến Trung Quốc, trong bối cảnh không yên ổn trên biên giới Ấn-Trung tại Ladakh và Arunachal Pradesh. Cuối cùng, khả năng bán tên lửa cho Việt Nam là giao dịch thương mại. Ấn Độ rất chú ý để bản thân từ một khách hàng mua vũ khí sẽ trở thành nhà bán vũ khí”.
Theo quan điểm của các chuyên viên phân tích, đất nước Việt Nam mà Ấn Độ gắn bó bởi quan hệ đối tác chiến lược cũng là một trong những thành tố quan trọng then chốt làm cơ sở cho chính sách "Nhìn về hướng Đông» do nội các Narendra Modi đề xuất và theo đuổi. Mở rộng hiện diện chiến lược ở Đông Nam Á, Ấn Độ đang tích cực phát triển những hướng hợp tác mới mẻ với Việt Nam. Chẳng hạn, hiện giờ các bên đang thảo luận khả năng phóng lên quĩ đạo gần Trái đất chiếc vệ tinh Việt Nam bằng tên lửa đẩy của Ấn Độ. Còn tại thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam thì Ấn Độ sửa soạn tạo lập Trung tâm theo dõi vệ tinh, thu thập và xử lý dữ liệu thông tin.
Đài Tiếng Nói Nước Nga
Tags:
Biển Đông,
VietNam-India
Comments[ 0 ]
Post a Comment